Cán bộ, công chức có cần học vị thạc sĩ, tiến sĩ?

04/06/2022 06:56
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học vị thạc sĩ, tiến sĩ chỉ dành riêng cho những người nghiên cứu khoa học còn cán bộ, công chức phải giỏi hành chính công nhằm phục vụ lợi ích hợp pháp chung.

Ngày 24/5/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Hà Nội sẽ chi hơn 60 tỉ đồng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho cán bộ, công chức" nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trên cả nước.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030".

Cụ thể, giao chỉ tiêu đào tạo 30 người (5 tiến sĩ; 25 thạc sĩ) tại các nước tiên tiến và 240 người (40 tiến sĩ; 200 thạc sĩ) trong nước thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ năm 2022-2025 là 272,3 tỉ đồng, riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỉ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỉ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỉ đồng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cán bộ, công chức có cần học vị thạc sĩ, tiến sĩ?

Một số địa phương cho rằng, việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học - thạc sĩ, tiến sĩ, sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhằm cải thiện hiệu quả công việc và quản lí Nhà nước.

Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ chỉ thuần làm công tác khoa học, khác với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy Nhà nước.

Điều 5 Luật Giáo dục đại học (Luật số 08/2012/QH13) ngày 18/6/2012 của Quốc hội quy định mục tiêu của giáo dục như sau (trích):

c) Đào tạo trình độ thạc sĩ để học viên có kiến thức khoa học nền tảng, có kỹ năng chuyên sâu cho nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học hoặc hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo;

d) Đào tạo trình độ tiến sĩ để nghiên cứu sinh có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển tri thức mới, phát hiện nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn. [1]

Còn hành chính công vụ là hoạt động của Nhà nước, với nhiều yếu tố hợp thành như thể chế công vụ, đội ngũ công chức, các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước… Công vụ là hoạt động do các cán bộ, viên chức Nhà nước tiến hành nhằm thực hiện các chức năng của Nhà nước. [2]

Đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hạn chế những gì?

Bàn về những hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức, bài viết "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ Nhân dân" ngày 27/7/2021 đăng trên Tạp chí Quản lí Nhà nước nêu rõ:

"Đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như: thiếu tri thức, kỹ năng hành chính, mọi công việc được thực hiện theo kinh nghiệm tự tích lũy, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn thấp, tình trạng tham nhũng, sách nhiễu, cửa quyền… không còn là cá biệt, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước". [3]

Vậy nên, theo ý kiến cá nhân tôi, Thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành khác nói chung cần đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, chứ không phải tạo điều kiện để học đi học thạc sĩ, tiến sĩ bằng ngân sách Nhà nước.

Thứ nhất, theo tìm hiểu của tôi, hiện nay nước ta chưa có luật riêng về đạo đức công vụ. Các quy phạm pháp luật về đạo đức công vụ đã được Nhà nước ban hành lồng ghép trong nhiều văn bản khác nhau như Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi năm 2019), Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi năm 2019), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018… [4]

Nếu có luật riêng về đạo đức công vụ thì sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức. Vì đạo đức công vụ là yếu tố quan trọng bảo đảm sự tin cậy, minh bạch trong hoạt động công vụ; là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực dùng để đánh giá và điều chỉnh ứng xử của cán bộ, công chức, được thực hiện bởi lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ, niềm tin của họ trong quá trình thực thi công vụ. [5]

Đây cũng là một trong những lí do khiến các cơ quan Nhà nước gặp không ít khó khăn, trở ngại khi đánh giá chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Thứ hai, cần hạn chế tối đa những bất cập trong tuyển dụng cán bộ, công chức cả trong các quy định và trên thực tế. Điều dễ nhận thấy là, một số cơ quan Nhà nước tuyển dụng cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do trái chuyên môn.

Ví dụ, công chức phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học, là một thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh từng được một lãnh đạo Sở nêu tại một Hội nghị của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Chúng ta có thể học hỏi mô hình hệ thống công chức và đào tạo công chức với sự phát triển của đất nước Hàn Quốc.

Điều đáng quan tâm là, các kỳ thi công chức ở Hàn Quốc đều do Bộ Quản lý nhân sự (Ministry Personel Management) tổ chức chung.

Hệ thống công chức của Hàn Quốc chia thành 9 bậc (grade), từ thấp nhất bậc 9 tới cao nhất là bậc 1 (G9-G1). Một công chức chuyên nghiệp từ khi thi tuyển vào (kỳ thi bậc 9) sẽ trải qua kỳ thi ở bậc 7 và tiếp đó là bậc 5 để bước vào hạng công chức cấp cao hơn và cao nhất là Senior Civil Service (SCS) gồm bậc 2 đến bậc 1.

Việc tiếp nhận hồ sơ và chấm thi không phân biệt tầng lớp, thành phần xuất thân, quan hệ thân quen, họ hàng. Kết quả các bài thi là tiêu chí duy nhất để Hội đồng chấm thi quyết định chọn. Điều đáng lưu ý là việc tham gia vào các kỳ thi ở bất cứ bậc nào cũng dành cho cả người đang làm ở khu vực tư nhân. [6]

Thứ ba, chế độ tiền lương hiện nay dành cho cán bộ, công chức còn thấp, khó thu hút nhân tài vào làm việc ở các cơ quan Nhà nước. Tiền lương thấp nên khó đòi hỏi họ chuyên tâm vào công việc.

Chẳng hạn, ở Hàn Quốc, tiền lương công chức được thiết kế khoa học, bao hàm nhiều yếu tố, có khuyến khích người có thành tích công tác, sáng tạo, đổi mới, cống hiến. Hiện nay, cơ cấu chi (Pay structure) cho công chức Hàn Quốc bao gồm: tiền lương cơ bản + phụ cấp + thưởng + chi phí thực khác.

Riêng phụ cấp (allowance) có 12 loại theo 4 nhóm: phụ cấp ưu đãi và cho người phục vụ; phụ cấp gia đình (số lượng con); phụ cấp điều kiện làm việc khó khăn; phụ cấp làm việc ngoài giờ, ngày lễ, làm đêm dành cho công chức từ bậc 9 đến bậc 5...

Nói tóm lại, thạc sĩ, tiến sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp. Vậy nên, có những vị trí đòi hỏi phải có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ví như giảng viên các trường đại học, người nghiên cứu khoa học, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu chính sách tham mưu cho Chính phủ...

Còn người không làm công việc nghiên cứu khoa học hay tham mưu thì không cần phải có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, chỉ cần họ giỏi chuyên môn nghiệp vụ ở lĩnh vực được giao là đủ.

Ngoài ra, cán bộ, công chức đi học thạc sĩ, tiến sĩ cũng phải mất từ 2 năm đến 5 năm, còn đâu thời gian để làm việc. Nếu họ đi học theo kiểu vừa học vừa làm thì rất khó để cho ra những luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đạt chất lượng.

Chưa kể, các cơ quan Nhà nước phải bố trí cán bộ kiêm nhiệm hoặc hợp đồng thêm nhân sự nhằm lấp chỗ trống của những người đi học thì càng tốn ngân sách, còn hiệu quả công việc cũng khó đảm bảo.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-Giao-duc-dai-hoc-2012-142762.aspx

[2] //luathoangphi.vn/hanh-chinh-cong-vu-la-gi/

[3] //www.quanlynhanuoc.vn/2021/07/27/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-cong-chuc-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-nen-hanh-chinh-nha-nuoc-phuc-vu-nhan-dan/

[4]//tcnn.vn/news/detail/53818/Thuc-hien-phap-luat-ve-dao-duc-cong-vu-o-Viet-Nam-hien-nay.html

[5] //www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/816002/nang-cao-dao-duc-cong-vu-cua-doi-ngu-can-bo%2C-cong-chuc%2C-vien-chuc-hien-nay.aspx

[6] //lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/2912-he-thong-cong-chuc-va-dao-tao-cong-chuc-voi-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-han-quoc.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài