PGS. Huỳnh Văn Chương chỉ ra yếu tố kìm hãm hợp tác giữa trường và doanh nghiệp

19/09/2022 06:45
Linh Hương (thực hiện)
GDVN-Năng lực trường đại học về đào tạo, kết quả nghiên cứu khoa học chuyển giao vẫn chưa theo kịp sự phát triển công nghệ và nhu cầu doanh nghiệp.

LTS: Để sinh viên sau khi ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là tránh hiện tượng mất cân đối về cung - cầu nhân lực chất lượng cao, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương cũng như cơ chế khuyến khích các trường đại học liên kết với doanh nghiệp ngay từ khâu đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, xét một cách tổng thể, việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn rất hạn chế và chưa có tính lâu dài, bền vững, chưa thể hiện rõ trách nhiệm các bên và được thể chế hóa. Để có góc nhìn từ cơ sở, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế.

Phóng viên: Theo Phó giáo sư, những yếu tố tác động đến mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp hiện nay là gì?

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương: Trước hết, có thể nhận thấy rất rõ công tác tuyển sinh đại học hiện nay, bên cạnh thương hiệu uy tín, truyền thống của nhà trường thì yếu tố địa kinh tế - xã hội, địa doanh nghiệp, địa việc làm … đóng vai trò rất quan trọng để hấp dẫn người theo học.

Địa phương nào, vùng nào kinh tế nào phát triển, năng động, doanh nghiệp nhiều, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cao, quá trình học có thể tiếp cận làm thêm giảm gánh nặng cho gia đình, nhất là các gia đình khó khăn, nông thôn… thì rất thu hút người vào học và ngược lại, khác với trước đây trường có bề dày truyền thống và lâu năm sẽ có nhiều người học do trước đây chủ yếu ra làm ở khu vực nhà nước.

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế (ảnh: NVCC)

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế (ảnh: NVCC)

Trong đó yếu tố hợp tác toàn diện giữa cơ sở đào tạo đại học và doanh nghiệp giai đoạn hiện nay là rất quan trọng cả trong đào tạo, tuyển dụng, khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học và chuyển giao. Tuy nhiên vấn đề này nói nhiều, bàn luận nhiều nhưng chưa được thể chế hóa một cách cụ thể và toàn diện.

Thứ nhất, những yếu tố thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp gồm:

Mang tính tất yếu do sự chuyển dịch mạnh cung ứng nguồn nhân lực từ nhà nước sang doanh nghiệp và kinh tế tư nhân rất mạnh, nhiều ngành nghề sinh viên tốt nghiệp chủ yếu vào doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm, khởi nghiệp gắn với doanh nghiệp hoặc có thể tham gia vào chuỗi việc làm toàn cầu gắn với doanh nghiệp;

Đã xuất hiện một số văn bản chính sách, văn bản của Nhà nước khuyến khích hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, điều này tạo nên động lực và thúc đẩy sự hợp tác, tuy nhiên các chính sách, văn bản còn mang tính đơn lẻ, chưa thành luật hóa cụ thể;

Các tiêu chuẩn, tiêu chí về kiểm định, xếp hạng trường đại học cả chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế đều rất chú trọng, quan tâm và đánh giá rất cao về việc lập kế hoạch, triển khai và đánh giá được hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các đoàn đánh giá ngoài chất lượng đào tạo luôn dành nhiều thời gian để gặp và phỏng vấn doanh nghiệp về hiệu quả trong hợp tác với nhà trường.

Nhằm tăng thương hiệu của trường đại học và sự quan tâm xã hội, thu hút sinh viên vào học khi tăng hợp tác doanh nghiệp và cam kết việc làm, mức lương đầu ra cho sinh viên. Nhiều cơ sở đào tạo đại học hiện nay đã làm được, làm tốt việc này nhất là các trường khối ngành kỹ thuật, kinh tế. Nhiều trường còn mang cả doanh nghiệp tham gia vào quá trình quảng bá tuyển sinh để tạo niềm tin cho người học.

