Giáo viên bị phụ huynh chất vấn vì con 9, 10 điểm nhưng không được nhận thưởng

13/06/2022 06:44
Thuận Phương
GDVN- Khác xa 2 bậc trung học khen thưởng học sinh là căn cứ vào điểm số rõ ràng, ở bậc tiểu học lại dựa vào cả quá trình học tập, rèn luyện nên có phần cảm tính hơn.

Năm học sắp kết thúc cũng là lúc thầy cô bù đầu với biết bao công việc đánh giá xếp loại giáo viên và học sinh.

Thế nhưng nỗi vất vả và áp lực nhất chính là việc xét khen thưởng cho học sinh ở bậc tiểu học theo Thông tư 27 (đối với khối lớp 1 và lớp 2).

Sắp hết thời loạn giấy khen? (Ảnh minh họa: vov.vn)

Sắp hết thời loạn giấy khen? (Ảnh minh họa: vov.vn)

Nếu như hai bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông, xét khen thưởng học sinh sẽ dựa vào điểm tổng kết (một cách xét được cho là rõ mười mươi) thì bậc tiểu học xét khen thưởng theo cách nói của một số người rằng “cứ tù mù, mập mờ làm sao ấy”.

Chính vì điều này, giáo viên vẫn thường bị một số phụ huynh đang đặt kì vọng vào con khá lớn chất vấn. Dù có đưa ra bao nhiêu lý lẽ nhưng cũng khó thuyết phục khi một số người vẫn cương quyết con tôi học giỏi, con tôi thi toàn điểm cao...

Khi phụ huynh thích thành tích

Cô giáo T.G. giáo viên một trường tiểu học tại Đắk Nông buồn rầu chia sẻ, cô vừa bị phụ huynh chất vấn vì không xét cho con họ được khen thưởng.

Cô G. nói, dù đã giải thích rất nhiều rằng con kiểm tra được điểm 9, 10 của 2 môn Toán, tiếng Việt nhưng một số môn học khác con chỉ đạt mức Hoàn thành nên không đủ điều kiện để khen. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn cho rằng cô giáo thiên vị.

Cô giáo H. một đồng nghiệp của tôi cũng từng bị phụ huynh chất vấn: “Tại sao con tôi học giỏi thế nhưng không được khen thưởng?”

Cô H. đã giải thích điều kiện để đạt Học sinh Xuất sắc hay Học sinh tiêu biểu phải có tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt Tốt, có 13 năng lực phẩm chất đạt Tốt. Những môn đánh giá bằng điểm số phải đạt từ 7 điểm trở lên.

Thế nhưng em T. môn Âm nhạc giáo viên chỉ xếp H (hoàn thành) thì không đủ điều kiện nhận danh hiệu học sinh xuất sắc.

Vị phụ huynh này lập tức đi gặp cô giáo dạy Âm nhạc tiếp tục lên tiếng “Cô đánh giá làm sao mà em T. chỉ được xếp hoàn thành? Tôi thấy con tôi hát hay, múa dẻo lắm cơ mà?”.

Dù giáo viên có giải thích bao nhiêu, phụ huynh này vẫn khăng khăng “Cô đánh giá không chính xác. Con tôi, môn nào nó cũng Hoàn thành tốt, môn Âm nhạc chỉ xếp Hoàn thành có phải là thiệt thòi cho nó không?”

Trường hợp trên không phải là cá biệt vì không ít phụ huynh cũng tìm thầy dạy Mỹ thuật, cô dạy Âm nhạc, Thể dục để “hỏi cho ra nhẽ”…

Có người còn tỏ ra coi thường những môn học ấy “Những môn Toán, Văn mới khó đạt điểm giỏi chứ mấy môn phụ đó có quan trọng gì mà thầy cô khó khăn thế?”

"Năm ngoái con tôi được nhận thưởng học sinh nổi trội nhưng năm học này nó lại không đạt vì cô dạy dở quá đấy”.

Bạn đã gặp tình huống này chưa? Phụ huynh không chỉ nói sau lưng mà đã mắng thẳng mặt cô giáo (một đồng nghiệp của tôi) thế đấy.

Có phụ huynh khi biết con không có trong danh sách nhận thưởng đã tỏ ra bức xúc nói với nhiều người rằng: “Cô giáo ấy đì con tôi vì chẳng bao giờ nhà tôi cho cô cái gì cả.

Cô xếp loại học sinh không công bằng. Con bé Vân học ra gì mà được khen, hay vì nhà nó giàu? Năm học vừa rồi nó cũng có được khen đâu?”

Bạn sẽ làm gì nếu mình rơi vào hoàn cảnh ấy? Sẽ có người tin bạn không phải người như vậy nhưng sẽ có người không tin vì cái câu muôn thuở: “Không có lửa làm sao có khói?”

Không căn cứ vào điểm kiểm tra mà phải đánh giá cả quá trình học tập

Thông tư 27 quy định về khen thưởng học sinh rất rõ. Sẽ có 2 danh hiệu khen thưởng là Học sinh Xuất sắc và Học sinh tiêu biểu. Điều kiện để được khen một trong 2 danh hiệu này học sinh phải đạt 13 phẩm chất năng lực loại Tốt và 9 môn học phải được đánh giá Tốt. Điểm kiểm tra cuối kỳ đạt từ 7 điểm trở lên.

Tuy thế, không phải học sinh nào có điểm kiểm tra cuối kỳ đạt 9 hoặc 10 đều đủ điều kiện khen thưởng.

Chỉ với 13 năng lực phẩm chất và các môn đánh giá bằng nhận xét như Âm nhạc, Mỹ thuật (môn Nghệ thuật), Thể dục cũng phải xếp loại Tốt. Sẽ là vô cùng khó nếu giáo viên đánh giá thật đúng, thật nghiêm.

Khi đánh giá, giáo viên phải đánh giá cả quá trình học tập, rèn luyện của học sinh và phải chịu trách nhiệm trước đánh giá của mình. Không ít trường hợp, học sinh có điểm kiểm tra cao hơn nhưng vẫn không được khen và ngược lại.

Cô H.N. (đề nghị không nêu tên), Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Bình Thuận nói rằng, danh sách học sinh được khen thưởng do giáo viên đề xuất và hiệu trưởng ký duyệt. Tuy thế, hiệu trưởng thường căn cứ vào đề xuất của giáo viên chứ không thể nắm được học sinh ấy học tập, rèn luyện thế nào.

Giáo viên sẽ là người theo dõi các em cả một quá trình, là người nắm rõ lực học của các em thế nào, năng lực phẩm chất ra sao mà không phải nhìn vào điểm kiểm tra. Vì thế, chính các thầy cô phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Giáo viên cũng là người phải giải thích cho phụ huynh những thắc mắc mà họ đưa ra một cách thuyết phục như vì sao em ấy được khen hoặc chưa được khen.

Khác xa 2 bậc trung học khen thưởng học sinh là căn cứ vào điểm số rõ ràng, ở bậc tiểu học lại dựa vào cả quá trình học tập, rèn luyện nên có phần cảm tính nhiều hơn.

Xét em nào xứng đáng được khen cũng làm nhiều thầy cô giáo đau đầu, cân lên đặt xuống bao lần. Nếu vượt trội hẳn lại không có vấn đề gì nhưng cứ "so bó đũa chọn cột cờ" thì vô cùng mệt.

Thầy cô còn mệt khi phải làm phép tính cân, đo để chọn ra học sinh được khen thưởng thì bảo sao không xảy ra tình trạng một số phụ huynh lên tiếng thắc mắc khi con mình lại không được khen.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-27-2020-tt-bgddt-quy-dinh-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-190364-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương