Tự chủ đại học và những giải pháp cần thực hiện để có tự chủ đích thực

16/07/2022 06:52
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến và Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để khẳng định nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng như Nghị quyết 19 đã chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy nhất thiết phải kiêm chức Chủ tịch Hội đồng trường.

LTS: Ở nhiều nước trên thế giới, tự chủ đại học được coi là xu thế phát triển tất yếu, là điều kiện cần và đủ để các cơ sở giáo dục đại học tồn tại và phát triển trong xu thế cạnh tranh và hội nhập. Thời gian qua Việt Nam cũng đã và đang thực hiện thí điểm cơ chế này nhưng có thể thấy việc thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ ở đa số các cơ sở giao dục đại học đã không đạt được những thành tựu như ta mong muốn (trừ 1 số rất ít cơ sở) mà trái lại các cơ sở giáo dục đại học khi bắt tay vào thực hiện tự chủ lại đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đỏi hỏi phải có sự thay đổi về quan điểm, về cơ chế và đặc biệt là cả sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị mới có thể tạo nên sự thống nhất quan điểm, cách thức thực hiện nhằm đạt được hiệu quả mong muốn.

Hôm nay, trong bài viết này Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) và Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Học viện Quản lý giáo dục) trên cơ sở phân tích một số bất cập trong cơ chế chính sách thực hiện tự chủ rồi từ đó đề xuất một số giải pháp cần thực hiện để có tự chủ đích thực và hiệu quả trong cơ sở giáo dục đại học.

Thứ nhất, sự tồn tại cơ quan chủ quản là mâu thuẫn với khái niệm tự chủ

Khái niệm tự chủ đại học thể hiện rõ ở hai phương diện: Thoát ra khỏi sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan quản lý; Quyền đưa ra quyết định về cách thức tổ chức hoạt động cũng như mục tiêu sứ mạng của trường.

Nhưng do đặc trưng của thể chế kinh tế, chính trị ở các nước là khác nhau nên mức độ tự chủ đa phần còn được thể hiện ở khía cạnh mức độ kiểm soát của nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ở Việt Nam, khái niệm “tự chủ đại học” mới xuất hiện khoảng gần hai thập kỷ gần đây. Tự chủ đại học ở nước ta được hiểu là các trường đại học được tự chủ theo quy định của pháp luật, gắn với tự chịu trách nhiệm và được thể chế hóa từng phần trong từng lĩnh vực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Với cách hiểu như vậy có thể thấy tự chủ đại học đối với cơ sở giáo dục đại học phải luôn thừa nhận vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và của tổ chức Đảng, bởi nếu bỏ đi điều này thì cơ sở giáo dục đại học sẽ rơi vào tình trạng “vô chính phủ”.

Nhưng vấn đề cơ quan chủ quản lại là khía cạnh khác. Như đã chỉ ra từ nhiều năm nay tại các Nghị quyết 14, Nghị quyết 89 của Chính phủ, nếu duy trì cơ quan chủ quản thì thực chất trường đại học sẽ không có quyền tự chủ thực sự mà tự chủ chỉ mang tính chất danh nghĩa vì vấn đề quan trọng nhất ở đây là quyết định về con người, đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo thì cơ sở giáo dục đại học không có quyền quyết định thật sự và trực tiếp.

Để có được tự chủ thực sự đòi hỏi cơ quan chủ quản phải tự nguyện từ bỏ quyền lực, sự chỉ huy trực tiếp của mình đối với trường đại học .Tuy nhiên đây lại không phải là một việc dễ dàng. Trên thực tế cho tới nay nhiều cơ quan chủ quản của các trường công lập vẫn có tâm lý lo sợ bị “mất trường” nên tạo sức ép dữ dội tới việc ban hành các văn bản pháp lý dưới luật khi triển khai chủ trương này.

Điển hình rõ nhất chính là khi soạn thảo Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14, cho tới phút chót đã xuất hiện khái niệm “mập mờ” “cơ quan quản lý trực tiếp có thẩm quyền” thay cho khái niệm “cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” và đã trao cho cơ quan này những quyền lực rất lớn (mục sửa đổi, bổ sung Điều 16, mục 2, khoản đ của Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14)

Có thể đề xuất một giải pháp trung gian là trên đường đi tới xóa bỏ cơ quan chủ quản để các trường đại học có quyền tự chủ thực sự thì trước tiên cần xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản. Xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản tức là cơ quan chủ quản vẫn có thể tác động lên hoạt động của trường thông qua việc cử đại diện của mình tham gia vào Hội đồng trường chứ không can thiệp trực tiếp lên hoạt động của cơ sở giáo dục đại học đó. Có thể xem đây như là cơ chế “bán tự chủ”. Còn nếu không làm được việc này thì chưa thể nói tới chuyện trao quyền tự chủ cho trường đại học.

Thứ hai, quyền tự chủ đại học và vai trò của Hội đồng trường

Về bản chất quyền tự chủ trường đại học không được trao cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường, như Nghị quyết 19-NQ/TW đã khẳng định. Như vậy phải khẳng định rõ ràng rằng quyền tự chủ đại học phải được trao trực tiếp cho Hội đồng trường. Bởi vậy thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Tuy nhiên, cơ cấu thành viên của Hội đồng trường và uy lực của nó lại phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sở hữu và chủ sở hữu của loại hình trường đại học, phụ thuộc mức độ tự nguyện chuyển quyền lực của đại diện chủ sở hữu (khi trường còn chưa được tự chủ) cho chính Hội đồng trường (khi trường đã được tự chủ).

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (số 34/2018/QH14) đã khẳng định rõ: Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.

Tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu toàn dân, tức là cộng đồng xã hội là chủ sở hữu; còn trường tư thục, trường dân lập…sẽ có chủ sở hữu có thể không như vậy.

Do đó không phải Hội đồng trường của tất cả các loại hình cơ sở giáo dục đại học đều có thành phần giống nhau mà tùy vào tính sở hữu của từng loại hình trường mà có thành phần đại diện khác nhau. Một vẫn đề đặt ra đó là những thành viên tham dự Hội đồng trường. Đây phải là tập hợp những người tiêu biểu và là đại diện thực sự cho chủ sở hữu và các bên liên quan chứ không phải chỉ được cơ cấu vào cho đủ thành phần. Đó là nguyên tắc hàng đầu khi thành lập Hội đồng trường.

Ngay cả khi đã xóa bỏ cơ quan chủ quản hoặc xóa cơ chế cơ quan chủ quản mà việc thành lập Hội đồng trường và chức năng của Hội đồng trường không theo nguyên tắc vừa nêu thì việc trao quyền tự chủ cho trường đại học cũng không thành công.

Thứ ba, sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp lý liên quan đến tự chủ đại học

Khi đã có Hội đồng trường thì cần phải có một hệ thống các văn bản pháp lý nhất quán phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường. Nhưng trên thực tế hiện nay mới chỉ có Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) nói lên điều đó còn các luật khác vẫn được xây dựng theo thể chế tập quyền (chấp nhận tồn tại cơ quan chủ quản).

Trong khi Hội đồng trường hoạt động phải theo hệ thống văn bản pháp luật, nếu các văn bản không đồng bộ thì làm sao có tự chủ đại học đích thực. Tuy nhiên để có được sự đồng bộ của các văn bản pháp luật ngay lập tức thì rất khó.

Do đó muốn thực hiện thuận lợi trao quyền tự chủ cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường đại học tự chủ. Khi đó các trường tự chủ sẽ yên tâm vận dụng Nghị định này để thoát khỏi các quy định ở các luật, văn bản pháp luật khác được xây dựng còn chưa dựa trên việc trao quyền tự chủ cho các trường. Vấn đề này đã được nhắc đến ở Nghị định 16 cũng như ở các Nghị quyết 89 và 35 của Chính phủ nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy đâu.

Thứ tư, trao quyền tự chủ thì cơ cấu quản trị, quản lý trường đại học cũng phải thay đổi, không thể vẫn theo thiết chế tập quyền như cũ. Cần thay đổi cơ cấu tổ chức và điều lệ hoạt động của trường đai học sao cho phù hợp với cơ chế tự chủ.Các văn bản pháp lý về quản lý giáo dục đại học cần sớm được điều chỉnh theo hướng này.

Thứ năm, Nhà nước cần sớm xây dựng bộ Khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy- Hội đồng trường - Ban giám hiệu - Cơ quan quản lý nhà nước.

Để khẳng định nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng như Nghị quyết 19 đã chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy nhất thiết phải kiêm chức Chủ tịch Hội đồng trường. Với vai trò đó Chủ tịch Hội đồng trường có trách nhiệm quán triệt và thuyết phục các thành viên Hội đồng trường để đưa những nghị quyết quan trọng của Đảng ủy sớm đi vào cuộc sống thông qua sự chuyển hóa thành các Nghị quyết của Hội đồng trường.

Qua những bất cập hiện nay trong việc thực hiện tự chủ đại học, nếu chúng ta thực hiện được những kiến nghị trên sẽ có cơ sở để tiến tới tự chủ đích thực trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến và Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh