Môn Khoa học tự nhiên của chương trình 2018 được thực nghiệm bao nhiêu tiết?

24/09/2022 07:47
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn KHTN ở THCS trước khi ban hành được thực nghiệm 38 tiết/trường ở 18 trường với tổng số tiết thực nghiệm là 684 tiết.

Ngày 23/9/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: Nhiều than phiền về môn tích hợp, chương trình 2018 đã được thực nghiệm ra sao?, phản ảnh về quá trình thực nghiệm chương trình mới thông qua những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiếp tục chủ đề này, dựa trên các thông tin chúng tôi tiếp cận được sẽ phản ánh những con số cụ thể về số tiết thực nghiệm môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở nhằm làm rõ hơn quá trình chuẩn bị, ban hành chương trình môn học này.

Đồng thời, để chúng ta nhìn lại vì sao mà khi ban hành chương trình tổng thể, chương trình môn học và ngay cả đến khi thực hiện giảng dạy môn Khoa học tự nhiên vẫn còn quá nhiều ý kiến từ đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Có lẽ, trong các môn học tích hợp, môn Khoa học tự nhiên là môn học khó nhất, phức tạp nhất ở cấp trung học cơ sở khi Bộ chủ trương “tích hợp” nhưng thực tế theo nhận định của nhiều giáo viên là “gộp” cơ học 3 môn học: Hóa học, Sinh học, Vật lý- những môn học độc lập ở chương trình 2006 thành môn Khoa học tự nhiên ở chương trình 2018.

Môn học học tự nhiên đang được xem là môn học khó khăn nhất khi thực hiện chương trình mới (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Môn học học tự nhiên đang được xem là môn học khó khăn nhất khi thực hiện chương trình mới

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Môn Khoa học tự nhiên được thực nghiệm ra sao?

Theo thông tin Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cung cấp tại buổi gặp gỡ báo chí chiều ngày 5/3/2018 thì quá trình thực nghiệm được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 20/3 đến 20/4/2018 tại 6 tỉnh thành, gồm: Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ.

Thầy Nguyễn Minh Thuyết đã thông tin một cách cụ thể: “Mỗi tỉnh chọn 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và hai trường trung học phổ thông. Các trường này được lựa chọn trên nguyên tắc có cả vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Thời lượng bài dạy thực nghiệm các chương trình môn học ở cấp tiểu học là 147 tiết, cấp trung học cơ sở có 129 tiết, cấp trung học phổ thông có 96 tiết. Tổng cộng có 372 tiết. Số giáo viên thực hiện các bài học thực nghiệm là 528 giáo viên tiểu học, 602 giáo viên trung học cơ sở và 352 giáo viên trung học phổ thông. Tổng số giáo viên tham gia là 1.482 người”. [1]

Vậy, tổng số 129 tiết thực nghiệm chương trình mới ở cấp trung học cơ sở- cấp học 4 khối (6,7,8,9) và có tới 4.098 tiết học có thì môn Khoa học tự nhiên sẽ có bao nhiêu tiết thực nghiệm?

Trong một email gửi cho tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) vào ngày 8/5/2018, một thành viên trong Ban phát triển chương trình môn học, cũng là thành viên soạn thảo chương trình môn học Khoa học tự nhiên đã thông tin về số tiết thực nghiệm cụ thể như sau:

“Môn Khoa học tự nhiên thực nghiệm 38 tiết là giờ dạy cho một trường cấp trung học cơ sở (38 tiết/ trường), tổng số trường cấp trung học cơ sở thực nghiệm tại 6 tỉnh là 18 trường. Tổng số giờ thực nghiệm đợt thực nghiệm chương trình môn học vừa qua là 38 tiết x 18 trường (Tổng số 684 tiết )"

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng trong tổng số tiết môn Khoa học tự nhiên ở 4 lớp (6,7,8,9) có 560 tiết học (mỗi lớp có 140 tiết), Bộ và Ban phát triển chương trình môn học đã tổ chức thực nghiệm 38 tiết và mỗi tiết được thực hiện 1 lần ở 18 trường của 6 tỉnh, thành phố khác nhau.

Nhưng, chương trình môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở có tổng cộng 560 tiết học được chia đều mỗi năm 140 tiết và trước khi ban hành chương trình được thực nghiệm 38 tiết trên tổng số 560 tiết trong khoảng thời gian vừa tròn 1 tháng trời liệu ít hay nhiều, lâu hay mau, chúng tôi… không bàn luận.

Chỉ biết, khi sách giáo khoa được ban hành, hiện đã đang giảng dạy ở lớp 6 và lớp 7 đang hiện hữu quá nhiều điều bất cập. Phần nhiều các trường học trên cả nước hiện nay đang bố trí giáo viên dạy cuốn chiếu theo phân môn. Hết phân môn này sẽ đến phân môn khác.

Vì thế, dẫn đến sự rời rạc và không liền mạch kiến thức cho học trò. Bởi lẽ, học sinh sẽ khó có thể hệ thống được kiến thức và nhiều giáo viên cũng nói rằng chưa thấy “tích hợp” được bao nhiêu nhưng môn Khoa học tự nhiên đang làm cho các trường học, giáo viên và cả học sinh vất vả bội phần.

Giáo viên đã được trang bị gì trước khi giảng dạy môn Khoa học tự nhiên?

Trước khi thực hiện giảng dạy chương trình mới nói chung và đối với môn Khoa học tự nhiên lớp 6 nói riêng, giáo viên tự tập huấn trực tuyến 5 module. Trong đó, module 1 là đề cập đến chương trình tổng thể, chương trình môn học. Các module sau chủ yếu là trang bị về phương pháp, xây dựng các kế hoạch giáo dục.

Sau đó, trước khi dạy mỗi lớp, giáo viên được các nhà xuất bản tập huấn 1 ngày nhưng ở lớp 6 và lớp 7 thì các nhà xuất bản đều tập huấn online. Như vậy, về cơ bản, giáo viên được trang bị kiến thức môn học qua module 1 và 1 ngày tập huấn online là bắt tay vào giảng dạy môn Khoa học tự nhiên.

Nếu so sánh với quá trình học sư phạm, giáo viên phải mất 3-4 năm học trực tiếp và chủ yếu là học 1 môn chuyên ngành thì giờ đây giáo viên tự học online trong vài ngày qua module 1 và tập huấn online 1 ngày qua phần mềm trực tuyến thì Bộ đã quá “tin tưởng” vào khả năng của giáo viên.

Bởi vì, các chuyên gia viết chương trình, viết sách giáo khoa là những nhà khoa học, có học vị, học hàm cao, phần lớn đang giảng dạy ở các trường đại học, chỉ chuyên tâm giảng dạy và nghiên cứu 1 chuyên ngành hẹp của 1 môn học mà khi viết sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên phải nhiều thầy chung tay viết 1 phân môn mà còn có “sạn”- việc này đã được các nhà giáo chỉ ra ở sách giáo khoa lớp 6 trong năm học trước.

Còn đối với giáo viên, được đào tạo theo đơn môn, khi về các trường trung học cơ sở ngoài giảng dạy, họ còn kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác và luôn được phân công giảng dạy 2 khối lớp khác nhau.

Vậy mà Bộ “tin tưởng” vào khả năng giáo viên môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở có thể dạy được cả 3 phân môn: Hóa học, Sinh học và Vật lý nên đã có chủ trương sẽ tiến tới 1 giáo viên có thể đảm nhận được 3 phân môn khác nhau.

Với quan điểm của người viết, chúng tôi cho rằng, sau này cho dù giáo viên hiện tại đang dạy các môn Hóa học, Sinh học, Vật lý có được đưa đi bồi dưỡng theo hướng dẫn của Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên) cũng khó có thể làm chủ kiến thức được cả 3 phân môn.

Hơn nữa, khi chúng ta chưa hề có chuyên gia “tích hợp” nên sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên cũng chưa thể là môn học tích hợp mà chỉ đơn thuần là gộp kiến thức các phân môn lại chung 1 sách giáo khoa mà thôi.

Với 38 tiết thực nghiệm ở môn Khoa học thực nghiệm và trước khi triển khai, theo người viết thì sự chuẩn bị về nhân sự cho các nhà trường chưa thực sự chu đáo bởi vì ngày 21/7/2021 Bộ mới ban hành Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT.

Đến thời điểm hiện nay, có những địa phương cũng chưa hề mở được lớp học nào để bồi dưỡng cho giáo viên theo quyết định này- mặc dù sách giáo khoa đã dạy đến lớp 7 nên việc giảng dạy môn học này đang gặp rất nhiều những khó khăn.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ với báo chí về môn học tích hợp- khi thầy Thuyết chưa là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào ngày 8/8/2015 như sau: “Điều tôi băn khoăn là điều kiện để thực hiện.

Bởi vì chúng ta đặt vấn đề học tích hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên... Vấn đề đặt ra là ai là người viết sách? Hiện chúng ta chưa có chuyên gia tích hợp mà chỉ có chuyên gia từng môn học. Thứ hai là người dạy, hiện nay các trường sư phạm vẫn đào tạo giáo viên theo từng môn. Ai là người sẽ dạy được môn tích hợp, đó là câu chuyện rất khó”. [2]

Và, bây giờ những nhận định, lo lắng của thầy Nguyễn Minh Thuyết đang trở thành sự thật!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.vietnamplus.vn/thuc-nghiem-chuong-trinh-mon-hoc-lo-yeu-diem-chuong-trinh-giao-vien/500573.vnp

[2] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuong-trinh-giao-duc-moi-thuc-hien-khong-de-20150808073123288.htm

NGUYÊN KHANG