Công việc giống nhau, lương giáo viên các hạng có thể chênh hơn 10 triệu đồng

15/02/2022 06:40
MINH KHOA
GDVN- Công việc như nhau, chênh lệch lương giữa các hạng đến hơn 10 triệu đồng thì liệu có công bằng, hợp lý?

Việc chia hạng giáo viên bắt nguồn từ Luật Viên chức, đã được cụ thể hóa trong chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT và gần nhất là chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT (hiện nay có nơi áp dụng nơi không) đã bộc lộ hàng loạt bất cập, bất công, gây bức xúc cho giáo viên.

Vì sao giáo viên chưa đồng thuận việc chia hạng giáo viên?

Trong bài viết “Bộ chia 3 hạng giáo viên là phù hợp, không cào bằng, khỏi sống lâu lên lão làng” của tác giả Ngọc Giang cũng có lý của mình khi cho rằng việc chia hạng là hợp lý và thực tế mục đích của việc phân hạng giáo viên hạng cao thì làm việc hiệu quả hơn, được ghi nhận công sức bỏ ra và trả lương cao hơn, tránh cào bằng,…

Nhưng thực tế, việc triển khai thì gặp nhiều bất cập đã được phản ánh qua loạt bài viết được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian qua.

Hầu hết ý kiến giáo viên đồng nghiệp mà người viết tiếp xúc hoặc đọc được đều không đồng tình với cách xếp lương, chia hạng hiện nay bởi vì rất nhiều nguyên nhân như bổ nhiệm hạng không hợp lý, giáo viên giỏi hạng thấp, không có công cụ đánh giá các hạng, giáo viên được bổ nhiệm hạng cao thì suốt đời ở hạng đó mà không có cơ chế xuống hạng, giáo viên chạy theo thành tích thì được hạng cao,… nên việc bổ nhiệm hạng hiện nay tại các cơ sở giáo dục chủ yếu “hên, xui”.

Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn

Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn

Thực tế, việc quy định nhiệm vụ giáo viên hạng cao như biên soạn tài liệu, chấm sáng kiến,… chỉ là nhiệm vụ tạm thời khi được phân công không phải là những nhiệm vụ thường xuyên, không mang lại hiệu quả giáo dục.

Xếp lương, chia hạng hàng triệu giáo viên cả nước mà mang tính chất “hên, xui” thì liệu có nên tồn tại? Vì thế, đa số giáo viên đề nghị bỏ xếp hạng là hợp lý, càng cố xếp hạng thì lại bộc lộ bất cập, bất công, khiến giáo viên thêm bất mãn, bức xúc.

Bên cạnh đó, cùng là giáo viên mà được gọi giáo viên hạng III cũng khiến giáo viên tâm tư, xã hội sẽ đánh giá như thế nào khi học sinh học với giáo viên hạng III?

Công việc na ná nhau nhưng chênh lệch lương đến 10 triệu đồng mỗi tháng

Khi chưa có công cụ đánh giá, chưa bố trí nhiệm vụ giáo viên các hạng khác nhau thì việc chia hạng giáo viên là khiên cưỡng, gây nhiều phiền toái, bức xúc trong giáo viên.

Như đã trình bày ở trên, việc quy định một số nhiệm vụ là tạm thời, còn tại các cơ sở giáo dục, sau khi bổ nhiệm xếp hạng thì cùng một cấp học, giáo viên thực hiện nhiệm vụ như nhau.

Ví dụ giáo viên trung học cơ sở hạng I hay hạng III đều dạy 19 tiết/tuần, đều có thể được phân công chủ nhiệm và các công việc khác giống nhau, có thể được bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó (nhiệm kỳ 1 năm), cùng được phân công nhiệm vụ khác như nhau, đánh giá thi đua như nhau, khen thưởng như nhau,...

Nói chung trong hoạt động nhiệm vụ, phong trào,... giáo viên hạng I hay hạng III đều giống nhau, không có bất kỳ phân biệt nào nên việc hạng I hưởng lương cao hơn nhiều so với hạng III là điều bất hợp lý rất lớn.

Có thể nhìn vào chênh lệch lương rất lớn dưới đây để thấy rằng công việc giáo viên na ná nhau nhưng chênh lệch lương quá lớn là một sai lầm trong xếp lương.

Đối với bậc mầm non, một giáo viên hạng III có hệ số lương 2,1 mỗi tháng nhận được lương cộng với phụ cấp ưu đãi ngành 35%, mức lương nhận được khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng, còn một giáo viên khác công việc như nhau nhưng ở hạng I có hệ số lương 6,38, phụ cấp ưu đãi 35%, phụ cấp thâm niên 30% thì lương có thể nhận được 15 triệu đồng mỗi tháng. Chênh lệch đến 11 triệu đông mỗi tháng, dù công việc như nhau.

Đối với bậc tiểu học và trung học phổ thông chênh lệch lương giữa hạng I, III cũng khá cao.

Công việc như nhau, chênh lệch lương giữa các hạng đến hơn 10 triệu đồng thì liệu có công bằng, hợp lý?

Khi chưa đánh giá đúng vai trò người thầy, chưa có công cụ đánh giá hiệu quả, chưa có thang, bảng lương phù hợp,… thì việc chia hạng giáo viên là khập khiễng, bất hợp lý nên được bãi bỏ càng sớm càng tốt.

Bỏ việc chia hạng trong ngành giáo dục lúc này không những giải tỏa bức xúc, bất công trong giáo viên mà còn trả lại công bằng cho những giáo viên giỏi, làm việc tốt hưởng lương hạng thấp trong thời gian qua.

Đồng thời, bỏ việc chia hạng cũng phù hợp với Luật Giáo dục và tiến tới trả lương theo vị trí việc làm theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương.

Người viết rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy nghiên cứu và dừng việc chia hạng, giáo viên làm việc hiệu quả thì được khen thưởng trong quá trình làm việc, giáo viên giữ chức vụ thì được hưởng thêm chế độ cán bộ quản lý, khi không còn giữ chức vụ thì cắt phụ cấp này.

Hiện nay, giáo viên được bổ nhiệm hạng I, II thì suốt đời hạng trên mà không có bất kỳ cơ chế nào xuống hạng khi không còn giữ nhiệm vụ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

MINH KHOA