'Áp đặt ước mơ' của người lớn lên các con là một phần khiến trẻ trầm cảm

08/04/2022 06:45
Thái Hồng
GDVN- "Cha, mẹ nên ngừng tạo áp lực và kỳ vọng cho con, phải song hành với con không chỉ về vấn đề học tập mà cả vấn đề về tâm lý”.

Vừa qua ngày 1/4, vụ việc nam sinh nhảy lầu tự tử, từ tầng 28 đang khiến nhiều người chưa khỏi bàng hoàng, tiếp tục ngày 5/4 một nam sinh lớp 9 nhảy xuống hồ để lại lá thư tuyệt mệnh....

Có thể thấy, tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh.

Các em dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí đã có em đã quyên sinh để lại những hậu quả hết sức đau lòng cho gia đình và xã hội.

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Giáo dục Nguyễn Thùy Dung (chuyên gia tư vấn tâm lý tại SEVT - Khu công nghiệp Yên Bình) cho biết, trầm cảm tuổi học trò có rất nhiều nguyên nhân nhưng sau dịch Covid-19 là thời điểm cộng hưởng khiến giọt nước tràn ly.

“Khoảng thời gian gần đây lứa tuổi các bạn tự tử thường đang ở lứa tuổi lớp 4, lớp 6 và nổi cộm nhất là vụ việc xảy ra ngày 1/4, của em học sinh trong độ tuổi 16 tự tử. Có thể nói bản thân tâm lý lứa tuổi trong giai đoạn chị vừa nêu trên, thì đây là giai đoạn bước ngoặt trong tâm sinh lý.

Ở độ tuổi này học sinh cần sự quan tâm đặc biệt hơn so với lứa tuổi khác, đây chính là sự khác biệt về tâm sinh lý lứa tuổi”, vị chuyên gia này cho biết.

Về nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở lứa tuổi học sinh ngày ngày càng gia tăng, chuyên gia chỉ ra rằng để dẫn đến hành động dại dột, trước đó đã các em đã phải chịu những nỗi đau từ trong tâm lý.

“Cái mà chúng ta đang nhìn thấy chỉ là những hành động, hành vi được diễn ra mà chỉ khi các bạn ý tự tử thì mới bắt đầu có hồi chuông cảnh tỉnh, vì trước khi dẫn đến hành vi như vậy, các bạn ý đã phải trải qua các trạng thái độ, vì đây là quy trình từ nhận thức đến thái độ, tiếp đến là hành động.

Lo lắng về thái độ cũng như sự quan tâm ở phụ huynh đối với con của mình, bởi ở độ tuổi này mỗi chặng đều có dấu mốc về sinh lý, sẽ có những biến đổi về mặt tâm lý, nếu không có sự thấu hiểu, trẻ rất dễ rơi vào trầm cảm.

“Khác hẳn với thế hệ trước đây, công nghệ 4.0 tác động rất mạnh đến nhận thức và tình cảm của con trẻ, vì trước đây việc tiếp nhận thông tin tới trẻ là từ cha, mẹ, thầy, cô truyền cho con, nhưng đến bây giờ mạng xã hội tác động trực tiếp đến con của mình và đang mất kiểm soát”, Thạc sĩ Thùy Dung cho biết.

Cũng theo chuyên gia, mạng xã hội đang làm cho quá trình thấu hiểu giữa cha, mẹ và con cái bị ngưng lại, bởi độ tuổi này trẻ đang cần thấu hiểu và định hướng, nhưng nguồn tiếp nhận thông lại không chỉ ở gia đình mà trẻ còn tìm đến nguồn thông tin thứ hai là mạng xã hội.

“Mạng xã hội 4.0 chính là con dao hai lưỡi, những thông tin “rác” ồ ạt trên mạng, hiện nay còn xuất hiện một vài hội nhóm như là “hội những người muốn tự tử, hội những người vỡ nợ…”, trẻ con thường tiếp cận thông tin rất nhanh, và không thể tự chọn lọc, phân biệt rõ ràng về các nguồn thông tin xấu.

Thạc sĩ Giáo dục Nguyễn Thùy Dung (chuyên gia tư vấn tâm lý tại SEVT khu công nghiệp Yên Bình). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Giáo dục Nguyễn Thùy Dung (chuyên gia tư vấn tâm lý tại SEVT khu công nghiệp Yên Bình). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vấn đề này rất lo ngại vì ở trẻ, vì ở lứa tuổi này những tư duy trực quan về hình ảnh đến trước rồi mới đến tư duy trừu tượng, cho nên trẻ chưa thể hiểu hết được những giá trị và độ nguy hiểm của hành động thì đã thực hiện.

Không chỉ mạng xã hội là nguyên nhân gây tác động gián tiếp đến tâm lý của trẻ mà ngay cả gia đình cũng chính là tác nhân tác động trực tiếp đến trẻ.

“Trẻ thường bị áp đặt ước mơ từ thế hệ trước lên người, dẫn đến việc xuất hiện “cái tôi giả”, là khi các con không đồng tình với ý kiến, nhưng vẫn miễn cưỡng làm, điều này làm cho trẻ bị áp lực về học tập nhiều hơn”, chuyên gia Thùy Dung nhận định.

Thạc sĩ Thùy Dung cho rằng nếu không thể khắc phục những rối loạn lo âu kéo dài, mà vẫn tiếp tục để các tình trạng xấu lặp đi lặp lại, bệnh trầm cảm ở trẻ sẽ ngày càng gia tăng và trẻ sẽ ngày càng thu mình lại:

“Đặc biệt mạng xã hội đang phát triển với tốc độ quá nhanh, những thông tin học sinh tự tử được lan truyền khắp trang mạng xã hội, chuyên gia lo sợ rằng điều này sẽ tạo ra làn sóng hiệu ứng.

Khiến cho trẻ cảm thấy rằng việc chết sẽ đơn giản, nếu trước kia nghĩ cái chết sẽ là những điều khủng khiếp, không dám nghĩ đến, nhưng thời điểm hiện tại những suy nghĩ giải thoát cho bản thân sẽ ập đến ngay khi bản thân cảm thấy buồn, giận, chán chường”.

Vậy nên để khắc phục, cũng như giảm bớt áp lực ở trẻ, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung khuyến cáo:

“Cần phải có chuyên đề để giúp cho học sinh chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho hậu Covid-19, nên giãn các quá trình áp lực.

Cha, mẹ nên ngừng tạo áp lực và kỳ vọng cho con, phải song hành với con không chỉ về vấn đề học tập mà cả vấn đề về tâm lý”.

Cũng theo quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Đức Nam (Giám đốc trung tâm Tham vấn Share), quá trình ở nhà học trực tuyến, các em bị giới hạn đi lại, sẽ có rất nhiều vấn đề liên quan đến cảm xúc và hành vi của trẻ, dẫn đến căng thẳng lo âu kéo dài, nhưng đây chưa phải nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm.

“Trầm cảm ở học sinh thì có một số tỷ lệ nhất định, nhưng nếu nói nguyên nhân trầm cảm do Covid-19 sẽ chưa đầy đủ, vì học trực tuyến chỉ là một trong số những tác nhân để cho vấn đề của đứa trẻ xuất hiện, sự bộc phát ở tâm lý xuất hiện hoặc nặng thêm.

Trong dịch Covid-19 sẽ có rất nhiều vấn đề khiến cho mặt cảm xúc căng thẳng, nhưng có hai vấn đề quan trọng với trẻ chính là căng thẳng và lo âu, còn trầm cảm là trạng thái về mặt bệnh lý nặng hơn.

Ngoài ra khi học sinh ở nhà sẽ có những mâu thuẫn trong gia đình, thậm chí có những trẻ bị bạo lực hoặc xâm hại trong giai đoạn Covid-19 mà UNICEF đã chỉ ra”, chuyên gia Đức Nam cho biết:

“Nhiều ý kiến cho rằng sau dịch Covid-19 trẻ có dấu hiệu trầm cảm do quá trình học trực tuyến kéo dài, trẻ không được ngoài tiếp xúc với xã hội, về vấn đề này chuyên gia chỉ ra ba tác nhân gây nên bệnh trầm cảm cũng như đang mắc các dạng bệnh lý khác ở trẻ.

Chúng ta cần nhìn nhận theo ba tác nhân khác nhau.

Thứ nhất, Các vấn đề về mặt thể chất, tức là bản thân có những rối loạn nhất định về chức dẫn truyền thần kinh, hormon trong cơ thể, hoặc những tình trạng sử dụng các chất kích thích hay các loại thuốc thì cũng sẽ làm ảnh hưởng đến yếu tố trạng thái.

