Giảng dạy các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở biết rối nhưng chưa gỡ được

06/09/2022 06:50
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một khi trường học chưa có giáo viên tích hợp, vẫn phải phân công một môn học 2-3 thầy cô đảm nhiệm thì chất lượng các môn học này sẽ còn thách thức.

Khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương xây dựng một số môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

Tuy nhiên, năm học 2022-2023 đã chính thức bắt đầu, việc phân công giáo viên giảng dạy, xây dựng các kế hoạch giáo dục đối với các môn học tích hợp vẫn rối bời.

Hiện tại, khi ngành Giáo dục đã triển khai chương trình mới đến năm học thứ 2 ở cấp trung học cơ sở nhưng vẫn có những địa phương chưa đưa giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức về môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý theo hướng dẫn của Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT được ban hành ngày 21/7/2021.

Vì thế, giáo viên môn học nào vẫn được phân công dạy phân môn đó dẫn đến tình trạng có thời điểm học sinh phải học dồn quá nhiều một phân môn và giáo viên thì phải tăng tiết dẫn đến sự quá tải cho cả người dạy, người học.

Năm học 2022-2023 đã thực hiện giảng dạy ở lớp 7 nhưng nhiều trường vẫn chưa có giáo viên tích hợp (Ảnh minh họa: Nhật Duy)

Năm học 2022-2023 đã thực hiện giảng dạy ở lớp 7 nhưng nhiều trường vẫn chưa có

giáo viên tích hợp (Ảnh minh họa: Nhật Duy)

Bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp chậm trễ, khổ cả giáo viên và học trò

Theo dõi chương trình 2018 từ những ngày đang trong quá trình dự thảo cho đến khi chương trình tổng thể, chương trình môn học được thông qua và bây giờ chứng kiến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa các môn tích hợp ở cơ sở, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều những bất cập cần tháo gỡ nhưng chưa thể “gỡ” được.

Đáng lẽ ra, khi chủ trương xây dựng các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở được manh nha và ban hành chương trình tổng thể, chương trình môn học thì Bộ phải có chủ trương và phối hợp với các trường sư phạm, các địa phương mở ngành học mới và bồi dưỡng cho giáo viên hiện tại đang dạy đơn môn để đáp ứng giảng dạy môn tích hợp khi triển khai.

Thế nhưng, khi ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 trong năm học 2021-2022 mà nhân sự để dạy các môn học tích hợp gần như “trắng” ở các địa phương.

Cuối tháng 8/2021 là bước vào năm học 2021-2022 nhưng đến ngày 21/7/2021 Bộ mới ban hành Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên) và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT (Chương trình bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý).

Chính vì thế, hầu hết các trường trung học cơ sở trên cả nước chưa có giáo viên dạy được tất cả các phân môn trong môn tích hợp lớp 6 trong năm học 2021-2022. Và, ngay cả năm học 2022-2023 này cũng chưa nhiều trường học bố trí được giáo viên dạy cả 2-3 phân môn đối với 2 môn học tích hợp vì phải đến hè vừa qua mới có giáo viên được đưa đi bồi dưỡng.

Thậm chí, đến thời điểm này, một số địa phương cũng chưa thể mở lớp để đưa giáo viên các môn học hiện nay là Hóa học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý đi bồi dưỡng để về dạy 2 môn học mới vì kế hoạch mở lớp vẫn chưa thực hiện được.

Trong khi, theo hướng dẫn của 2 Quyết định này, đối tượng bồi dưỡng ít nhất đối với 2 môn học tích hợp là 20 tín chỉ (300 tiết) và đối tượng bồi dưỡng nhiều nhất là 36 tín chỉ (540 tiết) nên giáo viên phải học tập mấy tháng trời mới có thể hoàn thiện được chương trình bồi dưỡng kiến thức.

Cũng vì thế, để triển khai nhiệm vụ cho năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH và năm học 2022-2023 ban hành Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH.

Cả hai công văn này, Bộ đều hướng dẫn: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học”.

Tất nhiên, trường nào cũng đã xây dựng kế hoạch để bồi dưỡng cho giáo viên nhưng giáo viên có đi học được hay không phải chờ kế hoạch của phòng, của sở giáo dục vì nó liên quan đến kinh phí chi trả cho các trường sư phạm nên các trường không thể quyết được. Nếu để giáo viên tự đi học, tự chi trả kinh phí thì gần như không thể vì nó rất tốn kém.

