Hồi tháng 8/2021, phản ánh tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, Thạc sỹ Nguyễn Thị Nhung - Tổng chủ biên của sách Mỹ Thuật - Bộ sách giáo khoa "Chân trời sáng tạo" thay mặt những tác giả tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa Mỹ thuật cho biết đã có Thư kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng các cơ quan chức năng.
Phóng viên đã liên hệ, gửi câu hỏi tới Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về những vấn đề mà nhóm tác giả thắc mắc. Tuy nhiên đến nay chúng tôi chưa nhận được phản hồi từ phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Được biết, ngày 10/8, Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo cáo về nội dung tổ chức biên soạn, quy trình thẩm định sách giáo khoa môn Mĩ thuật và Hoạt động trải nghiệm (Bộ sách Chân trời sáng tạo). Đơn vị xuất bản phải báo cáo, làm rõ vấn đề trước khi Hội đồng thẩm định quốc gia làm việc theo kế hoạch.
Tháng 7/2021 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trình Hội đồng thẩm định Quốc gia 2 đầu sách của môn Mĩ thuật lớp 3 trong bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo”. |
Ngày 20/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có báo cáo về nội dung trên. Theo đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, đơn vị là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Xuất bản, có quyền lợi và ý nghĩa được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.
Do vậy, trong quá trình hoạt động, tùy tình hình thực tiễn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thể điều chỉnh chiến lược xuất bản nhằm bảo toàn vốn và đạt chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.
Việc tổ chức biên soạn thêm hai tên sách Hoạt động trải nghiệm và Mĩ thuật nằm trong chiến lược xuất bản, phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và nhu cầu thực tế của xã hội. Việc tổ chức biên soạn thêm hai tên sách này không trái với tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội “một chương trình – nhiều sách giáo khoa”.
Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, việc đơn vị phối hợp với Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác biên soạn sách giáo khoa thực chất là phối hợp xây dựng, lựa chọn đội ngũ tác giả có kinh nghiệm, có học hàm, học vị và triển khai dạy thực nghiệm theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa tuân thủ các quy định của Thông tư 33/2017/BGDĐT được cụ thể qua 13 tiêu chuẩn, 40 chỉ báo. Thực tế lựa chọn sách giáo khoa của các tỉnh trong năm học 2020-2021, 2021-2022 cho thấy bộ sách “Chân trời sáng tạo” không chỉ được các cơ sở giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn mà còn được nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam, miền Trung và cả khu vực phía Bắc lựa chọn.
Đối với sách giáo khoa lớp 1, năm học 2021-2022 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị tiếp tục tái bản 4 bộ sách cùng lúc gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, trong đó bộ sách giáo khoa “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” đã triển khai 2 tên sách Hoạt động trải nghiệm 1.
“Từ lớp 2 trở lên, Nhà xuất bản chỉ tập trung nguồn lực sản xuất 2 bộ sách đã hợp nhất là Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo nhằm tập trung tối đa nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ tác giả, tiết giảm tối đa chi phí…”, đơn vị này khẳng định trong báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Văn bản báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gửi Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Trước đó, trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhóm tác giả đề nghị làm rõ vấn đề: Tại sao hồi tháng 11/2020 Nhà xuất bản gộp 4 bộ sách thành 2 bộ Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo nhưng đến tháng 7/2021 Nhà xuất bản lại trình Hội đồng thẩm định Quốc gia thêm một số đầu sách thứ 2 của bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo”...
Chưa kể, ngày 19/5/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 1472/SGDĐT-VP gửi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề nghị Nhà xuất bản làm thêm một số bản mẫu môn Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Tin học do các tác giả Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn.
Nhóm tác giả đặt câu hỏi băn khoăn: Không hiểu quy trình làm sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được thực hiện như thế nào với bộ sách mới xuất hiện này khi ngày 19/5/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh mới có công văn đề xuất mà đầu tháng 7/2021 (trong vòng chưa tới 3 tháng) Nhà xuất bản đã xong cả bản mẫu sách giáo khoa, hồ sơ dạy thực nghiệm và các hồ sơ khác theo quy định tại Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT để mang đi thẩm định Quốc gia (trong khi tháng 5 hầu hết các tỉnh trên cả nước đã cho học sinh tạm dừng đến trường do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì không hiểu Nhà xuất bản tổ chức cho giáo viên dạy thực nghiệm sách thế nào để đảm bảo đầy đủ được các đối tượng học sinh và các vùng miền khác nhau trên khắp cả nước).
Nhóm tác giả cho rằng: “Rõ ràng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã vi phạm cam kết với các tác giả (thể hiện ở Thông báo số 1290/TB-NXBGDVN ngày 29/6/2020 thông báo Kết luận cuộc họp của Chủ tịch Hội đồng thành viên với Tổng chủ biên, Chủ biên sách giáo khoa về công tác hợp nhất các bộ sách) khi nhập 4 bộ sách thành 2 bộ rồi lại làm thêm những đầu sách giáo khoa mới lại mang tên các đầu sách giáo khoa chính danh đã hợp nhất và có tính chất phân biệt vùng miền”.
“Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh làm những đầu sách giáo khoa riêng mang tính địa phương, vùng miền có phù hợp và được phép không? Nếu các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh khác cũng đề nghị được làm một bộ sách giáo khoa riêng như vậy thì có được chấp nhận không?”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhung mong Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp vấn đề này.