Năm học mới 2022-2023 cận kề, nhiều địa phương vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, nhất là với những môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận việc này tại một số địa phương.
Thầy Lê Thanh Kính – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ: “Về mặt chuyên môn, chúng tôi cũng đã xây dựng các phương hướng, kế hoạch để đưa ra các chỉ đạo thật sát sao. Năm nay, tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có điểm mới khi lấy chuyển đổi số là khâu đột phá trong quản lý và điều hành của ngành giáo dục.
Về cơ sở vật chất để thực hiện việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cơ bản tại các trường trên địa bàn đã đáp ứng đủ với yêu cầu dạy 2 buổi/ngày. Đội ngũ giáo viên cũng đã được cử đi tập huấn đầy đủ.
Nhiều trường tại huyện Con Cuông, Nghệ An đang đối mặt với việc thiếu giáo viên dạy môn Ngoại Ngữ, Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: T.D |
Tuy nhiên, lượng giáo viên dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn thiếu do chiếu theo quy định về tiêu chuẩn giáo viên tiểu học phải tốt nghiệp đại học nên khi chuyển trực tiếp đội ngũ giáo viên dạy từ chương trình cũ khiến việc thiếu đội ngũ thầy cô là không thể tránh khỏi.
Trên cơ sở xác định được các nguyên nhân trên thì chúng tôi cũng tính đến việc “san sẻ” giáo viên. Cụ thể, chúng tôi cũng đã tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện Châu Đức để có thể thuyên chuyển, điều động từ trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều để cân đối.
Các trường nào thiếu thì tiếp tục tuyển các giáo viên hợp đồng. Đối tượng dạy hợp đồng chúng tôi cũng tính toán tới số giáo viên đã về hưu, động viên họ ra trường để dạy học".
Ngoài ra, về trang thiết bị dạy học, theo thầy Kính, đối với một số khối lớp ở các trường trên địa bàn đã cơ bản ổn định nhưng còn một số khối lớp khác cũng đang chờ bổ sung vì phải chờ thông qua quá trình đấu thầu mua sắm.
"Về nguồn sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới nhìn chung cũng đã được đáp ứng. Học sinh vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn thì cũng đã có chế độ hỗ trợ sách giáo khoa. Đối với các đối tượng học sinh còn lại đã mua đầy đủ hết sách giáo khoa.
Còn với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi cũng thông qua việc vận động, hỗ trợ sách giáo khoa hết cho các em đó. Đến thời điểm này, các nhà trường và học sinh cơ bản cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để chào đón năm học mới", thầy Kính thông tin thêm.
Trong khi đó, cô Dương Thị Sáu – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Với đội ngũ giáo viên đảm nhiệm giảng dạy các bộ môn của chương trình giáo dục phổ thông mới chúng tôi cũng đã cho tập huấn và bố trí xong.
Hiện, một số trường trên địa bàn huyện Đông Anh cũng gặp tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng lên phương án cho các trường này tuyển thêm giáo viên dạy hợp đồng”.
Ghi nhận tại Nghệ An, thầy Phan Trọng Trung – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông (Nghệ An) cho rằng: “Về trang thiết bị đối với các khối lớp năm nay phải học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cũng đã có những bước chuẩn bị và chủ động trong mấy năm nay.
Phòng cũng cấp kinh phí để các trường trang bị thêm tivi, máy tính nên các trường trên địa bàn, cơ bản là đảm bảo được điều kiện học tập của học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên cũng có khó khăn, đặc biệt là từ lớp 3 trở lên phải dạy 100% Tin học và Ngoại Ngữ. Đối với giáo viên Ngoại ngữ năm vừa rồi chúng tôi đã cho tuyển bổ sung nhưng đến hiện tại chưa đủ chỉ tiêu. Thậm chí có nơi không có người để tuyển nên chưa đáp ứng được.
Với môn Tin học cũng vậy, chúng tôi đã cho thông báo tuyển 10 người nhưng không có hồ sơ nào đăng ký".
Trước khó khăn này, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông chia sẻ thêm một số phương án giải quyết. Theo đó, địa phương này tính đến việc bố trí bồi dưỡng với một số giáo viên có sẵn để đi dạy tiếp.
Tạm thời, một số giáo viên tốt nghiệp có chuyên môn khác nhưng có năng lực sẽ được cho đi tập huấn. Việc này nhằm đảm bảo lượng giáo viên dạy môn Tin học đang thiếu tại các trường trên địa bàn.
"Tất nhiên về lâu về dài thì cũng phải tính đến phương án tuyển dụng đủ giáo viên, hoặc giáo viên tốt nghiệp khác chuyên ngành phải được cho đi học để đảm bảo đúng chuyên ngành và tiêu chuẩn bằng cấp", thầy Trung nói.
Ngoài ra, chia sẻ thêm về hiện trạng của trang thiết bị dạy và học cho học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Trung cho biết, về cơ bản đã đáp ứng.
Vị này thông tin thêm: "Theo thống kê từ các trường, khối tiểu học tương đối đầy đủ, còn khối trung học cơ sở còn thiếu nhưng không đáng kể. Sắp tới, khi có nguồn ngân sách cho năm học 2022-2023 chúng tôi tiếp tục cho mua sắm bổ sung. Nói chung về điều kiện cơ sở vật chất sẽ khắc phục được và dần dần cũng sẽ đi vào ổn định.
Chia sẻ thêm về các phương án trước việc thiếu giáo viên dạy các môn của chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Nguyễn Duy Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn (Con Cuông) cho biết: “Hiện đội ngũ giáo viên phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới của môn Ngoại ngữ và Tin học tại trường đang thiếu.
Về việc này phía nhà trường cũng đang chờ kết quả tuyển dụng từ huyện, qua nắm tình hình và được biết, đội ngũ giáo viên của các bộ môn này hiện vẫn chưa có.
Có thể tại Trường Tiểu học Môn Sơn trong tuần đầu sau khi khai giảng năm học mới sẽ chưa thể triển khai dạy học được cho các học sinh với bộ môn Tin học ngay được.
Phương án được chúng tôi tính đến là huy động trong đội ngũ giáo viên, nếu giáo viên nào có năng lực về Tin học thì tạm thời cho đứng lớp để các học sinh thực hành máy tính trước”.
Liên quan đến việc này, cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) cho rằng: “Giáo viên ở các bộ môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được bố trí phù hợp với năng lực của giáo viên, đáp ứng với mong muốn của phụ huynh và học sinh.
Hiện tại, nếu đối chiếu với quy định thì chưa đủ theo tỷ lệ 1,5 giáo viên/ lớp, nhưng với điều kiện của một trường ở khu vực thành thị nên chúng tôi cũng phải từng bước khắc phục để thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày.
Đây là yêu cầu cấp bách đặt ra với nhà trường, vì nếu không đảm bảm dạy 2 buổi/ngày thì sẽ rất ảnh hưởng đến công việc đưa đón con của nhiều phụ huynh".
Ngoài ra, đối với sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Lễ cho biết, nhà trường đã công bố danh công khai danh mục sách để phụ huynh được biết.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cũng vận động phụ huynh và học sinh nêu cao tinh thần giữ gìn sách giáo khoa để các thế hệ sau trong gia đình đỡ chi phí mua sách giáo khoa mới hoặc có thể trao tặng lại cho nhà trường.