Xác định chuẩn đầu ra của nhiều trường đại học chỉ là sự suy diễn từ các môn học

27/12/2021 06:40
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để tự chủ thì trường đại học phải là “đại học” đúng với nghĩa của từ này bao gồm từ chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra…

Tự chủ đại học là xu thế tất yếu của giáo dục đại học. Chỉ khi được tự chủ về tổ chức bộ máy, về học thuật, về nhân sự, về tài chính một cách thực chất thì các cơ sở giáo dục đại học mới có thể thực hiện được chức năng cơ bản của mình là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường lao động.

Vấn đề càng trở nên bức thiết khi nhân loại bước vào kỉ nguyên thông tin, cách mạng công nghiệp lần tư 4, hội nhập và cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, khi nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa có ý nghĩa quyết định tới sự tồn tại và phát triển của đất nước thì vai trò của giáo dục đại học được ví như chìa khóa mở cửa vào tương lai của cả dân tộc.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân – Giáo sư Nguyễn Đức Chính (nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:

“Tự chủ là môi trường sống của giáo dục đại học. Tuy nhiên không có nghĩa là tất cả các cơ sở giáo dục đại học của nước ta ngay lập tức có thể nhận các quyền tự chủ và ngay lập tức có khả năng thực thi quyền tự chủ này (nếu được giao) một cách hiệu quả. Việc giao quyền tự chủ đại học cần những điều kiện và được tiến hành theo một lộ trình phù hợp”.

Theo đó, thầy Chính chỉ ra những điều kiện cần để cơ sở giáo dục đại học tự chủ một cách thực chất và bền vững.

Trước tiên, để tự chủ thì trường đại học phải là “đại học” đúng với nghĩa của từ này bao gồm từ chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra…

Đối với một hệ thống giáo dục đại học hay một cơ sở giáo dục đại học thì chương trình đào tạo là thành tố quan trọng nhất. Chương trình đào tạo không chỉ qui định toàn bộ hoạt động đào tạo trong một cơ sở giáo dục đại học, mà còn phản ánh trình độ phát triển của khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, xã hội … của quốc gia nói chung, của khoa học giáo dục và quản lí giáo dục nói riêng. Do đó, chương trình đào tạo còn là thương hiệu của một cơ sở giáo dục đại học, là văn bản giải trình xã hội về nghĩa vụ của một cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng.

Hiểu theo nghĩa rộng nhất, chương trình đào tạo không chỉ là bản kế hoạch trình bày một cách hệ thống toàn bộ hoạt động đào tạo, dạy học, thực hành, thực tập, kiểm tra, đánh giá trong quá trình đào tạo…mà còn bao gồm các thành tố mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, các khối kiến thức, phương thức đào tạo, các hình thức tổ chức, phương pháp, phương tiện hỗ trợ đào tạo, các hình thức đánh giá quá trình và tổng kết. Chương trình đào tạo còn bao gồm cả đội ngũ giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lí cũng như cơ sở vật chất kĩ thuật, học liệu phục vụ thực thi chương trình đào tạo, đánh giá, cải tiến chương trình đào tạo.

Ngoài các yếu tố có thể “nhìn thấy được” (visible curriculum) thì Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho rằng chương trình đào tạo còn bao gồm “chương trình ẩn” (hidden curriculum), tức là cơ sở triết học, xã hội học, văn hóa… thẩm thấu vào tất cả các thành tố của chương trình, tác động một cách âm thầm nhưng bền bỉ vào tất cả giảng viên, sinh viên, nhân viên trong suốt quá trình làm việc, học tập trong trường (thử so sánh 2 sinh viên cùng học một ngành nhưng ở các nước khác nhau dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong giao tiếp, phong cách làm việc, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề… những tác động của chương trình ẩn).

Giáo sư Nguyễn Đức Chính (ảnh: NVCC)

Giáo sư Nguyễn Đức Chính (ảnh: NVCC)

Để thực hiện được chức năng của mình là công cụ đào tạo nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu của xã hội đương đại, chương trình đào tạo phải mang dấu ấn của thời đại, là sản phẩm của thời đại.

Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã chỉ rõ điểm xuất phát của giáo dục Việt Nam “nền giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức” và điểm đến “nền giáo dục phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học".

Nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp và đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 4. Mỗi cuộc cách mạng có một nền giáo dục tương ứng với nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực đủ sức phục vụ nó. Việc chuyển nền giáo dục chủ yếu truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất, năng lực người học là con đường tất yếu, duy nhất để nước ta có thể tồn tại và phát triển trong thế giới số, hội nhập và cạnh tranh. Đây là nhiệm vụ lịch sử của toàn ngành giáo dục, trong đó có giáo dục đại học.

Thực trạng chương trình đào tạo hiện nay

Qua nghiên cứu chương trình giáo dục đang được thực thi tại một số các cơ sở giáo dục đại học, Giáo sư Nguyễn Đức Chính đánh giá, chương trình giáo dục bậc đại học đang thực thi tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đều đã và đang được xây dựng trên cơ sở Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT ban hành 15/8/2007 và Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân các chương trình đào tạo hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập, bắt đầu từ việc xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Thí dụ, mục tiêu chương trình đào tạo ngành Kĩ thuật ôtô của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội như sau:

Kiến thức: Sinh viên được trang bị kiến thức cơ sở kỹ thuật vững chắc và kiến thức chuyên môn sâu,có kỹ năng thực hành nghề nghiệp, đủ năng lực thiết kế, chế tạo trong lĩnh vực sản xuất ôtô, máy động lực, xe chuyên dụng.

Kỹ năng: Sinh viên có nghề nghiệp và kỹ năng cá nhân, có khả năng học tập ở trình độ cao hơn, khả năng tự học để thích ứng với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ và có khả năng học tập suốt đời. Có kỹ năng thực hành nghề nghiệp, có năng lực hình thành ý tưởng, thiết kế và vận hành các sản phẩm và hệ thống mới.

Ngoại ngữ: Sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong giao tiếp và công việc, đạt điểm TOEIC từ 500 trở lên. Đạt trình độ ngoại ngữ đủ tốt để làm việc trong môi trường liên ngành, đa văn hóa, đa quốc gia.

Hay chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) khóa tuyển sinh năm 2021 được xác định như sau:

“Kiến thức toán học và khoa học cơ bản gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học và Con người môi trường;

Kiến thức khoa học xã hội gồm: Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Pháp luật đại cương, Kinh tế học đại cương/Tâm lý đại cương/Logic học;

Kiến thức sinh học nền tảng về sinh hóa, sinh học phân tử, sinh học tế bào, di truyền, vi sinh, thực vật, người và động vật, sinh thái, lý sinh, an toàn và đạo lý sinh học;

Kiến thức công nghệ sinh học nền tảng về kỹ thuật công nghệ gen, tin sinh học, ứng dụng thống kê trong nghiên cứu, phương pháp kiểm nghiệm vi sinh vật, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ, quá trình thiết bị công nghệ;

Kiến thức chuyên sâu của một trong các lĩnh vực sau: Công nghệ sinh học công nghiệp, y dược, công nghiệp, nông nghiệp, vật liệu sinh học;

Kỹ năng thao tác nền tảng trong phòng thí nghiệm và thực hiện các thí nghiệm sinh học – công nghệ sinh học như thiết kế thí nghiệm liên quan đến sinh học – công nghệ sinh học, sử dụng một số dụng cụ, chuẩn bị một số hóa chất, vận hành một số thiết bị phổ biến;

Một số công cụ tin sinh học và thống kê trong nghiên cứu sinh học – công nghệ sinh học;

Thiết kế, thực hiện, phân tích và đánh giá kết quả của một số thí nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ sinh học Y dược, nông nghiệp, công nghiệp, vật liệu sinh học;

Thực hành kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua các bước: Thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin, Xác định đúng vấn đề, Đề nghị các giải pháp, Lựa chọn giải pháp, Thực hiện giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch;

Môi trường rèn luyện các tư duy như sáng tạo, phản biện, hệ thống;

Rèn luyện kỹ năng tự học, nắm bắt xu hướng thế giới và học tập suốt đời;

Môi trường để thể hiện tinh thần trách nhiệm, trung thực, kỷ luật và thái độ tôn trọng sự khác biệt;

Rèn luyện anh ngữ và tin học theo yêu cầu của chương trình đào tạo;

Thực hiện việc trình bày vấn đề khoa học ở dạng nói và viết;

Có hiểu biết về lịch sử, vai trò và trách nhiệm của cử nhân sinh học với xã hội, ngữ cảnh xã hội và doanh nghiệp, các quy định và hệ thống pháp lý liên quan đến ngành công nghệ sinh học, cách thức các sản phẩm được tạo và bảo vệ.”

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Chính nhận xét: “Cách viết chuẩn đầu ra như trên thể hiện chuẩn đầu ra chưa phải là kết quả của quá trình nghiên cứu, khảo sát nhu cầu xã hội, mà chỉ là sự suy diễn từ các môn học hiện có.

Do chuẩn đầu ra của các chương trình giáo dục hiện hành chưa hoàn thiện nên chuẩn đầu ra không thể thực hiện được các chức năng quan trọng của nó là định hướng để lựa chọn và sắp xếp nội dung (môn học) đào tạo, quy định phương thức đào tạo, hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học và càng chưa thể là chuẩn để kiểm tra đánh giá kết quả đào tạo.

Chuẩn đầu ra chưa định hướng việc lựa chọn và sắp xếp nội dung (môn học) đào tạo, nên việc thiết kế chương trình chủ yếu vẫn theo cách tiếp cận nội dung, tức là càng nhiều môn học càng tốt”.

Theo đó, chương trình chuẩn ngành Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) có 131 tín chỉ gồm:

Khối kiến thức đại cương: 52+2 tín chỉ (không tính Giáo dục thể chất và An ninh quốc phòng).

Khối kiến thức cơ sở ngành: 37+ 5 tín chỉ

Khối kiến thức chuyên ngành: 4 + 8 + 13 tín chỉ

Thực tập, tốt nghiệp : 10 tín chỉ.

Trong đó khối kiến thức đại cương 13 môn học, khối kiến thức Toán Tin – Khoa học tự nhiên 16 môn lí thuyết (chỉ có 3 môn có giờ thực hành) khối kiến thức cơ sở ngành có 19 môn bắt buộc, trong đó 8 môn 1 tín chỉ, 4 môn 2 tín chỉ, khối kiến thức chuyên ngành 1+ 3 môn.

Như vậy, ngoài khóa luận hoặc các môn thay thế sinh viên phải học 52 môn học, việc có quá nhiều môn học trong một học kì (10-11 môn, trong đó có những môn chỉ có 1, 2 tín chỉ), sinh viên không còn thời gian vật chất để tự học, tự nghiên cứu và càng không thể có thời gian để làm các bài tập như trong học chế tín chỉ quy định (bài tập cá nhân/tuần/môn học).

Ngoài ra, theo thầy Chính, chuẩn đầu ra chưa định hướng cho việc tổ chức quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá trong quá trình đào tạo. Bởi đặc trưng cơ bản của học chế tín chỉ là ngoài việc tạo cơ hội để sinh viên có thể tự tổ chức lộ trình học tập của bản thân, thì điều quan trọng là giúp sinh viên rèn luyện kĩ năng tự học, tự nghiên cứu, kĩ năng thực hành, kĩ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, những kĩ năng đặc thù của giáo dục đại học. Tuy nhiên các hình thức tổ chức dạy học hiện tại vẫn chủ yếu trang bị lí thuyết, rất ít giờ xêmina, thực hành, và nhất là không có qui định chính thức về đánh giá các giờ tự học, tự nghiên cứu của sinh viên

Các hình thức kiểm tra đánh giá còn đơn điệu và không khác so với đào tạo theo niên chế, nghĩa là chủ yếu vẫn chỉ kiểm tra giữa kì và thi cuối kì, có thêm phần điểm danh, kiểm tra chuẩn bị bài, làm bài tập tại lớp (các hình thức đánh giá của giáo dục phổ thông) và xêmina.

Kiểm tra đánh giá không thực hiện được chức năng sàng lọc, chức năng quan trọng nhất của đánh giá trong giáo dục đại học dẫn tới “học đại” mà vẫn tốt nghiệp, ra trường. Hơn nữa, do mục tiêu môn học còn quá chung chung nên không xác định được cần kiểm tra đánh giá như thế nào để biết có đạt mục tiêu môn học hay không. Đây là nhược điểm lớn nhất của quá trình tổ chức dạy học hiện nay, không phát huy được ưu điểm của học chế tín chỉ, và làm mất đi giá trị của các giờ tự học trong một giờ tín chỉ.

Từ những hạn chế đó, Giáo sư Nguyễn Đức Chính đề xuất, trong học chế tín chỉ 1 giờ tín chỉ có thể có các hình thức tổ chức dạy học sau:

1 giờ tín chỉ:

Lí thuyết = 1 tiết trên lớp (50 phút) + 2 giờ sinh viên chuẩn bị = 3 giờ.

Thực hành = 2 tiết trên lớp + 1 giờ sinh viên chuẩn bị = 3 giờ.

Tự nghiên cứu = 0 tiết trên lớp + 3 giờ sinh viên tự học = 3 giờ.

Theo lí luận dạy học mỗi hình thức tổ chức dạy học phải có một hình thức đánh giá tương ứng (không có đánh giá tức là không có dạy học). Như vậy cần có :

Bài tập cá nhân/môn học/tuần – kiểm tra đánh giá các giờ chuẩn bị cho các giờ lí thuyết (10%).

Bài tập nhóm/môn học/tháng – kiểm tra đánh giá các giờ chuẩn bị cho các giờ thực hành (10%).

Bài tập lớn học kì /môn học (15%) cho các giờ tự nghiên cứu (không lên lớp).

Thi giữa kì (15%).

Thi cuối kì (50%).

Sinh viên phải hoàn thành toàn bộ các bài kiểm tra thành phần mới có đủ điều kiện dự thi cuối kì. Đây là cơ chế sàng lọc đã được các trường đại học trên thế giới sử dụng hiệu quả. Với cơ chế này ai cũng có thể vào học đại học, nhưng không thể “học đại”, và chỉ những sinh viên vượt qua được cơ chế này mới có thể tốt nghiệp. Mà đã tốt nghiệp thì chắc chắn là những người đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Thanh Sơn