Cho phép xét tuyển cao học: Mở toang đầu vào thạc sĩ, có siết chặt đầu ra?

05/07/2022 06:33
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT cho phép tuyển sinh đầu vào cao học theo hình thức xét tuyển làm dấy lên lo ngại đầu ra thạc sĩ có đảm bảo chất lượng.

Ngày 30/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ. [1]

Đáng chú ý, Thông tư này không giới hạn số lần tuyển sinh trong năm, và các trường đại học có thể áp dụng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai. Hiện tại, rất nhiều trường đại học đã chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển đầu vào cao học.

Nhiều trường đại học đua nhau xét tuyển cao học

Theo tìm hiểu của người viết, cho đến thời điểm này, nhiều trường đại học ở phía Nam đã tổ chức xét tuyển đầu vào cao học như: Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính – Marketing (Thành phố Hồ Chí Minh)… [2], [3]

Nếu hình thức thi tuyển chỉ kiểm tra đơn thuần về học thuật thì xét tuyển bao gồm cả phỏng vấn, dựa vào điểm trung bình tốt nghiệp bậc đại học, điều kiện ngoại ngữ…

Người viết thấy rằng, mỗi hình thức tuyển sinh đều có những ưu, khuyết điểm nhất định. Ví dụ, hình thức thi tuyển có thể tổ chức trong khoảng thời gian ngắn cho số đông thí sinh, chỉ tiêu được lấy từ cao xuống thấp theo điểm thi nên rất thuận lợi.

Còn xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn rất mất thời gian, chỉ phù hợp với một số chuyên ngành tuyển sinh ít chỉ tiêu. Nếu xét tuyển theo điểm trung bình tốt nghiệp đại học thì những thí sinh có điểm thấp sẽ gặp nhiều bất lợi.

Tuy nhiên, thực tế đáng lo ngại trong đào tạo thạc sĩ hiện nay là trường đại học càng lớn thì càng khó thu hút người học vì thí sinh có thể lựa chọn nhiều trường khác dễ dàng hơn, có mặt khắp mọi nơi.

Điều kiện tuyển sinh đầu vào thạc sĩ của Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều tiêu chí khắt khe. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Điều kiện tuyển sinh đầu vào thạc sĩ của Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều tiêu chí khắt khe. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Chẳng hạn, nhiều giáo viên ngành Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh không chọn thi vào Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh hay Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh mà chọn một số trường khác, kể cả trường tư thục vì đầu vào cao học, đầu ra thạc sĩ được đánh giá là "dễ thở" hơn.

Có thể nhận thấy, đào tạo thạc sĩ đang giúp nhiều trường đại học có nguồn thu tốt.

Vậy nên, với sự ra đời của Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT, có ý kiến lo ngại, nhiều trường đại học sẽ có hiện tượng tuyển sinh cao học theo kiểu vơ bèo vạt tép đủ chỉ tiêu, chất lượng đào tạo sẽ khó đảm bảo.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 6 quy định, việc tuyển sinh có thể được tổ chức một hoặc nhiều lần trong năm chứ không còn giới hạn 2 lần mỗi năm như trước cũng rất đáng bàn.

Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT cho phép cơ sở đào tạo được tổ chức nhiều lần trong năm dấy lên lo ngại sẽ lạm phát thạc sĩ.

Hẳn dư luận còn nhớ về câu chuyện ồn ào xung quanh "lò ấp" thạc sĩ. Trong 2 năm 2015 và 2016 cơ sở này cho “ra lò” 700 tiến sĩ và 2.811 thạc sĩ. Đã có những đề tài tiến sĩ, thạc sĩ, cho dù nghĩ mãi cũng không biết dùng vào việc gì, mang lại lợi ích gì cho nền khoa học nước nhà.

Cần phát huy một số ưu điểm của Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT

Bên cạnh một số băn khoăn như đã phân tích, theo tôi cần phát huy những ưu điểm của Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT như sau:

Thứ nhất, Điều 5 quy định, người dự tuyển trình độ thạc sĩ phải đáp ứng các điều kiện: đã tốt nghiệp hoặc đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp. Đối với chương trình định hướng nghiên cứu thì hạng tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực học tập, nghiên cứu;

năng lực ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trong đó, ứng viên phải có 01 trong các văn bằng chứng chỉ theo quy định (xem thêm điểm a, b, c Điều 5 của Thông tư 23).

Như thế, Thông tư quy định chuẩn đầu vào trình độ đào tạo thạc sĩ phải có ngoại ngữ Bậc 3. Còn trước đây, Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014 về ban hành quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ thì các điều kiện về hạng tốt nghiệp hay năng lực ngoại ngữ dự tuyển vào chương trình thạc sĩ đều không được quy định cụ thể.

Thứ hai, Điều 7 quy định cụ thể địa điểm tổ chức đào tạo là trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo. Các hoạt động thực hành, thực tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế có thể được tổ chức ở ngoài cơ sở đào tạo nhưng không vượt quá 20% khối lượng chương trình đào tạo. Theo người viết, quy định này sẽ chấm dứt kiểu đào tạo liên kết bát nháo giữa các trường đại học đã từng xảy ra thời gian trước đó.

Thứ ba, Thông tư quy định về số lượng tín chỉ tối đa học viên được đăng ký trong 1 học kỳ. Khoản 5 Điều 7 quy định tổng số tín chỉ tối đa trong một năm học không được quá 45 tín chỉ đối với hình thức chính quy và không được quá 30 tín chỉ đối với hình thức vừa làm vừa học.

Để tránh trường hợp học dồn bất hợp lý, Thông tư giới hạn số lượng tín chỉ đăng ký trong năm là hoàn toàn đúng đắn.

Trước thời điểm Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực, theo ghi nhận của tôi, đã có cơ sở đào tạo cao học ở phía Nam chỉ dạy trong khoảng 1 năm là hoàn tất chương trình, thời gian còn lại học viên chỉ việc viết luận văn và đợi ngày bảo vệ.

Thứ tư, về hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, Điều 8 quy định, học viên theo học chương trình định hướng nghiên cứu phải thực hiện một đề tài nghiên cứu có khối lượng từ 12 đến 15 tín chỉ (trước đây yêu cầu tối thiểu 7 tín chỉ) với kết quả được thể hiện bằng luận văn.

Quy định tăng khối lượng tín chỉ cho đề tài nghiên cứu khiến học viên phải đầu tư nhiều chất xám hơn cho luận văn. Bởi, nếu điểm luận văn cao thì kết quả khóa học sẽ được nâng lên và ngược lại. Ngoài ra, học viên được thực hiện luận văn trong thời gian ít nhất 06 tháng cũng là một ưu điểm của Thông tư.

Thay lời kết

Điều đáng mừng là, nhiều trường đại học lớn, thuộc top trên vẫn tuyển sinh cao học theo hình thức thi tuyển với điều kiện rất khắt khe.

Ví dụ, Thông báo số 359/TB-ĐHYD của Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh về tuyển sinh chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II và trình độ thạc sĩ năm 2022 có quy định:

"Thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học xếp loại hạng trung bình, trung bình khá và không có bài báo khoa học chỉ được đăng kí dự tuyển vào chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng (không phải nghiên cứu - tác giả chú thích). [4]

Quan điểm cá nhân người viết cho rằng, thạc sĩ không phải là bằng cấp đại trà vì đào tạo ra những người có học vị cao phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học.

Thế nhưng, một số điều của Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT quy định tuyển sinh đầu vào cao học được “nới lỏng”, nếu cơ sở đào tạo không siết chặt đầu ra thì sẽ khó đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-23-2021-TT-BGDDT-Quy-che-tuyen-sinh-va-dao-tao-trinh-do-thac-si-486650.aspx

[2] https://thanhnien.vn/chuyen-tu-thi-sang-xet-tuyen-dau-vao-thac-si-co-de-hon-post1464893.html

[3] https://sdh.ueh.edu.vn/thac-si/thong-bao-tuyen-sinh-dao-tao-trinh-do-thac-si-kinh-te-dot-1-nam-2022.html

[4] https://ump.edu.vn/tuyen-sinh-dao-tao/sau-dai-hoc/thong-bao/3863/thong-bao-tuyen-sinh-sau-dai-hoc-nam-2022-cho-cac-bac-dao-tao-chuyen-khoa-cap-i-chuyen-khoa-cap-ii-va-trinh-do-thac-si

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài