Miếng bánh đào tạo chứng chỉ tích hợp quá lớn, giáo viên dễ thành nạn nhân

02/10/2021 07:01
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên hoàn toàn có quyền nghi ngờ nếu các sở, phòng giáo dục kết hợp, liên kết với các trường sư phạm để mở lớp bồi dưỡng và được nhận hoa hồng.

Theo các Quyết định 2453, 2454, 2455/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 21/7/2021, giáo viên học từ 20-36 tín chỉ để có chứng chỉ là điều kiện tối thiểu để dạy các môn: Tin học và Công nghệ (bậc tiểu học), Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (bậc trung học cơ sở) trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Quy định về kinh phí bồi dưỡng các môn tích hợp

Về kinh phí bồi dưỡng được quy định cụ thể tại mục 7.6. Kinh phí bồi dưỡng chương trình bồi dưỡng giáo viên tích hợp ban hành kèm theo Quyết định 2453, 2453, 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 quy định từ:

“Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương;

Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng;

Do người học tự đóng góp.”

Như vậy, kinh phí thì có thể có 2 nguồn là từ ngân sách hoặc do người học tự đóng tiền học.

Về số lượng tín chỉ thì từ 20 - 36 tín chỉ tùy theo đối tượng được quy định trong các Quyết định 2453, 2454, 2455 trên.

Về kinh phí thực tế do ai đóng, trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: “Nếu giáo viên được nhà trường cử đi học tập bồi dưỡng thì kinh phí do đơn vị cử đi bồi dưỡng chi trả. Chỉ trong trường hợp, giáo viên tự đi bồi dưỡng theo nguyện vọng cá nhân hoặc những người có bằng đại học ngành khác muốn đi học để dự tuyển làm giáo viên thì mới phải tự chi trả kinh phí". [1]

Cụ thể về học phí thì trong bài viết “Trường sư phạm mở lớp chứng chỉ 2 môn tích hợp, phí 3-5,4 triệu đồng” của tác giả Thanh An đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh tại website một trường sư phạm thông báo tuyển sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở trường Trung học cơ sở, cụ thể như sau: …mỗi giáo viên học từ 20-36 tín chỉ, tương đương 150.000 đồng mỗi tín chỉ và mỗi giáo viên có thể đóng từ 3.000.000 đến 5.400.000 đồng.

Gần đây, Trường Đại học Đồng Tháp có Thông báo số 921/TB-ĐHĐT về việc tuyển sinh lớp bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học cơ sở, học phí mỗi tín chỉ là 200.000 đồng.

Như vậy, chi phí để hoàn thành chương trình bồi dưỡng là từ 4.000.000 đồng đến 7.200.000 đồng (đính kèm Thông báo 921/TB-ĐHĐT).

Thông báo 921/TB-ĐHĐT của Trường Đại học Đồng Tháp, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Thông báo 921/TB-ĐHĐT của Trường Đại học Đồng Tháp, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Ở hai trường khác nhau thì có hai mức học phí khác nhau, có nơi 150.000 đồng/tín chỉ, có nơi 200.000 đồng/tín chỉ.

"Miếng bánh" chứng chỉ tích hợp lên tới hàng ngàn tỷ đồng

Như vậy, về kinh phí có thể do trường chi trả từ ngân sách của nhà nước hoặc có thể do giáo viên tự đóng theo nhu cầu.

Số lượng giáo viên các môn Tin học ở tiểu học; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, có thể sau này là môn Âm nhạc, Mĩ thuật (Nghệ thuật) ở bậc trung học cơ sở phải đi học để có các chứng chỉ tích hợp Tin học và Công nghệ; Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật là một con số lớn.

Người viết thử nhẩm tính giáo viên ở tiểu học, trung học cơ sở các môn trên phải đi học là khoảng 200.000 người, gần như 100% giáo viên phải đi học vì 03 Quyết định nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "quy định cứng" rằng có chứng chỉ đào tạo các môn tích hợp trên là "điều kiện tối thiểu" để thầy cô được giảng dạy các môn tích hợp trong những năm tới (năm học 2021-2022 không kịp).

Lấy trung bình mỗi giáo viên đóng khoảng 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) nhân với 200.000 giáo viên, thì kinh phí bỏ ra để giáo viên học và có chứng chỉ các môn tích hợp trên khoảng 1000 tỷ đồng.

Đây là một con số khổng lồ, cho dù là ngân sách chi trả hay thầy cô phải bỏ tiền túi. Những người hưởng lợi từ khoản chi phí này, không ai khác ngoài các trường sư phạm và các sở, phòng, trường hợp tác mở lớp (hưởng hoa hồng).

Cả ba Quyết định 2453, 2454, 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều quy định chứng chỉ tích hợp "là điều kiện tối thiểu" để giáo viên được phân công giảng dạy các môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Cho nên, giáo viên hoàn toàn có quyền nghi ngờ nếu các sở, phòng giáo dục kết hợp, liên kết với các trường sư phạm để mở lớp bồi dưỡng và được nhận hoa hồng. Giáo viên trở thành khách hàng bất đắc dĩ để nuôi sống các đơn vị cấp chứng chỉ/ giấy phép con trên.

Trước đây khi ban hành các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, giáo viên đã bị mất tiền oan uổng như vậy nên đã gây bức xúc rất lớn. Liệu lần này có lập lại việc trên.

Miếng bánh ngàn tỷ để bồi dưỡng những giáo viên đang dạy ở tiểu học, trung học cơ sở để có chứng chỉ tích hợp để dạy 2, 3 phân môn dù có từ ngân sách hoặc từ cá nhân giáo viên thì chỉ có các cơ sở cấp chứng chỉ và người tổ chức được lợi trong khi hiệu quả thì chưa được kiểm chứng.

Chúng ta vẫn còn nhớ chương trình 2000 đã thử "tích hợp" Lịch sử và Địa lý" đưa vào giảng dạy từ lớp 4 lớp 5 nhưng đã phá sản khi học sinh giữa Thủ đô Hà Nội trả lời phóng viên VTV trong chương trình Chuyển động 24h rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em, thì liệu lần này với việc ban hành việc quy định giáo viên dạy 2, 3 phân môn có tiếp tục phá sản như những lần trước? Và ai sẽ chịu trách nhiệm với việc cả ngàn tỷ trên rơi vào túi của các cá nhân, đơn vị cấp chứng chỉ tích hợp trên?

Nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch bồi dưỡng, thử nghiệm một số đối tượng giáo viên trước để có tổng kết, đánh giá đừng đào tạo ồ ạt giáo viên kẻo “tiền mất, tật mang”, lãng phí.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/thuc-hu-thong-tin-giao-vien-phai-dong-tien-hoc-boi-duong-day-tich-hop-758262.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM