Theo thống kê của Bộ Giáo dục, có đến 325.716 (khoảng 35%) trên tổng số 941.760 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống - đồng nghĩa với việc các em này đã bỏ xét tuyển đại học đợt 1 năm 2022.
Nhằm tạo thêm điều kiện cho các thí sinh tự đăng ký, chỉnh sửa thông tin, Bộ Giáo dục đã mở lại hệ thống đăng ký nguyện vọng đến hết 17h00 ngày 23/8/2022.
Theo Bộ Giáo dục, so với năm 2021, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2022 giảm khoảng 20%. Người viết cho rằng, việc hàng trăm ngàn thí sinh bỏ xét tuyển đại học có một số nguyên nhân như sau.
Tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các vùng trên cả nước. (Nguồn: moet.gov.vn) |
Thứ nhất, học phí năm học 2022-2023 của nhiều trường đại học công lập tự chủ tăng mạnh khiến các gia đình cân nhắc về khả năng đáp ứng tài chính khi cho con đi học.
Năm học này, học phí các trường đại học tự chủ sẽ đồng loạt tăng mạnh dựa vào Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Chẳng hạn, học phí Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được điều chỉnh ở mức 31,25 triệu đồng/năm (hai năm học 2020-2021, 2021-2022 mức học phí 20,5 triệu đồng/năm).
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tăng lên từ 31,25 đến 39 triệu đồng/năm (năm 2021-2022, học phí hệ đại trà dao động từ 18 đến 36 triệu đồng/năm tùy ngành).
Học phí Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng từ 12 đến 13 triệu đồng/năm tùy ngành. Trong đó các ngành y, dược và răng hàm mặt có học phí hơn 44 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại có học phí 43 triệu đồng. [1]
Mặc dù sinh viên được vay vốn tối đa đến 4.000.000 đồng/tháng (Quyết định 05/2022/QĐ-TTg), nhưng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo mức chi phí học tập bình quân của một sinh viên khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng. [2]
Thứ hai, thí sinh bỏ xét tuyển đại học năm nay cho thấy các em đã có định hướng rõ ràng hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình.
Tình trạng "thừa thầy thiếu thợ", mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực được đặt ra từ rất lâu, hiện vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng.
Số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường ngày một nhiều, trong khi công nhân có tay nghề, đáp ứng được yêu cầu của công việc thì luôn thiếu.
Tại báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết đã tổng hợp số liệu từ 181 trường đại học và 40 trường cao đẳng. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sinh viên đại học có việc làm so với tổng sinh viên tốt nghiệp năm 2018 đạt khoảng 65,5%. Phần lớn sinh viên đại học sau tốt nghiệp được tuyển sinh làm nhà chuyên môn, còn sinh viên cao đẳng chủ yếu làm việc với tư cách kỹ thuật viên.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, hơn 3% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% cử nhân đại học thất nghiệp, trong khi trung cấp chỉ 1,1 và người chưa từng đi học 1,5%. [3]
Gia đình, xã hội lãng phí tiền bạc, cơ hội thời gian nếu sinh viên ra trường bị thất nghiệp. Trong khi, doanh nghiệp luôn kêu than không tuyển dụng được, hay phải đào tạo lại lao động.
Và thực tế cho thấy, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã cất tấm bằng đại học để tham gia tuyển dụng lao động phổ thông hoặc bắt đầu học nghề lại.
Cá nhân người viết cho rằng, khoảng 35% thí sinh bỏ xét tuyển đại học năm nay là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các em đã có định hướng rõ ràng hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình. Điều này còn cho thấy, sự phân luồng sau trung học phổ thông đã có tác dụng.
Tạp chí Công Thương ngày 27/9/2020 đưa ra nhận định, trong vài năm gần đây, việc phân luồng học sinh sau trung học phổ thông vẫn còn thấp so với mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. [4]
Cụ thể, đối với phân luồng học sinh sau trung học phổ thông, năm học 2018-2019 số học sinh vào các trường đại học, cao đẳng đạt 48,9%. Số còn lại vào các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh,... hoặc lao động tự do.
Nếu thực sự hơn 300.000 thí sinh không đăng kí xét tuyển mà chuyển sang học cao đẳng, học nghề thì đây là tín hiệu phân luồng sau bậc trung học phổ thông rất khả quan. Tuy vậy, cần có sự thống kê của các trường cao đẳng, trường nghề về số lượng thí sinh học năm nay thì mới có cơ sở để kiểm chứng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/nhieu-dai-hoc-tang-hoc-phi-kich-tran-20220805223757549.htm
[2] https://dangcongsan.vn/ban-doc/hoi-dap/sinh-vien-duoc-vay-toi-da-bao-nhieu-tien-606951.html
[3]https://vnexpress.net/cu-nhan-dai-hoc-that-nghiep-nhieu-hon-trung-cap-4497162.html
[4] https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-luong-hoc-sinh-trung-hoc-pho-thong-tai-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-va-bai-hoc-cho-viet-nam-75188.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.