Lạ đời, HS lớp 8-9 học tên nguyên tố hóa học 1 kiểu, lên lớp 10 lại kiểu khác

01/10/2022 06:42
Bùi Nam
GDVN- Học sinh học phân môn Hóa học ra tiệm điện hỏi mua 2m dây điện Aluminium hay Copper thì không ai biết đó là Nhôm, Đồng để mà bán.

Bài viết này tiếp tục bàn về bất cập của môn Khoa học tự nhiên ở trung học cơ sở và môn Hóa học ở trung học phổ thông (chương trình mới) trong vấn đề tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất, oxit, axit, bazo, muối,…bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC.

Điều này không chỉ làm khổ sở giáo viên mà còn làm khó học sinh, thiếu tính liên thông, nhất quán.

Ảnh minh họa: Vtv.vn

Ảnh minh họa: Vtv.vn

Lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu có bất cập?

Theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành theo Thông tư này được thực hiện như sau:

· Từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1;

· Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6;

· Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

· Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

· Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT vẫn được áp dụng đến khi lộ trình nêu trên được thực hiện.

Như vậy từ năm 2024-2025, sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới toàn bộ cấp học từ lớp 1 đến lớp 12.

Tuy nhiên, thực hiện theo lộ trình cuốn chiếu sẽ nảy sinh một số bất cập rắc rối phát sinh như:

Đối với tiểu học: Học sinh lớp 4, 5 năm học 2022-2023 học chương trình 2006, đến lớp 6 từ năm 2023-2024, 2024-2025 phải học theo chương trình 2018 mới.

Đối với cấp trung học cơ sở: Học sinh lớp 8, 9 năm học 2022-2023 học chương trình 2006, đến lớp 10 từ năm 2023-2024, 2024-2025 phải học theo chương trình 2018 mới.

Chương trình mới được xây dựng theo hướng đổi mới căn bản toàn diện, nhiều nội dung đã được thay đổi, mang tính liên thông từ lớp 1-12, học sinh các lớp 4, 5, 8, 9 năm học này học theo chương trình 2006 nhưng sang trung học cơ sở, trung học phổ thông phải học với chương trình mới sẽ nảy sinh bất cập, thiếu khoa học.

Ví dụ, nhiều nội dung ở chương trình 2006 ở các lớp 6 đã được đưa vào dạy lớp 4, 5 chương trình mới, học sinh các lớp 4, 5 chương trình 2006 không được học các nội dung trên nhưng đến lớp 6 sẽ học ở chương trình mới sẽ vô cùng thiệt thòi.

Tương tự cấp trung học cơ sở cũng gặp tình trạng tương tự.

Học sinh lớp 10 năm 2023-2024 phải đọc tên nguyên tố, hợp chất,… hóa học bằng tiếng Anh ra sao?

Hiện nay học sinh ở lớp 8, 9 đọc tên nguyên tố hóa học đã được Việt hóa, thực hiện vài chục năm nay nhưng ở lớp 7 môn Khoa học tự nhiên lại đọc bằng tiếng Anh, vô cùng rắc rối khi thực hiện chương trình mới và cũ song song.

Đến thời điểm này, việc dạy cho học sinh đọc tên các nguyên tố hóa học, đơn chất, hợp chất,… bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều.

Một giáo viên dạy đồng thời môn Hóa 8, 9 và Khoa học tự nhiên 7 đọc theo 2 cách khác nhau, lớp 8, 9 phải đọc theo cách cũ nhưng dạy môn Khoa học tự nhiên phải đọc theo tiếng Anh.

Cũng như một số nhận định của nhiều người, người viết cho rằng ngay cả giáo viên tiếng Anh tại cấp trung học cơ sở cũng khó mà đọc hết được bằng tiếng Anh tên 118 các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh như Magnesium (Mg), Berylium (Be), phosphorus (P), Yttrium (Y), Molybdenum (Mo), Antimony (Sb), zirconium (Zr), Technetium (Tc),…

Vì thế, giáo viên Hóa học, Vật lý, Sinh học đọc tên các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh cũng không đơn giản.

Không chỉ tên đọc các nguyên tố hóa học mà còn các phân tử, hợp chất, oxit, axit, muối,... thì gần như giáo viên và học sinh rất khó có thể đọc được.

