Giáo sư Lê Anh Tuấn cống hiến hết mình cho nghiên cứu khoa học

19/08/2021 06:15
TIẾN LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 18 năm gắn bó với công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, giáo sư Lê Anh Tuấn đã có nhiều cống hiến cho sự phát triển của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Một trong ba giáo sư trẻ nhất năm 2020

Giáo sư Lê Anh Tuấn (sinh năm 1980) hiện đang là giảng viên Viện Cơ khí, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Thầy sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế.

Đến năm 1998, thầy Tuấn trúng tuyển vào ngành Máy và tự động hóa xếp dỡ (tên gọi hiện nay) thuộc Viện Cơ khí của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Quá trình học tập, thầy Tuấn đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc năm học 1998 – 1999 và sinh viên ưu tú năm học 1999 – 2000 của nhà trường.

Thầy còn dành được học bổng của quỹ phát triển tài năng trẻ ngành giao thông vận tải.

Với thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp vào năm 2002, thầy được nhà trường giữ lại làm giảng viên ngành Máy và tự động hóa xếp dỡ, cũng từ đây thầy bắt đầu hành trình nghiên cứu khoa học của mình.

Giáo sư Lê Anh Tuấn đã dành hơn 20 năm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cống hiến cho sự phát triển của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Lê Anh Tuấn đã dành hơn 20 năm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cống hiến cho sự phát triển của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Hơn hai mươi năm gắn bó, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thứ hai nơi Giáo sư Tuấn dành trọn tuổi trẻ để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học và truyền tải tâm huyết của bản thân tới các thế hệ sinh viên.

Theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, năm 2010, thầy Tuấn tiếp tục học cao học và hoàn thành luận án Tiến sĩ tại trường Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc).

Thầy Tuấn cho biết: “Sau khi hoàn thành luận án Tiến sĩ, tôi trở về lại trường Đại học Hàng hải Việt Nam công tác, ngoài công việc giảng dạy, tôi tập trung vào nghiên cứu khoa học.

Tôi đầu tư nghiên cứu sâu vào hai nhóm đề tài, nhóm một là giải quyết các bài toán tự động điều khiển, tự động hóa các thiết bị nâng hạ dùng phổ biến trong công nghiệp, trong vận tải, trong xây dựng, và trong các cảng biển.

Đối tượng nghiên cứu cũng rất đa dạng, từ các loại cần trục container đặt ở cảng, cần trục bánh xích, cần trục tháp, cho đến cần trục sử dụng phổ biến trong các nhà xưởng công nghiệp.

Nhóm hai gồm các công trình về thiết kế hệ thống điều khiển cho tay máy công nghiệp”.

Các kết quả của nghiên cứu của thầy Tuấn đã được công bố trong hơn 18 công trình trên các Tạp chí quốc tế có uy tín, trong đó có nhiều tạp chí tốp đầu như Spinger, Elsevier, Wiley, ASME, IEEE, SAGE, Taylor & Francis.

“Khi tham gia báo cáo tại các hội thảo quốc tế giúp tôi và các cộng sự mở rộng các quan hệ học thuật, tạo ra nhiều sự hợp tác nghiên cứu khoa học với các nhà khoa học nước ngoài như Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Anh, và Singapore.

Bên cạnh đó, tôi cũng đã tham gia phản biện cho nhiều tạp chí quốc tế. Đây là công việc tình nguyện và mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, nó tạo điều điều cho tôi cập nhật các xu hướng nghiên cứu mới, mở rộng các quan hệ nghiên cứu, quan hệ học thuật với các đồng nghiệp trên phạm vi toàn cầu” thầy Tuấn cho biết thêm.

Thầy Tuấn luôn tích cực tham gia giao lưu học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước (Ảnh: NVCC)

Thầy Tuấn luôn tích cực tham gia giao lưu học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước (Ảnh: NVCC)

Quá trình công tác, thầy Tuấn luôn tâm huyết với việc nghiên cứu và sẵn sàng tham gia khi có cơ hội hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia nghiên cứu tại các trường đại học trên thế giới.

