Môn tích hợp, giáo viên chúng tôi đang vừa dạy vừa "mò"

02/10/2022 06:28
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Dạy tích hợp KHTN, học sinh thắc mắc, thầy ơi, sao phải học kiểu phức tạp như thế”, thầy X. giáo viên phân môn Sinh học trong tích hợp KHTN nói.

Có 23 năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Sinh học ở một trường trung học cơ sở tỉnh Sơn La, hai năm học trở lại đây, thầy X. (giáo viên đề nghị không nêu tên) được nhà trường phân công dạy phân môn Sinh học trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên ở lớp 6, 7 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bước sang năm 2 dạy tích hợp, thầy X. chia sẻ: “Năm học 2022-2023, tôi đảm nhận dạy tích hợp Khoa học tự nhiên cả khối lớp 6 và lớp 7 ở phân môn Sinh học. Dưới góc độ của người trực tiếp đứng lớp, truyền tải kiến thức cho học trò, tôi nhận thấy, nếu dạy cuốn chiếu theo từng phân môn (tức là, hết nội dung môn Vật lý, thì mới chuyển sang Hoá học rồi đến Sinh học) thì học trò sẽ tiếp thu kiến thức liền mạch, logic theo từng môn.

Nhưng cách học này sẽ dẫn tới câu chuyện, đó là ở môn Sinh học xuất hiện nội dung liên quan đến môn Hoá học thì do môn Hoá học đã được học trước từ lâu nên nhiều học sinh có thể quên kiến thức. Khi đó, giáo viên lại phải nhắc lại. Chưa kể, giáo viên Sinh học có thể không nắm chắc kiến thức này ở môn Hoá học như thế nào nên sẽ tốn thời gian nghiên cứu trước khi giảng cho học trò.

Vì thế giáo viên chúng tôi đang dạy đan xen theo từng chủ đề môn học, thời khoá biểu phải thay đổi từng tuần”.

Vốn là giáo viên được đào tạo và dạy học đơn môn Sinh học nên khi được phân công cùng tham gia dạy môn tích hợp, thầy X. phải chủ động trau dồi, lồng thêm kiến thức 2 phân môn còn lại vào nội dung bài học.

“Ví dụ, môn Sinh học có mảng kiến thức phải liên quan đến Hoá học mới giải thích được thì buộc tôi phải tự tìm hiểu, nghiên cứu để giới thiệu cho học trò.

Có trường hợp, cùng một khái niệm nhưng cách giải thích trong môn Sinh học khác với cách giải thích trong môn Hoá học. Hoặc cũng có chuyện, môn Sinh học học đến bài 4 thì xuất hiện kiến thức liên quan đến bài 5 của môn Hoá học. Khi đó, học sinh phải học bài 5 của môn Hoá học trước thì mới có kiến thức để thuận lợi học bài 4 ở môn Sinh học.

Nói cách khác, đáng nhẽ nội dung này ở môn này phải được học trước ở môn kia thế nhưng lại học sau. Chưa được đào tạo, chưa giảng dạy tích hợp bao giờ nên quá trình đứng lớp, kiến thức giảng cho học trò có thể không được cặn kẽ”, thầy X. chia sẻ vướng mắc.

Cũng theo thầy X., từ năm học trước, thầy đã đăng ký học chứng chỉ 2 phân môn Vật lý và Hoá học. Song, đến nay vẫn chưa có lớp đào tạo. Do vậy, để đảm bảo tính liên môn, thầy phải chủ động trao đổi, thống nhất nội dung bài giảng với 2 giáo viên dạy phân môn còn lại. Nhưng việc này cũng chưa được thực hiện thường xuyên do mỗi giáo viên có một phân phối chương trình khác nhau, chủ yếu thầy X. phải tự học, tự đào tạo.

Ở lớp 6, 7, độ khó của kiến thức có thể chưa nhiều. Nhưng dạy cho lớp 8, 9 thì ngay cả giáo viên đơn môn Vật lý, được đào tạo 4 năm đại học bài bản, khi gặp câu hỏi khó còn phải dành thời gian nghiên cứu mới đưa ra được kết quả thì với giáo viên “tay ngang” phân môn sẽ dạy thế nào?

Theo Quyết định số 2454 và số 2455/QĐ-BGDĐT thì 100% giáo viên đơn môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) ở trung học cơ sở phải đi học bồi dưỡng dạy môn tích hợp. Thầy X. sẵn sàng học để nâng chuẩn trình độ đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, chất lượng khoá học có thực sự đảm bảo không, thời gian, cách thức học như thế nào vẫn đang là dấu hỏi khiến thầy X. trăn trở.

“Trước kia, thời thanh niên có sức khoẻ, không vướng bận gia đình thì nhà xa đến mấy vẫn cố gắng đi học. Nhưng giờ, giáo viên có thâm niên công tác trên 20 năm rồi lại đi học chứng chỉ (dự kiến 3 tháng) thì việc tiếp thu sẽ thế nào, thời gian dạy học trên trường, thời gian dành cho gia đình, nhà xa thì sắp xếp ra sao để học đầy đủ cũng là khó khăn.

Nếu lớp đào tạo mở bằng hình thức trực tuyến thì giáo viên có thể tranh thủ thời gian để học. Nhưng cách học này cũng không khác gì "cưỡi ngựa xem hoa", khó cho kết quả”, thầy X. bày tỏ.

Về phía học sinh, thầy X. cho biết, tiếp cận với môn tích hợp, học sinh cũng gặp nhiều trở ngại.

Với cách học song song, nhưng mỗi môn lại 1 giáo viên đứng lớp, học trò sẽ gặp khó khi tiếp nhận kiến thức. Bởi, một tích hợp vốn dĩ phải do một giáo viên đảm nhiệm. Nay lại 2-3 giáo viên cùng dạy thì cũng không khác gì học môn lẻ như chương trình cũ. Điểm khác và cũng là yếu tố tích hợp hiện chỉ dừng lại ở chỗ xuất hiện kiến thức của môn học này trong môn học khác.

Thầy X. chia sẻ thêm, ở lớp 7, kiến thức nhìn chung vẫn tách bạch rõ ràng ở từng phân môn. Tích hợp có chăng chỉ là một số mạch kiến thức ở môn này học trước thì môn sau học sẽ dễ dàng hơn, chứ chưa có cả kiến thức môn Vật lý, Hoá học, Sinh học tích hợp trong 1 bài học.

“Môn tích hợp nhưng bản chất vẫn tách biệt không khác gì học lẻ môn như trước khiến một số học sinh bày tỏ thắc mắc, thầy ơi, sao phải học kiểu phức tạp như thế.

Tôi khi đó cũng chỉ biết cố gắng để học sinh hiểu phân môn Sinh học và giới thiệu thêm cho các em kiến thức tích hợp trong bài nếu có.

Khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh không đồng đều, có em học rất trội nhưng có em chậm hơn nên dạy học rất khó”, thầy X. chia sẻ thêm.

Một điểm khó khăn nữa đó là thiết bị dạy học phục vụ chương trình mới ở môn Sinh học đã cũ nên không thể đáp ứng mục tiêu đào tạo.

“Đơn cử, học chủ đề về tế bào, yêu cầu là học sinh được quan sát cấu trúc tế bào của lá dưới kính hiển vi nhưng kính hiển vi của trường đã quá lâu năm, hao mòn, hỏng mốc nên hình ảnh trên sách thì đẹp nhưng khi soi dưới kính hiển vi thì mờ nhạt, không thể tạo cái nhìn trực quan, sinh động cho người học.

Đầu năm học, trường vận động xã hội hoá mua tivi để lắp đặt tại lớp phục vụ quá trình dạy học chương trình mới nên đến tiết dạy, tôi chiếu hình ảnh, video trên mạng lên màn tivi để cho học sinh theo dõi chứ không có thiết bị, cơ sở vật chất để thực hành tại lớp”, thầy X. cho biết.

Hai năm tới sẽ dạy tích hợp cho lớp 8, 9, bản thân thầy X. chưa được tham gia đào tạo chứng chỉ tích hợp nên rất lo lắng sẽ không thể đủ kiến thức lồng ghép các phân môn còn lại trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên khi dạy học. Do vậy, bên cạnh tự học, tự trau dồi, thầy X. mong muốn sớm có lớp đào tạo, thời gian và hình thức học hợp lý để giáo viên được đi bồi dưỡng càng sớm càng tốt, tránh tình trạng vừa dạy vừa "mò", khó đạt mục tiêu yêu cầu của chương trình mới.

Ngọc Mai