Thu tiền thuê đất với ĐH tự chủ, gánh nặng tài chính lại đổ lên vai người học

21/10/2022 06:44
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Phó Giáo sư Ngô Như Khoa, nếu áp dụng việc thu tiền thuê đất với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ thì gánh nặng tài chính lại đè nặng lên vai người học.

Hiện nay, một số trường đại học đang gặp thách thức lớn khi Bộ Tài chính có công văn về việc “thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính” (công văn số 13704/BTC-QLCS).

Tại buổi tọa đàm “phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học theo định hướng tự chủ” do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức tại Huế hồi đầu tháng 10 vừa qua, vấn đề này lại tiếp tục là chủ đề nóng được Chủ tịch Hội đồng trường nhiều trường quan tâm.

Trước đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã từng thông tin Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) gặp khó khi nhận được công văn buộc phải nộp hàng chục tỷ đồng tiền sử dụng đất cho diện tích khoảng 4,7 ha mà trường đang đóng chân.

Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội là một trong 23 trường đại học tự chủ hoàn toàn theo Nghị định 77 của Chính phủ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện tại trường chưa nhận công văn truy thu tiền thuê đất của Bộ Tài chính. Mặc dù vậy, nhà trường vẫn đang phải làm nhiều thủ tục, giấy tờ liên quan đến đất đai, tốn rất nhiều thời gian.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: Doãn Nhàn

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: Doãn Nhàn

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp cho biết: “Hiện nay, các cơ sở giáo dục công lập được nhà nước giao đất không thu tiền; tuy nhiên khi chuyển sang tự chủ, nhà nước yêu cầu các trường phải làm thủ tục chuyển sang xin thuê đất, sau đó lại làm các giấy tờ để được xin miễn tiền thuê đất; nghĩa là nhà nước không yêu cầu trả tiền nhưng các giấy tờ thủ tục để được cấp giấy miễn tiền thuê đất rất mất thời gian! Trường chúng tôi cũng đang vướng phải các thủ tục giấy tờ liên quan đến đất đai rất phức tạp”.

Theo đó, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp kiến nghị Nhà nước nên có cơ chế để các trường công lập tự chủ vẫn được giao đất nhưng không phải nộp tiền, không phải làm các thủ tục xin miễn tiền thuê đất rườm rà và phức tạp.

Cũng quan tâm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên cho rằng, Nhà nước nên có chế độ ưu đãi riêng liên quan đến vấn đề về đất đai phục vụ cho giáo dục.

“Nhà nước xác định đào tạo, phát triển giáo dục là chính sách chiến lược ưu tiên hàng đầu của quốc gia thì cần có chế độ quan tâm, ưu đãi riêng đối với các vấn đề về giáo dục; không thể áp chính sách cơ chế thị trường rập khuôn vào chính sách đào tạo, phát triển con người được”, thầy Khoa nói.

Theo Phó Giáo sư Ngô Như Khoa, nếu áp dụng việc thu tiền thuê đất với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ thì gánh nặng tài chính lại đè nặng lên vai người học, như vậy, chính sách xem giáo dục là quốc sách hàng đầu của Nhà nước sẽ rất khó thực hiện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Ngân Chi

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Ngân Chi

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư Ngô Như Khoa cho biết:

“Theo tôi các chính sách phải có sự thống nhất từ trên xuống dưới. Chúng ta không thể áp mô hình giáo dục đại học như với các mô hình doanh nghiệp kinh doanh có lãi rồi bắt nộp thuế được.

Nếu Nhà nước tiến hành thu tiền thuê đất, trong bối cảnh các trường đại học tự chủ, nguồn ngân sách đã bị cắt thì gánh nặng lại đổ lên vai người học.

Cụ thể, tiền thuê đất sẽ được tính vào chi phí đào tạo, như vậy học phí sẽ phải tăng lên. Hiện nay, nhiều trường đại học tự chủ tiến hành tăng học phí đã là rào cản với nhiều người học. Nếu tính thêm chi phí thuê đất thì mức học phí còn tăng chóng mặt hơn nữa.

Mặt khác, nếu thực hiện tăng học phí theo lộ trình, khi không thể tăng mức học phí vượt quá quy định, thì các chi phí quay lại phục vụ cho người học như thực hành thí nghiệm, ưu đãi cho việc học sẽ giảm đi. Như vậy, chất lượng giáo dục lại đi xuống”.

Chưa kể, theo Phó Giáo sư Khoa, nếu Nhà nước muốn thu tiền thuê đất thì cũng cần có nghiên cứu tổng thể và kỹ lưỡng, vì liên quan đến rất nhiều vấn đề phức tạp chi phối.

Thầy Khoa lấy ví dụ về khả năng chi trả học phí của học sinh, sinh viên ở từng vùng miền sẽ có sự khác nhau.

Theo đó, “cần xem xét kĩ khả năng chịu được học phí đối với sinh viên vùng dân tộc, vùng núi, thì mức là bao nhiêu? Với quy mô sinh viên như thế thì nhà trường thu được bao nhiêu tiền? Trừ hết các chi phí đào tạo còn bao nhiêu để trả tiền thuê đất cũng là vấn đề”, Phó Giáo sư Ngô Như Khoa nêu quan điểm.

Doãn Nhàn