Vai trò nhà trường, trách nhiệm người thầy ở đâu trong công cuộc đổi mới?

21/09/2021 06:29
Thùy Linh (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người thầy thành công thì không chỉ đào tạo được học trò giỏi kiến thức mà còn có đạo đức, lối sống chuẩn mực, có ích cho cộng đồng, xã hội.

LTS: Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 của ngành giáo dục và đào tạo, khi đề cập đến phương châm giáo dục “lấy người học làm trung tâm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính có gợi ý bổ sung thêm “lấy nhà trường làm nền tảng” và “lấy thầy cô làm động lực”.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Hồng Đức để lắng nghe ý kiến của ông.

PV: Quan điểm của ông về việc “lấy nhà trường làm nền tảng” như thế nào?

Phó giáo sư Lê Viết Báu: Trước hết cá nhân tôi hoàn toàn thống nhất với gợi ý của Thủ tướng. Nhà trường, gia đình và xã hội là 3 thành tố tạo nên môi trường giáo dục hoàn chỉnh. Trong quá trình phát triển của nước ta hiện nay, học sinh, nhất là học sinh ở cấp học mầm non, phổ thông có thời gian hoạt động tại nhà trường chiếm chủ yếu. Do vậy, nhà trường ngày càng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục học sinh.

Mặc dù gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi học sinh, giáo dục cho các em những hành vi ứng xử ban đầu, là trải nghiệm của các em trong quá trình hình thành phát triển nhân trong một "tế bào" của xã hội mà ở đó họ luôn được yêu thương, đùm bọc.

Tuy nhiên, môi trường này chỉ chiếm khoảng thời gian rất ngắn, hơn nữa cha mẹ không có nhiều thời gian cũng như phương pháp sư phạm trong việc giáo dục các em nhất là ở giai đoạn sau này. Vì vậy, gia đình trao gửi niềm tin của mình vào các thầy cô, nhà trường.

Khi trở thành sinh viên, các em đã tiếp xúc nhiều hơn với xã hội bên ngoài, cũng đã chịu trách nhiệm trước pháp luật. Lúc này xã hội sẽ tác động lớn đến hành vi của các em. Trường đại học lúc này không chỉ là một môi trường văn hóa mà còn là một môi trường tiền nghề nghiệp, nghĩa là môi trường chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai của sinh viên. Do đó, đây lại còn là nền tảng cho sự hình thành hành trang cho các em bước vào cuộc sống độc lập sau này. Nhà trường do đó trở thành cầu nối để các em có thể tiếp cận với xã hội theo đúng nghĩa của nó.

Với những lý do trên, tôi nhất trí rằng trong xu thế mới của giáo dục và đào tạo, nhà trường sẽ là môi trường rất quan trọng, là nền tảng cho quá trình giáo dục học sinh.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Hồng Đức (ảnh: NVCC)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Hồng Đức (ảnh: NVCC)

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh hơn về vấn đề hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh bởi đây đang là vấn đề hết sức quan trọng. Cần phải hiểu rằng nhà trường ở đây không phải chỉ là những tòa nhà, lớp học, phòng thí nghiệm với các thiết bị dạy học,... đáp ứng đầy đủ các điều kiện vật chất là có thể tạo kiến thức nền tảng cho học sinh, mà quan trọng hơn đó là một cộng đồng, một xã hội thu nhỏ với các giá trị văn hoá, niềm tin, và các quy tắc đạo đức.

Ngoài ra về thiết chế xã hội thì nhà trường là một tổ chức, được vận hành theo các quy định của pháp luật và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vì vậy, mọi cá nhân trong trường không thể có những hành vi hay thái độ nào đi trái với những quy định chung đó. Chính các giá trị văn hóa, niềm tin và các quy tắc đạo đức và các hành vi trong hoạt động của nhà trường như là một nền tảng để hình thành nên nhân cách của mỗi học sinh.

Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy môi trường giáo dục của nhà trường tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách và khả năng tiếp thu của học sinh. Một ngôi trường hạnh phúc thì ở đó mỗi học sinh cảm nhận được sự yêu thương, tôn trọng, sự quan tâm, sẻ chia và hỗ trợ, từ mỗi thầy cô, bạn bè, khiến cho họ cảm thấy mình là một phần không thể thiếu trong lớp học nói riêng và trong nhà trường nói chung.

Thêm vào đó tính công bằng, bình đẳng, thượng tôn pháp luật và các quy chế trong nhà trường được thực thi thì chắc chắn nhà trường sẽ nuôi dưỡng học sinh của mình trở thành những người có nhân cách tốt, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội.

PV: Trước những đòi hỏi đổi mới của giáo dục nước nhà, người thầy phải có những phẩm chất gì, thay đổi ra sao để phù hợp với sự phát triển, thưa ông?

Phó giáo sư Lê Viết Báu: Theo tôi, người thầy trước hết phải có đạo đức, tác phong chuẩn mực, có năng lực chuyên môn và thực tiễn, là tấm gương cho học sinh nói theo. Để có thể giáo dục học sinh người thầy cũng cần phải gần gũi, thấu hiểu, tôn trọng, tạo động lực, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để mỗi học sinh phát triển.

Một người thầy thành công là người thầy có những học trò không chỉ giỏi về học vấn mà còn có đạo đức, lối sống chuẩn mực, có ích cho cộng đồng, xã hội. Đây là giá trị vô cùng to lớn mà bất cứ người thầy chân chính nào cũng đều muốn đạt được.

Về vai trò của người thầy ở mỗi cấp học có sự khác nhau rất rõ rệt vì đặc trưng của lứa tuổi cũng như nhiệm vụ giáo dục của họ ở cấp học tương ứng. Ở cấp mầm non và tiểu học, việc hình thành nhân cách cho học sinh được đặt lên hàng đầu. Ở đây, ngoài việc dạy chữ, người thầy còn đóng vai trò như người thân của học sinh. Họ cần hết sức thương yêu học sinh của mình để có thể nhẫn nại, chịu khó, chịu vất vả để chăm lo cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Tiếc là chế độ đãi ngộ hiện nay còn khiêm tốn, đó là rào cản khiến nhiều thầy cô rất vất vả mới có thể đảm đương thật tốt được nhiệm vụ cao cả này.

Với cấp học cao hơn, người thầy có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, khuyến khích, định hướng phát triển cho mỗi cá nhân học sinh theo sở trường của họ. Không ai khác, chính người thầy sẽ phải là người lan tỏa và nuôi dưỡng đam mê của học sinh. Xin đừng yêu cầu tất cả các em phải giống nhau, học môn gì cũng giỏi. Khi bắt đầu ở cấp học phổ thông học sinh bắt đầu có những nhận thức và dần bộc lộ khả năng của bản thân mình.

Để làm được điều này, người thầy phải thường xuyên trao dồi kiến thức chuyên môn, nhất là những kiến thức liên ngành để có thể có kiến thức cơ bản toàn diện, có khả năng quan sát thực tiễn để có thể tạo hứng thú cho học sinh học tập thông qua việc kích thích trí tò mò, sáng tạo của học sinh trong quá trình khám phá thế giới xung quanh và thể hiện sở trường cá nhân của học sinh.

Để làm được điều này, giáo viên phải biết gắn bài học với thực tiễn nhưng theo cách thực tiễn đặt ra vấn đề như là nhu cầu của học sinh trong việc tìm hiểu thế giới xung quanh và giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Với giảng dạy đại học, người thầy như là một "đồng nghiệp" đi trước để dẫn dắt sinh viên của mình có thể tiếp thu được kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp. Lưu ý là "đồng nghiệp" ở đây là kỹ sư, bác sĩ... chứ không phải giảng viên.

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên không chỉ truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải khuyến khích và phát huy khả năng tư duy phản biện, tự học, tự nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo của sinh viên. Có như thế thì sinh viên mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Muốn vậy, người thầy cần phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận với sự phát triển của xã hội, đồng thời phải tham gia nghiên cứu khoa học, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong các hoạt động thực tiễn cũng như quá trình phát triển của xã hội, góp phần phát triển khoa học và công nghệ thúc đẩy xã hội phát triển.

Nhân đây tôi cũng cần phải nói thêm rằng để đổi mới giáo dục, chính sách cho giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ thầy cô nhiệt huyết, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Một minh chứng rất rõ ràng là mới đây thôi, khi có chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm cả học phí và chi phí sinh hoạt, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điểm tuyển sinh của các ngành sư phạm năm nay đã tăng lên rất rõ rệt.

Đơn cử, điểm chuẩn vào ngành sư phạm Văn chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức đã lên tới 30,5 điểm (thang điểm 30 có cộng ưu tiên), thuộc nhóm điểm chuẩn cao (năm trước là 29,25 điểm). Có được điều này không chỉ là do chính sách hỗ trợ nói trên của Chính phủ mà còn có thêm chính sách ưu tiên tuyển dụng số sinh viên chất lượng cao này của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thông qua đề án đào tạo chất lượng cao một số ngành sư phạm của trường (được thực hiện cho sinh viên tốt nghiệp từ năm 2022-2030).

Qua đây cho thấy lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thấu hiểu và ban hành chính sách đúng hướng và hiệu quả. Có lẽ đây cũng là một gợi ý cho việc xây dựng và ban hành chính sách giáo dục như là một trong những giải pháp quan trọng giúp cho việc đổi mới giáo dục và đào tạo của chúng ta sớm thành công.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Linh (Thực hiện)