Có lẽ, Bộ hiểu được những khó khăn dưới cơ sở nên trong Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023 mà Bộ vừa ban hành ngày 22/8 vừa qua đã hướng dẫn: “Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kì một cách hợp lý, khoa học.

Đối với các môn học, bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường, không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy học của môn học đều ở tất cả các tuần; sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cả năm học hoặc ít nhất cho từng học kì, bảo đảm số tiết/tuần theo quy định dành cho mỗi giáo viên”.

Và thực tế, phần nhiều các trường trung học cơ sở hiện nay vẫn đang bố trí giáo viên đã được đào tạo chuyên ngành nào thì dạy phân môn trong 2 môn học tích hợp chứ chưa có giáo viên dạy được cả 2-3 phân môn như đã được thiết kế ở chương trình và sách giáo khoa lớp 6 và lớp 7.

Hiệu quả giảng dạy và học tập các môn học tích hợp là một thách thức hiện nay

Chính vì phần nhiều các trường trung học cơ sở chưa có giáo viên tích hợp nên Ban giám hiệu nhà trường phải bố trí các chủ đề, các bài học của môn Khoa học tự nhiên, cũng như môn Lịch sử và Địa lý cho các giáo viên đơn môn giảng dạy.

Khi phân công, bố trí giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu thì nhà trường phải căn cứ vào nhân sự hiện có và thời gian của từng buổi học để không gây quá tải cho học trò. Nhưng, vì sắp xếp theo chủ đề của từng phân môn nên nhà trường phải bố trí dạy chủ đề này xong mới dạy đến chủ đề phân môn khác.

Vì thế, có thể học sinh phải học liên tục nhiều tiết Hóa, rồi mới đến các tiết Sinh học hoặc Vật lý, dẫn đến tình trạng có những thời điểm giáo viên các phân môn quá tải bởi họ phải dạy chủ đề đó cho nhiều lớp học trong cùng thời điểm.

Cũng chính vì những giáo viên dạy các môn học tích hợp chưa được bồi dưỡng kiến thức các phân môn khác nên hiện nay một số trường học xảy ra tình trạng khi gộp tổ thì phân công tổ trưởng chuyên môn gặp khó khăn.

Chẳng hạn như môn tổ Khoa học tự nhiên hiện nay đang giảng dạy các môn học Vật lý, Sinh học, Hóa học ở lớp 8 và lớp 9; môn Công nghệ ở lớp 6, 7, 8, 9; môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 và lớp 7 nên có quá nhiều đầu việc.

Trong khi, tổ trưởng được giảm 3 tiết, tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/ tuần nhưng họ đang phải “ôm” quá nhiều môn học khác nhau với rất nhiều đầu việc phải giải quyết, phải đối diện trong thời điểm đầu năm học.

Bộ, sở, phòng giáo dục “giao quyền tự cho nhà trường” nhưng các thành viên trong Ban giám hiệu thì họ cũng chỉ có chuyên môn có 1 môn học.

Vì thế, họ cũng không nắm được kiến thức của các môn tích hợp nên thường phân công cho các tổ tự thảo luận, tháo gỡ khó khăn.

Giáo viên khi gặp khó sẽ hỏi tổ trưởng, tổ phó nên khi gộp tổ Khoa học tự nhiên lại thì một số thầy cô rất lo lắng khi phải kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó.

Rõ ràng, 2 môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở đang khiến cho nhiều trường học, giáo viên gặp khó khăn và lúng túng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở năm học vừa qua, cũng như năm học 2022-2023 này bởi một số địa phương chưa đưa giáo viên đi bồi dưỡng theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT.

Việc tập huấn sách giáo khoa lớp 6 và lớp 7 mà các nhà xuất bản triển khai vừa qua chỉ có 1 ngày học online nên nhiều thầy cô cảm thấy còn mơ hồ, mông lung khi đối mặt với nhiều kiến thức mới.

Một khi các trường chưa có giáo viên tích hợp, vẫn phải phân công một môn học mà có tới 2-3 thầy cô đảm nhiệm thì chất lượng các môn học này sẽ bị thách thức. Vì chủ trương tích hợp mà giảng dạy vẫn phải chia ra từng phân môn thì mục tiêu môn học tích hợp rất khó đảm bảo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY