Đầu tháng 12/2021, Bộ Tài chính có Công văn số 13704/BTC-QLCS gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc: “thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính”.
Theo quy định này, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tài chính sẽ đứng trước nguy cơ bị truy thu hàng chục, hàng trăm tỷ đồng tiền thuê đất. Theo một số chuyên gia giáo dục, phải chăng, tự chủ đại học đang bị nhìn nhận theo con mắt “kế toán” thuần túy, làm kìm hãm tiến trình thực hiện cơ chế tự chủ - vốn đã không dễ dàng với các trường đại học hiện nay.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: website nhà trường). |
Bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã có chia sẻ về những vướng mắc, khó khăn của trường đại học tự chủ khi thực hiện quy định theo công văn của Bộ Tài chính, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.
Khó càng thêm khó
Theo Giáo sư Trần Đức Viên, ở Việt Nam, từ những năm đầu của thập kỷ 1990, tự chủ đại học đã manh nha hình thành và từng bước được luật hoá theo tiến trình hướng tới tự chủ toàn diện, theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Nhằm thúc đẩy quá trình tự chủ tài chính đại học công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 (thường được gọi là "thí điểm tự chủ") và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Các trường đại học thí điểm tự chủ trong quá trình tổ chức thực hiện đang bị vướng nhiều điểm. Điều thấy ngay và rõ nhất là bị cắt chi thường xuyên và thậm chí là cả chi đầu tư, trong khi cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở này vẫn đang khá xa vời.
"Quan niệm về tự chủ đại học như hiện nay đã đẩy các trường đại học đang thực hiện tự chủ thành các cơ sở giáo dục "ba tự" - tự túc, tự bơi, tự lo, nhằm mục đích đảm bảo nguồn thu tài chính", Giáo sư Trần Đức Viên nói.
Cụ thể, thực hiện truy thu thuế theo quy định của Bộ Tài chính thì các trường đại học tự chủ sẽ phải nộp vào ngân sách số tiền khổng lồ so với nguồn thu hiện nay chủ yếu từ học phí.
"Theo cách hiểu của tôi về công văn của Bộ Tài chính, một cơ sở đào tạo nông nghiệp như Học viện Nông nghiệp Việt Nam có diện tích đất đủ lớn để tổ chức thí nghiệm, thực nghiệm trên đồng ruộng, trong chuồng trại, nếu hiểu rằng, các vườn cây, ao cá, ruộng lúa… không phải là công trình sự nghiệp, thì mỗi năm, Học viện phải nộp tiền thuê đất (theo giá đất hiện hành) khoảng 212,5 tỷ đồng, tính từ năm 2014 (khi Học viện được giao thí điểm tự chủ) đến nay là 8 năm.
Vấn đề đặt ra là, Học viện lấy kinh phí từ đâu để nộp tiền thuê đất trong khi bản thân các trường khối Nông - Lâm - Ngư nghiệp đang chuyển mình sang cơ chế tự chủ còn khó khăn về nguồn thu tài chính?", Giáo sư Trần Đức Viên băn khoăn.
Để có tiền nộp thuế đất theo công văn của Bộ Tài chính, một trong những phương án đó là trường phải tăng học phí. Thế nhưng, tăng học phí cũng phải có lộ trình và gắn với trách nhiệm giải trình.
Chưa kể, trong một năm học, học phí chỉ đáp ứng trang trải, phục vụ các hoạt động giáo dục, các hoạt động khác, không đủ lớn để tạo ra tích luỹ nên khó có nguồn tiền "dồi dào" để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất vào ngân sách.
"Học viện Nông nghiệp Việt Nam có sinh viên theo học chủ yếu ở khu vực nông thôn, điều kiện kinh tế hạn chế nên việc tăng học phí sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho sinh viên và gia đình. Do vậy, đối với nhà trường, phương án tăng học phí nhằm tạo nguồn thu để đóng thuế đất là bất khả thi.
Chỉ còn hai lựa chọn, hoặc là thôi không tự chủ nữa, hoặc là Nhà nước cho phép cơ sở giáo dục được kinh doanh đất đai như các công ty, tập đoàn kinh doanh bất động sản hiện nay (xây phòng ốc, nhà hàng, khách sạn, chung cư, biệt thự… để bán, cho thuê mới có tiền nộp thuế)", Giáo sư Trần Đức Viên cho biết.
Quy định đang đi ngược lại với chủ trương tự chủ đại học
Quy định thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đang đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học.
Ngành giáo dục đã mất nhiều năm để định hình, từng bước hiểu đúng và làm đúng về tự chủ đại học. Phải thấy là, tự chủ đại học không phải là tách hẳn các trường ra khỏi hệ thống Nhà nước, giống như cho ra "ở riêng" khi "tách hộ", bị "cha mẹ" cắt hết các khoản đầu tư…
Thực tế, các trường vẫn rất cần sự hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, từ xã hội để phát triển, theo như cách mà các nước phát triển đang làm với các trường đại học.
