Sau niềm hân hoan bước vào năm học mới, ngành giáo dục ở huyện biên giới Sìn Hồ (Lai Châu) lại đối diện với với nỗi lo thiếu giáo viên. Đặc biệt là giáo viên 2 môn Tiếng Anh, Tin học cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Văn Phôi - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ cho biết, năm học này, huyện Sìn Hồ có trên 1.000 lớp học với trên 25.000 học sinh ở 3 cấp học.
So với năm học trước, số lượng học sinh trên địa bàn huyện năm học này tăng ở nhóm mầm non và tiểu học.
Để bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp cho năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục Sìn Hồ đã bắt tay vào việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập; đến nay tỷ lệ phòng học của huyện đã đạt 81% kiên cố hóa.
Đồng thời huyện cũng đã tuyển dụng thêm giáo viên còn thiếu ở một số bộ môn như Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học... để phục vụ công tác giảng dạy.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, khó khăn lớn nhất của huyện là không có nguồn tuyển giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học.
Ông Phạm Văn Phôi cũng cho biết: “Vừa rồi, huyện cũng đã tiến hành tuyển dụng giáo viên, dù chỉ tiêu là 18 giáo viên Tiếng Anh, tuy nhiên, chỉ có 3 ứng viên nộp hồ sơ, tuyển dụng được 2 hồ sơ nhưng chỉ có 1 giáo viên đến nhận quyết định.
Dù huyện rất tạo điều kiện nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên chỉ có 1 giáo viên đến nhận quyết định. Do vậy, khó khăn lớn nhất của huyện vẫn là nguồn tuyển quá ít”.
Một giờ học tại Trường Tiểu học Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ. Ảnh: Laichau.edu.vn |
Chia sẻ về những khó khăn khi thiếu giáo viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ nói: “Khó khăn khi thiếu giáo viên thì nhiều nhưng vất vả nhất là tại những điểm lẻ của các trường tiểu học. Việc thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt, giao thông không đảm bảo... đã gây khó khăn cho các giáo viên Tiếng Anh, Tin học khi phải đảm nhận dạy học ở các điểm trường này.
Lịch giảng dạy của các thầy cô thuộc những bộ môn này thường xuyên không ổn định, nhiều giáo viên phải dạy theo kiểu một thầy 2 trường; giáo viên trung học cơ sở phải dạy kiêm thêm trường tiểu học.
Ở các xã vùng khó khăn như Lùng Thàng, Ma Quai… việc phải dạy liên trường khiến các thầy cô giáo thêm nhiều áp lực từ công việc, ngoài công tác chuyên môn còn phải tham gia các hoạt động chung. Hiệu quả giảng dạy cơ bản không cao, phần lớn ở các điểm lẻ số lượng học sinh khá ít, nhiều lớp có khoảng 15-20 học sinh và giao thông đi lại không thuận tiện, khoảng cách giữa các điểm trường mà giáo viên tăng cường nhận nhiệm vụ giảng dạy đều trên 10km".
Nói về biện pháp khắc phục, ông Phôi cho biết: “Trước mắt, vẫn là vận động các thầy, cô dạy liên trường rồi tính thêm giờ cho các thầy, cô.
Đối với các xã đặc biệt khó khăn như: Tủa Sín Chải, Làng Mô, Căn Co... Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện luôn chủ trương ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho các trường tiểu học, đảm bảo dạy 2 buổi/ngày.
Nhưng việc này mới chỉ dừng lại ở con số tính toán, dựa vào tỷ lệ số giáo viên/tổng số lớp, trong khi đó, thực tiễn công tác dạy và học ở những địa phương này lại mang tính đặc thù, cần phù hợp với điều kiện khác biệt của từng vùng”.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Quốc Quân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Noong Hẻo cho biết: "Hiện Trường Tiểu học Noong Hẻo chưa có giáo viên Tiếng Anh. Từ ngày 5/9, trường được phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ bố trí cho 2 giáo viên dạy Tiếng Anh lớp 3 từ Trường Trung học cơ sở Nặm Đăn đến dạy tăng cường.
Tuy nhiên, năm học 2022- 2023, khi dạy ở trường của các thầy, cô (Trường Trung học cơ sở Nặm Đăn) cũng đã đủ định mức. Nay phải dạy thêm ở Trường Tiểu học Noong Hẻo lên đến hơn 300 tiết cho 8 lớp 3. Trong khi đó, Bộ Luật Lao động số: 45/2019/QH14 quy định các thầy cô giáo không được dạy quá 200 tiết dạy/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm nên các giáo viên cũng rất tâm tư.
Đó là chưa kể quãng đường từ Nặm Đăn đến Noong Hẻo, rồi từ Noong Hẻo đi các điểm trường cũng mất nhiều cây số đường núi nữa. Hiện ngành giáo dục cũng chưa có quy định cụ thể về việc hỗ trợ di chuyển nên cũng rất khó khăn cho thầy, cô", thầy Quân cho biết.
"Bên cạnh thiếu giáo viên Tiếng Anh, việc dạy môn Tin học cũng khiến nhà trường lo lắng về chất lượng. Hiện phòng giáo dục cũng có kế hoạch tạo điều kiện xây dựng, bố trí cho trường một phòng Tin học, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có thiết bị học tập. Giáo viên dạy môn này cũng còn đang sắp xếp nhưng nếu không có thiết bị học tập rất khó có thể đảm bảo chất lượng", thầy Quân cho biết thêm.