Hòa Bình: Ngân sách tỉnh không thể đủ để đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116

15/03/2022 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho hay, việc đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116 chưa có trong ngân sách dự toán của tỉnh, chưa thể đáp ứng.

Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải nhiều bài viết về việc đào tạo đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116 còn nhiều bất cập, do liên quan đến ngân sách, hay vướng mắc khi địa phương đặt hàng nhưng lại thực hiện tuyển giáo viên theo Nghị định số 115/2020...

Liên quan đến những vướng mắc xoay quanh Nghị định 116, ngày 14/3, trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết, vào ngày 15/12/2021, tỉnh Hòa Bình có văn bản số 2414 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

"Căn cứ vào nhu cầu thực tế, Sở đã đề xuất, tham mưu cho tỉnh về việc triển khai Nghị định số 116", Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho hay.

Một trong những nội dung được nêu tại văn bản số 2414 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh tư liệu)

Một trong những nội dung được nêu tại văn bản số 2414 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh tư liệu)

Theo nội dung văn bản số 2414, tỉnh Hòa Bình nêu một số khó khăn và vướng mắc khi triển khai Nghị định số 116. Đồng thời, tỉnh này cũng chưa triển khai Nghị định 116 trong năm học 2021-2022.

Cụ thể, văn bản đã nêu khó khăn về việc địa phương thực hiện tuyển dụng viên chức giáo viên theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, nhưng trong Nghị định này không quy định cụ thể ưu tiên cho đối tượng giáo viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ.

"Do vậy, tỉnh Hòa Bình không đảm bảo cơ sở cho việc tuyển dụng được số sinh viên do tỉnh đăng ký đào tạo theo Nghị định 16", trích văn bản.

Nội dung văn bản cũng nêu, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố đều tổ chức tuyển dụng viên chức bổ sung số biên chế còn thiếu, vì vậy cũng khó xác định được nhu cầu giáo viên.

Nghị định 116 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu, nhưng đang thiếu cơ chế ràng buộc chặt chẽ việc các địa phương phải thực hiện chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đã đề nghị; hệ quả dẫn tói việc ngân sách Trung ương sẽ phải tăng mạnh, kể cả đối với các trường trực thuộc tỉnh.

"Sau khi tính toán nhu cầu, nguồn kinh phí cần chi cho đặt hàng giáo viên là rất lớn, trong khi kinh phí của địa phương dành cho đào tạo giáo viên năm 2021 không thể đáp ứng (chưa có trong dự toán ngân sách của tỉnh)", Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình nêu khó khăn.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng đưa ra khó khăn khi thực hiện Nghị định 116, bởi tại khoản 1, Điều 6 quy định về Bồi hoàn kinh phí hỗ trợ và tại khoản 6, Điều 9 quy định về Thu hồi kinh phí bồi hoàn là không có tính khả thi.

Dựa trên những khó khăn đã nêu đối với năm học 2021-2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình chưa đăng ký đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116.

Trong những năm học tiếp theo, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức thực hiện việc rà soát, thống kê, nhu cầu đào tạo giáo viên, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp của địa phương theo từng trình độ, cấp độ, ngành học, từ đó xác định số lượng chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng (hoặc đấu thầu) đào tạo giáo viên theo hình thức chính quy cho từng năm tuyển sinh.

"Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể về biên chế giáo viên, nguồn kinh phí thực hiện, phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng, hoặc đấu thầu để tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Nghị định 116", Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình kiến nghị.

Theo như nội dung Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình nêu lý do khó khả thi khi thực hiện Nghị định 116, bởi tại khoản 1 Điều 6 quy định về Bồi hoàn kinh phí hỗ trợ:

1. Đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm:

a) Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp;

b) Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

Hay tại khoản 6, Điều 9 quy định về Thu hồi kinh phí bồi hoàn có nêu:

6. Sinh viên sư phạm hoặc gia đình không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan thu hồi kinh phí bồi hoàn có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định pháp luật.

Mạnh Đoàn