Trường đại học nói gì về việc dùng phương thức xét tuyển đầu vào cao học?

13/07/2022 06:36
Hoài Ân
GDVN- Theo Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, để nâng chất lượng đầu vào cao học, các trường đại học "top" đầu có thể xét tuyển kết hợp với phỏng vấn ứng viên.

Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2021.

Đáng chú ý, Thông tư này không giới hạn số lần tuyển sinh trong năm và các trường đại học có thể áp dụng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai. Hiện tại, không chỉ các trường ngoài công lập, nhiều trường công lập lớn cũng đồng loạt tuyển sinh thạc sĩ bằng hình thức xét tuyển.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh trình độ thạc sĩ ở 3 ngành đào tạo đó là Tài chính - ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Luật kinh tế với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 560.

Quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ mới đã có hiệu lực nên nhà trường dự kiến chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển đầu vào cao học.

Đây cũng là năm đầu tiên Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện xét tuyển thay vì thi tuyển như mọi năm. Những thí sinh tham gia xét tuyển ngoài đảm bảo những điều kiện chung thì phải có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Đối với thí sinh đã tốt nghiệp hoặc đủ điều kiện tốt nghiệp các ngành gần, ngành khác với ngành đào tạo thạc sĩ thì phải hoàn thành bổ sung kiến thức trước khi được dự tuyển.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)

"Ở năm đầu tiên áp dụng theo quy chế mới, trường chỉ dựa vào điểm trung bình chung tốt nghiệp bậc đại học của ứng viên. Năng lực người học có thể khác nhau tùy theo từng trường đại học mà ứng viên tốt nghiệp. Do vậy, trong tương lai trường có thể sẽ điều chỉnh theo tiêu chí khác nhau để đánh giá toàn diện hơn đầu vào", Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ thông tin.

Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở các trường đại học trên thế giới, rất ít trường tổ chức thi tuyển đầu vào chương trình cao học, thường sẽ xét tuyển kết hợp với phỏng vấn, cho nên việc mở rộng hình thức xét tuyển đang đi đúng với xu hướng quốc tế.

"Theo tôi, các trường đại học "top" đầu có thể xem xét xét tuyển kết hợp với một số phương thức khác như phỏng vấn ứng viên nhằm nâng chất lượng đầu vào cao học.

Nhiều người lo ngại rằng chuyển từ thi sang xét tuyển nếu cơ sở đào tạo không siết chặt đầu ra thì sẽ khó đảm bảo chất lượng đào tạo. Về ý kiến này, tôi cho rằng, tất cả các trường khi xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ hoặc các chương trình đào tạo khác đều đã đặt ra những yêu cầu về đào tạo, chuẩn đầu ra cùng những điều kiện đánh giá riêng của từng ngành, từng chương trình, cho nên các trường sẽ luôn tuân thủ đúng theo những yêu cầu đó.

Về lâu dài, chắc chắn các trường sẽ có kinh nghiệm trong việc xét tuyển để tìm được những ứng viên phù hợp với chương trình đào tạo của mình", Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ nêu quan điểm.

Cũng thông tin về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Viết Tiến, Viện trưởng Viện đào tạo sau đại học, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Nhà trường đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của riêng trường dựa trên Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó áp dụng linh hoạt việc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển với một số nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, các thí sinh dự tuyển vào hệ ứng dụng cần có đủ điều kiện tiếng Anh B1, nếu không có chứng chỉ hay bằng cấp tiếng Anh cần thiết thì cần phải tham gia thi kiểm tra tiếng Anh trình độ B1 do Trường tổ chức. Tiêu chí xét tuyển là điểm trung bình chung (GPA) bậc đại học.

Thứ hai, các thí sinh dự tuyển hệ nghiên cứu, ngoài điều kiện tốt nghiệp loại khá trở lên ở bậc đại học (hoặc tác giả bài báo khoa học) và điều kiện tiếng Anh B1, cần vượt qua kỳ thi “Kiểm tra năng lực dạng GMAT” do nhà trường thiết kế và tổ chức thi.

Thứ ba, các thí sinh tốt nghiệp đại học ngành phù hợp mới được đăng ký dự tuyển. Nếu không đúng ngành phù hợp thì phải học bổ sung kiến thức ngành dự tuyển với 6 môn học. Việc học bổ sung được tổ chức 3-6 tháng trước khi xét tuyển.

Như vậy, để được xét tuyển vào chương trình cao học, thí sinh cần đáp ứng các điều kiện sau: tốt nghiệp đại học ngành phù hợp hoặc đã học bổ sung kiến thức; có chứng chỉ tiếng Anh B1 hoặc đạt yêu cầu (50/100) qua kỳ kiểm tra tiếng Anh; tốt nghiệp đại học loại khá và đạt yêu cầu trong kỳ thi kiểm tra năng lực dạng GMAT đối với các ứng viên hệ nghiên cứu.

Với những quy định mới về đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tuyển 1.500 chỉ tiêu cho năm 2022. Tổng chỉ tiêu này sẽ phân bổ cho 2 đợt thi và xét tuyển trong năm.

"Theo ý kiến cá nhân của tôi, phương thức mới do trường tự thiết kế dựa trên quy định của Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT có những thuận lợi đó là nhà trường có thể mở rộng diện xét tuyển cho hệ ứng dụng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học ở các doanh nghiệp hoặc các tổ chức công đến từ 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Việc mở rộng xét tuyển hệ ứng dụng thể hiện trách nhiệm xã hội của trường với sự nghiệp đào tạo nhân lực trình độ cao của các địa phương.

Bên cạnh đó, trường vẫn siết chặt yêu cầu chất lượng, nâng cao yêu cầu về năng lực tư duy, năng lực nghiên cứu đối với đầu vào thạc sĩ hệ nghiên cứu, tạo nguồn cho đào tạo trình độ tiến sĩ trong tương lai 2-3 năm tới. Việc nâng cao chất lượng hệ nghiên cứu đảm bảo định hướng chiến lược của trường trong dài hạn đó là trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Viết Tiến cho hay.

Hoài Ân