Sang năm 2023, Giáo dục Việt Nam tròn 1 thập niên “đổi mới căn bản và toàn diện” theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng tròn 12 năm tuổi, tương ứng với 1 chu kì 12 năm giáo dục phổ thông. Có thể nói chặng đường 12 năm đối với 1 tờ báo không phải là dài, nhưng những gì để lại là rất đáng ghi nhận. Với báo chí chỉ để tập trung đưa tin và bình luận về các vấn đề thời sự của giáo dục và đào tạo vẫn là chưa đủ, mà cần nhiều hơn ở những bài phân tích kĩ, phản biện sâu để làm rõ bản chất của từng vấn đề là hết sức cần thiết.
Trong quá trình phát triển, nếu được khai thác khía cạnh tư vấn, phản biện xã hội tốt dù cho có khác nhau ở nhiều góc nhìn nhưng vì một mục tiêu chung, thì sẽ giúp ích rất nhiều, tránh đi được những sai lầm chủ quan. Thực tiễn cho thấy, sự tồn tại và gắn kết chặt chẽ giữa phát triển và phản biện xã hội giống như chân ga và chân thắng, không thể thiếu 1 trong 2.
Trong đó, đối với lĩnh vực khoa học và giáo dục thì phản biện lại càng không thể thiếu, bởi lẽ như cố Giáo sư Hoàng Tụy từng khẳng định: “Trong giáo dục, khoa học có những vấn đề tranh luận cả ngày cũng không kết luận nổi, nếu vốn hiểu biết và vốn văn hóa phổ quát quá khác nhau. Cho nên cần, rất cần chờ đợi và lắng nghe nhau, song trước hết phải được thẳng thắn trao đổi ý kiến”.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong những năm qua đã thực hiện được sứ mệnh đó.
Cần có niềm tin để đổi mới giáo dục
Cả nước chúng ta có hàng trăm cơ quan báo chí, tạp chí khác nhau. Hầu như ngày nào báo chí cũng có tin, bài về giáo dục và đào tạo. Thông tin ngày nay rất nhiều chiều và tin, bài về giáo dục và đào tạo luôn được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là những bài phản ánh mặt trái, tiêu cực... Bởi lẽ, theo học giả Nguyễn Trần Bạt thì “Giáo dục luôn là vấn đề trung tâm của đời sống xã hội vì nó quyết định tương lai của mỗi người và của cả xã hội”.
Tuy nhiên, nếu sự quan tâm của số đông, với góc nhìn chủ yếu về một phía sẽ rất đáng lo ngại, nhất là chỉ tập trung mảng tối, thì “năng lượng tiêu cực” sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin đổi mới giáo dục. Trong thực tế, giáo dục và đào tạo liên quan đến mọi người, mọi nhà, nhưng là lĩnh vực khoa học và có tính văn hóa, không thể giống như việc trồng cây hay chăm sóc động vật thông thường, vì vậy phải được xem là lĩnh vực chuyên môn đặc thù, cần tôn trọng.
Câu chuyện dạy học môn Lịch sử trong trường phổ thông của nước ta trong 7 năm qua đã 2 lần đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, là một ví dụ rất đáng quan tâm và cũng sẽ là sự kiện có tính lịch sử của giáo dục Việt Nam. Báo chí Việt Nam luôn cập nhật, dõi theo với rất nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Nếu xét ở khía cạnh tự do ngôn luận, tự do báo chí của truyền thông hay trách nhiệm với cử tri và dân tộc của Đại biểu Quốc hội thì đây được xem là điểm sáng. Nhưng xét ở khía cạnh đổi mới giáo dục nhìn từ cách tiếp cận khoa học thì rõ ràng có nhiều điều đáng suy ngẫm.
Thứ nhất, giáo dục và đào tạo là một lĩnh vực liên quan đến văn hóa và khoa học. Nếu Quốc hội thông qua giám sát, phát hiện có dấu hiệu thực hiện sai hiến pháp và pháp luật thì đề nghị chấn chỉnh, xử lý còn nếu thuần tính chất chuyên môn như giáo dục thì không nên can thiệp quá sâu.
Thứ hai, tại sao những vấn đề quan trọng, liên quan đến toàn xã hội như đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, được xem là tiếp cận có cơ sở khoa học, khách quan mà không thuyết phục được số đông, để nhân dân lo lắng; thậm chí những nhà khoa học trực tiếp liên quan vẫn chưa thấu hiểu được tường tận, để bận tâm lên tiếng và thậm chí chỉ trích gay gắt ngay ở những diễn đàn không phải khoa học giáo dục?