Từ tháng 3/2016 – 9/2016, thầy Tuấn tham gia làm nghiên cứu viên tại Đại học Công nghệ Nan Yang, Singapore.

Thầy Tuấn còn là Giáo sư nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu năng lượng gió của Đại học Quốc gia Kunsan, Hàn Quốc.

Đến tháng 10/2017, thầy là học giả của Đại học Birmingham, Vương Quốc Anh và tiếp tục trở thành nghiên cứu viên cuả Đại học Công nghệ Sydney, Úc từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2018.

Ngoài ra, thầy Tuấn còn tham gia phản biện cho các kỷ yếu hội thảo quốc tế và chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học.

Không ngừng trau dồi bản thân và đầu tư nghiên cứu khoa học, thầy Lê Anh Tuấn được Công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư năm 2016.

Đến năm 2020, thầy Lê Anh Tuấn xuất sắc trở thành một trong 3 Giáo sư trẻ nhất được Hội đồng giáo sư Nhà nước xét đạt chuẩn chức danh Giáo sư.

Cống hiến hết mình cho bộ môn

Từng là sinh viên và đến nay là giảng viên của ngành Máy và tự động hóa xếp dỡ, Giáo sư Lê Anh Tuấn mong muốn bản thân có thể góp phần giúp ngành học phát triển hơn nữa và trở thành sự lựa chọn ưu tiên của nhiều thế hệ sinh viên của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về “bí kíp” giúp thầy giảng dạy hiệu quả, thầy Tuấn mộc mạc chia sẻ bản thân không có những phương pháp hoa mĩ mà chỉ đơn thuần là không ngừng cố gắng trau dồi, nghiên cứu rồi truyền đạt tinh hoa kiến thức tới sinh viên.

Cống hiến giúp ngành học phát triển, thu hút sự lựa chọn của sinh viên là một trong những mục tiêu phấn đấu của thầy (Ảnh: NVCC)

Cống hiến giúp ngành học phát triển, thu hút sự lựa chọn của sinh viên là một trong những mục tiêu phấn đấu của thầy (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Tuấn, ngành Máy và tự động hóa xếp dỡ của Trường Đại học Hàng Hải cung cấp cho sinh viên kiến thức tổng hợp về cơ khí, thủy lực và điều khiển.

Qua đó, người học có đủ năng lực thiết kế, chế tạo, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải, kiểm tra, giám định và khai thác máy nâng chuyển nói riêng và các lĩnh vực cơ khí liên quan nói chung.

Ngoài ra, sinh viên còn trang bị kiến thức hiện đại của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như Hệ thống cảng thông minh.

Để đóng góp cho sự phát triển của ngành, thầy Tuấn từng chủ trì biên soạn 2 sách chuyên khảo và 1 chương sách.

Đây là những quyển sách chuyên khảo tập hợp các nghiên cứu gần đây về điều khiển thích nghi bền vững, điều khiển hiện đại có tính ứng dụng cao.

Các hoạt động học thuật mang lại điều kiện giúp thầy Tuấn cập nhập các kiến thức, và kinh nghiệm nghiên cứu và hoạt động khoa học trong và ngoài nước.

Từ đó, thầy có thể gợi mở kiến thức, khơi dậy cảm hứng học tập khiến những tiết học kỹ thuật bớt khô khan và trở nên thú vị hơn với sinh viên.

Thầy cũng thường xuyên chia sẻ với đồng nghiệp trong trường về những kinh nghiệm nghiên cứu, những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học.

Thầy mong muốn tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học (Ảnh: NVCC)

Thầy mong muốn tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, thầy Tuấn cảm thấy những thành tích trong nghiên cứu khoa học của bản thân đã góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của nhà trường nói chung, của ngành Máy và tự động hóa xếp dỡ nói riêng.

“Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học, công tác giảng dạy đại học và sau đại học với mong muốn tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học của đất nước, của thành phố, và của trường Đại học Hàng hải Việt Nam” thầy Tuấn chia sẻ.

TIẾN LINH