Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành giáo dục năm 2021 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 28/8, nhiều địa phương đã đề xuất bổ sung biên chế giáo viên để đáp ứng việc dạy học trên địa bàn. Trong đó, Nghệ An đề xuất xin thêm gần 8.000 chỉ tiêu.
Vì thế, sau khi bài viết “Giáo viên hợp đồng lâu năm ở Đô Lương lo lắng vì tiêu chí tuyển dụng biên chế” được đăng tải, nhiều giáo viên ở Nghệ An chia sẻ về thắc mắc những thắc mắc của họ đến với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Nhiều giáo viên than thở rằng, họ cũng đang trong tình trạng như các giáo viên ở huyện Đô Lương được nói đến trong bài viết, liệu nếu tỉnh Nghệ An được cấp chỉ tiêu biên chế đợt này thì nguyện vọng vào biên chế của họ có được trở thành hiện thực.
Nhằm có thêm những thông tin về các chủ trương và phương án của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An trong việc giải quyết lượng giáo viên hợp đồng lâu năm gắn bó với giáo dục địa phương, phóng viên đã có cuộc trao đổi với thầy Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An để làm rõ về vấn đề này.
Thầy Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Nghean.gov.vn |
Lý giải về con số gần 8.000 chỉ tiêu biên chế giáo dục mà tỉnh Nghệ An đề xuất xin thêm trong năm học này, thầy Thành cho biết: “Trong gần 8.000 biên chế mà tỉnh Nghệ An đề xuất thì có khoảng 2.500 chỉ tiêu giáo viên mầm non đáng lý là theo diện hợp đồng. Tuy nhiên, từ năm học này Chính phủ giao cho địa phương tự cân đối ngân sách để trả lương cho giáo viên thuộc đối tượng hợp đồng đó.
Nhưng trong bối cảnh, tình hình địa phương còn nghèo, vẫn đang rất khó khăn về tài chính trong việc chủ động chi trả lương cho số lượng giáo viên hợp đồng nói trên nên thực tế con số 2.500 giáo viên này là chúng tôi đề xuất xin bổ sung vào luôn nhằm giảm tải một phần kinh phí chi trả của địa phương. Trên thực tế, nói đúng là biên chế năm nay Nghệ An cũng chỉ thiếu khoảng gần 6.000 biên chế với các cấp học”.
Nêu ý kiến về việc, một số địa phương của Nghệ An hiện có lượng giáo viên hợp đồng lâu năm nhưng các địa phương không xem xét giải quyết cho những trường hợp này vào biên chế mà vẫn tuyển thêm biên chế mới từ các địa phương khác, vị lãnh đạo này cho biết, đây cũng là trăn trở và suy nghĩ rất lớn từ khi thầy chuyển sang vai trò làm Giám đốc Sở Giáo dục.
Thầy Thành cho biết thêm: “Hiện tại, mọi công việc liên quan đến tuyển dụng giáo viên của các địa phương thì phía tỉnh sẽ có công văn hướng dẫn các Uỷ ban nhân dân huyện dựa theo các hướng dẫn của Bộ Nội vụ, còn Giám đốc Sở Giáo dục trên nguyên tắc phân cấp sẽ không được quyền tuyển dụng, không được quyền bổ nhiệm giáo viên Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.
Nhưng trên thực tế, về con người hoặc toàn bộ chất lượng chuyên môn thì Giám đốc Sở phải chỉ đạo và chịu trách nhiệm. Thậm chí, khi đi học một học sinh bị sứt đầu, mẻ trán hoặc trường mầm non, tiểu học nào có hoạt động thu sai, chi sai thì người dân cũng gọi điện cho Giám đốc Sở Giáo dục, có việc gì liên quan đến giáo dục thì Giám đốc Sở Giáo dục cũng đều chịu trách nhiệm cả.
Tuy nhiên, khi tuyển dụng giáo viên hoặc bổ nhiệm Hiệu trưởng, Hiệu phó cho các địa phương đó thì hiện tại, tỉnh vẫn giao trách nhiệm này cho các Uỷ ban ban nhân dân cấp huyện được quyền quyết định.
Chưa kể, việc tuyển dụng biên chế giáo dục cho các địa phương như thế nào thì Sở Nội vụ cũng đang là đầu mối quyết định, chứ không phải là Sở Giáo dục nên nhiều lúc vẫn có những bất cập.
