Công ty CP dịch vụ xuất bản GD HN bị biên tập viên cũ kiện vì quyết định sa thải

24/09/2022 07:39
Trung Dũng
GDVN- Nguyên đơn là ông Trương Đức Kiên khởi kiện Công ty cổ phần dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội vì cho rằng công ty này ký quyết định sa thải không đúng quy định.

Ngày 22/9, Tòa án nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Tranh chấp xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải" giữa nguyên đơn là ông Trương Đức Kiên và bị đơn là Công ty cổ phần dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội (sau đây gọi tắt là Công ty HEPS).

Được biết, ông Kiên vốn là nhân viên cũ với chức danh chuyên môn là Biên tập viên tại Công ty HEPS.

Mâu thuẫn từ góp ý về nội dung chuyên môn làm sách giáo khoa mới

Trình bày của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tại Tòa cho biết, năm 2003, ông Kiên được tuyển dụng vào làm việc tại Nhà Xuất bản Giáo dục (nay là Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam). Sau nhiều năm làm việc, thực hiện chủ trương ký lại hợp đồng, ngày 1/2/2008, Nhà Xuất bản Giáo dục tại Hà Nội ký lại hợp đồng số 22/2008 với ông Kiên, chức danh chuyên môn là Biên tập viên, công việc phải làm là theo sự phân công của Trưởng ban Sinh với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, tính từ ngày 2/3/2003.

Sau đó, Nhà Xuất bản Giáo dục tại Hà Nội chuyển ông Kiên sang làm tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hà Nội (Công ty con của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) từ ngày 1/7/2008, chức danh chuyên môn vẫn là Biên tập viên.

Toà án nhân dân quận Đống Đa nơi tiến hành phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Tranh chấp xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải" giữa nguyên đơn là ông Trương Đức Kiên và bị đơn là Công ty cổ phần dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng
Toà án nhân dân quận Đống Đa nơi tiến hành phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Tranh chấp xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải" giữa nguyên đơn là ông Trương Đức Kiên và bị đơn là Công ty cổ phần dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Năm 2009, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thành lập Công ty HEPS. Năm 2010, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam chuyển toàn bộ Biên tập viên từ Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hà Nội sang Công ty HEPS.

Tiếp đó, ngày 3/5/2010, Công ty HEPS ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với ông Kiên, chức danh chuyên môn là Biên tập viên.

Đến năm 2017, Công ty HEPS buộc ông Kiên phải biên tập cuốn sách Giáo dục thể chất khi không phù hợp và đúng chuyên môn của mình. Tiếp đó, từ khi bắt đầu làm sách giáo khoa mới thì phát sinh mâu thuẫn giữa ông Kiên với công ty HEPS liên quan đến chuyên môn.

Để đảm bảo chất lượng cuốn sách tham khảo Giáo dục thể chất và chất lượng cuốn sách giáo khoa mới, ông Kiên đã có những góp ý về nội dung chuyên môn, quy trình và cách thức biên tập sách. Tuy nhiên, những góp ý của ông Kiên không được các cá nhân có trách nhiệm trong công ty HEPS tiếp thu, ngược lại còn xem nhẹ và quay sang "trù dập" ông Kiên.

Cụ thể, công ty yêu cầu ông Kiên phải làm xong cuốn sách trong 2 tháng (từ tháng 9 đến tháng 11/ 2017). Nhận thấy sách giáo khoa là tài liệu học tập vô cùng quan trọng, nếu làm trong một thời gian ngắn như vậy thì chắc chắn cuốn sách không có chất lượng hoặc chất lượng rất thấp. Vì thế, ông Kiên đã đề nghị xem xét lại thời hạn làm sách và bổ sung Biên tập viên xã hội với Trưởng ban nhưng không được tiếp thu. Trưởng ban còn báo cáo lại với Ban Giám đốc về việc ông Kiên chống đối, làm chậm tiến độ sách giáo khoa mới của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Ngày 28/3/2018, khi bàn kế hoạch làm sách giáo khoa mới, ông Kiên có góp ý, sửa chữa bản kế hoạch cần cập nhập với dự thảo Chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bổ sung thêm nội dung phân công công việc với các thành viên trong ban nhưng không được Trưởng ban tiếp thu.

