Nhiều câu hỏi cần giải đáp từ hoạt động của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam

28/05/2022 06:30
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dư luận mong rằng nhiều câu trả lời về hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ được cơ quan chức năng giải đáp.

Ngày 26/5, Báo điện tử Vnexpress đã dẫn lời Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn về việc thanh tra nhiều hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của nhà xuất bản giáo dục nói chung và quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng.

"Tôi đã chỉ đạo triển khai việc này từ 2021 và hiện nay các cơ quan liên quan đang thực hiện nhiệm vụ. Khi có kết quả cụ thể, sẽ thông tin đầy đủ", Vnexpress dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.[1]

Rõ ràng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi quyền hạn đã chỉ đạo thanh tra hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 10 diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/12/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có nội dung về Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021. Bên cạnh những ưu điểm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác tổ chức cán bộ; tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách; biên soạn sách giáo khoa; đầu tư công…

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo đại diện Nhà nước sở hữu 100% vốn. Đơn vị này có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành sách giáo khoa và các ấn phẩm phục vụ giảng dạy, học tập.

Câu chuyện sách giáo khoa ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn còn dấu hỏi lớn chưa giải đáp. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Câu chuyện sách giáo khoa ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn còn dấu hỏi lớn chưa giải đáp. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Với vốn điều lệ 596 tỷ đồng, doanh nghiệp này đang hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Là doanh nghiệp nhà nước, theo quy định, họ phải công bố thông tin định kỳ, về chiến lược phát triển; kế hoạch sản xuất, đầu tư; báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng...

Tuy nhiên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị cách đây ba năm từng tuyên bố nắm 60-70% thị phần phát hành sách cả nước - đã không công bố báo cáo tài chính năm 2020, 2021; kế hoạch kinh doanh năm 2021, 2022 trên website lẫn cơ quan quản lý vốn là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giai đoạn trước từ 2016-2020, Nhà xuất bản cũng không công bố các báo cáo này dù có tóm lược số liệu tài chính.

Doanh thu của nhà xuất bản này liên tục tăng trưởng từ 2015 đến 2019 – năm gần nhất doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh. Theo kế hoạch sản xuất và phát triển được đề ra năm 2017, nhà xuất bản đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng liên tiếp 4% một năm và cán mốc 1.500 tỷ đồng vào 2022.

Lợi nhuận giai đoạn 2017-2019 đều trên 100 tỷ đồng mỗi năm, nhưng ban lãnh đạo nhà xuất bản từng cho biết việc "làm sách giáo khoa là thực hiện nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao, không mang lại lợi nhuận như dư luận đồn đoán, thậm chí mỗi năm còn bị lỗ trên dưới 40 tỷ đồng từ việc in và phát hành sách giáo khoa".

Nhà xuất bản có 7 công ty con (nắm giữ trên 50% vốn), 26 công ty liên kết và 8 công ty được xem là khoản đầu tư dài hạn. Trong báo cáo lương thưởng năm 2020, bình quân mỗi người quản lý của nhà xuất bản có thu nhập 44,6 triệu đồng và nhân viên là 27,6 triệu đồng một tháng.[2]

Vấn đề Sách giáo khoa đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận, nhiều câu hỏi lớn trong việc biên soạn xuất bản sách vẫn chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng có thẩm quyền

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, năm học 2020 – 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa mới, trong đó chỉ riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có 4 bộ là bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống"; bộ "Chân trời sáng tạo"; bộ "Cùng học để phát triển năng lực”; bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Bộ sách còn lại là "Cánh Diều", sản phẩm hợp tác của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam. [3]

Tuy nhiên, đến năm học 2021- 2022, chỉ còn 03 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu gồm bộ “Cánh diều”, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Chân trời sáng tạo”.

Như vậy, 2 trong 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai giảng dạy từ lớp 1 đã không còn là bộ “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.[4]

Sự “biến mất” của 2 bộ sách giáo khoa này dù đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giải thích, tuy nhiên, câu trả lời chưa thể thuyết phục được dư luận, đặc biệt là với các học sinh, các thầy cô giáo đã được tập huấn để học tập và giảng dạy các bộ sách này.

Liên quan đến vấn đề in ấn sách giáo khoa, ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá bán sách giáo khoa là một trong những vấn đề luôn được quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của học sinh, phụ huynh.

Thế nhưng, vấn đề giá sách giáo khoa ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn luôn thu hút sự chú ý của dư luận bởi nhiều còn rất nhiều bí ẩn.

Ngày 3/4/2019 Tạp chí điện tử Nhà đầu tư đăng bài "Bí ẩn nguồn thu gánh lỗ sách giáo khoa cho Nhà xuất bản Giáo dục" dẫn lời ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời về cơ cấu giá thành cho việc xuất bản, phát hành (sách giáo khoa, sách tham khảo, vở bài tập?) cho biết, giấy và công in chiếm 65%, phát hành chiếm 20%, 15% là cho chi phí nhân công và quản lý.

