LTS: Ngày 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị về tự chủ đại học 2022.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng toàn văn bài tham luận quan trọng của Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tại hội nghị này.
Theo quan điểm của nhiều học giả tự chủ đại học là khả năng hành động chủ động mang tính pháp lý về các mặt học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự của trường đại học, là điều kiện cần để giúp các trường thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Tự chủ đại học có tính tương đối và chịu ảnh hưởng bởi chính sách của Nhà nước về giáo dục đại học.
Tự chủ cũng được xem là hệ giải pháp có cấu trúc chặt chẽ hướng đến việc cải thiện môi trường giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học; là con đường để tìm kiếm phương cách thúc đẩy sự xuất sắc trong học thuật, trong quản lý tài chính và trong quản trị của các cơ sở giáo dục đại học. Trong cải cách giáo dục đại học, xu thế chung là trao quyền tự chủ cho các trường đại học.
Chủ trương về tự chủ đại học là một chủ trương rất đúng, có ý nghĩa đột phá để phát triển giáo dục đại học lên một tầm cao mới, thế giới đã thực hiện từ lâu, Việt Nam ta đã có Nghị quyết 19 của Trung ương và đã đưa vào Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).
Ảnh minh hoạ: Linh Hương |
Chính phủ đã cho thực hiện thí điểm ở 23 trường đại học từ 8 năm trước – đó là một quyết định đúng. Mặc dù còn bị nhiều cản trở, nhưng nhìn chung có tốt hơn so với khi chưa làm thí điểm, trong đó Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhờ có cơ chế tự chủ mà đã lọt được vào tốp 400 của thế giới (thời kỳ 2015-2020).
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đến nay nhìn lại tổng thể việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học đang còn rất nhiều lúng túng.
Trong cả giới quản lý lẫn học thuật đang có sự nhầm lẫn giữa trao quyền tự chủ cho trường đại học với việc nhà nước phân quyền cho cơ sở cũng như với đòi hỏi cơ sở phải tự túc về tài chính. Luật pháp không đồng bộ, cản trở lẫn nhau, chỉ đạo và triển khai tiền hậu không thống nhất, lủng củng, nửa vời.
Đang có sự lẫn lộn và xung đột giữa cơ chế tự chủ với cơ chế chủ quản (như cũ), mà chủ quản vẫn mạnh hơn, cũng có nghĩa là nói tự chủ nhưng vẫn chưa được tự chủ theo đúng nghĩa. Nếu kéo dài tình trạng này thì chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học mặc dù rất đúng đắn nhưng có khả năng phá sản, giáo dục đại học của Việt Nam sẽ không có lối ra để có thể nhanh chóng trưởng thành.
Giải quyết tình trạng này nằm ngoài khả năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà cần phải có chỉ đạo của cấp cao, giao cho các cơ quan liên quan thực hiện theo chức năng của mình về tham mưu việc điều chỉnh các quy định của pháp luật theo hướng nhất quán thực hiện chủ trương tự chủ đại học.
Hiện nay theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam biết, tuy chưa đầy đủ nhưng đã thấy có sự không đồng bộ giữa luật giáo dục đại học với nhiều luật, nghị định và hướng dẫn (như Luật ngân sách, Luật đầu tư công, Luật quản lý tài sản công, Luật đấu thầu, Luật xây dựng, Luật viên chức…).
Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, trước mắt có 6 quan điểm cần được thống nhất sớm trong lãnh đạo các cấp để mở đường cho giáo dục đại học Việt Nam có được tự chủ đại học đích thực.
Một là, không đánh đồng tự chủ đại học với tự túc về nguồn lực. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ (như ở Nghị định 60) mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.
Hai là, để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học, đặc biệt đối với các trường đại học công lập, cần kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản, như đã chỉ ra từ nhiều năm nay tại các Nghị quyết 14/NQ-CP, Nghị quyết 89/NQ-CP của Chính phủ và qua chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại nhiều hội nghị, hội thảo.
