Bán SGK kiểu "bia kèm lạc" tồn tại nhiều năm, chỉ đạo sao mãi không dẹp được?

28/06/2022 06:40
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, thiết bị học tập khiến giá của mỗi bộ sách tăng cao, nhưng nhiều quyển sách học sinh lại không dùng đến.

Nhiều năm qua, có hiện tượng trường học bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo và các thiết bị học tập, trong đó có những cuốn sách cả năm không được học sinh dùng dẫn đến lãng phí khiến phụ huynh rất bức xúc.

Báo chí cũng đã tốn nhiều giấy mực phản ánh vụ việc này, thế nhưng ngành giáo dục vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh mua bộ sách giáo khoa lớp 2 kèm sách tham khảo và thiết bị học tập có giá lên đến 768.000 đồng. (Ảnh phụ huynh cung cấp)Phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh mua bộ sách giáo khoa lớp 2 kèm sách tham khảo và thiết bị học tập có giá lên đến 768.000 đồng. (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Bán sách tham khảo kèm sách giáo khoa, năm nào cũng ồn ào dư luận

Có thể liệt kê một số bài viết đáng chú ý trên các diễn đàn báo chí những năm qua như sau:

Bài báo "Thành phố Hồ Chí Minh: Phụ huynh bị “ép” mua sách tiếng Anh nước ngoài?" ngày 17/8/2017 đăng tải trên Báo Dân trí đưa tin:

Nhiều phụ huynh lớp 10 tại Trường Trung học phổ thông Trần Phú, quận Tân Phú, không khỏi lo lắng khi con vừa nhập học, nhà trường đã yêu cầu các em mua bộ sách tiếng Anh nước ngoài hàng trăm nghìn đồng. [1]

Bài báo "Huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa): có hay không học sinh bị “ép” mua sách in tên, hình ảnh của trường? ngày 27/9/2018 trên Tạp chí Thương hiệu và Công luận nêu thực trạng:

Nhiều phụ huynh phản ánh về tình trạng một số trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) khi nhà trường “ép” học sinh phải mua sách vở có in logo và tên trường, do chính nhà trường bán, giá thành cao với lý do để đảm bảo chất lượng. [2]

Bài báo "Trường Hoàng Văn Thụ bán sách kiểu "bia kèm lạc", giá cao ngất" được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/05/2019. [3]

Bài viết "Trường Tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu bộ sách lớp 1 hơn 800.000 đồng" ngày 4/9/2020 trên Báo VTC News phản ánh:

Bộ sách giáo khoa, sách tham khảo và đồ dùng học tập lớp 1 được Trường Tiểu học An Phong, Quận 8, giới thiệu với phụ huynh khi nhập học giá 807.000 đồng. [4]

Và gần đây nhất, ngày 26/6/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: "Phụ huynh Tiểu học Võ Thị Sáu phản ánh mua SGK “bia kèm lạc”, nhà trường nói gì? [5] cũng phản ánh về câu chuyện dai dẳng liên quan đến vấn đề này.

Phê bình hiệu trưởng có mang lại hiệu quả?

Liên quan đến tình trạng trường học "ép" phụ huynh học sinh phải mua sách tham khảo hơn 800.000 đồng xảy ra tại Trường Tiểu học An Phong, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, Báo VietNamNet ngày 10/9/2020 dẫn lời ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

"Bộ Giáo dục đã quy định rõ ràng, với sách tham khảo, nhà trường có trách nhiệm lựa chọn tài liệu phù hợp và trang bị trong thư viện để phục vụ cho việc dạy học. Việc đưa sách tham khảo vào trường học cũng phải trên cơ sở đề xuất của giáo viên và tổ chuyên môn. Bất cứ ai cũng không được ép buộc phụ huynh mua tài liệu tham khảo". [6]

Và sau đó, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8, cho biết lãnh đạo đã phê bình Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phong vì thông tin không rõ ràng giữa sách giáo khoa và sách tham khảo khi bán cho phụ huynh. [7]

Ngày 8/6/2022, tại Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh "nghiêm cấm bất kỳ hình thức ép buộc, gợi ý cho phụ huynh trong việc mua sách không phải sách giáo khoa trong danh mục". Bộ chỉ đạo về vấn đề này không phải lần đầu, vậy có phải các trường đang "nhờn" chỉ đạo?