Mặc dù Sở Giáo dục không có thẩm quyền trong việc tuyển dụng, nhưng đã là giáo viên đứng trong ngành giáo dục của tỉnh thì chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho họ.
Trong sự việc, một số địa phương ở Nghệ An dù đang có lượng giáo viên hợp đồng thâm niên hơn chục năm dôi dư nhiều, nhưng huyện vẫn tuyển thêm nhiều biên chế giáo viên mới khác thì Sở Giáo dục cũng đã có báo cáo với Chủ tịch tỉnh rồi. Thực tế, việc địa phương khi tuyển dụng có nêu ra các yêu cầu này, điều kiện kia không rõ ràng, gây khó khăn khi đưa đội ngũ giáo viên có thâm niên này vào biên chế cũng đã được đồng chí Bí thư và Chủ tịch tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt.
Dù không có thẩm quyền trong công tác tuyển dụng nhưng là người đứng đầu ngành giáo dục của một tỉnh, tôi phải có trách nhiệm báo cáo cho lãnh đạo tỉnh nắm được tình hình của một số địa phương đang có cách làm như thế. Qua nắm bắt được tình hình, các đồng chí Bí thư và Chủ tịch tỉnh cũng đã có chỉ đạo các huyện có phương án giải quyết những trường hợp như thế rồi”.
Nêu lên góp ý để các địa phương có thể giải quyết hài hoà nhân lực giáo dục trong địa bàn, thầy Thành bày tỏ: “Nếu cần thiết, các huyện nên xây dựng và hoàn thiện các bộ tiêu chí. Đối với những trường hợp giáo viên dạy hợp đồng có thâm niên công tác lâu năm thì Chủ tịch tỉnh cũng chỉ đạo là cần xem xét, từng bước bố trí để đưa họ vào biên chế trước.
Điều này vừa đảm bảo giá trị nhân văn tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta dành cho sự nghiệp giáo dục vừa là ghi nhận sự đóng góp, cống hiến lâu năm của những giáo viên đó với ngành giáo dục tỉnh.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều khó là chỉ tiêu viên chức hàng năm cấp cho tỉnh vẫn còn đang rất hạn hẹp, rất khó để chuyển những trường hợp đó vào biên chế ngay trong một sớm một chiều được.
Vì thế, để đảm bảo cho việc, trong tương lai tất cả các giáo viên trong tỉnh đều được vào biên chế thì lãnh đạo tỉnh cũng đã có chỉ đạo đó là, khi huyện nào được cấp chỉ tiêu biên chế thì cần ưu tiên cho những giáo viên hợp đồng lâu năm ấy vào biên chế trước”.
Chia sẻ về một số cách làm tiêu biểu trong bộ tiêu chí liên quan đến việc giải quyết vào biên chế cho giáo viên hợp đồng có thâm niên, được Sở Giáo dục xây dựng và tham mưu, thầy Thành cho biết: “Thực ra, việc xây dựng bộ tiêu chí liên quan đến các đối tượng này cũng đã được chúng tôi tham mưu và trình lên lãnh đạo tỉnh và gửi cho lãnh đạo các huyện để xem xét.
Vì thế, sự việc như phóng viên phản ánh thì trong toàn tỉnh cũng chỉ còn một vài huyện mới “nóng” như thế. Còn hầu như các huyện khác họ giải quyết “bài toán” này rất ổn thoả. Vì khi họ xây dựng và thực hiện theo bộ tiêu chí này thì sẽ xác định được: Thâm niên công tác, trình độ, đóng góp, giáo viên giỏi, chiến sỹ thi đua, sáng kiến kinh nghiệm hoặc thuộc gia đình chính sách như thế nào thì sẽ có cơ sở để đối chiếu.
Theo đó, trong tiêu chí sẽ quy ra thành thang điểm số, ai sở hữu nhiều tiêu chí thì được nhiều điểm hơn và sẽ được xem xét cho vào biên chế sớm hơn, ai thấp điểm hơn thì lùi lại vào các đợt sau. Như vậy, dần dần những đối tượng này sẽ được vào biên chế cả.
Việc này chúng tôi cũng đã từng bước cho xây dựng hoàn thiện, trên tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh với các huyện thì việc tuyển dụng biên chế với những giáo viên hợp đồng lâu năm ở địa phương ấy cũng sẽ từng bước trơn tru hơn”.