Mỗi sách đọc 1 kiểu, vậy có cần bắt HS đọc tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh?

24/09/2022 06:36
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi trình độ tiếng Anh của học trò đạt trình độ “tích hợp” được với Hóa học, tự khắc học sinh sẽ đọc được, đó mới thật sự là tích hợp.

Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học mang tên "tích hợp" đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Bài viết “GV giỏi Vật lý giờ dạy thêm Hóa-Sinh, lo lắng khi HS hỏi đành tính nghỉ hưu non” của tác giả Sơn Quang Huyến đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vừa qua đã được sự quan tâm của giáo viên trên cả nước.

Rất nhiều hội nhóm giáo viên môn Khoa học tự nhiên đã chia sẻ trên mạng xã hội và có nhiều bình luận chia sẻ sự đồng cảm với bài viết.

Có nên bắt buộc dạy học sinh lớp 7 đọc tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh?

Người viết đã trao đổi với một số giáo viên đang dạy tiếng Anh về việc “Có nên dạy học sinh lớp 7 đọc tên nguyên hóa học bằng tiếng Anh?”, phần lớn đều trả lời là: không nên, không cần.

Một thầy giáo tiếng Anh tại Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Ngay bản thân tôi là giáo viên dạy tiếng Anh hơn 30 năm, nay đọc tên nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn mà anh hỏi cũng không dám chắc đọc đúng ngữ pháp.

Vậy làm sao giáo viên Sinh học, Vật lý, đọc đúng tên các nguyên tố bằng tiếng Anh? Kể cả giáo viên Hóa học được đào tạo chính quy, trong các trường sư phạm không hướng dẫn đọc tên các nguyên tố bằng tiếng Anh, khó mà đọc đúng.

Tên nguyên hóa học bằng tiếng Anh thuộc thuật ngữ chuyên ngành Hóa học, vì vậy, giáo viên dạy tiếng Anh đọc không đúng là điều bình thường”.

Dạy học sinh đọc tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh cho đúng khi kiến thức tiếng Anh của các em chưa đủ để hiểu môn Hóa học có nên chăng?

Theo ý kiến người viết là không nên, không cần dạy học sinh trung học cơ sở đọc tên nguyên hóa học bằng tiếng Anh.

Thứ nhất, dạy học sinh đọc tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh, giáo dục đang tạo khoảng cách giữa bộ môn Hóa học với thực tế cuộc sống.

Phần lớn các nguyên tố hóa học hay gặp trong cuộc sống đã được “Việt hóa” như Cu (đồng), Fe (sắt), Pb (chì), Ag (Bạc), Ca (canxi), Au (vàng), Zn (kẽm) … nay học sinh dùng tiếng Anh để đọc, còn đâu liên hệ với thực tế cuộc sống?

Thứ hai, ngay trong 3 bộ sách được Bộ phê duyệt, mỗi bộ sách lại có cách đọc tên nguyên tố khác nhau, lấy đâu ra chuẩn mực để đánh giá?. Ví dụ có sách lúc thì ghi “sodium, potassium, iron, aluminium”, lúc thì ghi ”natri, kali, sắt, nhôm”.

Thứ ba, sách Khoa học tự nhiên lớp 7 dạy học sinh đọc nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh, thế nhưng rất nhiều kiến thức trong chương trình 2018 vẫn dùng phiên âm để đọc tên các quốc gia, địa danh, mỏ khoáng sản …

Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý 7 bộ Chân trời sáng tạo vẫn dùng cách đọc tên nguyên tố hóa học như trước đây - Ảnh: Nhật Minh

Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý 7 bộ Chân trời sáng tạo vẫn dùng cách đọc tên nguyên tố hóa học như trước đây - Ảnh: Nhật Minh

Người viết lấy ví dụ cụ thể trong môn Lịch sử và Địa lý 7 bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Khi gọi tên các quốc gia trên thế giới, tên mỏ khoáng sản Fe, Cu, Al … đều dùng nguyên vẹn tên phiên âm hoặc tên gọi nguyên tố theo chương trình cũ.

Trong sách Lịch sử và Địa lý 7 bộ sách Chân trời sáng tạo, bài 3 “Phương thức con người khai thác và sử dụng ở châu Âu”, trang 107 có ghi rõ:

Trước đây, hoạt động giao thông vận tải (đường bộ, hàng không, đường biển …), hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của hộ gia đình, sản xuất nông nghiệp thải ra một lượng đáng kể chất gây ô nhiễm không khí ở châu Âu: nitơ điôxít (NO2), amôniac (NH3)…”.

Trong cùng một bộ sách nhưng các môn học khác nhau có cách đọc tên nguyên tố hóa học khác nhau, sẽ làm học sinh loạn.

Thứ tư, với chương trình trung học cơ sở chỉ mới dừng lại giáo dục cơ bản chứ chưa phải là giáo dục chuyên sâu, nên sử dụng cách đọc cũ là phù hợp.

Thứ năm, giữ nguyên cách đọc cũ sẽ có nhiều thuận lợi trong dạy và học, bên cạnh đó giữ được sự trong sáng của tiếng Việt.

Tất cả văn bản khi viết về các vấn đề liên quan nguyên tố hóa học đều đã dùng cách đọc cũ, ví dụ đã được “Việt hóa” như Cu (đồng), Fe (sắt), Pb (chì), Ag (Bạc), Ca (can xi), Au (vàng), Zn (kẽm)…

Người viết cho rằng, việc đọc tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh không cần dạy từ lớp 7, khi trình độ tiếng Anh của học trò đủ “tích hợp” được với Hóa học, tự khắc học sinh sẽ đọc được, đó mới thật sự là tích hợp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh