Trầm cảm học đường với những con số đáng báo động

29/11/2020 06:29
Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh, sinh viên bị áp lực từ những kỳ vọng của người lớn, gia đình, bạn bè, nhà trường và ngay chính bản thân các em dẫn đến những hệ lụy về tâm lý...

Theo nghiên cứu gần đây nhất, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, rối loạn cảm xúc là 11,5%, rối loạn ứng xử là 9,2%. [1]

Trầm cảm là căn bệnh gây hại thứ hai

Những năm trở lại đây, số vụ tự tử học đường tăng cao, nguyên nhân nghi ngờ do phần lớn các em mắc phải hội chứng trầm cảm lâu dài, không được phát hiện, chữa trị hoặc phát hiện mà chữa trị không kịp thời.

Mới đây, ngày 20/11, nghi trầm cảm, một nữ sinh lớp 12 tại một trường Trung học Phổ thông ở Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh tự vẫn tại nhà. [2]

Khi ở trường, nữ sinh vẫn thể hiện mình là một học sinh năng động, mạnh mẽ, học lực tốt… Tuy nhiên, qua bạn bè cùng lớp, giáo viên, nhà trường mới biết em có những biểu hiện của căn bệnh trầm cảm ngay từ năm lớp 10.

Mặc dù đã được nhà trường trao đổi với phụ huynh, người thân của em và đã có sự phối hợp hỗ trợ kịp thời nhưng sự việc đau lòng vẫn xảy ra.

Trước đó, nữ sinh này đã từng có ý định tự tử nhưng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Được biết, trong năm học 2019-2020 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh có ít nhất 4 học sinh tự vẫn. Trong đó, có trường hợp hai chị em sinh đôi tại một trường quốc tế nhảy lầu tự vẫn tại nhà. Chưa kể, nhiều trường hợp học sinh có ý định tử tự nhưng phát hiện kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây ra tử vong ở lứa tuổi 15-19. [1]

Cũng theo tổ chức này, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe con người (chỉ sau tim mạch).

Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là giới trẻ.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục cho biết: “Trầm cảm là một căn bệnh y tế với nhiều triệu chứng bao gồm cả tinh thần lẫn thể chất. Nỗi buồn là một phần quan trọng của trầm cảm, nhưng đôi khi nó lại biểu hiện ra ngoài bằng sự tức giận và các triệu chứng cơ thể khác.

Một số người bị trầm cảm có thể không cảm thấy buồn bã chút nào nhưng dễ cáu kỉnh hơn hoặc chỉ mất hứng thú với những điều họ làm. Trầm cảm cản trở cuộc sống hàng ngày và các chức năng bình thường của người mắc phải”.

Theo Phó Giáo sư Thành Nam, trầm cảm dễ nhận ra vì nó là một cảm xúc rất mạnh. Tuy nhiên trong một số hoàn cảnh nhất định, biểu hiện của trầm cảm là nỗi buồn lại bị đè nén cảm xúc bởi những đòi hỏi, mong muốn của môi trường sống xung quanh.

Có những trường hợp bệnh nhân mắc trầm cảm nhưng không được phát hiện ra sớm do hoàn cảnh xung quanh yêu cầu phải vui vẻ, bắt buộc phải tập trung năng lượng cho công việc.

Đó cũng chính là lý do mà sự nhận biết triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân được phát hiện chậm và can thiệp không kịp thời dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trầm cảm học đường tăng cao và hiện nay những con số chưa dừng lại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm học đường như áp lực học tập, điểm số; áp lực hoàn cảnh gia đình; bạo lực học đường; sang chấn tâm lý mang lại từ cuộc sống xung quanh hoặc những thay đổi tâm lí theo từng lứa tuổi…

Theo những con số thống kê, số vụ tự tử, thăm khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế về trầm cảm thì số ca tăng vọt sau mỗi kì thi hàng năm như thi chuyển cấp, thi đại học hay hiện nay là xét tuyển đại học hoặc thời gian vào đầu năm học mỗi năm.

Điều này cho thấy rằng, từ những mối quan hệ gần gũi, hàng ngày của các em chính là trường lớp cũng có thể trở thành nguyên nhân tạo nên áp lực gây ra trầm cảm học đường.

Một trường hợp trẻ rối loạn tâm thần đến khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk. (Nguồn: vtv.vn)

Một trường hợp trẻ rối loạn tâm thần đến khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk. (Nguồn: vtv.vn)

Căn bệnh đến từ những áp lực

Theo thống kê của bệnh viện Tâm thần Trung ương thì trong tổng số 5.000 người có biểu hiện bất bình thường đến khám, tư vấn thì có đến 30% là học sinh, sinh viên.

Còn theo điều tra của bệnh viện Nhi Trung ương, tại một số trường học có tới 20% học sinh có biểu hiện lo lắng, rối loạn tâm trí hay còn gọi là trầm cảm. Và các con số này đều có xu hướng tăng thêm theo thời gian. [1]

Những con số “biết nói” ở trên là thống kê mới nhất để thấy rằng, dù trầm cảm không là một bệnh lây lan, không thể phát hiện được phần nổi như các bệnh lý thông thường mà nó là một bệnh lý phức tạp mà ẩn sâu bên trong cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng của con người.

Điều đáng nói hơn cả là số người mắc căn bệnh này đang gia tăng nhiều nhất ở lứa tuổi học đường.

Những áp lực không tên là nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm. Học sinh, sinh viên bị áp lực từ những kỳ vọng của người lớn, gia đình, bạn bè, nhà trường và ngay chính bản thân các em dẫn đến kéo theo những hệ lụy tâm lý mà một trong số đó là trầm cảm.

Ám ảnh bởi điểm số, thứ hạng trong lớp học; nhận chỉ trích từ bố mẹ, nhà trường; áp lực từ những tẩy chay của bạn bè hay những hoang tưởng, huyễn hoặc của bản thân… đều là những “lưỡi hái tử thần” mà trầm cảm có thể ghé thăm các bạn trẻ.

Trong xã hội phát triển như hiện nay, “tiếng gọi” của đồng tiền, công nghệ làm khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình tăng lên.

Chúng ta không còn ngồi với nhau để cùng chia sẻ, tâm sự cùng nhau mà hầu hết các gia đình ngồi lại với nhau khi “chuyện đã rồi”.

Chắc đó cũng là lý do mà số ca trầm cảm tăng lên và số ca trầm cảm phát hiện không kịp thời dẫn đến hậu quả thương tiếc cũng tăng lên đáng kể.

“Sử dụng chất kích thích và thói ăn sinh hoạt hàng ngày không điều độ cũng đóng vai trò rất lớn trong nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

Những thói quen xấu như thức khuya, ăn uống không đủ chất, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, không tập thể dục, thể thao, nghiện chơi điện tử… đều ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ, gây suy nhược thần kinh dẫn đến rối loạn tâm thần, nguy cơ trầm cảm rất lớn.

Một trong những biểu hiện thường xuyên khi tôi tiếp xúc với người mắc trầm cảm là lạm dụng chất kích thích, bao gồm cả thuốc ngủ và thuốc giảm đau.

Đây là những loại thuốc mà bác sỹ kê đơn mới được sử dụng. Điều đáng nói là rất nhiều học sinh, sinh viên sử dụng chất kích thích và thuốc giảm đau thường xuyên, thậm chí trở thành thói quen”, Phó Giáo sư Thành Nam chia sẻ.

Bạo lực học đường luôn là vấn nạn nhức nhối, đó cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trầm cảm học đường.

Việc bắt nạt bạn cùng lớp, cùng trường diễn ra thường xuyên bằng nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ bạo lực về mặt thể chất mà còn cả về mặt tinh thần.

Các em bị bắt nạt thường có cảm giác sợ hãi khi đến lớp, luôn phải nghĩ cách đối phó với những kẻ bắt nạt mình dấn đến trạng thái căng thẳng, lo sợ.

Ngoài ra, khi bị các bạn trêu chọc, tẩy chay, xa lánh, cô lập… các em sẽ tự thu mình lại, không muốn tiếp xúc, chia sẻ với ai, lâu dần sẽ khiến các em bị trầm cảm.

Theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam, các em học sinh, sinh viên bị trầm cảm sẽ có tất cả các triệu chứng như mất ngủ, mệt mỏi, căng thẳng, khó tập trung… và đặc biệt là tâm trạng bi quan, suy nghĩ tiêu cực, muốn chết đi cho nhẹ gánh, từ đó ý định tự sát cứ ám ảnh trong đầu và gây nên những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Sống tích cực chính là giải pháp để giải quyết vấn đề trầm cảm học đường gia tăng.

Theo Phó Giáo sư Nam, học sinh, sinh viên là bộ phận có những biến đổi nhiều nhất trong suy nghĩ, tâm tư, tình cảm do đó thái độ sống tích cực hay tiêu cực đều đóng vai trò quyết định trong việc có các bạn trẻ có bị trầm cảm học đường hay không.

Sống tích cực bằng cách làm những việc tích cực như rèn luyện sức khỏe, yêu thương bản thân và những người xung quanh, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, đúng giờ…

Ngoài ra, sự quan tâm của gia đình, nhà trường luôn là một vòng tròn khép kín trong việc quản lý cũng như phát hiện sớm những dấu hiệu chớm trầm cảm.

Trầm cảm chủ yếu phát triển từ tâm lý, chính vì thế luôn tâm sự, chia sẻ chính là liều thuốc phòng ngừa hiệu quả nhất cho chứng bệnh này.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/suc-khoe/roi-vao-trang-thai-tram-cam-nu-sinh-13-tuoi-tung-co-y-dinh-tu-sat-819818.vov

[2] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/tphcm-nu-sinh-lop-12-tu-van-nghi-bi-tram-cam-20201124135745096.htm

Kim Anh