Điều này cho thấy nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất là chi phí mua giấy để in sách và đây là một trong những yếu tố tạo nên giá thành sản xuất và quyết định đến giá bán của sách giáo khoa.

Số lượng giấy Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sử dụng hàng năm ước tính hơn 40.000 tấn với giá trị ước tính gần 1.000 tỷ đồng.

Với số lượng nguyên liệu đầu vào lớn như vậy, việc đấu thầu rộng rãi, minh bạch sẽ giúp giảm giá thành sách giáo khoa". [5]

Ảnh: VnExpress

Ảnh: VnExpress

Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và 3 năm gần nhất, năm báo cáo: 2019 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ngày 18/6/2020 cho biết một trong những khó khăn của đơn vị này là giá vật tư, nguyên liệu, đặc biệt là giá giấy tăng rất cao (20% - 25%) [6]

Tuy nhiên, vào tháng 10/2021 đã có những lùm xùm khi có nhà cung cấp giấy in kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo việc công ty này không được tham gia chào hàng, đấu thầu cạnh tranh cung cấp giấy in sách giáo khoa cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mặc dù đã 2 lần gửi công văn đề nghị.

Như vậy, đấu thầu cạnh tranh công khai và minh bạch là giải pháp tốt nhất để Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tìm được các nhà cung cấp giấy in đảm bảo chất lượng với giá thấp nhất, chỉ có như vậy mới có thể giảm tối đa chi phí giá thành, giảm gánh nặng cho xã hội và mang về lợi nhuận cho chính nhà xuất bản này.

Thực tế, thời gian gần đây, nhiều nhà trường, nhiều phụ huynh đã lo lắng khi giá sách giáo khoa tăng.

Một trong những lý do khiến giá thành sách tăng được nêu là do quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Dư luận rất cần các cơ quan chức năng làm rõ việc này bởi cũng trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 23/5, nhiều Đại biểu Quốc hội đã nêu ra nhiều bất cập về chương trình đổi mới sách giáo khoa, thậm chí có câu hỏi liệu có những tiêu cực trong lựa chọn sách giáo khoa hay không.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đã đặt câu hỏi: “Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho hay, cử tri đang rất bức xúc về các chương trình giáo dục phổ thông có những vấn đề chưa phù hợp.

“Đặc biệt sách giáo khoa không được sử dụng lại nên mỗi năm tốn hàng ngàn tỉ đồng để mua sách giáo khoa mới, gây khó khăn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt với gia đình khó khăn” - ông nói. [7]

Trước đó, thời điểm đầu năm học 2018-2019, một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng khan hiếm, “cháy hàng” sách giáo khoa; đặc biệt là các bộ sách giáo khoa đầu cấp cho học sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10.

Nhiều phụ huynh “nháo nhác” mua gom nhiều nơi mới có đủ bộ sách giáo khoa cho con.

Tháng 9/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành việc kiểm tra về vấn đề in ấn, phát hành sách giáo khoa năm học 2018-2019 tại Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.

Đến nay, kết quả của đợt kiểm tra rất khó tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng.[8]

Xa hơn nữa, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai kết luận sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong đó chỉ rõ hàng loạt các sai phạm như vi phạm về công tác quản lý sử dụng tài sản; về công tác tài chính, công tác tổ chức cán bộ…[9]

Hi vọng, những câu hỏi lớn về hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ được cơ quan chức năng chỉ rõ.

* Tài liệu tham khảo:

[1][2] https://vnexpress.net/thanh-tra-nhieu-hoat-dong-cua-nha-xuat-ban-giao-duc-4468283.html

[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/2-bo-sach-giao-khoa-moi-chi-tho-1-nam-chuyen-gi-the-nay-post216363.gd

[4] https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-trung-hoc/Pages/tin-tuc.aspx?ItemID=7219

[5] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-can-lam-ro-co-hay-khong-khuat-tat-dau-thau-giay-in-sach-giao-khoa-tai-nxbgdvn-post221326.gd

[6]https://nxbgd.vn/Attachments/files/PDF/Bao%20cao%20danh%20gia%20tinh%20hinh%20SX-KD%202019%20va%203%20nam%20truoc.pdf

[7] https://laodong.vn/thoi-su/bo-truong-gddt-ly-giai-vi-sao-gia-sach-giao-khoa-moi-cao-gap-2-3-lan-sach-cu-1048950.ldo

[8] https://baotintuc.vn/giao-duc/kiem-tra-viec-in-va-phat-hanh-sach-giao-khoa-cua-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-20180921090342490.htm

[9] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/buc-tranh-toan-canh-ve-nhung-sai-pham-tai-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-post179299.gd

Trần Phương