Lạm phát danh hiệu khen học sinh, tiền thưởng phải kêu gọi phụ huynh đóng góp

18/05/2022 08:37
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc khen thưởng danh hiệu học tập cho học trò phổ thông vào dịp cuối năm học thường phụ thuộc vào kinh phí vận động từ phụ huynh học sinh ở các nhà trường.

Năm học 2021-2022 nhiều trường đang bước dần bước vào những ngày học cuối cùng và thời điểm tổng kết sẽ không còn xa nữa nên phần nhiều các trường học phổ thông đã có kế hoạch vận động phụ huynh đóng góp thông qua thư ngỏ của nhà trường để lấy kinh phí khen thưởng cuối năm cho học trò.

Danh hiệu học tập của học sinh hiện nay thì có rất nhiều và tất nhiên là số lượng học sinh đạt được các danh hiệu học tập vào cuối năm học bao giờ cũng rất lớn.

Trong khi, việc lấy kinh phí từ nhà trường để khen thưởng cho toàn bộ học sinh là điều không thể bởi trường chỉ có thể khen mỗi lớp được vài em học sinh có số điểm cao nhất mà thôi.

Chính vì vậy, nhiều Ban giám hiệu nhà trường rất chú trọng việc vận động phụ huynh đóng góp thông qua hình thức gửi thư ngỏ và người đứng ra vận động, ký tên trên thư ngỏ này đa phần là Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường.

Việc khen thưởng cho học sinh vào dịp cuối năm hiện nay thường có số lượng rất lớn (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Việc khen thưởng cho học sinh vào dịp cuối năm hiện nay thường có số lượng rất lớn

(Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Những danh hiệu học tập của học sinh phổ thông hiện nay

Các cấp học phổ thông bao gồm: cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông và từ năm học 2021-2022 này thì sẽ thực hiện việc đánh giá kết quả học tập và khen thưởng học sinh theo 3 Thông tư đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong thời gian qua.

Đối với cấp tiểu học thì thực hiện theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT được ban hành vào ngày 4/9/2020. Theo hướng dẫn của Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT thì cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm thực hiện và xếp kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức:

Mức hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;

Mức hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;

Mức hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;

Mức chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.

Việc khen thưởng danh hiệu học tập cho học sinh vào thời điểm cuối năm học được hướng dẫn như sau: Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;

Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

Ngoài ra, còn có khen thưởng đột xuất cho những học sinh có thành tích đột xuất trong năm học. Những học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.

Đối với học sinh lớp 6 trong năm học 2021-2022 này đã học chương trình mới nên thực hiện việc đánh giá, xếp loại và khen thưởng theo hướng dẫn theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, kết quả học tập của học sinh theo môn học được đánh giá bằng hình thức là đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số.

Mức Tốt: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt; tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có ĐTBmhk, ĐTBmcn đạt từ 8,0 điểm trở lên.

Mức Khá: Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt; tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có ĐTBmhk, ĐTBmcn đạt từ 6,5 điểm trở lên.

Mức Đạt: Có nhiều nhất 01 (một) môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt; có ít nhất 06 (sáu) môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 5,0 điểm trở lên; không có môn học nào có ĐTBmhk, ĐTBmcn dưới 3,5 điểm.

Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

Về hình thức khen thưởng danh hiệu học tập cho học sinh thì Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT cũng đã hướng dẫn cụ thể, đó là:

Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có ĐTBmcn đạt từ 9,0 điểm trở lên.

Khen thưởng danh hiệu Học sinh Giỏi đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt; Khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học. Hoặc, khi học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Đối với những học sinh lớp 7 đến lớp 12 trong năm học này đang thực hiện chương trình 2006 và thực hiện việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/ 12/ 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chính vì thế, từ lớp 7 đến lớp 12 khen thưởng chủ yếu cho 2 danh hiệu là Học sinh Giỏi khi học sinh có điểm trung bình các môn học cả năm từ 8,0 điểm trở lên, không có môn nào dưới 6,5 và có 1 trong 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ có điểm trung bình cuối năm đạt 8,0 trở lên. Các môn xếp loại bằng nhận xét đều đạt mức “Đạt”.

Danh hiệu Học sinh tiên tiến có điểm trung bình các môn cả năm đạt 6,5 đến 7,9 và không có môn nào dưới 5,0 điểm. Các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ có ít nhất 1 môn đạt từ 6,5 trở lên và các môn đánh giá bằng nhận xét xếp ở mức “Đạt”.

Như vậy, về cơ bản thì việc khen thưởng học sinh tiểu học và học sinh lớp 6 có phần khó hơn học sinh từ lớp 7 cho đến lớp 12 vì mức điểm yêu cầu cho các danh hiệu học tập cao hơn rất nhiều. Song, yêu cầu cao đến đâu thì số lượng học sinh khen thưởng vào cuối năm vẫn lớn, nhất là ở cấp tiểu học.

Bài toán kinh phí khen thưởng ở các nhà trường

Kinh phí được khoán hằng năm cho các nhà trường đều có khoản dành cho khen thưởng học sinh nhưng thông thường khoản này rất ít nên đa phần các nhà trường chỉ có thể khen thưởng cho học sinh danh dự toàn trường, học sinh nhất khối và những em xếp loại I, II, III ở các lớp mà thôi.

Trong khi đó, số lượng đủ điều kiện để khen thưởng cuối năm thường rất nhiều- nhất là ở cấp tiểu học và những lớp đang thực hiện khen thưởng theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT nên nhiều lớp khen đến ¾ học sinh, thậm chí có những lớp khen gần hết lớp.

Vì thế, để “động viên, khích lệ” học trò thì các trường học thường vận dụng cách thức là kêu gọi phụ huynh đóng góp “trên tinh thần tự nguyện” để khen thưởng cho học trò.

Kinh phí vận động được nhiều thì khen thưởng cho học sinh nhiều, chất lượng các phần thưởng dành cho học sinh cũng có giá trị hơn. Nếu vận động được ít thì những phần thưởng của học sinh cũng chỉ mang tính tượng trưng bằng dăm bảy quyển vở mà thôi.

Vì thế, cuối năm học, thậm chí là cuối học kỳ I thì nhiều trường học đã bàn với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường để gửi thư ngỏ cho phụ huynh nhằm tranh thủ nguồn kinh phí để khen thưởng vào cuối năm học.

Tất nhiên, để “mang tính khách quan” thì Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi và kí tên trong thư ngỏ. Có điều, thư ngỏ là do nhà trường soạn ra và giáo viên chủ nhiệm là người “thu hộ” tiền và nộp cho nhà trường.

Dù là thư ngỏ kêu gọi trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh đóng góp theo khả năng của mình nhưng nếu như giáo viên chủ nhiệm mà “thu hộ” được ít thì trong các buổi họp Hội đồng sư phạm nhà trường sẽ bị nhắc nhở, phê bình.

Một số hiệu trưởng nhà trường phê bình khéo léo thì lấy một số lớp vận động được nhiều tiền để biểu dương nhưng có những năm lãnh đạo nhà trường phê bình những lớp chưa phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác vận động nên họ nêu một số lớp vận động được quá ít kinh phí dẫn đến việc vận động xã hội hóa không đạt được như kế hoạch.

Vì thế, vận động khen thưởng cho học trò nhưng nhiều khi giáo viên chủ nhiệm bị phê bình, nhắc nhở trước Hội đồng sư phạm nhà trường.

Và, tất nhiên cũng vì thế nên việc khen thưởng danh hiệu học tập cho học trò phổ thông vào dịp cuối năm học thường phụ thuộc vào kinh phí vận động từ phụ huynh ở các nhà trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH