Việt Á và dấu hỏi về doanh nghiệp "sân sau"

13/03/2022 06:38
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự "giao duyên" với doanh nghiệp "sân sau" đã đem lại vụ lợi và lợi ích cá nhân cho người làm trong cơ quan nhà nước.

Liên quan vụ kít Việt Á, theo diễn biến mới nhất, ngày 4/3, Ủy ban kiểm tra trung ương đã xem xét kỉ luật đối với Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025.

Tiếp đó ngày 8/3, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn (phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự - Học viện Quân y) và Đại tá Nguyễn Văn Hiệu (trưởng phòng trang bị, vật tư thuộc Học viện Quân y).

Thượng tá Hồ Anh Sơn bị khởi tố về tội "tham ô tài sản", trong khi đại tá Nguyễn Văn Hiệu bị khởi tố tội "vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng".

Những cán bộ, lãnh đạo trên đều có liên quan đến vụ kit test Covid-19 của Công ty Việt Á.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho rằng, trước khi xảy ra vụ Việt Á, dư luận đã từng nhắc đến rất nhiều về vụ án Nhật Cường mobile, khi doanh nghiệp này là "sân sau" của ông Nguyễn Đức Chung, thời vị này còn làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.

"Nhật Cường Mobile đã đi đêm để doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ nhưng lại trúng thầu cung cấp phần mềm cho nhiều dịch vụ công của Thành phố Hà Nội.

Hay như vụ của bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương) có hàng triệu cổ phiếu của doanh nghiệp, nếu không có móc ngoặc thì làm sao nổi", ông Tiến chia sẻ.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) (Ảnh: VOV)

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) (Ảnh: VOV)

Theo ông Tiến, từng có lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã cảnh báo rằng: "Có những cán bộ không phải là chỉ có một, mà hai, ba, bốn, sân sau", đó là sự móc ngoặc giữa người lãnh đạo làm trong các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. Đây là sự "giao duyên" đem lại vụ lợi và lợi ích cá nhân cho người làm trong cơ quan nhà nước.

Đối với vụ Việt Á, vừa qua cơ quan điều tra cũng đã khởi tố một số cán bộ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và CDC một số tỉnh, chúng ta thấy đã thấy được mối quan hệ giữa cán bộ lãnh đạo làm trong cơ quan quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, khi mà doanh nghiệp sẵn sàng chi hoa hồng đến 20-30% cho lãnh đạo CDC địa phương.

"Việc có doanh nghiệp sân sau sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bởi lẽ các lãnh đạo sẽ chỉ hướng về sân sau, khi có vấn đề gì đó về đầu tư thì họ không đấu thầu rộng rãi mà chỉ chỉ định thầu.

Việc này vô hình chung làm cho các doanh nghiệp có tiềm năng lớn hơn, có năng lực hơn lại không được tham gia", ông Tiến nhận định.

Ông Lê Như Tiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự móc ngoặc là do sự buông lỏng của cơ quan quản lí nhà nước, trong khi chúng ta giăng "tai mắt" khắp nơi. húng ta có rất nhiều cơ quan giám sát nhưng "con voi vẫn chui lọt lỗ kim".

Thậm chí, chúng ta đã từng phát hiện và xử lý có những người trong cơ quan bảo vệ pháp luật còn tiếp tay cho hành vi phạm tội, vì vậy cần phải ngăn chặn ngay từ đầu và xử lí thật nghiêm để răn đe người chuẩn bị có hành vi pháp luật hoặc là tội phạm.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc sớm khi phát hiện sai phạm, bởi phòng cháy hơn chữa cháy. Đồng thời chúng ta phải phòng tham nhũng chứ không nên chạy theo để khắc phục, thu hồi sai phạm đó", ông Tiến nói.

Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến sự móc ngoặc là thiếu trách nhiệm của người đứng đầu, về việc phải giải trình trước cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Nguyên nhân thứ 3 là thiếu sự chịu trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Ví dụ như vụ Việt Á, cán bộ của Bộ Y tế vi phạm thì cơ quan chủ quản đó chính là lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ chịu trách nhiệm.

Trao đổi thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng) cho hay, những cán bộ, lãnh đạo liên quan đến vụ kit test Việt Á dần dần đều bị đưa ra ánh sáng.

Việc những cán bộ, lãnh đạo này bao che, tiếp tay cho Việt Á làm "sân sau" đã tạo cơ hội cho những kẻ này nâng giá thành sản phẩm, làm lũng đoạn thị trường. Bên cạnh đó là tạo ra tiêu cực, tham nhũng nên cần phải xử lí nghiêm.

Để ngăn chặn doanh nghiệp "sân sau" của các cán bộ quản lí cơ quan nhà nước, chúng ta cần phải thắt chặt quy trình đào tạo đội ngũ cán bộ và quy hoạch cán bộ.

"Chúng ta đang đào tạo lí thuyết nhiều quá, thiếu thực tiễn, bên cạnh đó mức lương dành cho cán bộ chưa được cao vô hình chung tạo ra lòng tham cho các cán bộ", ông Thuyền nhận định.

Theo ông Thuyền, chúng ta phải làm sao để cán bộ không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng. Cụ thể là cần phải sửa đổi luật pháp, sửa đổi cơ chế chính sách đối với cán bộ.

Ví dụ như cơ quan chức năng cần phải kiểm soát không chỉ tài sản của cá nhân cán bộ, mà còn cả của người thân họ. Cần phải bắt buộc người thân của cán bộ chứng minh nguồn gốc tiền của họ kiếm từ đâu.

Mạnh Đoàn