Tôi thấy Bộ chia hạng giáo viên dẫn đến bất công, đấu đá nội bộ trong trường học

09/02/2022 06:50
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều thầy cô giáo thắc mắc nếu không còn làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, họ có phải xuống hạng hay không.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Trong đó, viên chức giảng dạy bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được chia làm 3 hạng: giáo viên hạng I, II, III.

Trước đó, theo Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập thì giáo viên bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập cũng được phân thành 3 hạng: giáo viên hạng I, II, III.

Giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thi thăng hạng. (Ảnh minh họa trên Baochinhphu.vn)

Giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thi thăng hạng. (Ảnh minh họa trên Baochinhphu.vn)

"Cuộc chiến" thăng hạng ở nhiều địa phương

Kể từ khi có sự ra đời của các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, các địa phương bắt đầu chuyển xếp hạng giáo viên trong các trường học từ các hạng cũ theo chùm thông tư liên tịch năm 2015 sang các hạng mới theo 4 thông tư này. Tuy nhiên việc chuyển xếp hạng ở nhiều địa phương lại rất khác nhau.

Có nơi chuyển tất cả giáo viên đang ở hạng I, hạng II cũ sang hạng I, hạng II mới; có nơi chỉ những giáo viên hạng I, hạng II cũ và đảm nhận chức tổ trưởng chuyên môn mới được chuyển sang hạng I, hạng II mới.

Cùng trong một địa phương nhưng mỗi trường học lại có cách chuyển xếp hạng giáo viên khác nhau nên xảy ra tình trạng giáo viên gửi kiến nghị, đơn thư đến các cơ quan quản lý.

Thậm chí có trường chỉ chọn một vài tổ trưởng trong khá nhiều tổ trưởng để xếp chuyển hạng… dẫn đến sự phân bì, so đo, chia rẽ trong đội ngũ nhà giáo. Có giáo viên cho rằng mình đủ điều kiện, năng lực, hơn đồng nghiệp mà tại sao họ được chuyển xếp hạng còn mình thì phải xuống hạng?

Cơ hội thăng hạng theo 4 thông tư mới phần nhiều dành cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn

Không phải cứ đủ điều kiện, năng lực chuyên môn là giáo viên có thể tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng. Có giáo viên hàng chục năm chờ đợi vẫn chưa có được cơ hội ấy vì địa phương không tổ chức kỳ thi hoặc xét thăng hạng.

Cơ hội được lên hạng lại càng bị thu hẹp khi Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng nêu rõ:

"Giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

1. Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.[...]"

Nghĩa là, nếu nhà trường chỉ cần 1 vị trí việc làm (tổ trưởng hoặc tổ phó chuyên môn) thì mới cử giáo viên đang ở hạng III mới được tham gia thi hoặc xét thăng hạng II.

Trường hợp nhà trường chưa có nhu cầu về vị trí việc làm thì giáo viên hạng III vẫn sẽ nằm ở hạng III, không phải giáo viên có nhu cầu, có đủ điều kiện muốn tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng lúc nào cũng được.

Tổ trưởng, tổ phó bổ nhiệm hằng năm

Với vị trí phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng khi đã có quyết định lên chức thì gần như là mặc định sẽ ngồi ghế lãnh đạo cho đến lúc về hưu (chỉ khi nào bị vướng vào kỷ luật mới thôi).

Còn vị trí tổ trưởng (tổ phó) chuyên môn là do hiệu trưởng bổ nhiệm trong năm học ấy. Qua năm học mới thì việc giữ lại hay bổ nhiệm người khác vào vị trí này phụ thuộc vào hiệu trưởng.

Trong thực tế, không phải giáo viên nào có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình với công việc, hơn hẳn nhiều thành viên trong tổ đều được đảm nhận vị trí tổ trưởng chuyên môn.

Hiệu trưởng giỏi, công tâm thì biết bổ nhiệm người giỏi. Hiệu trưởng đặt quyền lợi của cá nhân mình trên hết lại tìm người biết nghe lời để dễ sai bảo và bảo vệ mình. Bởi thế, không phải tổ trưởng nào cũng giỏi hơn tổ viên.

Một đồng nghiệp của tôi là cô giáo X. (đề nghị không nêu tên) là tổ trưởng chuyên môn một trường trung học cơ sở. Tổ của cô ấy năm nào cũng đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Học sinh của cô đạt giải cao trong các kỳ thi, cuối năm cô luôn vượt chỉ tiêu nhà trường giao. Giáo viên của tổ nhiều người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản thân cô tổ trưởng đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Nghĩa là cô ấy không chỉ là giáo viên gương mẫu còn là một tổ trưởng tốt và có uy tín với đồng nghiệp. Thế nhưng, qua năm học mới, nhà trường đã thay vị trí của cô bằng một giáo viên khác (cô giáo H. vốn là học trò của cô X. và là người cô X. hướng dẫn tập sự khi mới ra trường).

Nếu xét về năng lực so với cô tổ trưởng X. thì giáo viên trẻ kia theo cách nói của nhiều thầy cô giáo là “không có cửa để so sánh”. Tuy thế, giáo viên cùng trường ai cũng thấy rõ nhất là năng lực có hạn nhưng cô H. lại rất khéo ngoại giao, rất thân với phó hiệu trưởng chuyên môn của trường.

Khi thay vị trí tổ trưởng, nhà trường chỉ thông báo ưu tiên lớp trẻ, tạo cơ hội cho lớp trẻ thể hiện và khuyên cô X. nghỉ ngơi vì 5 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu.

Trong đợt xét thăng hạng vừa qua, cô giáo H. do đang làm tổ trưởng chuyên môn nên đã được xét chuyển ngay từ giáo viên trung học cơ sở hạng II (cũ) sang hạng II (mới) còn cô giáo X. đã lọt vào danh sách giáo viên trung học cơ sở hạng III vì thiếu nhiệm vụ.

Bất công đã xảy ra ngay trong tổ chuyên môn ấy. Cô giáo X. một giáo viên kỳ cựu về chuyên môn, một tổ trưởng chuyên môn nhiều năm liền, với bề dày thành tích hàng chục năm là chiến sĩ thi đua cơ sở, danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh nhiều năm nhưng nay phải thua chính học trò của mình mới lên tổ trưởng được 2 năm cũng chưa có thành tích gì nổi bật.

Học trò của cô X. đã trở thành giáo viên trung học cơ sở hạng II còn cô chỉ là giáo viên trung học cơ sở hạng III. Nếu người ngoài nhìn vào ai chẳng nghĩ cô X. kém cỏi lắm nên mới ở hạng thấp nhất còn cô học trò kia phải giỏi lắm mới hơn đứt cô giáo cũ của mình.

Thế nhưng chuyện này vẫn chưa là gì so với trường hợp của thầy giáo Hồ Minh Quý, giáo viên tiểu học tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai hơn 30 năm là cán bộ quản lý giờ phải xuống hạng III thua cả học trò, thua cả giáo viên của mình chỉ vì thầy không học chứng chỉ.

Nếu không còn làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn có phải xuống hạng?

Nhiều thầy cô giáo thắc mắc, nếu giáo viên không còn làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn có phải xuống hạng?

Ví như, cô giáo A. hiện đang làm tổ trưởng chuyên môn một trường học. Trong đợt xét chuyển xếp hạng theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì cô giáo A. đủ điều kiện chuyển xếp sang hạng II mới.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm học sau, cô giáo A. không còn làm tổ trưởng chuyên môn nữa mà chỉ là giáo viên bình thường. Cô A. có bị giáng xuống hạng III?

Nếu lục tung các quy định trong một số thông tư về chuyển xếp hạng giáo viên tuyệt nhiên không tìm thấy những gì liên quan đến việc giáng hạng. Nghĩa là, cô giáo A. vẫn sẽ là giáo viên hạng II.

Thế nhưng, cô giáo A. cũng không phải làm những nhiệm vụ của giáo viên hạng II trong chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mà cũng chỉ là những giáo viên bình thường thuộc hạng III như nhiều thầy cô giáo khác.

Thế là, ngay trong tổ chuyên môn đều là giáo viên như nhau nhưng có người là giáo viên hạng I, người là giáo viên hạng II, người lại là giáo viên hạng III.

Dù là giáo viên hạng mấy thì các thầy cô giáo này cũng đều thực hiện nhiệm vụ như nhau là giảng dạy và giáo dục học sinh, vẫn thực hiện một chỉ tiêu chất lượng nhà trường giao như nhau, vẫn thực hiện các hoạt động giáo dục cùng nhau. Tuy nhiên mức lương nhận được lại khác nhau, bảo sao không có sự phân bì, so đo cho được.

Vẫn còn nhiều cách đánh giá năng lực và phân cấp giáo viên

Cho đến tận bây giờ, nhiều nhà giáo chúng tôi vẫn chưa lý giải được Bộ Giáo dục phân hạng giáo viên để làm gì? Nếu để giáo viên có động lực phấn đấu bằng đồng nghiệp thì không cần phải phân chia theo hạng.

Không phân hạng giáo viên theo các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì nhà trường vẫn có nhiều cách để đánh giá giáo viên. Đó là việc thông qua các kỳ thi giáo viên giỏi, giáo viên dạy giỏi. Giáo viên có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi.

Giáo viên có nhiều biện pháp kèm học sinh yếu kém tiến bộ. Rồi chất lượng giáo dục, rèn luyện của lớp được đồng nghiệp ghi nhận, nhận được sự tín nhiệm của phụ huynh… những điều này sẽ dễ dàng chứng minh với đồng nghiệp về năng lực thật sự của mình.

Bộ cần có những đãi ngộ xứng đáng như nâng mức tiền thưởng cho giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong giảng dạy, ghi nhận bằng cách vinh danh hàng năm, đề xuất nâng lương trước thời hạn…

Đạt được những điều ấy phải thật sự nỗ lực từ bản thân nên người đạt được sẽ vô cùng xứng đáng, nó khác xa cái kiểu may mắn, hên xui do có chứng chỉ, bằng cấp đúng thời điểm nên được chuyển xếp hạng hay do mới được ưu ái xếp vào vị trí tổ trưởng chuyên môn (trừ những người thật sự xứng đáng).

Vì thế, bỏ xếp hạng giáo viên theo các thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT cũng như dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm ở trường phổ thông, trong đó viên chức giảng dạy bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông mà Bộ Giáo dục vừa công bố là hoàn toàn hợp lý.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên