Minh chứng được hiểu là cái được dẫn ra để làm căn cứ chứng minh hay minh chứng là chứng minh bằng sự việc cụ thể như nhiều người vẫn thường cho rằng, đó là kiểu “nói có sách, mách có chứng”.
Năm nào giáo viên cũng phải tải minh chứng lên phần mềm (Ảnh Đỗ Quyên) |
Trong cuộc sống, có những điều để làm tin, để chứng minh điều mình nói buộc phải cần minh chứng, tuy nhiên trong ngành giáo dục hiện nay người ta đang lạm dụng từ “minh chứng” để buộc giáo viên phải chứng minh những điều hiển nhiên, đôi khi quá rõ ràng trước mắt khiến cho các thầy cô giáo phải bỏ công sức để làm những điều thật vô nghĩa.
Giáo viên bội thực với yêu cầu tìm minh chứng
a/ Minh chứng cho trường học đạt chuẩn quốc gia.
Cứ mỗi đợt trường học nào đó chuẩn bị lên chuẩn, giữ chuẩn quốc gia thì giáo viên được huy động đến trường không biết bao nhiêu buổi chỉ để lục tìm hồ sơ lưu trữ ở các phòng thư viện, kế toán, phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng kẹp vào hồ sơ thẩm định.
Thôi thì vô vàn minh chứng phải tìm từ nhiều năm học (thực chất đã được nhà trường lưu giữ cẩn thận ở từng phòng ban) nay phải lôi ra để phô tô và kẹp vào hồ sơ.
Ngoài minh chứng bằng giấy tờ, kèm theo cả minh chứng bằng hình ảnh như yêu cầu chụp lại cổng trường, nhà vệ sinh, nhà để xe, thư viện, phòng đọc, phòng học, bàn ghế học sinh, phòng chức năng…
Trong khi đó, đoàn thẩm định chỉ cần đi một vòng quanh trường là có ngay kết quả mong muốn nhưng vẫn bắt giáo viên chụp, in ra kẹp vào hồ sơ mới được.
b/ Minh chứng cho việc đánh giá chuẩn giáo viên trên phần mềm temis
Yêu cầu giáo viên tìm minh chứng cho việc đánh giá chuẩn nhà giáo hàng năm là một trong những việc làm nhiêu khê, vô bổ nhất. Mỗi tiêu chuẩn có nhiều tiêu chí phải có minh chứng đi kèm. Có những điều hiển nhiên trước mắt chỉ cần lấy biên bản kiểm tra chuyên môn của tổ, của trường trong các đợt thi đua của năm là đủ nhưng vẫn bắt mỗi giáo viên phải chưng ra minh chứng mới được.
Ví như một năm, giáo viên sẽ có 4 lần được kiểm tra hồ sơ sổ sách, kết quả đã được ghi vào biên bản tổ, biên bản trường. Thế nhưng từng giáo viên vẫn phải liệt kê, chụp hình để đưa lên phần mềm cho đủ.
Có những yêu cầu lại vô cùng khó để đưa ra minh chứng như các tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo, lối sống, tác phong…
Yêu cầu minh chứng như thư cảm ơn, khen ngợi của cha mẹ học sinh/đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/các tổ chức cá nhân phản ảnh tích cực về giáo viên có phẩm chất đạo đức mẫu mực; hoặc hình ảnh, tấm gương giáo viên cùng nhà trường vượt qua những khó khăn (do thiên tai, bão lũ...) để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học.
Không mặc trang phục hoặc có lời nói phản cảm, không làm các việc vi phạm đạo đức nhà giáo…lấy gì để làm minh chứng mình không vi phạm những điều này?
Điều vô lý hết sức, đã dùng phần mềm đánh giá giáo viên mà mỗi năm lại yêu cầu giáo viên cập nhật lại các văn bằng, chứng chỉ để tải lên phần mềm.
c/Minh chứng cho hồ sơ xét hoặc thi thăng hạng
Sau rất nhiều bài viết về nỗi khổ, sự áp lực của giáo viên khi buộc phải đi tìm minh chứng được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo viên hy vọng rằng những bài viết phản ánh từ thực tế, chính là tiếng lòng của các nhà giáo sẽ được Bộ Giáo dục quan tâm để điều chỉnh cho phù hợp.
Tuy thế, Thông tư 34/2021/TT- BGDĐT vừa mới ban hành ngày 30/11/2021 vừa qua lại làm nhiều nhà giáo thất vọng khi làm hồ sơ xét hoặc thi thăng hạng, giáo viên phải chuẩn bị cả “núi” minh chứng vô bổ.
Thông tư gợi ý minh chứng về các nhiệm vụ của hạng II mà giáo viên đã thực hiện và đạt kết quả:
- Quyết định/văn bản phân công nhiệm vụ/văn bản triệu tập của cấp có thẩm quyền;
- Sản phẩm nghiên cứu/sách/tài liệu bồi dưỡng/giáo án/kế hoạch giảng dạy được duyệt;
- Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn/biên bản có xác nhận của cấp có thẩm quyền thể hiện kết quả thực hiện nhiệm vụ của giáo viên;
- Thông báo kết luận thanh tra, kiểm tra/nhật ký thanh tra, kiểm tra có xác nhận của cấp có thẩm quyền theo quy định;
- Quyết định khen thưởng/văn bản ghi nhận về những đóng góp của giáo viên;
- Ngoài ra, giáo viên có thể cung cấp các minh chứng phù hợp khác thể hiện việc giáo viên đã thực hiện nhiệm vụ của hạng đăng ký dự xét và đạt kết quả.
Trong tất cả những gợi ý về minh chứng như trên, chúng tôi cho rằng có những minh chứng yêu cầu không cần thiết nhưng sẽ mang lại khó khăn cho giáo viên.
Ví như Sản phẩm nghiên cứu/sách/tài liệu bồi dưỡng/giáo án/kế hoạch giảng dạy được duyệt; Chẳng lẽ giáo viên phải phô tô giáo án/kế hoạch giảng dạy các nămđể nộp? Trong khi giáo viên nào đi dạy mà chẳng phải có giáo án, không có giáo án làm gì được xếp hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ để được dự thi (xét) thăng hạng?
Hay như minh chứng về Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn. Trong quy định về hồ sơ sổ sách của giáo viên đã được Bộ Giáo dục tinh giảm không còn cuốn sổ ghi chép chuyên môn. Nay yêu cầu lấy sổ ghi chép làm minh chứng, chẳng hóa ra giáo viên phải “đẻ” thêm cuốn sổ này nữa hay sao? Đó là chưa nói đến việc phô tô cả cuốn sổ ghi chép kẹp hồ sơ sẽ thế nào?
Minh chứng cần gọn nhẹ chính là giảm áp lực cho giáo viên
Nếu buộc phải cần minh chứng mới có cơ sở đánh giá, xếp loại chính xác giáo viên thì cần gọn nhẹ và linh hoạt. Ví như giáo viên đã được xếp loại hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ nghĩa là giáo viên ấy không có những vi phạm gì về cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp…vì thế, chỉ cần lấy kết quả xếp loại cuối năm của giáo viên là đầy đủ nhất.
Nếu giáo viên phải hoàn thành hồ sơ cho việc xét (thi) thăng hạng, chỉ cần hiệu trưởng ký vào hồ sơ xác nhận những điều giáo viên kê khai là đúng, cùng với kết quả xếp loại giáo viên cuối năm thì không nêu yêu cầu phải đưa ra minh chứng. Chữ ký, lời xác nhận của người đứng đầu đơn vị chính là minh chứng chuẩn xác nhất.
Khi sử dụng phần mềm đánh giá giáo viên chỉ yêu cầu các thầy cô giáo nhập thông tin về trình độ, bằng cấp, chứng chỉ một lần và lưu vào đấy, những năm học sau không yêu cầu phải liệt kê và chụp hình ảnh để làm minh chứng nữa.
Giảm áp lực cho giáo viên trong những việc làm không cần thiết chính là giúp cho cho các thầy cô giáo có thêm nhiều thời gian dành cho chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.