Tại sao ở các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc gia, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, rất nhiều ý kiến đều khẳng định về tính ưu việt của chương trình mới, nhưng khi báo chí đưa tin góc nhìn khác thì cũng rất ít lên tiếng giải thích, phản hồi, phản biện để thuyết phục?
Thực tế, có rất nhiều lý do để 2 vấn đề nêu trên tồn tại, nhưng có lẽ sâu xa vẫn là cách ứng xử với góc nhìn khác trong xã hội. Đọc báo nhưng chỉ đọc tít và bình luận gay gắt theo cảm tính vẫn là phổ biến, chưa kể nhiều người ngại nói, ngại viết… để yên ổn cho bản thân và sự nghiệp. Điều đó vô tình làm cho môi trường giáo dục và khoa học thiếu lành mạnh.
Ảnh minh họa: Nguồn HUTECH |
Giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, có ảnh hưởng đến tương lai đất nước và dân tộc, rất cần cả xã hội thông hiểu và chung tay hành động. Tuy nhiên, định hướng, dẫn dắt đổi mới giáo dục phải chính bằng tri thức khoa học, chứ không phải bởi số đông. Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách thu hút nhân tài tham gia kiến tạo; cần có hành lang pháp lý để hướng dẫn và giám sát chặt chẽ mới đảm bảo thành công. Song dù có nỗ lực đến mấy, đầu tư nhiều đến mấy mà vẫn không đặt niềm tin vào tri thức khoa học và xây dựng trên nền tảng văn hóa vững chắc thì mọi nỗ lực đổi mới vẫn luẩn quẩn ở chỗ sửa sai và sai sửa mà thôi.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng, Việt Nam nơi kết nối các chuyên gia, các nhà khoa học, văn hóa và giáo dục cần giữ vững vai trò tư vấn, phản biện chuyên sâu, độc lập về giáo dục và đào tạo. Đồng thời phải kiên định mục tiêu, kiên trì thực hiện và kiên quyết đổi mới, để thực hiện thành công sứ mệnh chấn hưng giáo dục nước nhà.
Phải tiếp cận từ “gốc rễ”
Đọc tin, bài trên báo chí hàng ngày hay các trang sách viết về giáo dục trong quá khứ, thì dường như các vấn đề bất cập trong giáo dục và đào tạo thời nào cũng có. Trong bối cảnh “bùng nổ thông tin”, mạng xã hội chia sẻ tin, bài nhanh như chớp. Vấn đề nào được cộng đồng càng quan tâm thì càng nhân lên nhanh chóng và “biến thể” như virus. Và hệ quả là nhiều người cứ nhầm tưởng các điểm sáng, gương tốt trong giáo dục và đào tạo giờ đây không còn hiện hữu trong đời sống hằng ngày.
Đọc sách của các học giả nổi tiếng qua các thời kỳ như Hoàng Đạo Thúy (1900-1994), Nguyễn Duy Cần (1907-1998), Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), Hoàng Xuân Việt (1928-2014), Hoàng Tụy (1927-2019) chúng ta sẽ thấy những vấn đề của giáo dục và đào tạo nước ta từ 80 năm trước cho đến ngày nay, thời nào cũng làm bận lòng giới trí thức.
Thậm chí, những bất cập ngày trước đến nay vẫn còn “thời sự”. Chẳng hạn trong cuốn Tự học – một nhu cầu của thời đại của thầy Nguyễn Hiến Lê xuất bản năm 1954 có đoạn rằng “Mười nhà doanh nghiệp tiếp xúc với thanh niên thì chín người phàn nàn rằng “số trung bình những học sinh ở Trung học hay Đại học ra không hiểu chút gì về công việc, không biết kiến thiết, sáng tạo, chỉ huy”. Ông Stanley còn nói ba phần tư những thanh niên Anh người ta gửi qua châu Phi cho ông, ngạc nhiên và luýnh quýnh khi ông bảo họ suy nghĩ lấy. Tại nước Anh còn vậy, nói gì đến nước mình! Trong trường học bây giờ đào tạo những con người máy như vậy đó. Nếu ta muốn làm con người chứ không chịu mãn đời làm cái máy thì tất nhiên ta phải tự học”. Vậy là chuyện bên tây và bên ta thời đó có gì khác mấy vấn đề hôm nay?
Câu hỏi đặt ra rằng, chẳng lẽ nào giáo dục Việt Nam mấy mươi năm qua không có gì thay đổi chăng? Thật ra, nhìn kĩ thì đã thay đổi rất nhiều, từ khâu quản lý đến dạy và học, đến chương trình và sách giáo khoa… Có nhiều thứ đã tốt hơn xưa như phổ cập giáo dục... Nhưng cũng có thứ chẳng bằng trước, nhất là “quyền thế” của nghề giáo trong xã hội, mặc dù Hiến pháp hiện hành vẫn xác định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
Có lẽ giáo dục và đào tạo của Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhưng yêu cầu của sự phát triển xã hội luôn đòi hỏi nhiều hơn. Mặt khác, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng những nỗ lực đổi mới của chúng ta chưa chạm đến “gốc rễ” của vấn đề.
Cụ thể chúng ta vẫn “chạy đua”, đề cao kiến thức mới, áp dụng công nghệ, đổi mới phương pháp nhiều hơn là quan tâm đến triết lý giáo dục. Giáo dục vẫn còn nặng nề ở thi cử, vì thành tích; cứng nhắc ở hành chính, quản lý; khô cứng ở tuyên truyền, áp đặt; thậm chí có lúc đề cao kiến thức hàn lâm lúc quay ngược lại “bù đắp” cấp tốc bằng “kĩ năng mềm”… Cách nghĩ và cách làm như vậy đã kéo dài và đã nhận thấy mâu thuẫn mà chưa có cách nào hóa giải căn cơ.
Trong khi đó, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục rất ít được quan tâm, hoặc đã quan tâm nhưng cũng chỉ đề cập đến “cái ngọn”, dựa trên các sự việc, hiện tượng… riêng lẻ, manh mún và giải pháp cũng chỉ là tình thế. Những vấn đề chung, có tính dài hạn vẫn phải chờ đợi các Nghị quyết, Nghị định…
Đổi mới giáo dục là một quá trình
Thế giới không ngừng vận động và phát triển, thông tin luôn đầy ắp. Công nghệ ngày nay có xu hướng chi phối phần lớn các hoạt động trong xã hội. Quan điểm cá nhân, nhận thức xã hội cũng đa dạng, đa chiều. Đối với giáo dục và đào tạo, có lẽ không có xã hội nào mà không quan tâm, nhưng chắc chắn ở đâu cũng có vấn đề bất cập dù ít dù nhiều.
Làm giáo dục không bao giờ là công việc dễ dàng. Nhưng không phải xã hội nào cũng hiểu, chia sẻ và chú trọng thực sự. Trong một xã hội đa dạng góc nhìn, “chuẩn giá trị” nghiêng nhiều về vật chất, thì làm giáo dục càng thực sự khó khăn. Thông thường, mỗi khi xã hội gặp phải khủng hoảng, người ta thường nghĩ đến các cuộc cải cách hay làm cách mạng theo kiểu thay cũ bằng một cái mới tiến bộ hơn.
Tuy nhiên, với giáo dục thì không nên làm cách mạng. Nhận thức là một quá trình và đổi mới giáo dục cũng phải là một quá trình thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng. Nếu chỉ vì ý chí, quyết tâm bằng mọi giá thay cái cũ bằng một cái mới, để tự hào ca ngợi về những kết quả, thành tựu… thì cũng chẳng khác gì những thành tích ở các kì thi sau các khóa huấn luyện kỹ năng hay ôn thi “cấp tốc”.
Nền giáo dục hiện đại, dù có tiếp cận bằng cách nào thì xu hướng chung vẫn là “khai phóng”. Con người hiện đại phải là những con người tự do, tự chủ… chứ không phải là mẫu người máy móc, được lập trình sẵn và đồng dạng. Trong khi đó, lối tiếp cận truyền thống và vẫn còn ảnh hưởng lớn trong xã hội ngày nay là hướng đến sự áp đặt bằng những nguyên tắc, dạy bảo và trừng trị.
Cả 2 đều có những ưu điểm và hạn chế riêng nếu nhìn ở góc hẹp, nhưng rộng ra thì khai phóng cũng không phủ nhận cái truyền thống, mà dựa trên nền tảng văn hóa để khai tâm, khai trí và hướng đến giải phóng con người tự do; chứ không phải tự do theo cái kiểu gọi là giao quyền cho người học quyết định tất cả như “thượng đế” trong thị trường.
Như cố Giáo sư Hoàng Tụy đã viết “Một cá nhân thay đổi đã khó, một đất nước thay đổi càng khó gấp bội. Nhưng nếu không thay đổi thì làm sao thích ứng với môi trường xung quanh, với thế giới, với thời đại biến chuyển không ngừng mà không thích ứng được thì sớm muộn sẽ bị đào thải. Đó là quy luật tự nhiên”. Đổi mới giáo dục là quá trình, không thể dừng lại, nhưng không phải quyết làm một lần rồi thôi, mà phải vận theo quy luật và bám giữ cái nguyên lý cốt lõi.
Giáo dục và đào tạo được xác định là lĩnh vực quan trọng hàng đầu của quốc gia; mang sứ mệnh xây dựng con người cho tương lai mà thực chất là kiến tạo xã hội của tương lai. Giáo dục là hoạt động khoa học, tiếp cận phát triển dựa trên nền tảng các giá trị phổ quát của nhân loại (chân – thiện – mĩ), xây dựng trên nền văn hóa truyền thống của từng quốc gia, dân tộc và phải tuân theo các quy luật vận động phát triển.
Do đó, quan tâm đến giáo dục phải là cả quá trình, “mặc định” bằng “quốc sách hàng đầu”, nghĩa là dù có khó khăn thế nào, thì giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên hàng đầu. Vì xét cho cùng, “con người là chủ thể, động lực và mục tiêu cho sự phát triển” cơ mà.
Vì mang sứ mệnh “quốc sách hàng đầu”, nên một nền giáo dục thực sự chất lượng cần phải được đầu tư bài bản từ nghiên cứu chuyên sâu; đội ngũ làm giáo dục phải được đào tạo bài bản và thực sự trọng dụng; chương trình, sách giáo khoa phải được xây dựng đảm bảo khoa học và thường xuyên được nghiên cứu cải tiến, cập nhật; văn hóa học đường phải là hình mẫu lý tưởng nhất của xã hội. Có lẽ trong nhiều thập niên qua cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghệ lên ngôi, coi trọng kinh tế, văn hóa phần nào bị lãng quên… nên hầu như “quyền thế” của giáo dục cũng suy yếu dần.
Trường học mặc dù có khang trang hơn nhưng cũng chẳng bằng các công trình khác, nghề giáo có quan tâm nhưng cũng chẳng hơn gì so với các nghề khác... thế nhưng mong đợi của xã hội vào giáo dục thì ngày càng cao. Những người tâm huyết với giáo dục không ngừng đòi hỏi phải “cải cách” triệt để; một bộ phận khác chọn con đường du học; một số người thì nhận thấy cơ hội lớn để kinh doanh giáo dục... Tất nhiên, mọi thứ cũng là đa dạng và tồn tại khách quan, nhưng bài toán “quốc sách hàng đầu” vẫn là nan giải. Có lẽ để giải được vẫn cần tiếp cận từ nguyên lý và điều kiện thời gian, chứ không thể quyết tâm, quyết liệt trong một sớm một chiều.
Các diễn đàn bàn luận về giáo dục thì nhiều, nhưng mang tính thống, chính quy, khoa học thì còn ít. Phần nhiều chỉ nêu quan điểm, ít tranh luận, phản biện dựa trên nền tảng khoa học giáo dục thực sự. Đôi khi cũng có tranh luận, chẳng hạn như câu chuyện sách giáo khoa, từng đem ra “đối chất” nhưng vẫn thiếu sự tôn trọng và chẳng những đóng góp tích cực cho sự phát triển mà còn thành kiến hơn!
Thời gian gần đây, nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, đặc biệt là sư phạm đã bắt đầu có sự quan tâm nhất định, nhưng phần lớn các công trình nghiên cứu đều hướng đến công bố quốc tế hoặc phát triển công nghệ ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, rất ít nghiên cứu về khoa học giáo dục. Các nghiên cứu về giáo dục cũng tránh né những vấn đề căn bản hoặc có chăng cũng ít quan tâm chia sẻ, phổ biến…
Tất cả đều đó đã làm cho nguồn lực giáo dục bị phân tán. Các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục vẫn xuất hiện và liên tục được nêu ra. Các mục tiêu đổi mới giáo dục, có nơi bị chệch hướng, lạc đường; đâu đó vẫn còn “bệnh” giáo dục thành tích cố hữu.
Để xây dựng một nền giáo dục hiện đại, chuẩn mực, rất cần tiếp cận từ nguyên lí, phổ biến cho toàn xã hội thấu hiểu và cùng tham gia; đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài và đổi mới giáo dục phải làm thường xuyên, liên tục. Đồng thời cần bình tĩnh để làm giáo dục!
“Tư duy cá nhân và trí tuệ tập thể”
Trong một thế giới đa dạng, khối lượng thông tin khổng lồ, con người hiện đại được xác định là con người tự do, tự lập, tự quyết và tự chịu trách nhiệm, thì năng lực phản biện là hết sức cần thiết. Tương tự như vậy, đổi mới giáo dục là quá trình thường xuyên, liên tục, nên phản biện xã hội là không thể thiếu.
