Góp ý sách giáo khoa, tiếng nói của giáo viên có đến được với Bộ?

22/05/2022 06:12
KIM OANH
GDVN- Những góp ý của giáo viên có lên đến Bộ và đến được với Nhà xuất bản hay không thì họ không biết vì qua rất nhiều khâu trung gian tổng hợp và gửi về trên

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa báo cáo Quốc hội việc thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã tổ chức giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách giáo khoa theo đúng lộ trình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, thực tiễn vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế: Một số bộ sách giáo khoa ban hành vẫn còn “lỗi, sạn” gây ra dư luận không tốt.

Cụ thể, khi ban hành sách giáo khoa, còn tình trạng sách vẫn có một số ngữ liệu học âm, học vần chưa thật phù hợp với học sinh lớp 1; một số nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chưa phù hợp, cần chỉnh sửa, hoàn thiện trong các sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6. [1]

Nhưng, tại sao đã qua nhiều vòng thẩm định, góp ý mà sách giáo khoa vẫn sai như vậy?

Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Tiếng nói của giáo viên có đến được với Bộ?

Bắt đầu từ năm học 2020-2021 thì sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được ngành Giáo dục triển khai thực hiện ở lớp 1. Tuy nhiên, gần như cả 5 bộ sách giáo khoa đều có “sạn”, có những lỗi được giáo viên, phụ huynh phát hiện và cũng có những lỗi được nhà xuất bản tự rà soát và phát hiện ra.

Năm học 2021-2022 thì ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện giảng dạy chương trình mới đối với lớp 2 và lớp 6 nhưng vẫn có những lỗi ở một số sách giáo khoa cũng đã được chỉ ra.

Câu hỏi được đặt ra là nếu như sách giáo khoa lớp 1 của năm học vừa qua được thực hiện khép kín giữa Nhà xuất bản - Hội đồng thẩm định - Bộ trưởng ký duyệt thì sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022 có thêm 2 khâu nữa là giáo viên cốt cán góp ý và tất cả giáo viên ở các nhà trường góp ý nhưng vì sao vẫn có những sai sót?

Thực ra, có nhiều lỗi trong sách giáo khoa của chương trình mới đã được giáo viên góp ý và nộp biên bản lên cấp trên tổng hợp để gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không phải là khi Bộ thẩm định, các nhà xuất bản phát hành sách thì những lỗi này mới được phát hiện và phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, những góp ý của giáo viên có gửi lên đến Bộ và đến được với nhà xuất bản hay không thì họ không biết vì qua rất nhiều khâu trung gian tổng hợp và gửi về trên như: Ban giám hiệu nhà trường, phòng, sở giáo dục…

Hơn nữa, cho dù có đến được chỗ cần đến thì lãnh đạo Bộ và các tác giả biên soạn sách giáo khoa, các nhà xuất bản có lắng nghe và chỉnh sửa hay không mới là điều quan trọng.

Còn nhớ, sách Ngữ văn lớp 8, chương trình năm 2000 viết Lý Công Uẩn thành “Lí Công Uẩn” suốt gần 20 năm qua đến nay vẫn được giữ nguyên, dù dư luận xã hội đã lên tiếng nhiều lần.

Thậm chí, ngày 25/5/2020, Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định với báo chí rằng: “Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam viết Lý Công Uẩn thành “Lí Công Uẩn” trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 là chưa đúng với quy định…

Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có ý kiến phản hồi, đồng thời sẽ chỉ đạo Nhà xuất bản có hướng khắc phục phù hợp”. [2]

Thế nhưng, sách giáo khoa Ngữ văn 8 xuất bản trong năm 2021-2022 này thì chúng tôi vẫn thấy những lỗi này không thấy được khắc phục. Những lỗi ấy vẫn hiện hữu trong sách giáo khoa lớp Ngữ văn lớp 8.

Chính vì vậy, việc sách giáo khoa lớp 1 hay lớp 2 và lớp 6 đã được triển khai vẫn có những sai sót đáng tiếc dù nó đã được thực hiện góp ý từ nhiều kênh khác nhau trước khi chính thức được phát hành và đến với tay học sinh.

Hậu quả của việc sách giáo khoa sai

Thực ra, việc sách giáo khoa của các cấp học phổ thông có sạn không phải là câu chuyện mới mà nó đã tồn tại nhiều năm qua ở ngành Giáo dục.

Trong khi, sách giáo khoa hiện hành phải thực nghiệm suốt mấy năm trời mà còn có những sai sót thì việc sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ thực nghiệm trong phạm vi nhỏ và triển khai đại trà ngay thì việc sai sót không phải là điều bất ngờ.

Theo logic thông thường, sách giáo khoa sai thì giáo viên sẽ dạy sai, học sinh sẽ hiểu sai. Nếu sai một vài lỗi nhỏ thì khi tái bản sửa không nói làm gì nhưng nếu sai nhiều như sách lớp 1 của năm học 2020-2021 thì việc chỉnh lý, bổ sung khi tái bản sách cũng đồng nghĩa sách cũ không dùng được.

Hay, sách lớp 2, lớp 6 trong năm học này cũng đã để xảy ra một số sạn đáng tiếc ở môn Ngữ văn, môn Khoa học tự nhiên… của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà dư luận đã lên tiếng.

Trong khi, các Nhà xuất bản chủ trương in ở ngay trang bìa dòng chữ: “Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” nhưng sách phải chỉnh sửa thì làm sao có thể “dành tặng cho các em học sinh lớp sau” được?

Rõ ràng, thông điệp này không còn nhiều ý nghĩa. Nhất là đối với sách giáo khoa mỗi môn học của mỗi lớp trong từng năm học phải in tới hàng triệu bản sách mà sai sót, phải bỏ hết thì lãng phí vô cùng.

Chúng tôi cho rằng việc một số nhà chuyên môn, một số nhà giáo lên tiếng và “nhặt sạn” các bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 trong thời gian qua chưa phải là những lỗi cuối cùng. Bởi, mỗi lớp có hơn 10 môn học và có 3 bộ sách cùng được phát hành mà nó được áp dụng giảng dạy đại trà ngay thì lỗi sẽ còn được tiếp tục phát hiện trong thời gian tới đây.

Năm học tới đây, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai chương trình mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 và những bộ sách giáo khoa các lớp này đã được Bộ phê duyệt, các nhà xuất bản phát hành và niêm yết giá.

Hy vọng sách giáo khoa của các lớp còn lại trong các năm học tới đây sẽ được các tác giả sách giáo khoa, các Hội đồng thẩm định làm chặt chẽ, khoa học và cẩn thận hơn để những “sạn” trong từng bộ sách không còn lặp lại như những bộ sách đã triển khai ở 2 năm học đầu tiên của chương trình mới.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/bo-truong-gd-dt-sach-giao-khoa-van-con-loi-san-gay-du-luan-khong-tot-post1459980.html

[2]https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-yeu-cau-sua-loi-sai-li-cong-uan-li-thai-to-trong-sach-giao-khoa-807744.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH