Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai lấy ý kiến trong toàn thể giáo viên.
Ở nhiều trường tư thục, người ta đâu cần xếp hạng, phân hạng giáo viên nhưng việc đánh giá năng lực, lòng nhiệt tình của mỗi thầy cô đều rất chính xác.
Hàng năm, giáo viên vẫn phải minh chứng về các mức xếp loại đạo đức của mình (Ảnh minh họa: Thanh An) |
Đề nghị bỏ yêu cầu phải có minh chứng trong việc xét thăng hạng giáo viên
Nếu việc phân hạng giáo viên vẫn thực hiện như chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, người viết xin được đề xuất bỏ quy định:
Giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ (giáo viên hạng II) trước khi bổ nhiệm vào hạng (phiếu khảo sát đang lấy ý kiến giáo viên).
Cả 4 cấp (giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông đều yêu cầu minh chứng cho từng nhiệm vụ).
Bài viết này lấy ví dụ: Đối với giáo viên tiểu học khi tham dự xét hoặc thi thăng hạng phải có những minh chứng về những nhiệm vụ đã được thực hiện như:
a) Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên.
b) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên.
c) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học.
d) Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên.
Minh chứng được gợi ý cho những nhiệm vụ trên gồm có:
- Quyết định/văn bản phân công nhiệm vụ/văn bản triệu tập của cấp có thẩm quyền;
- Sản phẩm nghiên cứu/sách/tài liệu bồi dưỡng/giáo án/kế hoạch giảng dạy được duyệt;
- Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn/biên bản có xác nhận của cấp có thẩm quyền thể hiện kết quả thực hiện nhiệm vụ của giáo viên;
- Thông báo kết luận thanh tra, kiểm tra/nhật ký thanh tra, kiểm tra có xác nhận của cấp có thẩm quyền theo quy định;
- Quyết định khen thưởng/văn bản ghi nhận về những đóng góp của giáo viên;
- Ngoài ra, giáo viên có thể cung cấp các minh chứng phù hợp khác thể hiện việc giáo viên đã thực hiện nhiệm vụ của hạng đăng ký dự xét và đạt kết quả.
Yêu cầu minh chứng về các nhiệm vụ bị trùng lặp và tạo gánh nặng cho nhà giáo
Để tập hợp được những minh chứng gợi ý nêu trên cũng không dễ dàng gì. Giáo viên phải photo các quyết định, văn bản phân công nhiệm vụ của nhà trường trong khi phần mô tả nhiệm vụ đã làm, giáo viên đã liệt kê trong hồ sơ. Khi nhà trường ký hồ sơ đã là công nhận những lời khai của thầy cô giáo ấy là đúng.
Yêu cầu phải có minh chứng về giáo án/kế hoạch giảng dạy đã được duyệt trong khi xếp loại cuối năm của giáo viên là hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nghiễm nhiên được hiểu hồ sơ sổ sách phải đạt tốt.
Yêu cầu phải có biên bản xác nhận của cấp có thẩm quyền thể hiện kết quả thực hiện nhiệm vụ của giáo viên cũng trở thành thừa.
Bởi vì, nếu giáo viên không hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục trở lên, sẽ không được làm hồ sơ xin xét thăng hạng (theo quy định của Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT), hoặc có làm cũng không có hiệu trưởng nào ký duyệt.
Thay vì phải photo Quyết định khen thưởng/văn bản ghi nhận về những đóng góp của giáo viên như cách làm hiện nay, hiệu trưởng chỉ cần ghi một dòng chữ xác nhận những nhiệm vụ, những thành tích mà thầy cô giáo ấy đã làm, đã đạt được và ký, đóng dấu là đạt yêu cầu.
Tóm lại, yêu cầu về minh chứng để khẳng định những lời khai trong hồ sơ của người dự thi là đúng nhưng không nên bắt giáo viên phải trưng ra làm bằng chứng những biên bản, giấy khen, giáo án, kế hoạch bằng cách photo kẹp vào hồ sơ …tất cả những yêu cầu này chỉ cần dòng chữ xác nhận của hiệu trưởng nhà trường là đủ.
Hiệu trưởng là người lãnh đạo cao nhất của nhà trường nên là người chịu trách nhiệm nếu để tình trạng giáo viên kê khai gian dối. Bởi thế, sẽ chẳng có hiệu trưởng nào dung túng cho giáo viên làm thế.
Hiện nay, hàng năm giáo viên đang tốn khá nhiều thời gian thu thập minh chứng bằng cách photo (hoặc chụp hình) các văn bằng chứng chỉ, các biên bản họp tổ, trường, các quyết định phân công nhiệm vụ… để phục vụ cho việc đánh giá và xếp loại công chức trên phần mềm TEMIS.
Bên cạch đó, còn minh chứng về trường chuẩn quốc gia với biết bao giấy tờ, hồ sơ, hình ảnh buộc giáo viên phải lục tìm kẹp vào hồ sơ. Nay, tiếp tục lo minh chứng để thăng hạng.
Những việc làm vô nghĩa này đã chiếm không ít thời gian của các thầy cô. Đề xuất bỏ minh chứng hoặc lấy lời nhận xét đánh giá của hiệu trưởng làm minh chứng chính là cách đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Vậy thì tại sao chúng ta không thực hiện?
Tài liệu tham khảo:
https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-34-2021-tt-bgddt-xet-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-pho-thong-79308.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.