Việc triển khai các môn học tích hợp ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây.
Nhìn chung, phần lớn ý kiến mà giáo viên đang phản ánh là những khó khăn, bất cập khi thực hiện giảng dạy các môn học tích hợp ở chương trình mới.
Nhiều môn học ở cấp trung học cơ sở là môn học độc lập ở chương trình 2006 nhưng giờ đây trở thành những môn học tích hợp ở chương trình 2018 như môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý, Nội dung giáo dục địa phương; Nghệ thuật khiến cho giáo viên loay hoay, dò dẫm.
Bởi lẽ, phần lớn các trường đang phải bố trí giáo viên dạy theo phân môn nên dẫn đến tình trạng 1 sách có 2-3 giáo viên dạy, thậm chí là 6 giáo viên giảng dạy, vì thế kéo theo những khó khăn trong việc phân công nhân sự, sắp xếp thời khóa biểu và việc đánh giá, kiểm tra môn học.
Những điều bất cập mà các trường đang thực hiện, những việc mà Bộ đã hướng dẫn, định hướng đối với môn học tích hợp liệu có mâu thuẫn gì với chương trình tổng thể và những chia sẻ ban đầu của những tác giả chương trình hay không?
Dù chung tên môn học, chung sách nhưng kiến thức các phân môn đang được bố trí riêng lẻ (Ảnh minh họa: Nguyễn Cao) |
Chương trình mới được tích hợp như thế nào?
Trong Chương trình tổng thể của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ban hành kèm Thông tư số 32/2018/TT - BGDDT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), nêu rõ có nhiều môn học tích hợp và theo định hướng về nội dung giáo dục của Chương trình tổng thể:
“Ở cấp trung học cơ sở, môn Lịch sử và Địa lí gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lí và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo,...
Các mạch kiến thức lịch sử và địa lí được kết nối với nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp, như: bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đô thị - lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lí,... [1]
Theo định hướng về nội dung giáo dục của Chương trình tổng thể thì "giáo dục khoa học tự nhiên được thực hiện chủ yếu thông qua môn Khoa học tự nhiên với việc tích hợp các kiến thức, kĩ năng về vật lí, hoá học và sinh học.
Các kiến thức, kĩ năng này được tổ chức theo các mạch nội dung (chất và sự biến đổi chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời), thể hiện các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên (tính cấu trúc, sự đa dạng, sự tương tác, tính hệ thống, quy luật vận động và biến đổi), đồng thời từng bước phản ánh vai trò của khoa học tự nhiên đối với sự phát triển xã hội và sự vận dụng kiến thức, kĩ năng về khoa học tự nhiên trong sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.
Các nội dung này được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, kết hợp một số nội dung đồng tâm nhằm hình thành nhận thức về thế giới tự nhiên và khoa học tự nhiên, giúp học sinh bước đầu vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học về khoa học tự nhiên trong đời sống. [1]
Trước đó vào năm 2017, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 xung quanh vấn đề môn tích hợp. Trong bài phỏng vấn, thầy Thuyết cho biết: “Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam mới tích hợp ở mức độ thấp, tức là tích hợp liên môn, chứ chưa phải là tích hợp ở mức độ cao như nhiều nước trên thế giới.
Tích hợp liên môn có nghĩa là, các nội dung vốn của từng môn học (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) vẫn được trình bày riêng nhưng được tổ chức lại một cách thống nhất để kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau. Ví dụ, khi môn Lịch sử dạy về lịch sử châu Mỹ thì môn Địa lý cũng sẽ dạy về địa lý châu Mỹ.
Bên cạnh đó, chương trình mỗi môn học tích hợp sẽ có một số chủ đề học tập liên môn. Những chủ đề này thể hiện mức độ tích hợp cao hơn. Ví dụ, chủ đề “Biển đảo Việt Nam” tích hợp nhuần nhuyễn cả kiến thức lịch sử và kiến thức địa lý.
Với đặc điểm tích hợp như trên, trong điều kiện các trường Trung học cơ sở ở nước ta chỉ có giáo viên dạy đơn môn thì giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó; còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào, giáo viên môn đó sẽ dạy.
Ví dụ, chủ đề “Biển đảo Việt Nam” gồm cả kiến thức lịch sử, địa lý, nhưng nếu nội dung chủ yếu nói về chủ quyền biển đảo thì giáo viên môn Lịch sử sẽ đảm nhiệm”. [2]
Như vậy, theo Chương trình tổng thể, theo chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì mức độ tích hợp đối với chương trình mới, đặc biệt là các môn học được xem là môn “tích hợp” thực ra chỉ là “tích hợp liên môn” ở mức độ thấp chứ chưa phải là tích hợp cao.
Chính vì thế, kiến thức các phân môn “vẫn được trình bày riêng nhưng được tổ chức lại một cách thống nhất để kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau” mà thôi.
Và, theo thầy Tổng chủ biên, những năm đầu “giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó; còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào, giáo viên môn đó sẽ dạy”.