Để có được điều này đòi hỏi cơ quan chủ quản phải tự nguyện từ bỏ quyền lực, sự chỉ huy trực tiếp của mình đối với trường đại học, không được ẩn dưới tên gọi mập mờ khác như “cơ quan quản lý trực tiếp” (như ở Nghị định 99/NĐ-CP).
Có thể đề xuất một giải pháp trung gian là trên đường đi tới xóa bỏ cơ quan chủ quản để các trường đại học có quyền tự chủ thực sự thì trước tiên cần xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản.
Xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản tức là tạm chấp nhận vẫn có cơ quan chủ quản nhưng nó chỉ làm chức năng chủ quản đầu tư phần tài sản nhà nước và có thể tác động lên hoạt động của trường chỉ thông qua việc cử đại diện của mình tham gia vào Hội đồng trường chứ không can thiệp trực tiếp lên hoạt động của cơ sở giáo dục đại học đó. Có thể xem đây như là cơ chế “bán tự chủ”. Còn nếu không làm được việc này thì chưa thể nói tới chuyện trao quyền tự chủ cho trường đại học.
Cũng xin lưu ý, xóa bỏ cơ quan chủ quản hay xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản nhưng chúng ta không hề phủ nhận vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và của tổ chức Đảng trong trường.
Ba là, trao quyền tự chủ thì phải xác định cụ thể là trao quyền đó cho ai. Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường, như Nghị quyết 19 đã khẳng định . Đó chính là Hội đồng trường. Bởi vậy thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học.
Chừng nào cơ quan chủ quản còn chưa tự nguyện từ bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý trực tiếp của mình (theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền/cơ chế chủ quản) đối với cơ sở giáo dục đại học thì ở đó chưa nên vội vàng thành lập Hội đồng trường và do đó không nên máy móc chuyển trường qua cơ chế tự chủ.
Theo Luật Giáo dục đại học 2018: “Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”. Ngoài ra, từ năm 2015 các đại học công lập thuộc sở hữu toàn dân (chứ không phải sở hữu nhà nước như trước năm 2015) nên chủ sở hữu của chúng là cộng đồng xã hội.
Những thành viên tham dự Hội đồng trường phải là những người tiêu biểu và là đại diện thực sự cho chủ sở hữu và các bên liên quan chứ không phải chỉ được cơ cấu vào cho đủ thành phần. Đó là nguyên tắc hàng đầu khi thành lập Hội đồng trường. Để bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện và triệt để của Đảng, Đảng ủy phải chiu trách nhiệm về công tác nhân sự đối với các ứng viên Hội đồng trường của các trường đại học công lập.
Bốn là, có một điều rất trớ trêu được đặt ra cho các nhà làm luật ở Việt Nam: Đó là trong thực trạng hiện tại, Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) do quá cấp tiến nên đã không dành chỗ đứng cho các trường đại học chưa tự chủ (mà số trường loại này còn rất nhiều), trong khi những trường được tự chủ lại chưa được tính đến ở nhiều luật khác. Do đó cần phải có một hệ thống các văn bản pháp lý nhất quán phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường.
Tuy nhiên để có được sự đồng bộ của các văn bản pháp luật ngay lập tức thì khó; bởi vậy muốn thực hiện thuận lợi trao quyền tự chủ cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường đại học tự chủ. Vấn đề này đã được nhắc đến ở Nghị định 16/2015/NĐ-CP cũng như ở các Nghị quyết 89 và 35 của Chính phủ nhưng cho tới nay một nghị định như vậy vẫn chưa thấy đâu.
Năm là, trao quyền tự chủ thì cơ cấu quản trị, quản lý trường đại học cũng phải thay đổi, không thể vẫn theo thiết chế tập quyền/cơ chế chủ quản như cũ. Cần thay đổi cơ cấu tổ chức và điều lệ hoạt động của trường đai học sao cho phù hợp với cơ chế tự chủ. Phải gắn liền việc trao quyền tự chủ với việc nâng cao trách nhiệm giải trình của trường đại học.
Sáu là, Nhà nước cần sớm xây dựng bộ Khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy- Hội đồng trường - Ban giám hiệu – Cơ quan quản lý nhà nước. Để khẳng định nguyên tắc lãnh đao toàn diện của Đảng, như Nghị quyết 19 đã chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy nhất thiết phải là người có uy tín cao nhất trong trường để xứng đáng kiêm chức Chủ tịch Hội đồng trường .
Chỉ khi nào thống nhất trong lãnh đạo ở mọi cấp cả sáu quan điểm này thì hy vọng mới có tự chủ đại học đích thực ở Việt Nam.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Doãn Nhàn) |
Từ thực tế triển khai thí điểm tự chủ đại học những năm vừa qua và từ các quan điểm nêu trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu một số kiến nghị :
Thứ nhất, Chính phủ tổ chức định kỳ cho tổng kết nghiêm túc việc làm thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở giáo dục đại học công lập (theo Nghị quyết 77/NQ-CP) trong thời gian qua, đặc biệt qua mô hình thí điểm tự chủ đại học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, để rút kinh nghiệm, sửa sai những việc chưa đúng, hoàn thiện cơ chế chính sách và tiếp tục chỉ đạo thực hiện một cách kiên định và có kết quả, từng bước mở rộng diện các trường được tự chủ và động viên biểu dương những cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung như tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị.
Trong quá trình tổng kết cần làm rõ những cản trở về cơ chế, thể chế quản lý đối với việc thực hiện tự chủ, luật này mâu thuẫn với luật kia, nghị định và thông tư trái với luật; và tìm ra nguyên nhân làm cho không xóa bỏ được cơ chế chủ quản, dù đã có chủ trương từ nhiều năm rồi (do nhận thức, sợ mất quyền, lợi ích cục bộ, hay chỉ đạo không kiên quyết ?).
Theo Hiệp hội, đã thực hiện cơ chế tự chủ thì không sử dụng cơ chế chủ quản nữa (Chính phủ đã chủ trương xóa bỏ chủ quản từ 2005 nhưng đến nay chưa thực hiện được), không thể đồng thời cả hai cơ chế khác nhau về cơ bản vẫn song song tồn tại và đều có hiệu lực cùng lúc. Cơ chế chủ quản xuất phát từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đến nay đã lỗi thời và là cản trở của đổi mới, trong kinh tế đã có chủ trương bãi bỏ từ lâu rồi.
Thứ hai, dựa trên kết quả tổng kết Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát những vướng mắc, đối sánh với Luật/ nghị định/ thông tư, đề xuất hướng sửa đổi cụ thể.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chuẩn bị Nghị định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập (năm 2017 đã chuẩn bị). Trong nghị định này quy định chi tiết những vấn đề còn vướng mắc ở các văn bản quy phạm pháp luật khác (Luật, Nghị định, Thông tư) để trình Chính phủ ban hành áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ.
Thứ tư, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo cấp trên làm rõ và hướng dẫn vai trò của đảng bộ, chi bộ trong việc “Lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ” trong Quyết định 97 QĐ/TW ngày 22/3/2004 của Đảng nhằm khắc phục sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ của hội đồng trường với tổ chức đảng. Thực hiện cơ chế tự chủ đại học, đòi hỏi phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng ở các trường đại học cũng cần được đổi mới căn bản để thích ứng và phù hợp. Đề nghị Ban Bí thư giao cho Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu về đổi mới phương thức lãnh đạo này.
Thứ năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, ban hành quy định về trình tự giải quyết công việc trong nhà trường đại học công lập nhằm giải quyết tốt mối quan hệ công tác giữa 5 cấp: cơ quan quản lý nhà nước/cơ quan quản lý trực tiếp/Đảng ủy/ Hội đồng trường/ Ban giám hiệu.
Thứ sáu, phải có lộ trình thực hiện trao quyền tự chủ cho các trường đại học, không tiến hành ồ ạt, không chạy theo phong trào.