Trong giáo dục và đào tạo, rất cần nhiều góc nhìn, nhiều thông tin và cần cả sự tranh luận khoa học. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, có rất nhiều quyết sách trong đổi mới giáo dục được “quán triệt” triển khai nhiều hơn tranh luận, phản biện thực sự khoa học trước khi ban hành. Công tác lấy ý kiến cũng được thực hiện, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Đó là những trở lực lớn, khi ban hành, áp dụng gặp vướng thì mới đào xới, phản ánh …
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Để phản biện trong giáo dục và đào tạo thực sự khách quan, nghiêm túc, tôn trọng tri thức… cần một diễn đàn khoa học và mang tính độc lập như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, để khai thác “tư duy cá nhân” và tập hợp được “trí tuệ tập thể”. Có thể nói, trong những năm qua Tạp chí đã thể hiện được vai trò và sứ mệnh phản biện xã hội cũng như có những đóng góp tích cực.
Tuy nhiên, trong thời đại số và thế giới phẳng, để diễn đàn chuyên sâu về giáo dục và đào tạo phát triển bền vững, xứng tầm với yêu cầu đổi mới, Tạp chí cũng cần “đổi mới sáng tạo”, nhất là kết nối nguồn lực tinh hoa trong và ngoài nước để cùng tư vấn, phản biện cho giáo dục và đào tạo nước nhà.
Để tập hợp được “trí tuệ tập thể” từ những tư duy vượt trội, những trí thức dấn thân, rất cần xây dựng, công bố và truyền thông về văn hóa của Tạp chí. Đảm bảo đây là diễn đàn thực sự vì khoa học và vì giáo dục. Phải là một diễn đàn thực sự lành mạnh để trao đổi, chia sẻ thông tin, tranh luận khoa học; giới thiệu các tư tưởng giáo dục, các công trình nghiên cứu, các tài liệu quý… để cộng đồng nhà giáo, nhà khoa học, người học và cả xã hội cùng nghiên cứu, chia sẻ, tranh luận; để cùng thấu hiểu, cùng đồng hành vì mục tiêu chung của dân tộc.
Diễn đàn cũng là nơi gắn kết các bên liên quan tư vấn, phản biện về đường hướng phát triển; các chủ trương, chính sách cùng các hành lang pháp lý… để nhà nước và các cơ sở giáo dục tham khảo phục vụ quản trị, quản lý hiệu quả; đảm bảo thông tin đa chiều mà không nhiễu loạn, đổi mới không bị chệch hướng, lạc đường!
Nói như vậy để thấy “Đổi mới là quá trình mang tính chủ động, nằm trong quy luy luật vận động và phát triển tự thân của sự vật”. “Khác với đổi mới, cải cách là một biện pháp được thực hiện để giải quyết những đòi hỏi của thực tiễn với mục tiêu rõ ràng, chương trình cụ thể và yêu cầu phải hoàn tất trong một thời gian nhất định”. “Sứ mạng quan trọng của giáo dục là chuẩn bị lực lượng cho tương lai” và “cải cách giáo dục - điểm hội tụ của tất cả các cuộc cải cách”.
Nếu hiểu các khái niệm trên như học giả Nguyễn Trần Bạt đề cập trong cuốn Cải cách và sự phát triển, thì công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay là một cuộc cải cách. Đây chính là sự điều chỉnh lớn trong hệ thống giáo dục để hướng đến một nền giáo dục khai phóng, xây dựng xã hội dân chủ, văn minh. “Rất khác với đổi mới, cải cách không thể là một công việc diễn ra hằng ngày, nó có thể tạo ra ít nhiều xáo trộn cùng những hậu quả không mong đợi”.
Do vậy, quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng rất cần tranh luận, phản biện khách quan trong áp dụng, vận hành đồng thời cũng cần tôn trọng, lắng nghe để điều chỉnh kịp thời.
Thế nhưng, thế hệ hôm nay ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi văn hóa và nền giáo dục truyền thống. Thầy cô dạy bảo, học trò vâng dạ vẫn là chủ yếu; cấp trên chỉ đạo, cấp dưới chấp hành vẫn là chủ đạo; “kính lão đắc thọ” - trẻ không được cãi già hay “chân lý thuộc về kẻ mạnh”… và cứ giữ tư duy như vậy thì phản biện là rất cần nhưng cũng thực sự rất khó...
Vì vậy, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cần thực hiện sứ mệnh cao cả và cần dấn thân: “cứ đi để lối thành đường” vì một Việt Nam phát triển bền vững.