Ngày 25/9/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116).
Sự ra đời của Nghị định 116 là quá trình luật hóa chủ trương được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng (Nghị quyết 29) với quy định:
“Tạo cơ chế tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay để học”, nói cách khác Nghị quyết 29 định hướng sinh viên được vay tiền tại các tổ chức tín dụng và sau khi đi làm phải trả số tiền đã vay.
Nét mới của Nghị định 116 là quy định mức ưu đãi cho sinh viên sư phạm cao hơn quy định trong Nghị quyết 29 bởi Nghị định 116 quy định sinh viên sư phạm được hỗ trợ không hoàn lại sinh hoạt phí và học phí nếu khi ra trường các đối tượng này lựa chọn làm việc trong ngành giáo dục và đào tạo theo quy định.
Cụ thể Nghị định 116 quy định ngân sách nhà nước sẽ cung cấp cho sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục sư phạm hai khoản:
“a/ Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;
b/ Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường”.
Điều kiện ràng buộc là sinh viên sẽ phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí hỗ trợ nếu không thực hiện đầy đủ các quy định nêu tại điều 6, Nghị định 116.
Phải khẳng định đây là sự chuyển biến lớn trong việc biến chủ trương của Đảng thành chính sách cụ thể, là sự đầu tư không nhỏ của Nhà nước đối với ngành sư phạm. Tuy nhiên chính sách có thu hút học sinh giỏi bậc trung học phổ thông chọn ngành sư phạm thì cần một thời gian theo dõi và điều chỉnh nếu xuất hiện bất cập.
Ngoài học phí, sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng. Ảnh: TT |
Cụ thể thì sinh viên đại học sư phạm được hỗ trợ thế nào?
Ngoài hỗ trợ sinh hoạt phí, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí. Học phí được hỗ trợ phụ thuộc vào số tín chỉ trong mỗi học kỳ và quy định của cơ sở giáo dục sư phạm đối với mỗi tín chỉ.
Học phí của sinh viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội năm học 2020 – 2021 phụ thuộc vào khối học, khối khoa học xã hội là 250.000 đồng/tín chỉ, khối khoa học tự nhiên là 300.000 đồng/tín chỉ.
Tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, mức thu học phí quy định như sau:
“Sinh viên các ngành Sư phạm như: Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Lịch sử... sẽ được miễn phí chi phí đào tạo hoàn toàn.
Các ngành đào tạo ngoài sư phạm, học phí sẽ thu theo tín chỉ. Cụ thể:
Tín chỉ lý thuyết: 357.000 đồng/tín chỉ.
Tín chỉ thực hành: 378.000 đồng/tín chỉ…”.
Sau khi Nghị định 116 được công bố, sức hút vào ngành Sư phạm có chiều hướng gia tăng thể hiện qua số lượng thí sinh đăng ký vào ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
Năm 2021, tổng chỉ tiêu ngành này là 50.687, số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 64.318 người, đạt 126,54%. Nếu tính thêm các nguyện vọng khác thì số lượng đăng ký là 234.383 người, đạt 462,41%.
Nghị định 116 bước đầu đã giải quyết được khâu thu hút thí sinh theo học ngành Sư phạm, tuy nhiên câu chuyện tiếp theo, khi trở thành nhà giáo họ được ưu đãi thế nào vẫn còn bỏ ngỏ.
Bài viết này sẽ tập trung phân tích một số thuận lợi và bất cập từ việc thu hút thí sinh theo học ngành Sư phạm và chính sách đãi ngộ với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ nhất, thu hút người theo học ngành sư phạm
Ngày 29/4/2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116 về đào tạo giáo viên theo nhu cầu của các địa phương, với ba đầu cầu là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
“Một trong những nội dung chính của Hội nghị là thảo luận về dự thảo công văn của Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội được quy định tại Nghị định 116”. [1]
Những cố gắng của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa đến thành công trong hoạt động đào tạo đội ngũ nhà giáo hiện là điều chưa thể kết luận vì mọi việc chỉ mới bắt đầu, tuy nhiên không thể nói là không có vấn đề gì cần phải bàn luận.
Xét những biến động của quá trình đào tạo nhà giáo hơn nửa thế kỷ qua, có thể thấy đào tạo đội ngũ nhà giáo chưa được chú trọng đúng mức.
Vẫn còn tình trạng thí sinh quyết định nhập học tại các trường sư phạm sau khi đã “liệu cơm gắp mắm” và kết quả là sau ba, bốn năm, đất nước sẽ có hàng nghìn “nhà giáo dự bị”.
Những người “dự bị” này bằng cách nào đó vượt qua vòng tuyển chọn tại các địa phương sẽ chính thức trở thành nhà giáo. Dư luận đồn rằng không ít trường hợp ứng viên phải chuẩn bị phong bì chứa nhiều triệu đồng.
Thu hút thí sinh theo học ngành Sư phạm mới chỉ là sự khởi đầu của quá trình xây dựng đội ngũ nhà giáo, phần quan trọng nhất là giữ ổn định đội ngũ này và tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho họ. Điều này gắn với chế độ đãi ngộ nhà giáo so với mặt bằng chung toàn xã hội.
Nếu giải quyết được một cách đồng bộ cả hai vấn đề nêu trên thì chắc chắn ngành giáo dục sẽ có một đội ngũ nhà giáo đáp ứng mọi yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục.
Cần phải thừa nhận rằng với Nghị định 116, việc thu hút thí sinh theo học ngành Sư phạm đã tạo ra sức hút đáng kể cho những người yêu thích nghề dạy học, tuy nhiên không thể loại bỏ khả năng dù không thích nghề dạy học nhưng những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế vẫn lựa chọn trường sư phạm nhằm thực hiện giấc mơ đại học của gia đình chứ không phải của bản thân.
Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra số liệu dự báo:
“Cụ thể, tới năm 2021-2022, các tỉnh thành cả nước cần 59.000 giáo viên. Trong khi đó, khoảng 50% trong số 40.000 sinh viên sư phạm đã ra trường và dự kiến từ nay đến 2021 sẽ tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, muốn được làm đúng ngành đào tạo”. [3]
Dù năm 2021-2022 cần đến 59.000 giáo viên nhưng lại có tới 20.000 sinh viên sư phạm ra trường “chưa có việc làm, muốn được làm đúng ngành đào tạo”.
Bức tranh toàn cảnh vừa thừa vừa thiếu giáo viên này liệu có cho thấy việc thu hút người học sư phạm bằng các chính sách ưu đãi có gì đó cần phải cải tiến?
Thứ hai, sự đồng bộ của chính sách vĩ mô
Nghị định 116 được ban hành hình như không đồng bộ với một số chủ trương, chính sách khác, chẳng hạn Quyết định số 1292/QĐ-TTg ban hành ngày 24/08/2020 về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có các cơ sở giáo dục sư phạm.
Mặt khác, ngày 17/02/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg về lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiều ý kiến của chuyên gia và nhà quản lý giáo dục đều thống nhất phải tiến hành ngay việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học nói chung và sư phạm nói riêng trước khi đưa ra các chính sách vĩ mô khác.
Bắt đầu từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sẽ “rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục sư phạm bảo đảm hợp lý về quy mô, cơ cấu ngành nghề và phân bố vùng miền, đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của các địa phương”…
Đến đây thì xuất hiện một vấn đề, các cơ sở giáo dục sư phạm được địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc trúng thầu thì thời gian thực hiện hợp đồng ít nhất sẽ là 04 năm và nếu cơ sở đó thuộc diện phải “sắp xếp” theo các Quyết định số 1292/QĐ-TTg hoặc Quyết định số 209/QĐ-TTg thì hậu quả sẽ thế nào?
Khi cơ quan quản lý ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cùng liên quan đến một ngành hoặc một lĩnh vực, các chuyên gia chịu trách nhiệm hoàn thiện dự thảo có nên cân nhắc sự đồng bộ, có nên đề xuất lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ nào trước hay cứ vừa làm vừa “rút kinh nghiệm”?
Thứ ba, các phương thức nêu trong Nghị định 116:
Phương thức “giao nhiệm vụ” chỉ có thể áp dụng khi địa phương hoặc bộ/cơ quan ngang bộ là “chủ quản” của cơ sở giáo dục sư phạm, điều này đúng với các trường trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm.
Đây là cách làm cũ, khi cơ chế “chủ quản” vẫn còn được duy trì, nếu chủ trương “tự chủ đại học” được thực hiện đại trà thì sẽ không còn cơ quan chủ quản và do đó việc “giao nhiệm vụ” sẽ không còn phù hợp nếu không nói là phải loại bỏ.
Các địa phương - kể cả Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh - không thể giao nhiệm vụ đào tạo nhà giáo cho các đại học sư phạm (kể cả khi trường đóng trên địa bàn thành phố) mà chỉ có thể đặt hàng hoặc đấu thầu.
Phương thức “đặt hàng” các cơ sở giáo dục sư phạm đào tạo giáo viên có thể coi là cách làm truyền thống nên xin không bàn ở đây, vấn đề còn lại là “đấu thầu” đào tạo giáo viên.
Đã gọi là đấu thầu thì đơn vị nào bỏ thầu thấp nhất sẽ trúng thầu.
Người dân không phải là không biết các vụ đấu thầu làm đường cao tốc, đấu thầu đất Thủ Thiêm, đấu thầu mua kit xét nghiệm Covid-19,…
Vậy cơ quan đứng ra đấu thầu (Ủy ban Nhân dân?) nếu không dùng quyền “chỉ định thầu” thì dựa vào tiêu chí nào để đánh giá khả năng của đơn vị trúng thầu?
Phải chăng căn cứ duy nhất là kết quả kiểm định chất lượng giáo dục do 10 trung tâm kiểm định được cấp phép hoạt động công bố (07 trung tâm trong nước và 03 trung tâm nước ngoài)?
Nếu thế thì cũng nên biết rằng “Hiện nay số trường đại học, cao đẳng đã được kiểm định khoảng 50% và số trường đạt chuẩn lên đến hơn 96%. Ngoài ra, chính sách khen thưởng, xử phạt sau đánh giá vẫn chưa đủ mạnh. Hiện nay, chưa có trường nào bị đóng cửa, khiến tác động của kiểm định chất lượng bị hạn chế". [4]
Từ nhận định nêu trên, dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ chất lượng kiểm định giáo dục đại học và uy tín của chính các trung tâm kiểm định này.
Có câu “Tiền nào của nấy”, bỏ thầu thấp để trúng thầu là chiêu trò mà người Việt quá thấm thía sau các vụ đấu thầu có sự tham gia của doanh nghiệp đến từ Trung Quốc mà điển hình là tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Ngược lại, bỏ thầu cao rồi chạy làng như vụ đấu thầu đất Thủ Thiêm khiến cơ quan chức năng cho đến nay vẫn còn phải bàn luận hình thức xử lý.
Vậy nếu xảy ra chuyện bỏ thầu thấp với chất lượng đào tạo cũng thấp theo hoặc bỏ cao rồi chạy làng với lĩnh vực đào tạo giáo viên thì xử lý thế nào?
Vụ kít xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty Việt Á và các cơ quan Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Học viện Quân Y, các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) địa phương cho thấy không có cơ sở nào để phủ nhận rằng các cơ sở đào tạo sư phạm sẽ không “học lỏm” những gì đã và đang xảy ra trên thị trường.
Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên ban hành một quy chế đấu thầu thực sự nghiêm túc như là một văn bản đính kèm Nghị định 116?
Có nên thực hiện hình thức “đấu thầu” đào tạo giáo viên khi mà các cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm đấu thầu còn chưa hoàn chỉnh?
Thứ tư, sức thu hút của Nghị định 116
Ngày 22/6/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học (Thông tư 17).
Theo quy định tại các mục a, b khoản 2, điều 7 thì:
a) Chương trình đào tạo đại học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành;
b) Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.
Với quy định nêu trên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội học 120 tín chỉ sẽ được ngân sách hỗ trợ từ 30 triệu đến 36 triệu đồng tiền học phí trong suốt quá trình đào tạo.
Một khóa học (04 năm) gồm 8 học kỳ, mỗi học kỳ (khoảng 05 tháng) sinh viên phải hoàn thành khoảng 15 tín chỉ, tính ra mỗi tháng khoảng 3 tín chỉ. Như vậy bình quân mỗi tháng sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ học phí từ 750.000 đồng đến 900.000 đồng.
Tổng số tiền hỗ trợ cho sinh viên sư phạm dao động trong khoảng 4.380.000 đồng đến 4.530.000 đồng/tháng.
Với giáo viên hạng 3 bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, hệ số lương bậc 1 là 2,34 và tiền lương hàng tháng sẽ là 3.486.000 đồng.
Không khó để thấy lương bậc 1 của giáo viên hạng 3 (chưa cộng phụ cấp) thấp hơn khoản tiền nhà nước hỗ trợ sinh viên sư phạm để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (3,63 triệu đồng/tháng).
Nói cách khác, khoản tiền tối thiểu cần cho một sinh viên học tập trình độ đại học nhiều hơn lương mà nhà giáo nhận được theo thang bảng lương hiện hành và điều này có đồng nghĩa với kết luận, rằng lương nhà giáo là không đủ chi trả chi phí sinh hoạt cho bản thân chứ không phải cho cả gia đình?
Các khoản hỗ trợ của nhà nước chỉ kéo dài trong vòng 3, 4 năm khi sinh viên học tập trong trường, trở thành nhà giáo, nếu không được chuyển hạng (vẫn là hạng III) họ phải mất ít nhất khoảng 9 năm để đạt bậc 3 với mức lương là 4.470.000 đồng/tháng, đây là khoản thu nhập tương đương với tổng hỗ trợ của ngân sách cho sinh viên sư phạm (4.380.000 đồng đến 4.530.000 đồng/tháng).
Ảnh chụp màn hình báo vnexpress.net |
Liệu có xảy ra chuyện nhờ Nghị định 116 thí sinh hồ hởi vào học các trường sư phạm nhưng lại thất vọng khi trở thành nhà giáo?
Báo Vnexpress.net nêu câu hỏi: “Lương bao nhiêu để đủ sống ở mức tối thiểu”, bài báo nêu câu trả lời của người dân:
“Với tổng thu nhập khoảng 6 triệu, anh Quân phải giảm bớt “bữa ăn có thịt” trong tuần, hai năm không mua quần áo mới,… nhưng mỗi tháng vẫn phải vay 500 nghìn gửi về cho con”. [2]
Điều 1, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân như sau:
“Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng”.
Nhà giáo sau 9 năm làm việc thường đã có gia đình và con cái, mức lương bậc 3 (4.470.000 đồng/tháng chưa cộng phụ cấp ưu đãi) vừa đủ giảm trừ gia cảnh cho một người con và khi đó cha hoặc mẹ sẽ sống bằng gì?
Chính sách ưu đãi của Nghị định 116 có thể thu hút thí sinh vào học sư phạm nhưng có thực sự tạo nên chuyển biến đột phá cho việc thu hút thí sinh giỏi vào học các trường sư phạm sẽ cần câu trả lời từ chính người học chứ không phải từ người hoạch định chính sách.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7318
[2]https://vnexpress.net/luong-bao-nhieu-de-du-song-o-muc-toi-thieu-4441700.html
[3]https://vnexpress.net/hon-120-000-nguyen-vong-dang-ky-vao-nganh-su-pham-3742469.html
[4]https://baodautu.vn/viet-nam-co-10-to-chuc-kiem-dinh-chat-luong-dai-hoc-d145790.html