Người viết được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên phân môn Hóa học đang vật lộn với tên các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh, người dạy lơ mơ, học sinh không biết đọc, khi đọc xong thì không biết nó ký hiệu là gì, học sinh lớp 7 đang dần dần sợ khi đến giờ học Khoa học tự nhiên.

Học sinh lớp 7 học phân môn Hóa học khoảng 2 tháng đầu (tháng 9, 10) sau đó bỏ hẳn đến lớp 8, bỏ gần 9-10 tháng sau mới học lại phân môn Hóa học ở lớp 8 môn Khoa học tự nhiên, các em khi đó gần như sẽ không còn nhớ gì, giáo viên và học sinh lại phải khổ sở với phân môn Hóa học ở phân môn Khoa học tự nhiên 8 năm tới.

Một vấn đề cực kỳ khó cho các em học sinh lớp 8, 9 năm học 2022-2023 là hiện nay các em đang học môn Hóa học theo chương trình 2006, các ký hiệu hóa học được Việt hóa như O (ô xy), Al (nhôm), P (phot pho), Cu (đồng), Fe (sắt), Pb (chì), Ag (Bạc), Ca (canxi), Au (vàng), Zn (kẽm) …nó cũng là cách đọc thông dụng hiện nay trong các giao dịch, cuộc sống.

Nhưng đến năm 2023 - 2024, 2024 - 2025 các em lên lớp 10 phải học theo chương trình mới với môn Hóa học chương trình mới theo định hướng chuyên sâu, định hướng nghề nghiệp và các em phải tên các nguyên tố hóa học, đơn chất, hợp chất,… theo tiếng Anh.

Người viết không hiểu học sinh sẽ học kiểu gì khi ở lớp 8, 9 đọc theo cách cũ, đến lớp 10 phải đọc theo tiếng Anh.

Không chỉ phân môn Hóa học mà ở hầu như các môn học khác, học sinh lớp 4, 5, 8, 9 học theo chương trình 2006, đến lớp 6, 10 phải học với chương trình khác mới khác nhiều về nội dung, phương pháp, không còn tính logic, liên thông, khoa học,… có thể khiến các em hổng nhiều kiến thức, rất thiệt thòi.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các chuyên gia nghiên cứu tác động của việc học sinh lớp 4, 5, 8, 9 đang học chương trình 2006 khi đến lớp 6, 10 học theo chương trình 2018, 2 chương trình khác nhau sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc học, tiếp thu của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để bù đắp những kiến thức mà học sinh chưa học ở chương trình cũ nhưng phải nâng cao ở chương trình mới.

Bên cạnh đó, người viết cho rằng giáo viên Hóa học đã rất khó để đọc tên nguyên tố hóa học, hợp chất, oxit, muối,…theo tiếng Anh, việc chuẩn bị để đọc bằng tiếng Anh này chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, khó khả thi với lực lượng giáo viên và cả học sinh hiện nay.

Theo người viết, đối với môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6, 7 tiếp tục bồi dưỡng online để 1 giáo viên giảng dạy cả 3 phân môn (không cần bồi dưỡng theo các Quyết định 2454, 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), các ký hiệu hóa học nên được Việt hóa, dạy như lớp 8, 9 hiện nay, đối với lớp 8, 9 chương trình mới nên được trả về 3 phân môn riêng lẻ để giáo viên được tiếp cận kiến thức chuyên môn và là cơ sở để định hướng nghề nghiệp khi học sinh bước vào lớp 10.

Nếu dạy học sinh đọc theo tiếng Anh, học sinh học phân môn Hóa học ra tiệm điện hỏi mua 2m dây điện Aluminium hay Copper thì không ai biết đó là Nhôm, Đồng để mà bán.

Chương trình mới không đề cập đến Aluminium hay Copper là Nhôm, Đồng mà chỉ trình bày nó có ký hiệu hóa học là Al và Cu nên cả học sinh và giáo viên sẽ rất rối rắm, phức tạp trong học tập và cuộc sống.

Người viết cho rằng, môn tích hợp hiện nay vô cùng rối rắm, phức tạp, người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo thời qua đã rất cầu thị lắng nghe ý kiến từ cơ sở để sửa chương trình như môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông hay các vấn đề học phí,… thì nay với môn tích hợp rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để có những điều chỉnh khoa học, hợp lý.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam