Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh về việc một số ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2021 nhưng trình tự xét duyệt tại Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành, cụ thể là quá trình bỏ phiếu tín nhiệm chưa được công khai, minh bạch.
Một ứng viên Giáo sư ngành Toán cho biết, hồ sơ của ông đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg. Tại phiên báo cáo khoa học tổng quan và trả lời chất vấn của hội đồng bằng tiếng Anh, ông đánh giá phần thể hiện của bản thân tương đối tốt. Tuy nhiên, ứng viên này không đạt 2/3 số phiếu từ các thành viên trong hội đồng và hiện tại vẫn chưa nhận được kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cụ thể từ Hội đồng Giáo sư ngành Toán học.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán cho rằng, ứng viên chưa đọc kỹ Quyết định 37/2018/QĐ-TTg bởi phần công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành là do Hội đồng Giáo sư Nhà nước quyết định và thực hiện.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa (giữa) - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán cho biết, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành là do Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố. (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) |
"Sau khi kiểm định hồ sơ, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Sau đó, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cụ thể mới được công khai. Việc chúng tôi thông báo cho ứng viên biết tỉ lệ phiếu được thông qua là đã rất linh động", Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa nhấn mạnh.
Khi phóng viên đặt băn khoăn về tính khách quan trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán học nêu quan điểm: "Bỏ phiếu tín nhiệm không giống như chấm điểm cho học sinh, sinh viên, cũng không thể có thang đánh giá được soạn thảo sẵn để dựa vào đó đánh giá ứng viên. Chắc chắn phải có ý kiến chủ quan của người bỏ phiếu.
Tôi lấy ví dụ như bầu đại biểu Quốc hội có 5 ứng cử viên đạt tiêu chuẩn, việc cử tri bầu ai là theo ý kiến chủ quan của họ. Tương tự, khi bỏ phiếu tín nhiệm đối với từng hồ sơ của ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư, các thành viên trong hội đồng cũng được phép đánh giá, nhận xét dựa trên quan điểm cá nhân".
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa, hồ sơ của của ứng viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg nhưng chất lượng công trình khoa học còn thấp, chưa đạt yêu cầu thì đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều ứng viên Giáo sư ngành Toán cũng như các ngành khác không đủ số phiếu tín nhiệm.
Cùng với bỏ phiếu tín nhiệm, thành viên trong Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành sẽ có phần đánh giá và kết luận về hồ sơ của ứng viên. Sau khi hoàn tất thủ tục, phiếu đánh giá này được niêm phong và gửi lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Nhiều ứng viên đăng bài trên các tạp chí chỉ để đủ số lượng
Chia sẻ thêm về sự việc một số ứng viên được đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư nhưng giới khoa học cho là không xứng đáng vì đăng bài trên các tạp chí giả mạo, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa cho biết: "Những trường hợp đăng bài trên các tạp chí không liên quan đến vấn đề nghiên cứu, thậm chí là tạp chí giả mạo thì Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành phải có trách nhiệm trong việc xác minh và giải trình".
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán học, rất nhiều ứng viên không chỉ đăng bài trên tạp chí giả mạo mà còn đăng trên các tạp chí chất lượng thấp, cốt chỉ để đủ số lượng đưa vào hồ sơ xét duyệt.
Để xử lý các trường hợp trên, Hội đồng Giáo sư ngành Toán học quy định thời gian ứng viên công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí giả mạo là năm thứ n. Theo đó, từ năm thứ n, n+1, n+2 thì hồ sơ của ứng viên sẽ không được chấp nhận để xét tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Đến năm n+3, hồ sơ đó mới được chấp nhận.
"Có trường hợp đến năm thứ n+3 nộp hồ sơ nhưng khi chúng tôi kiểm tra thấy lịch sử đăng bài trên các tạp chí chất lượng thấp, tạp chí giả mạo của ứng viên đó quá nhiều nên hội đồng tiếp tục phạt thêm một năm và không xét hồ sơ.
Chúng tôi đã có chính sách "tiêu diệt" những hồ sơ có dấu hiệu vi phạm liêm chính khoa học cách đây 15 năm. Bởi vậy, để được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ngành Toán khó từ trước chứ không riêng gì năm nay.
Vì có những quy định nghiêm ngặt nên hiện tại đối với ngành Toán học, gần như không còn hiện tượng ứng viên công bố bài trên tạp chí giả mạo, kém chất lượng", Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa cho biết thêm.