Vậy nên, sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lý vẫn được trình bày theo 2 phần riêng biệt, cả 4 năm học của cấp trung học cơ sở chỉ có 4 chủ đề “thể hiện mức độ tích hợp cao hơn”- như lời của thầy Thuyết.
Môn Khoa học tự nhiên được trình bày theo các chủ đề kiến thức từng phân môn và chúng tôi đọc Chương trình môn học môn Khoa học tự nhiên không tìm thấy có chủ đề nào chung cả.
Bên cạnh đó, môn Nội dung giáo dục địa phương thực ra chỉ có một điểm chung là viết về cùng địa phương còn 6 phân môn không hề có gì “tích hợp”.
Tương tự, môn Nghệ thuật được thiết kế 2 cuốn sách giáo khoa khác nhau, dạy riêng lẻ nhưng chỉ có một điểm chung là khi kiểm tra định kỳ chung và vào chung điểm với nhau nên 2 môn học Mĩ thuật, Âm nhạc được gọi là môn…Nghệ thuật.
Các phân môn trong môn tích hợp có cần thiết phải chung sách, chung tên môn với nhau?
Với quan điểm xây dựng ban đầu của Ban phát triển chương trình các môn học được thể hiện qua Chương trình tổng thể và Chương trình môn học mà Bộ đã ban hành, liệu có cần thiết phải chung tên môn và “nhốt” nhiều phân môn trong 1 cuốn sách giáo khoa như hiện nay?
Thứ nhất: nếu chỉ tích hợp ở mức độ thấp, kiến thức các phân môn vẫn được trình bày độc lập nhằm mục đích “hỗ trợ, soi sáng cho nhau” như ví dụ của thầy Thuyết nêu rằng “khi môn Lịch sử dạy về lịch sử châu Mỹ thì môn Địa lý cũng sẽ dạy về địa lý châu Mỹ” thì gộp vào chung một cuốn sách để làm gì.
Những việc này, giáo viên dưới cơ sở họ đã “tích hợp” từ nhiều năm trước. Bởi khi dạy môn học này ắt sẽ có những liên hệ, mở rộng để làm rõ vấn đề.
Thứ hai: thực tế cho thấy các kiến thức các môn học tích hợp không có nhiều kiến thức tích hợp. Ví dụ, cả cấp trung học cơ sở có 4 chủ đề, môn Khoa học tự nhiên chủ yếu được thiết kế theo từng mạch kiến thức của các phân môn thì việc Bộ hướng dẫn giáo viên đi học theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT là khiên cưỡng.
Cuối cùng, tốn kém tiền bạc và công sức của Nhà nước và giáo viên nhưng hiệu quả giảng dạy rất khó đạt được theo kỳ vọng.
Thứ ba: Môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý gộp vào chung môn, chung sách vì nó tích hợp ở mức thấp, có vài chủ đề tích hợp liên môn với nhau.
Vậy còn nội dung của môn Âm nhạc, Mĩ thuật “tích hợp” ở chỗ nào mà gộp chung thành môn Nghệ thuật trong khi nó 2 cuốn sách giáo khoa?
Đặc biệt, 6 phân môn Lịch sử, Văn học, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật “tích hợp” chỗ nào mà lại ghép vào môn Nội dung giáo dục địa phương?
Tại sao cùng là môn học “tích hợp” mà có môn chung sách, có môn tách riêng? Tại sao cùng thuộc nhóm môn tích hợp, có môn Bộ hướng tới 1 giáo viên dạy cả môn học như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, còn Nghệ thuật và Nội dung giáo dục địa phương thì Bộ đang để ngỏ?
Khi chưa làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã có lần chia sẻ với báo chí: “Giáo trình dạy tích hợp ở trường sư phạm phải có nội dung cụ thể, chứ không đơn giản là một sinh viên vừa học Lý vừa học Hóa, tự sinh viên đó tổng hợp lại thành một cái gì đó gọi là tích hợp”. [3] Cá nhân người viết cho rằng, chia sẻ này của thầy Thuyết trước khi nhận vai trò là Tổng chủ biên vẫn còn nguyên giá trị với các vấn đề đang nổi cộm ở môn tích hợp mà giáo viên đang than phiền hiện nay.
Chẳng lẽ, giáo viên đang dạy 2-3 phân môn, thậm chí 6 phân môn riêng lẻ rồi học sinh “tổng hợp lại thành một cái gì đó gọi là tích hợp” hay sao?
Rõ ràng, vấn đề về các môn tích hợp sẽ còn được bàn thảo nhiều hơn nữa, ít nhất là cho đến khi thực hiện xong ở lớp 9 vào năm học 2024-2025 tới đây.
Tài liệu tham khảo:
[1] Chương trình tổng thể
https://data.moet.gov.vn/index.php/s/LETzPhj5sGGnDii#pdfviewer
[2] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Nguyen-Minh-Thuyet-Mon-tich-hop-se-do-3-giao-vien-day-post178674.gd
[3] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/doi-moi-giao-duc-pho-thong-chuyen-gia-mo-xe-tinh-kha-thi-423732.vov