Thứ hai, vấn đề liên quan đến tâm lý, ở yếu tố này sẽ có những đặc điểm về tính cách, hay có những sang chấn hay những bất ổn trong cảm xúc.

Thứ 3, yếu tố xã hội, ví dụ trong đợt học trực tuyến vừa rồi học sinh ở nhà không có sự tương tác với xã hội.

Vậy nên để nói học sinh có bị trầm cảm sau dịch Covid-19 hay không, phải xem xét ở cả ba khía cạnh trên”.

Cũng theo Chuyên gia, Sau khi quay trở lại học trực tuyến vấn đề này có thể sẽ không gia tăng quá nhiều, vì thời gian những dấu hiệu về mặt tâm lý phát bệnh ở học sinh, nó đã xuất hiện trong khoảng hai năm học trực tuyến, nên sẽ trầm trọng thêm hoặc những học sinh nào có tâm lý vững vàng cũng đã thích ứng.

“Trong giai đoạn học trực tuyến khoảng 40% trẻ có vấn đề về mặt cảm xúc, đã tăng 20% so với học trực tiếp, nếu tiếp học trực tuyến có thể làm gia tăng căng thẳng, rối loạn lo âu ở trẻ khoảng 60% và nguy cơ gia tăng trầm cảm khoảng 40% hoặc 10%”, Giám đốc Trung tâm tham vấn cho biết.

Mặc dù nghiên cứu chỉ ra rằng hậu chứng sau Covid-19 bao gồm cả lo âu và căng thẳng, thế nhưng tiếp tục duy trì để trẻ học trong môi trường chật hẹp, không có sự tương tác, chuyên gia lo lắng rằng triệu chứng này sẽ gia tăng.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Nam (Giám đốc trung tâm Tham vấn Share). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Nguyễn Đức Nam (Giám đốc trung tâm Tham vấn Share). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trầm cảm và rối loạn lo âu là hai triệu chứng khác nhau vậy nên để cho phụ huynh dễ dàng nhận biết, Thạc sĩ Nguyễn Đức Nam đưa ra một số tiêu chí sau để phụ huynh lưu ý các con:

“Dấu hiệu trầm cảm thì cần dựa trên 5 biểu hiệu rõ rệt:

1, Học sinh đang hứng thú với mọi thứ xung quanh, nhưng đột nhiên lại chẳng có hứng thú làm bất cứ việc gì.

2, Trẻ có thể sẽ bị mất tập, khả năng tập trung sẽ rất kém.

3, Trẻ sẽ có vấn đề liên quan đến ăn uống, sẽ có những cảm giác mệt mỏi về cơ thể hay về tinh thần sẽ bị chán nản, mệt mỏi dẫn đến mất động lực, thậm chí có rất nhiều trẻ có suy nghĩ tự tử, nếu tình trạng này kéo dài, trẻ có thể sẽ tự sát.

Còn đối với rối loạn lo âu, thì sẽ có những cảm giác bồn chồn, lo sợ không muốn học tập, lúc nào cũng trong trạng thái bất ổn”.

Dựa vào nhận định trên, Thạc sĩ Nguyễn Đức Nam cho rằng, để có những giải pháp, hay phòng ngừa, chữa trị về mặt tâm lý cho học sinh, phụ huynh cần phải tác động vào cả ba yếu tố: thể chất, tâm lý, xã hội:

“Học sinh bị giãn cách xã hội quá lâu, phụ huynh và phía nhà trường cần tạo những hoạt động kết nối chia sẻ, gần gũi, quan tâm đến tâm lý của con em mình, tạo tinh thần thoải mái tránh việc để con phải học tập quá nhiều.

Về mặt sinh học, phụ huynh cho con tập thể dục và duy trì thói quen sống lành mạnh, bổ sung thêm các thực phẩm tốt cho não bộ”.

Hiện nay các trường hợp liên quan đến tâm lý đã xảy ra rất nhiều, nên việc quan tâm đến trẻ em đã và đang được chú trọng đến nhiều hơn, đã có những chương trình hỗ trợ tâm lý cho trẻ em được xây dựng, một số trường học đã tạo các chương trình hỗ trợ tâm lý cho trẻ.

Thái Hồng