“Không có nước nào thực hiện tự chủ đại học mà cắt hết các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư của Nhà nước. Hiện nay, ta đang lấy tự chủ tài chính làm mục tiêu. Trường nào tự chủ tài chính càng nhiều thì trường đó càng được Nhà nước giao nhiều quyền tự chủ hơn. Do vậy, các trường đại học buộc phải đánh đổi một số nguồn thu tài chính của mình để đổi lấy quyền tự chủ về một số lĩnh vực nào đó”, Giáo sư Viên nhận định.
Trường đại học ở các nước phát triển được tự chủ về học thuật, tổ chức, nhân sự và tài chính - tài sản, trong đó tự chủ học thuật là quan trọng nhất. Còn về tài chính, Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư, thậm chí, đầu tư nhiều hơn so với trước khi trường tự chủ. Đầu tư này sẽ theo KPIs (sản phẩm đầu ra) do Nhà nước giao, đặt hàng hoặc do cơ sở giáo dục cam kết với xã hội.
Khi giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục thì Nhà nước chỉ thay đổi cách đầu tư. Đó là, chuyển đầu tư theo dòng kinh phí - hạng mục (line-items) sang đầu tư một khoản kinh phí (block grants) dựa trên kết quả "đầu ra cơ bản" (Key Performence Indicators – KPIs) của cơ sở giáo dục. Nhà trường được quyền linh động sử dụng nguồn kinh phí đó một cách hiệu quả, thiết thực nhất, minh bạch và tiết kiệm.
Lấy ví dụ, ở Mỹ, một số trường đại học (nghiễm nhiên là tự chủ) được chính phủ cấp đất (Land grant Universities), được quyền sử dụng nguồn lực đất đai để phát triển nhà trường một cách hiệu quả nhất, với điều kiện không được làm mất, hư hao và tổn thất tài sản.
“Thực ra, nhiều trường đại học ở một số nước cũng đã phải nộp tiền sử dụng đất, nhưng khoản thuế này chỉ mang tính tượng trưng.
Ví dụ như, ở Canada, nhiều trường có diện tích rộng hàng nghìn ha, chịu nộp thuế sử dụng đất là 1 đô la/năm!
Tuy nhiên, phải nhấn mạnh thêm, đại học là một tổ chức học thuật, không phải một tổ chức kinh doanh, nên không thể đè trường ra để thu thuế sử dụng đất. Điều này là không đúng cả về mặt trách nhiệm và đạo đức", Giáo sư Viên chia sẻ.
Kiến nghị sửa Luật, bỏ quy định truy thu thuế đất đối với các trường đại học tự chủ
Tại công văn của Bộ Tài chính có đề cập đến việc trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh để phối hợp xử lý theo quy định.
Theo Giáo sư Trần Đức Viên, quy định “thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính” theo công văn của Bộ Tài chính là phi thực tế và đang đi ngược lại với chủ trương tự chủ đại học mà chúng ta đang theo đuổi.
Một là, nên xem xét để bỏ quy định này. Bởi vì, các trường là cơ sở giáo dục và đào tạo, cần được tăng đầu tư, tăng nguồn lực phát triển chứ không phải là doanh nghiệp kinh doanh giáo dục, nên không thể thu thuế đất.
Hai là, hiện nay, chính sách đất đai, thu thuế đang đổ đồng giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là không đúng.
Từ những vướng mắc trên, Giáo sư Trần Đức Viên chỉ ra hệ quả hiện hữu:
Trường hợp thứ nhất, khi khó khăn về tài chính, các trường đại học đã và đang thực hiện tự chủ sẽ lập tức bỏ tự chủ, trở lại hoạt động bình thường theo cơ chế cũ. Bởi, bản thân các trường đại học tự chủ đã bị cắt kinh phí chi thường xuyên, nay lại phải thu thêm tiền thuế đất hàng chục, hàng trăm tỷ đồng là nhiệm vụ bất khả thi.
Trường hợp thứ hai, theo quy định hiện hành, các trường không thực hiện tự chủ thì không phải nộp thuế đất. Do đó, quy định tại công văn của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến tình huống các trường hiện nay chưa tự chủ sẽ không muốn chuyển sang tự chủ vì lo tự chủ sẽ vừa bị cắt chi thường xuyên, vừa phải nộp thuế đất, nếu thực hiện thì sẽ tồn tại và phát triển thế nào?
Giáo sư Trần Đức Viên cho rằng, cần có điều chỉnh về Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính cần cụ thể hoá Luật này theo hướng ủng hộ tiến trình tự chủ đại học.
Với các trường đại học tự chủ cần có kiến nghị về việc bỏ quy định thu tiền sử dụng đất trong quy định tại công văn của Bộ Tài chính.
“Quy định các trường đại học chưa tự chủ tài chính không phải nộp tiền thuế đất thì các trường đại học tự chủ tài chính cũng không phải nộp tiền thuế đất”, Giáo sư Trần Đức Viên khẳng định.