GV mong có Luật Nhà giáo để có chế độ đặc thù, thầy cô sống được bằng lương

14/07/2022 09:07
Bùi Nam
GDVN- Thống nhất chức danh nhà giáo cả nước, được hưởng các quyền lợi, chính sách theo quy định của Luật Nhà giáo đáp ứng nhu cầu, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo

Nghị quyết số 29/NQ-TW nêu: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Tuy nhiên, thực tế, thu nhập từ lương của giáo viên vẫn chưa đảm bảo theo tinh thần Nghị quyết 29.

Sau nhiều đề xuất, dự thảo, ý kiến nâng lên đặt xuống, đến giai đoạn hiện nay giáo viên vẫn chưa sống được bằng lương nhất là giáo viên trẻ.

Ảnh minh họa-CTV/Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa-CTV/Giaoduc.net.vn

Theo người viết, có thang, bảng lương riêng tương xứng với vai trò, vị thế nhà giáo là mong muốn chính đáng của hàng triệu giáo viên cả nước, tuy nhiên sẽ khó thành hiện thực nếu chưa ban hành được Luật Nhà giáo.

Luật Nhà giáo được đặt ra trong Chỉ thị 40/2004/CT-TW của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2004 về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong đó về tổ chức thực hiện có giao “Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các bộ, ngành hữu quan thực hiện tốt các đề án có liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị, đồng thời nghiên cứu chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành Luật Giáo viên”.

Nghị quyết 27/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ XII (2007 - 2011) cũng đề cập đến kế hoạch xây dựng Luật Giáo viên.

Nghị quyết 29/NQ-TW của Trung ương năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tiếp tục xác định mục tiêu xã hội hóa giáo dục là mục tiêu hàng đầu, huy động mọi nguồn lực chăm lo cho giáo dục, chăm lo nhà giáo, cải thiện thu nhập, vai trò, vị thế nhà giáo.

Từ những căn cứ pháp lý trên, Luật Giáo viên (Luật Nhà giáo) được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất tiếp tục xây dựng và ban hành trong thời gian tới là vô cùng cần thiết, tạo hành lang pháp lý trong việc xây dựng chế độ chính sách, đãi ngộ và những chính sách khác liên quan đối với nhà giáo.

Sự cần thiết, cấp bách cần xây dựng Luật Nhà giáo

Năm 2022, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên triển khai 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó mục 2 có nêu nhiệm vụ trọng tâm cụ thể: “Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ nhằm khắc phục những điểm thiếu sót, những lỗ hổng; triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời; rà soát Luật Giáo dục đại học.”

Ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến vấn đề phát triển giáo dục nói chung và phát triển đội ngũ giáo viên nói riêng. Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, đồng thời quan điểm xây dựng và phát triển một đội ngũ giáo viên có chất lượng là chủ trương xuyên suốt trong quan điểm của Nhà nước.

Lao động là nhà giáo đang được điều chỉnh bằng luật Viên chức, Nghị định Chính phủ. Tuy nhiên, những Luật này đề cập đến đội ngũ công chức, viên chức nói chung, chưa giải quyết được tính đặc thù nghề nghiệp nhà giáo.

Tính đến tháng 5/2021, cả nước có khoảng hơn 1 triệu giáo viên nên đề xuất cải thiện thu nhập hay có thang, bảng lương riêng cho giáo viên là rất khó khả thi nếu không có những điều chỉnh quan trọng về Luật trong thời gian tới, nhất là phải có bộ Luật riêng cho đội ngũ nhà giáo.

Vì thế, cần có hành lang pháp lý để giáo viên thật sự yên tâm công tác và dành hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà. Đó chính là tính cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, khi có Luật Nhà giáo sẽ đặt nhà giáo tương xứng vai trò vị thế, được hưởng các chính sách đặc thù về tuyển dụng, được trả thu nhập tương xứng, nâng cao vai trò cán bộ quản lý trường học,…

Có Luật Nhà giáo khi đó mới hy vọng có thang, bảng lương riêng cho giáo viên?

Hiện nay, giáo viên là viên chức chịu sự chi phối và điều chỉnh của Luật Viên chức, các Nghị định Chính phủ về lương, phụ cấp. Giáo viên cả nước chiếm gần 50% tổng số biên chế công chức, viên chức đang hưởng lương cả nước.

Do đó, với số lượng biên chế giáo viên quá đông như hiện nay thì việc tăng lương, thu nhập sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách nhà nước, ngân sách khó kham nổi.

Các vấn đề phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi giáo viên hiện nay đang được thực hiện giống như lực lượng viên chức khác, khi xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, những chính sách đặc thù về thu nhập, phụ cấp nhà giáo có thể được duy trì, bổ sung phù hợp đặc thù nghề.

Việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức quản lý các hoạt động của nhà giáo. Đồng thời, Luật Nhà giáo cũng tạo điều kiện thu hút các lực lượng xã hội tham gia vào việc xây dựng đội ngũ nhà giáo nói riêng và phát triển sự nghiệp giáo dục nói chung.

Trước đây trong một số văn bản, dự thảo có đề xuất nhà giáo có thang, bảng lương riêng, được hưởng lương cao nhất trong đơn vị sự nghiệp công lập,…nhưng khi lấy ý kiến đều không nhận được sự đồng thuận vì giáo viên là viên chức khó có lý do để được thang, bảng lương riêng hay lực lượng giáo viên quá đông, tăng lương giáo viên là tăng đến 50% lương của đội ngũ công chức, viên chức cả nước, khó khả thi.

Do đó, xem xét xây dựng Luật Nhà giáo với các chính sách phù hợp giáo viên không phân biệt công – tư, hợp đồng, thỉnh giảng,… được hưởng chính sách đặc thù, phù hợp, khi đó mới có được thang, bảng lương riêng cho nhà giáo theo đặc thù nghề nghiệp theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW về cải cách tiền lương.

