Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai trong khi thực tế nhiều trường chưa có đội ngũ giáo viên đáp ứng đủ yêu cầu, đặc biệt, việc dạy tích hợp cấp trung học cơ sở thì nhất thiết phải có 1 giáo viên làm chủ liên môn mới đạt hiệu quả.
Vấn đề khiến giáo viên băn khoăn đó là, các lớp tập huấn, đào tạo chứng chỉ tích hợp ngắn hạn liệu có đảm bảo chất lượng hay không khi thực chất 1 giáo viên phải mất 4 năm trui rèn, ra trường mới chỉ đủ năng lực giảng dạy đơn môn.
Giáo viên chỉ dạy mức cơ bản, nội môn, thiếu chuyên sâu vì có phân môn không phải thế mạnh
Bước sang năm thứ 2 triển khai dạy tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở, chia sẻ của một số lãnh đạo phòng giáo dục đào tạo cho thấy, thiếu đội ngũ giáo viên tích hợp khiến công tác dạy và học khó đáp ứng mục tiêu yêu cầu. Việc cho 2-3 giáo viên kết hợp để dạy “chung một sách” đang đi ngược lại với chủ trương đổi mới nhưng là giải pháp phù hợp ở thời điểm hiện tại do thiếu đội ngũ nhân lực dạy tích hợp.
Sách Lịch sử và Địa lý 7, thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La, chia sẻ: “Dạy tích hợp khi chưa chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giáo viên khiến mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 khó đạt. Trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, trọng tâm là dạy môn tích hợp cho lớp 6, 7, từ năm học trước đến nay, huyện chưa có đội ngũ giáo viên dạy tích hợp nào được đào tạo chính quy.
Khắc phục khó khăn này, phòng hướng dẫn các trường cho 2-3 giáo viên cùng nhận nhiệm vụ dạy tích hợp Lịch sử và Địa lý và Khoa học tự nhiên. Do vậy, điều này khiến cho mục tiêu dạy tích hợp môn khó thực thi hiệu quả”.
Không có giáo viên phụ trách môn tích hợp nên quá trình triển khai thực tế hiện nay ở các trường trên địa bàn toàn huyện gặp nhiều vướng mắc.
Qua thực tế trao đổi, vị Phó Trưởng phòng chỉ ra những thử thách mà cán bộ quản lý, giáo viên dạy tích hợp đang gặp phải.
Thứ nhất, giáo viên đơn môn chưa được tập huấn, chưa được cấp chứng chỉ dạy tích hợp theo yêu cầu nên khó đảm bảo kiến thức, năng lực đứng lớp.
Liên quan đến khó khăn này, cũng theo phân tích của một số thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy chia sẻ, bản thân giáo viên phải có 4 năm đào tạo trên giảng đường đại học mới trang bị đủ kiến thức cũng như năng lực đáp ứng dạy 1 môn. Nay, giáo viên đơn môn chỉ cần tham gia học chứng chỉ trong vài tháng để dạy tích hợp thì chỉ đảm bảo dạy kiến thức cơ bản, khó có thể dạy sâu, mở rộng, nâng cao các phân môn không chuyên, khó đảm nhiệm ôn luyện cho học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, Olympic.
Thứ hai, việc tiếp thu kiến thức của học sinh có thể bị xáo trộn do lịch học không được cố định.
Lịch học của học sinh liên quan mật thiết đến sắp xếp thời khoá biểu. Phòng chỉ đạo các trường xây dựng phân phối chương trình cho từng giáo viên. Căn cứ vào phân phối chương trình này, trường tiến hành xếp thời khoá biểu, cân đối số tiết của mỗi giáo viên sao cho hợp lý.
Như vậy, mỗi trường sẽ có cách xếp lịch học không giống nhau, nhưng vẫn trên cơ sở căn cứ vào phân phối chương trình mỗi giáo viên.
Thứ ba, giáo viên phải chủ động tăng cường, thường xuyên và bắt buộc trao đổi, chia sẻ để đúc rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp trong quá trình dạy học, ra đề, chấm thi và vào điểm.
Cũng theo chia sẻ của vị Phó Trưởng phòng, đầu năm học, các giáo viên cốt cán đã tích cực tham gia tập huấn sách giáo khoa nên cơ bản nắm được nội dung để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, kiến thức và kinh nghiệm để dạy tích hợp thì giáo viên mới chỉ dừng lại ở mức cơ bản, nội môn, thiếu độ chuyên sâu.
Giáo viên lương không đủ ăn nên khó tự bỏ kinh phí đi học chứng chỉ
Có thể thấy, quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cán bộ quản lý, giáo viên là những đối tượng chịu tác động và có trách nhiệm thực hiện trực tiếp. Qua chia sẻ của một số lãnh đạo trường trung học cơ sở cho thấy, về cơ bản, việc giáo viên chuyển sang dạy liên môn mới chỉ đáp ứng về kiến thức cơ bản.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lềm Văn Sanh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mường Giôn (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) cho biết, hiện, nhà trường chưa có đội ngũ giáo viên dạy tích hợp chính quy, cũng như giáo viên đơn môn có chứng chỉ tích hợp.
“Từ năm học trước đến nay, với môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, trường phân công giáo viên đơn môn cùng tham gia giảng dạy. Nhìn chung, khi 2-3 giáo viên cùng dạy sẽ không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Chính vì vậy, để đảm bảo tính liên môn, trường hướng dẫn các tổ chuyên môn tự bồi dưỡng kiến thức, năng lực giảng dạy môn tích hợp”, thầy Sanh chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân giáo viên chưa có chứng chỉ nhưng vẫn tham gia dạy tích hợp, thầy Sanh cho biết, trước đây đã có thông báo mở lớp đào tạo chứng chỉ tích hợp nhưng điều kiện là giáo viên phải tự trả kinh phí nên không có giáo viên nào đăng ký tham gia.
Mong muốn chung của nhà trường là đội ngũ giáo viên sẽ được đào tạo lại để đáp ứng giảng dạy các môn tích hợp theo chương trình mới. Để làm được điều này thì ngành giáo dục sớm quan tâm, xem xét cho giáo viên được miễn phí đào tạo chứng chỉ tích hợp.
“Thực chất, điều kiện kinh tế hiện nay của nhiều giáo viên rất hạn chế. Đơn cử, cá biệt đối với giáo viên mới ra trường, lương chưa đến 4-5 triệu đồng/tháng, không đủ ăn nên việc họ tự bỏ kinh phí ra để học chứng chỉ là điều khó khăn”, thầy Sanh chia sẻ.
Được biết, hiện mức kinh phí cho 1 giáo viên phải bỏ ra để học chứng chỉ dao động từ 2-6 triệu đồng.
Cũng qua chia sẻ của vị Hiệu trưởng nhà trường cho thấy, những giáo viên có thâm niên, sắp về hưu vẫn được trường khuyến khích tham gia dạy tích hợp và học bồi dưỡng chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ dạy chương trình mới.
Bàn về kế hoạch trong vòng 2 năm tới, khi các lớp 8, 9 đưa vào dạy tích hợp, vị Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La kiến nghị một số giải pháp cấp bách.
Về đội ngũ giáo viên, phòng kiến nghị ngành giáo dục sớm có lớp đào tạo chứng chỉ cho giáo viên dạy tích hợp. Bởi, bản chất là tích hợp mà cho 2-3 giáo viên dạy như hiện nay thì không khác gì học tách biệt như trước kia, không đảm bảo logic, liên hệ kiến thức các môn.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang thiếu nhiều, nhất là Tin học và Tiếng Anh. Hiện tại, giáo viên cơ hữu phải dạy tăng số tiết nhưng giải pháp này chỉ đáp ứng được trong năm học 2022-2023. Nếu năm học sau không được bổ sung đội ngũ thì sẽ không đáp ứng được khi số lớp tăng lên, càng học lên cao kiến thức càng khó hơn.
Về cơ sở vật chất, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường cơ bản được trang bị nhưng chưa thực sự phát huy tác dụng. Phòng chỉ đạo khắc phục bằng cách khuyến khích trường tổ chức các cuộc thi sáng tạo, phát minh đồ dùng dạy học trực quan, ứng dụng công nghệ số vào quá trình giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, phục vụ dạy các môn tích hợp.