Trong thực tế, đã xuất hiện các nhu cầu thật sự cần sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để tuyển dụng, hợp tác đơn đặt hàng trong đào tạo, cùng tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao giữa 2 bên.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn hợp tác theo hướng nhu cầu tự thân 2 bên khi có nhu cầu tìm đến nhau trong tuyển dụng, nhà trường mong muốn lấy ý kiến doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo để rà soát chương trình đào tạo để đạt chuẩn kiểm định, đôi khi còn theo kiểu hữu xạ tự nhiên hương, chưa có nhiều những đối tác hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp mang tính toàn diện, lâu dài, mới chỉ mới một số ít nhưng chưa thành nếp chung cho các trường đại học Việt Nam.

Thứ hai, những yếu tố kìm hãm hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp gồm:

Chưa có những thể chế cụ thể, thật rõ ràng vừa mang tính bắt buộc vừa mang tính định hướng của Nhà nước một cách cụ thể để ràng buộc và trách nhiệm hợp tác hai bên cùng có lợi của trường đại học và doanh nghiệp. Cần có Nghị định hoặc Luật hoá vấn đề hợp tác song phương trường đại học và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước.

Sự bị động của cả 2 bên (trường đại học và doanh nghiệp) do chất lượng hợp tác hiện nay chủ yếu ở khâu tuyển dụng nguồn nhân lực chứ chưa có những bàn hợp tác toàn diện cả về đào tạo, nghiên cứu khoa học, ươm tạo sản phẩm nghiên cứu từ trường đại học và khởi nghiệp cùng nhau, trừ số ít một số đại học đã làm tốt do cựu sinh viên chính là doanh nghiệp hiện nay và kết nối.

Doanh nghiệp chỉ mới mong muốn tuyển dụng được nhiều sinh viên tốt, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp nhưng sự kết nối, chủ động hợp tác, đơn đặt hàng cho trường đại học mang tính lâu dài và cần đi trước một bước về phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp tại các cơ sở đào tạo đại học chưa nhiều.

Năng lực trường đại học về đào tạo, kết quả nghiên cứu khoa học chuyển giao vẫn chưa theo kịp sự phát triển công nghệ và nhu cầu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chưa mặn mà hỗ trợ sinh viên đến doanh nghiệp thực tập dài hạn, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao do nhiều nguyên nhân, trong khi trường đại học không thể đủ nguồn lực tài chính để liên tục đầu tư trang thiết bị máy móc mới cho sinh viên học nếu không có sự hỗ trợ hợp tác từ doanh nghiệp trong quá trình đào tạo tay nghề, đây là vấn đề rất lớn cần hợp tác hiện nay.

Các trường đại học chưa thật sự ràng buộc các điều kiện hợp tác doanh nghiệp như là nhiệm vụ và trách nhiệm của bộ môn, khoa và giảng viên hằng năm và chỉ mới dừng lại mức độ khuyến khích, thúc đẩy. Giảng viên còn hạn chế đến doanh nghiệp để tiếp cận kiến thức, công nghệ mới để giảng dạy cho sinh viên, nhiều giảng viên chưa đủ tự tin để tự tạo các mối quan hệ hợp tác doanh nghiệp và giúp sinh viên đến thực tập.

Số doanh nghiệp tham gia truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm tay nghề cho sinh viên chưa nhiều. Hiện nay việc mời người doanh nghiệp đến giảng dạy còn nhiều bất cập, nhiều kỹ sư có tay nghề cao nhưng không thể tham gia giảng dạy giúp các môn học nâng cao tay nghề cho sinh viên do những điều kiện đứng lớp của người mời giảng chỉ phù hợp cho đối tượng giảng viên thỉnh giảng nhưng chưa phù hợp với các kỹ sư từ các nhà máy, doanh nghiệp tham gia giảng dạy.

Để giải quyết những bất cập như đã nêu nhằm thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp thì cần có giải pháp như thế nào, thưa thầy?

Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương: Tôi cho rằng cần phải đi vào 3 nội dung như sau:

Thứ nhất, về hợp tác trong công tác đào tạo:

Cần luật hoá hoặc có Nghị định rõ được quy định hợp tác trường đại học và doanh nghiệp trong đó:

Có những chính sách, thể chế ràng buộc đối với một trường đại học, mỗi giảng viên hằng năm phải có hệ thống kết nối, tiếp cận doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

Có các quy định khả thi và phù hợp với thực tế về việc mời được kỹ sư, chuyên gia giỏi từ doanh nghiệp đến hỗ trợ, giảng dạy trường đại học. Như quy định mời thỉnh giảng hiện nay khá khó và đôi khi không thực tế với người có tay nghề nhưng hạn chế bằng cấp và các quy định ràng buộc khác.

Trường đại học và doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác mở lớp đào tạo đại học theo đơn đặt hàng và có chương trình đặc thù.

Doanh nghiệp tham gia có trách nhiệm vào quá trình xây dựng, rà soát chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo.

Doanh nghiệp cần có chính sách trích 1-2% nguồn thu doanh nghiệp hỗ trợ công tác đào tạo mới nguồn nhân lực tại các trường đại học.

Thứ hai, về hợp tác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:

Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn để doanh nghiệp thể hiện được vừa nhiệm vụ, vừa quyền lợi trong hợp tác cùng trường đại học trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhất là công nghệ nguồn, công nghệ lõi cho các doanh nghiệp, không khuyến khích chuyển giao từ nước ngoài mà bỏ qua khai thác sử dụng các kết quả của trường đại học tại Việt Nam.

Tất cả đề tài, nghiên cứu ứng dụng cần có sự cam kết và đối ứng thực chất từ doanh nghiệp và sản phẩm nghiên cứu phải được thử nghiệm và ứng dụng vào doanh nghiệp và đơn vị sản xuất, nhất là các đề tài mang tính ứng dụng.

Doanh nghiệp cần có các đơn đặt hàng cho các trường đại học các sản phẩm nghiên cứu đầu ra mà doanh nghiệp cần để cùng nghiên cứu thậm chí hợp tác 3 bên trường đại học – doanh nghiệp và đối tác nước ngoài.

Các trường đại học Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng các trung tâm ươm tạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu, tạo các công việc kết nối khoa học, kết quả nghiên cứu với các doanh nghiệp hàng đầu cả trên thế giới và Việt Nam.

Thứ ba, về hợp tác trong hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp:

Các cơ sở đào tạo đại học cần có chiến lược và kế hoạch hằng năm về hợp tác doanh nghiệp, có các đầu mối cụ thể để thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp và kế hoạch hằng năm hợp tác doanh nghiệp về phía các doanh nghiệp phải được biết và cùng đưa vào kế hoạch cả 2 bên. Mỗi Nhà trường cần có các đối tác doanh nghiệp mang tính chiến lược, toàn diện lâu dài bên cạnh nhiều doanh nghiệp hợp tác mang tính đại trà. Hằng năm cần đánh giá tính hiệu quả trong hợp tác doanh nghiệp ở mỗi ngành học, mỗi khoa.

Hằng năm, rất cần doanh nghiệp, nhà sử dụng lao động đến định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất đến khi ra trường, đồng thời tham gia vào quá trình rà soát, bổ sung, xây dựng mới các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo đại học và mang tính bắt buộc thường xuyên.

Cần có các diễn đàn, kênh thông tin của Nhà nước (Hub) hợp tác trường đại học – doanh nghiệp và cơ quan quản lý để kết nối và chia sẻ thông tin nhanh, hiệu quả. Phối hợp và cam kết cùng trường đại học tổ chức các sàn giao dịch, hội chợ việc làm hằng năm.

Các doanh nghiệp cần luôn sẵn sàng hỗ trợ các khởi nghiệp từ các trường đại học bằng nhiều chính sách và cơ chế theo hướng hai bên cùng có lợi và tham gia ngay từ đầu vòng gọi vốn và hỗ trợ kinh nghiệm cho các startup từ trường đại học mà nhiều nước đã làm.

Hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên theo các nhóm đối tượng doanh nghiệp cần, nhất là sinh viên xuất sắc, sinh viên giỏi, sinh viên khó khăn học tốt,…

Doanh nghiệp sẵn sàng có các chương trình hỗ trợ sinh viên đến thực tập ngắn, trung và dài hạn tại doanh nghiệp và được sự hướng dẫn có trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia đánh giá sinh viên sau thực tập tại doanh nghiệp, quá trình bảo vệ khóa luận tốt nghiệp.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư.

Linh Hương (thực hiện)