Có chỉ tiêu nhưng không được tỉnh đặt hàng: Trường sư phạm lo vắng bóng SV

22/08/2022 06:57
Kim Sơn
GDVN- Lãnh đạo các trường đào tạo sư phạm lo ngại, nếu không được giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên, các khóa tới đây sẽ hoàn toàn vắng bóng sinh viên.

Cuối tháng 7, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 3242/BGDĐT-GDĐH gửi một số trường cao đẳng, đại học có đào tạo các ngành sư phạm về việc xác định số lượng chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên năm 2022.

Theo đó, Bộ căn cứ nhu cầu các địa phương về đào tạo giáo viên trình độ đại học, trình độ cao đẳng chính quy năm 2022 và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu đào tạo năm 2022.

Công văn nêu: Các cơ sở đào tạo trực thuộc các địa phương đã có văn bản báo cáo không có nhu cầu đào tạo giáo viên hoặc thuộc các địa phương chưa báo cáo nhu cầu. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có căn cứ để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên theo quy định.

Lo ngại sẽ hoàn toàn vắng bóng sinh viên

Lý giải về vấn đề này, cô Lương Thị Tuyến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu – một trong 12 trường đến nay chưa được giao chỉ tiêu cho hay, năm học 2022 - 2023 tới đây, nhà trường đã lập đề án dự kiến số lượng 45 chỉ tiêu ngành Sư phạm Mầm non nhưng Bộ không giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên bởi theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, địa phương hiện chỉ ưu tiên đào tạo một số ngành nghề mà tỉnh đang cần nhân lực, không có đào tạo giáo viên.

“Theo đó từ giờ đến năm 2025, tỉnh không có phương án đào tạo chế độ cao đẳng mầm non theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ. Việc này khiến cho các giảng viên ngành Sư phạm Mầm non trường chúng tôi thấy buồn, nặng lòng, vì nhà trường đang đào tạo 2 khóa ngành Sư phạm Mầm non. Với tình hình này, có khả năng khóa tuyển sinh năm nay và các năm tới, trường sẽ không có sinh viên nữa.

Chúng tôi hiện vẫn động viên các thầy cô trong đội ngũ giảng viên yên tâm công tác, chế độ chính sách vẫn đảm bảo. Đồng thời, chúng tôi cũng có những đề nghị gửi lên Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu xem xét lại vấn đề này. Có thể không giao chỉ tiêu cho đào tạo sinh viên Việt Nam thì sẽ tạo điều kiện đào tạo với các đối tượng là du học sinh Lào”, cô Tuyến thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Lương Thị Tuyến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lai Châu.

Cô Lương Thị Tuyến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lai Châu.

Bàn về việc đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu cho hay, ban đầu khi mới áp dụng, trường gặp một số bối rối do văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa rõ. Về sau, Bộ có những hướng dẫn chi tiết, chế độ cho sinh viên ngành sư phạm được đảm bảo, đúng tinh thần Nghị định.

Điều này đồng thời với việc sinh viên khi học phải có cam kết phục vụ trong ngành giáo dục ít nhất gấp 2 lần thời gian được đào tạo, nếu không sẽ phải bồi hoàn kinh phí.

“Trong trường hợp tốt nghiệp nhưng không công tác trong ngành và không hoàn trả, sinh viên sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, thời gian nợ học phí sẽ tính theo lãi suất ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank). Do đó, khi nhập học, nhà trường phổ biến tới sinh viên các văn bản liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116 và yêu cầu các em cam kết, trong đó có chữ ký xác nhận của phụ huynh, đồng thời cũng yêu cầu các em về địa phương để chứng thực”, cô Tuyến cho biết.

Trước ý kiến cho rằng, liệu có xảy ra trường hợp sinh viên học theo diện đặt hàng của Nghị định 116, sau khi tốt nghiệp, các em về địa phương có tham gia thi tuyển nhưng cố tình thi trượt để không làm trong ngành giáo dục, gây thất thoát nguồn ngân sách của tỉnh đã chi cho sinh viên này học tập trước đó?

Theo cô Lương Thị Tuyến, do mới triển khai cơ chế đặt hàng được 2 năm nên nhà trường chưa tính đến tình huống này vì sinh viên chưa ra trường. Nhưng cô Tuyến đánh giá, việc này nếu xảy ra cũng sẽ có tỉ lệ rất thấp vì về cơ bản, sinh viên khi đã chọn nhập học sư phạm là muốn theo đuổi nghề dạy học, gắn bó với học trò.

Tuy nhiên, cô Lương Thị Tuyến cũng lo ngại vấn đề đầu ra của sinh viên trong trường hợp địa phương giao thừa, thiếu chỉ tiêu, hoặc việc giao chỉ tiêu không phù hợp, không đúng với nhu cầu tuyển dụng thực tế, không có dự báo nguồn tuyển dụng trong thời gian 3 – 4 năm tương ứng của một khóa đào tạo.

Theo cô Tuyến, nếu để việc này xảy ra, trách nhiệm thuộc về địa phương đặt hàng. Nhìn rộng ra, những khó khăn trong việc triển khai hiệu quả cơ chế đặt hàng ràng buộc nhiều bên liên quan gồm sinh viên, cơ sở đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan tham mưu.

Ý kiến từ các cơ sở đào tạo sư phạm cho rằng Nghị định 116 khi thực hiện còn có những khó khăn nhất định. Ảnh minh họa: A.N

Ý kiến từ các cơ sở đào tạo sư phạm cho rằng Nghị định 116 khi thực hiện còn có những khó khăn nhất định. Ảnh minh họa: A.N

“Vừa rồi, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tôi rất kỳ vọng động thái sẽ tạo thuận lợi hơn cho các tỉnh triển khai việc khắc phục việc thiếu giáo viên cục bộ.

Điều này cũng là cơ hội cho các trường đào tạo có thêm chỉ tiêu tuyển sinh, thầy cô yên tâm công tác, cống hiến. Qua đó, giúp các bạn sinh viên có việc làm trong môi trường mình đã đam mê, theo đuổi”, cô Tuyến bày tỏ.

Chưa đảm bảo công bằng giữa các cơ sở đào tạo

Chung tình trạng như Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, đến thời điểm hiện tại, các khối ngành sư phạm thuộc Trường Đại học Quảng Nam chưa được giao chỉ tiêu đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116.

Thông tin với phóng viên, đại diện Trường Đại học Quảng Nam cho hay, năm học 2022-2023, nhà trường vẫn tiến hành tuyển sinh bình thường với chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội; lượng sinh viên đăng ký vào ngành sư phạm khá nhiều, nhất là ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học.

Đánh giá về việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, cô Phạm Nguyễn Hồng Ngự - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Quảng Nam cho rằng việc ra đời của Nghị định 116 mang sự nhân văn, có ý nghĩa, nhất là với những trường đại học địa phương - đặc thù là có đa số sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn và chính các địa phương cũng thiếu đội ngũ giáo viên các cấp. Tuy nhiên việc Nghị định này tương đối khó khăn, nhiều vấn đề phát sinh chưa có hướng giải quyết.

"Tôi rất mong các cấp lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục, sắp tới có những biện pháp đồng bộ và triệt để hơn. Mới đây, Bộ Chính trị giao thêm chỉ tiêu gần 66 nghìn biên chế giáo viên trên cả nước trong giai đoạn 2022-2026, điều này sẽ là yếu tố quan trọng để các địa phương quyết liệt hơn việc đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ”, cô Phạm Nguyễn Hồng Ngự nêu quan điểm.

Kim Sơn