Liên quan đến việc trường học cung ứng sách giáo khoa kèm tài liệu tham khảo, từ đầu tháng 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Chỉ thị nêu rõ, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách được sử dụng lại nhiều lần, không ép buộc học sinh, gia đình mua sách tham khảo, sách bài tập.
Tuy nhiên, thời gian qua, qua phản ánh của báo chí, thực trạng bán sách giáo khoa “bia kèm lạc” vẫn diễn ra ở một số trường học.
Cần phải có chế tài xử lý
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết, một thực tế đã diễn ra trong nhiều năm qua là có sự nhập nhèm trong việc cung ứng sách giáo khoa, nhiều đơn vị đóng gói danh mục sác gồm sách giáo khoa lẫn sách bài tập và sách tham khảo khiến phụ huynh nghĩ là bắt buộc mua. Có những nơi bán một bộ sách mà số lượng sách tham khảo còn gấp đôi sách giáo khoa.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quochoi.vn |
Thị phần sách tham khảo mang lại lợi nhuận đáng kể, vì thế, các nhà xuất bản đua nhau xuất bản nhiều sách tham khảo và sách bài tập ăn theo bộ sách giáo khoa. Vì lợi nhuận lớn nên người ta tìm cách để bán được càng nhiều càng tốt.
Những năm qua, với sự phản ánh của phụ huynh, học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất tích cực vào cuộc, đưa ra những giải pháp để giảm thiểu tình trạng bán sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc”. Tuy nhiên, sự nỗ lực của Bộ vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn vì thực tế hiện nay tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo vẫn còn tiếp diễn.
“Tôi có làm một cuộc khảo sát độc lập cá nhân với nhà trường, giáo viên và phụ huynh thì nhận thấy, nhà xuất bản rất khôn khéo khi đóng chung bộ sách giáo khoa với sách bài tập, và mặc nhiên, học sinh, phụ huynh nghĩ rằng sẽ phải mua cả bộ sách đó.
Cũng chính vì không có sự tách bạch nên không phải phụ huynh, học sinh nào cũng biết sách nào cần mua, sách nào không cần thiết.
Một vấn đề nữa trong việc cung ứng sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo là có sự "tiếp tay" rất nhiệt tình của nhà trường, vì việc phân phối sách sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng.
Chính vì vậy ngay cả giáo viên chủ nhiệm cũng như ban giám hiệu phát danh mục chung cả sách giáo khoa lẫn sách tham khảo cho học sinh, phụ huynh. Thậm chí có nơi chưa kết thúc năm học này nhưng nhà trường đã phát bảng đăng ký mua sách giáo khoa cho năm học tới”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra vấn đề.
Cũng theo Đại biểu Nga, hiện nay đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều bộ sách giáo khoa của nhiều nhà xuất bản khác nhau, và từng địa phương được quyền lựa chọn sách giáo khoa. Chính vì vậy, càng cần phải thực hiện nghiêm túc yêu cầu không bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo nên các trường phải nghiêm túc thực hiện, lập một danh mục sách giáo khoa riêng cần mua, còn danh mục sách tham khảo, sách bài tập phụ huynh có thể lựa chọn mua hoặc không. Đồng thời, các nhà xuất bản cũng không được đóng chung bộ sách giáo khoa với sách tham khảo, sách bài tập.
Sách tham khảo cũng cần thiết nhưng phải tùy từng đối tượng học sinh để có sự lựa chọn phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về vấn đề này.
“Có yêu cầu, chỉ thị thì đương nhiên cần đi kèm với các chế tài xử lý. Nếu đơn vị nào vi phạm, cần phải phải xử lý nghiêm. Muốn biết có vi phạm hay không thì cần phải thanh tra, kiểm tra và lắng nghe ý kiến phản hồi của phụ huynh học sinh.
Phản hồi của phụ huynh học sinh là một thông tin rất quan trọng, nhiều ngành đã thiết lập đường dây nóng, vậy tại sao ngành giáo dục lại không thiết lập đường dây nóng để lắng nghe những phản ánh của phụ huynh về các vấn đề giáo dục.
Nếu chỉ cấm chung chung mà không có chế tài xử lý thì không thể chấm dứt tình trạng này”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định.
Khảo sát thực tế để có con số cụ thể về sai phạm và đơn vị sai phạm
Cùng bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh cho biết, hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Chỉ thị tới các tỉnh, thành. Đây là việc thực thi pháp luật, khi đã có chỉ thị của Bộ thì địa phương cũng cần có kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các trường.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Ảnh: Quochoi.vn) |
Các sở giáo dục và đào tạo phải vào cuộc quyết liệt để thực hiện nghiêm yêu cầu Bộ đưa ra thông qua nhiều cách khác nhau. Đầu tiên, các Sở phải tuyên truyền chỉ thị của Bộ đến phụ huynh, học sinh. Tiếp đến, phải yêu cầu các trường thực hiện đúng chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các Sở cũng cần ghi nhận ý kiến phản ánh của phụ huynh thông qua đường dây nóng hoặc các văn bản khảo sát. Khi có ý kiến phản ánh trường nào làm không đúng thì trường đó phải chịu trách nhiệm và có hướng xử lý cụ thể.
Ngoài ra, cần phải có sự thanh tra, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo, có thể cử các đoàn xuống kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các đơn vị.
“Muốn giải quyết được vấn đề bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, cần có sự vào cuộc chung của xã hội cũng như của các cơ quan chuyên ngành về giáo dục”, đại biểu Dương Minh Ánh nhấn mạnh.
Đại biểu Dương Minh Ánh cũng cho rằng, nên thực hiện các cuộc khảo sát để có con số rõ ràng về việc thực hiện chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như những trường hợp vi phạm.
Ví dụ có thể thực hiện khảo sát trên các trang báo mạng điện tử hoặc xây dựng hệ thống khảo sát ở sở giáo dục các tỉnh. Kết quả khảo sát sẽ đưa ra được những con số rõ ràng, minh bạch, cụ thể ở từng địa phương, từng trường học.
Qua đó, chúng ta biết được địa phương nào làm tốt, địa phương nào còn để xảy ra vi phạm, tránh tình trạng có nhiều địa phương làm tốt nhưng vẫn đánh đồng, quy chụp tất cả làm chưa tốt.
Cũng qua việc khảo sát, những trường nào không thực hiện theo đúng yêu cầu, chỉ thị của Bộ thì phải có biện pháp xử lý đối với trường đó.