"Điều tinh vi ở chỗ là, giờ nhiều trường làm danh sách chia các phần sách giáo khoa, sách tham khảo riêng nhưng cùng một danh mục thông báo, các thông báo mua sách truyền đạt bằng miệng qua giáo viên chủ nhiệm, không có bất cứ văn bản nào cụ thể nên phụ huynh bức xúc cũng rất khó có chứng cứ chứng minh trường "ép buộc".

Đa phần phụ huynh cũng vì con, kể cả việc sợ con bị ảnh hưởng nên nhiều người cắn răng mua cả bộ mà trong đó có nhiều thứ không dùng đến hoặc dùng rất ít gây lãng phí", một phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh ấm ức nói.

Theo quan điểm người viết, nếu chỉ dừng lại ở việc phê bình hay chấn chỉnh mỗi khi dư luận lên tiếng thì câu chuyện bán sách giáo khoa theo kiểu "bia kèm lạc" vẫn còn tiếp diễn.

Quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo được quy định thế nào?

Ngày 7/7/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT Quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, khoản 4 Điều 5 quy định trách nhiệm của giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp như sau (trích):

"Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào".

Vấn đề này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục khẳng định "nghiêm cấm bất kỳ hình thức ép buộc, gợi ý cho phụ huynh trong việc mua sách không phải sách giáo khoa trong danh mục. Và danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký duyệt đã rất rõ ràng".

Cùng với đó, khoản 4 Điều 6 Thông tư này cũng quy định trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở giáo dục:

"Thông báo cho cán bộ, giáo viên, học sinh và học viên về danh mục, số lượng xuất bản phẩm tham khảo tối thiểu đã được cơ sở giáo dục lựa chọn, sử dụng; Tổ chức tư vấn cho học sinh, học viên và cha mẹ học sinh, học viên trong việc lựa chọn, mua xuất bản phẩm tham khảo theo nhu cầu riêng". [8]

Ngoài ra, ngày 10/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trong đó có nội dung, "không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng".

Tôi cho rằng, nếu lãnh đạo trường học có tâm, tất cả vì học sinh thân yêu, thực hiện nghiêm túc những điều khoản theo quy định này thì phụ huynh không phải mất tiền mua sách tham khảo oan uổng.

Về phía phụ huynh, cần đọc báo và các thông tin liên quan đến sách giáo khoa để hiểu đúng đâu là sách bắt buộc, đâu là sách tham khảo để mua cho con em sử dụng, tránh mua tràn lan gây lãng phí tiền bạc.

Phụ huynh cũng cần dũng cảm góp ý thẳng đến lãnh đạo, giáo viên nếu cảm thấy bị ép buộc phải mua sách tham khảo một cách vô lí. Nếu không được lắng nghe, phụ huynh có thể phản ánh lên cơ quan quản lí cao hơn như Phòng, Sở, Bộ Giáo dục hoặc các phương tiện truyền thông để được kịp thời can thiệp, xử lí. Và nếu, xử lý nghiêm hiệu trưởng, tôi tin câu chuyện bức xúc bán sách giáo khoa kiểu "bia ít lạc nhiều" sẽ sớm được chấm dứt.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/tphcm-phu-huynh-bi-ep-mua-sach-tieng-anh-nuoc-ngoai-20170817093713596.htm

[2] https://thuonghieucongluan.com.vn/huyen-hau-loc-thanh-hoa-co-hay-khong-hs-bi-ep-mua-sach-in-ten-hinh-anh-cua-truong-a62642.html

[3] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/truong-hoang-van-thu-ban-sach-kieu-bia-kem-lac-gia-cao-ngat-post198903.gd

[4] https://vtc.vn/truong-tieu-hoc-o-tphcm-gioi-thieu-bo-sach-lop-1-hon-800000-dong-ar567964.html

[5] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phu-huynh-tieu-hoc-vo-thi-sau-phan-anh-mua-sgk-bia-kem-lac-nha-truong-noi-gi-post227534.gd

[6] https://vietnamnet.vn/tu-vu-800000bo-sach-lop-1-se-xu-nghiem-chuyen-nhap-nhem-sgk-sach-tham-khao-672478.html#inner-article

[7] https://vietnamnet.vn/phe-binh-hieu-truong-vu-ban-bo-sach-lop-1-gia-800000-dong-672725.html

[8] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-21-2014-TT-BGDDT-quan-ly-su-dung-xuat-ban-pham-tham-khao-mam-non-pho-thong-238470.aspx

Cao Nguyên