Năm 2022, Bộ Giáo dục nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời

29/01/2022 06:41
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Căn cứ các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục đào tạo; căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2012 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cụ thể như sau:

Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiến độ Chương trình soạn thảo văn bản năm 2022 theo Quyết định số 4929/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2021 (gồm: 42 văn bản quy phạm pháp luật; 42 đề án, quyết định cá biệt) và Kế hoạch nhiệm vụ năm 2022 của Bộ theo Quyết định số 99/QĐ-BGDĐT ngày 10/01/2021 (gồm: 173 nhiệm vụ; 52 hội nghị, hội thảo, tập huấn).

Ảnh minh họa: VNU

Ảnh minh họa: VNU

Theo đó có 11 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra bao gồm:

Một là, tiếp tục chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19, củng cố chất lượng, khắc phục các tác động của dịch bệnh đối với ngành Giáo dục. Theo đó, hoàn thiện chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành Giáo dục và tham mưu Chính phủ có giải pháp quyết liệt để chỉ đạo các địa phương mở cửa trường học để đón học sinh quay trở lại trường học; các cơ sở giáo dục đại học xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể đưa sinh viên sớm quay trở lại trường học; đồng thời tăng cường bù đắp kiến thức, kỹ năng, củng cố chất lượng đào tạo cho học sinh, sinh viên, học viên.

Hai là, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ nhằm khắc phục những điểm thiếu sót, những lỗ hổng; triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời; rà soát Luật Giáo dục đại học.

Ba là, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; tổ chức kiểm tra, đánh giá và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10, sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Bốn là, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, đảm bảo ổn định, phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới giáo dục đại học. Các trường đại học tiếp tục củng cố, phát triển các trung tâm khảo thí để tăng cường, góp sức cùng với ngành triển khai đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Năm là, ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch mạng lưới các trường chuyên biệt.

Sáu là, tiếp tục triển khai thực hiện tự chủ đại học; hỗ trợ kịp thời các cơ sở Giáo dục và Đào tạo khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; tăng cường giải pháp phát triển khoa học, công nghệ; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.

Bảy là, tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến.

Tám là, phối hợp với Bộ Nội vụ từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương; tổ chức các sự kiện nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Chín là, ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác.

Mười là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo.

Mười một là, đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên.

Thùy Linh