Sau đó, Trưởng ban còn làm tờ trình đề nghị Công ty HEPS kỷ luật ông Kiên. Trên cơ sở đó, Công ty HEPS ban hành Quyết định số 48 ngày 30/3/2018 về việc phê bình cán bộ, trong đó xác định ông Kiên có thái độ thiếu hợp tác với tác giả và thành viên trong nhóm làm sách, gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng sách giáo khoa mới và không nghiêm túc chấp hành sự phân công của Trưởng ban.

Thấy việc ban hành quyết định là trái pháp luật nên sau đó ông Kiên nhiều lần làm đơn khiếu nại đề nghị xem xét lại việc kỷ luật. Sau khi nhận được đơn, công ty đã không xem xét thấu đáo mà còn quy chụp ông Kiên thường xuyên gửi đơn đề nghị và khiếu nại không đúng quy định làm ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp, hiệu suất làm việc của các thành viên trong Ban biên tập sách.

Sau khi bị kỷ luật, công ty xếp loại ông Kiên không đạt yêu cầu và ra thông báo số 56 cấm ông Kiên làm sách giáo khoa mới trong 3 tháng kể từ ngày 1/4/2018. Vì muốn gạt ông Kiên ra khỏi công ty nên Công ty HEPS đã quy kết những bài viết trên trang facebook cá nhân của ông Kiên về những hiện tượng xấu trong xã hội là nói xấu những thành viên trong Công ty HEPS, làm ảnh hưởng đến uy tín công ty và coi đó là hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

Ngày 5/3/2020, Công ty HEPS có Quyết định số 19 về việc tạm đình chỉ công việc đối với ông Kiên, thời hạn tạm đình chỉ là 15 ngày. Ngày 19/3/2020, Công ty HEPS có thông báo số 64 yêu cầu trở lại làm việc. Sau khi ông Kiên quay trở lại làm việc thì công ty có Quyết định số 25, ngày 23/3/2020 về việc thành lập Hội đồng kỷ luật và Thông báo số 91 ngày 23/4/2020 về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động lần 2.

Ngày 29/4/2020, Công ty HEPS đã tiến hành họp xử lý kỷ luật và tại cuộc họp, công ty đã quy chụp ông Kiên có hành vi phạm kỷ luật lao động. Ngày 7/5/2020, Công ty HEPS có Quyết định số 52 về việc sa thải đối với ông Kiên do hành vi lợi dụng vị trí công tác Ban biên tập sách, thông tin xúc phạm nhân phẩm của đồng nghiệp trên mạng xã hội làm mất uy tín của công ty và đe dọa thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản và lợi ích của công ty.

Từ những dẫn chứng nêu trên, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tại tòa cho rằng, việc Công ty HEPS sa thải ông Kiên là trái quy định của pháp luật, mang tính trù dập cá nhân. Vì thế, tại phiên tòa ông Kiên đề nghị Tòa án nhân dân quận Đống Đa tuyên Quyết định số 52 của Công ty HEPS là trái pháp luật.

Đồng thời, yêu cầu công ty nhận ông Kiên quay trở lại làm việc theo hợp đồng đã ký và khôi phục toàn bộ lợi ích hợp pháp của ông Kiên trong thời gian ông bị sa thải trái pháp luật.

Phản bác lại những yêu cầu của ông Kiên do người đại diện ủy quyền của nguyên đơn trình bày tại tòa, đại diện ủy quyền của Công ty HEPS cũng đã nêu lên một số dẫn chứng cho thấy việc Công ty HEPS ra Quyết định số 52 về việc sa thải ông Kiên là hoàn toàn đúng trình tự pháp luật.

Ngoài ra, người đại đại diện của bị đơn cho biết, việc nguyên đơn cho rằng sách Giáo dục thể chất giao cho ông Kiên là không đúng chuyên môn, người đại diện ủy quyền của Công ty HEPS khẳng định là đúng chuyên môn.

Cụ thể, đại diện bị đơn cho biết, trong bộ Sách Giáo dục thể chất có 2 phần, một là phần thể chất, hai là dinh dưỡng. Trong phần dinh dưỡng có phần Sinh học dinh dưỡng nên phần phân cho ông Kiên là đúng chuyên môn, không có chuyện trù dập.

Về chất lượng sách, thì hiện bộ sách này đã được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá 100% đạt, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định phê duyệt và đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng thì tỷ lệ chọn bộ sách này là cao nhất.

Toà không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trương Đức Kiên

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và nghe các bên tham gia tranh luận tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát cũng đã nêu lên các ý kiến về việc giải quyết vụ án. Qua đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, hợp đồng lao động được ký giữa ông Kiên và Công ty HEPS là trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa các bên.

Quyết định của Công ty cổ phần dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội về việc sa thải ông Trương Đức Kiên. Ảnh: nguyên đơn cung cấp
Quyết định của Công ty cổ phần dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội về việc sa thải ông Trương Đức Kiên. Ảnh: nguyên đơn cung cấp

Ngày 7/5/2020, Công ty HEPS đã ban hành Quyết định số 52 về chấm dứt hợp đồng lao động chính thức với ông Kiên, với lý do ông Kiên có hành vi thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của đồng nghiệp trên mạng xã hội, làm mất uy tín và đe dọa thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và lợi ích của công ty theo quy định tại điều 15, 17 nội quy lao động, khoản 1, điều 126 Bộ Luật Lao động.

Ngày 26/5/2020, công ty đã có Thông báo số 127 về việc thanh toán chế độ và bàn giao sổ Bảo hiểm xã hội, hồ sơ lao động cho ông Kiên. Ông Kiên cũng đã nhận tiền lương đến hết ngày 27/5/2020.

Xét về trình tự xử lý kỷ luật, Công ty HEPS đã ban hành Quyết định số 19 về việc tạm đình chỉ công việc với ông Kiên, thời hạn tạm đình chỉ 15 ngày để điều tra làm rõ hành vi vi phạm kỷ luật là đúng quy định tại khoản 1, khoản 2, điều 129, Bộ Luật Lao động. Công ty HEPS đã thành lập Hội đồng kỷ luật theo Quyết định 125 ngày 25/3/2020 để xem xét kỷ luật với ông Kiên.

Tại cuộc họp xử lý lao động với ông Kiên có sự tham dự của người lao động là ông Trương Đức Kiên, đại diện Công đoàn công ty theo đúng quy định tại điểm c, điểm c, khoản 1, điều 123, Bộ Luật Lao động.

Cuộc họp xử lý kỷ luật ngày 29/4/2020 được thành lập thành lập thành biên bản và có chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp. Căn cứ theo đơn của các cán bộ làm việc cùng với ông Kiên do Công ty HEPS nhận được vào khoảng tháng 12/2019. Ngày 29/4/2020, Công ty HEPS họp xử lý kỷ luật, vào ngày 7/5/2020, công ty có quyết định xử lý kỷ luật là đúng thời hiệu. Người đại diện của Công ty là bà Phạm Thị Hồng - Giám đốc Công ty HEPS ký quyết định là đúng theo thẩm quyền. Quyết định trên cũng đã được gửi cho ông Kiên, ông Kiên cũng đã ký vào biên bản giao nhận.

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty cũng đã thanh toán tiền lương đến ngày 7/5/2020 và hoàn thành các thủ tục về Bảo hiểm xã hội theo quy định.

Nhận thấy quyết định xử lý kỷ luật là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điều 31, 35, 39, 147 của Bộ Luật Tố tụng dân sự, điều 36, 42, 47, 90, 119, 123, 124, 126, 129 Bộ Luật Lao động năm 2012, Nghị định số 05/2015, Nghị quyết 326 án phí, lệ phí tòa án, không chấp toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, quyết định số 52 ngày 7/5/2020 của Công ty HEPS về việc sa thải ông Trương Đức Kiên là có căn cứ.

Các yêu cầu của nguyên đơn về việc quay trở lại làm việc và bồi thường là không có căn cứ nên Viện Kiểm sát đề nghị Toà không chấp nhận với yêu cầu trên.

Sau thời gian Nghị án, Chủ toạ phiên toà đã tiến hành đọc tuyên án. Theo đó, Hội đồng xét xử cho biết, việc ông Kiên cho rằng, ông bị Công ty HEPS trù dập là không có căn cứ.

Do vậy, Toà không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trương Đức Kiên. Ông Kiên không phải chịu án phí xét xử trong phiên sơ thẩm và có quyền kháng cáo sau 15 ngày Toà tuyên án tại phiên xét xử sơ thẩm.

Trung Dũng