Một số kiến nghị khi xem xét, xây dựng Luật Nhà giáo

Từ những phân tích trên, người viết cho rằng việc xây dựng Luật Nhà giáo là cấp thiết, giải quyết được những bất cập, vướng mắc hiện nay của giáo viên cả nước.

Trong quá trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Luật Nhà giáo, người viết xin được có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, không còn phân biệt nhiều thành phần nhà giáo

Khi xây dựng Luật Nhà giáo, người viết đề xuất tất cả giáo viên trong nước và nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam là nhà giáo, không phân biệt, xóa bỏ phân biệt nhà giáo công – tư, nhà giáo hợp đồng, thỉnh giảng, biên chế,… nhà giáo được hưởng chế độ theo hiệu quả, tính chất, mức độ công việc.

Thống nhất chức danh nhà giáo cả nước, được hưởng các quyền lợi, chính sách theo quy định của Luật Nhà giáo đáp ứng nhu cầu, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, từ đó xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đủ số lượng và cân đối về cơ cấu; nâng cao chất lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo.

Người làm trong ngành giáo dục, kể cả nhân viên trường học (trừ đội ngũ bảo vệ, phục vụ) thực hiện các công việc liên quan giáo dục được gọi chung là nhà giáo, chịu sự chi phối của Luật Nhà giáo và các văn bản liên quan, không tách riêng nhiều thành phần như hiện nay.

Được hưởng các chế độ chính sách như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù của nghề giáo theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, xây dựng chế độ chính sách đặc thù cho đội ngũ nhà giáo

Ban hành một số chính sách, chế độ, chế độ đặc thù đối với đội ngũ nhà giáo, tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ nhà giáo toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục, tạo cơ sở pháp lý để nhà giáo hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động xã hội.

Khi giáo viên trở thành nhà giáo, ngoài ngân sách cần huy động các nguồn lực để có chính sách đặc thù cho nhà giáo tương xứng với vai trò, vị thế của nghề được gọi là nghề cao quý.

Ngoài việc trả lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW, nhà giáo nên được hưởng lương, phụ cấp đặc thù theo hiệu quả công việc, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và vị thế của nghề.

Thứ ba, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đội ngũ nhà giáo quản lý

Khi ban hành Luật Nhà giáo chính thức các cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng,…) không còn là công chức hay viên chức quản lý mà là nhà giáo quản lý.

Khi đó, có thể nghiên cứu, xem xét chấm dứt chế độ thủ trưởng ở các cơ sở giáo dục, tránh tình trạng lạm quyền, vi phạm pháp luật của một số hiệu trưởng hiện nay.

Nên có chính sách đề cử, bổ nhiệm hợp lý từ cơ sở để hiệu trưởng phải là người giỏi, có tâm, có tầm đáp ứng được nhu cầu giáo dục và đổi mới.

Cần xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo quản lý được hưởng thu nhập tương xứng, chịu trách nhiệm về vi phạm, có chính sách phù hợp về bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ nhiệm,… bên cạnh đó cần có các biện pháp kỷ luật phù hợp để tránh nhà giáo quản lý vi phạm pháp luật.

Thứ tư, trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho các trường

Theo người viết, chính vì lý do tuyển dụng hiện nay qua nhiều tầng nấc, khâu trung gian,…dẫn đến việc tuyển dụng khó khăn, dẫn đến thừa, thiếu giáo viên cục bộ, chồng chéo trong quản lý, tuyển dụng.

Hiện nay việc tuyển dụng, sử dụng viên chức được thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP, việc tuyển dụng do Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện.

Ủy ban nhân dân các cấp cũng có thể ủy quyền tuyển dụng cho các trường như ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng việc ủy quyền hiện nay còn khá ít ỏi, chỉ một vài địa phương thực hiện.

Khi giáo viên không còn là viên chức, là nhà giáo thì nên có cơ chế thoáng cho các trường tự chủ tuyển dụng, sử dụng, bố trí việc làm.

Đầu năm, hiệu trưởng thành lập hội đồng tuyển dụng theo quy định của Luật Nhà giáo, khi thiếu giáo viên do chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu,… thì tuyển dụng ngay lúc đó để bổ sung nhà giáo để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục.

Thứ năm, tạo điều kiện hội nhập giáo dục trong và ngoài nước

Khi xây dựng Luật Nhà giáo nên kèm chính sách thu hút nhà giáo nước ngoài công tác tại Việt Nam, các trường có thể tuyển dụng người giỏi để giảng dạy nhằm mang lại hiệu quả tích cực, nhà giáo không cố gắng, không phát triển sẽ không được phân công giảng dạy và không được trả lương.

Có cơ chế, chính sách tuyển dụng phù hợp; khuyến khích, thu hút người giỏi vào ngành Giáo dục, thu hút giáo viên về công tác tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; có giải pháp bảo đảm nhân lực dạy một số bộ môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật,...).

Có thể thu hút thu hút, quản lý các Việt kiều, người nước ngoài có khả năng tham gia vào việc giảng dạy ở Việt Nam. Tạo điều kiện cho các nhà giáo Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đồng thời góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của nhà giáo trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo làm Hiệu trưởng là người gieo mầm, lan tỏa hạnh phúc trong trường học hạnh phúc, có vai trò đặc biệt quan trọng quyết định sự thành bại của giáo dục.

Do đó xây dựng Luật nhà giáo là xây dựng hành lang pháp lý cụ thể về nghề được coi là cao quý, tạo cho nhà giáo hạnh phúc hơn và cống hiến nhiều hơn cho xã hội và đất nước, đưa giáo dục phát triển lên tầm cao, sáng ngang các nước có nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam