Vừa qua, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị và hết sức mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70% hoặc tương đương phụ cấp của cán bộ y tế cấp cơ sở.
Trước thông tin này, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bậc mầm non bày tỏ vui mừng, ủng hộ chính sách sớm được ban hành.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Huệ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, việc tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non sẽ là sự động viên vô cùng lớn cho giáo viên mầm non tỉnh Gia Lai nói riêng và cho giáo viên mầm non cả nước nói chung.
Có nơi, thầy cô phải đến trường từ 6 giờ sáng
So với các bậc học khác, giáo viên mầm non có thời gian và cường độ làm việc nhiều hơn, vất vả hơn.
Tiết học tại Trường Mầm non Hoa Hồng, tổ 2, thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Báo Gia Lai). |
Lý giải rõ hơn về điều này, cô Huệ chia sẻ, các bậc học phổ thông có nhiệm vụ dạy học, giáo dục là chủ yếu. Còn giáo dục mầm non có 3 nhiệm vụ chính là chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục.
Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT, về giờ dạy của giáo viên quy định:
“Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần”.
Cô Huệ cho biết, thực tế, ở địa phương, các giáo viên đa phần phải dạy nhiều giờ hơn thế. Do đó, quy định thời gian đối với bậc mầm non cần có sự linh hoạt.
“Hiện, ở một số trường mầm non tại địa phương, các giáo viên phải có mặt ở trường lúc 6 giờ sáng. Những giáo viên này đến trường sớm, phục vụ việc đón trẻ. Điều này thường diễn ra ở khu vực II và III - nơi người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đi ra đồng, ra bãi từ sớm nên cần cho trẻ tới lớp sớm hơn.
Giáo viên mầm non đến trường sớm, đi về muộn nên số giờ làm/ngày thường vượt quá mức quy định. Song, việc trả lương làm ngoài giờ cho giáo viên lại khó thực hiện. Do vậy, trong đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) tới đây, hi vọng sẽ có thêm quy định về chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non làm ngoài giờ”, cô Huệ nói.
Cũng theo cô Huệ, với thu nhập và phụ cấp hiện tại thì đời sống của giáo viên mầm non nhìn chung vẫn thấp. Nhất là với giáo viên sinh sống ở khu vực I, mức sống xã hội yêu cầu cao hơn, trong khi thu nhập của các cô khó trang trải đủ chi phí.
“Nhu cầu sống của mỗi người, mỗi vùng không giống nhau, nhưng vấn đề ở đây là giáo viên mầm non có cường độ làm việc lớn, yêu cầu đặc thù của nghề nghiệp rất vất vả nhưng tổng thu nhập (nhất là với giáo viên trẻ) thấp”, cô Huệ chia sẻ thêm.
Mong chính sách tăng phụ cấp sớm thành hiện thực
Cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên mầm non luôn là trăn trở của cán bộ làm công tác quản lý giáo dục.
Do vậy, trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70% hoặc tương đương phụ cấp của cán bộ y tế cấp cơ sở, cô Huệ bày tỏ niềm vui và mong muốn chính sách này sớm được ban hành để phần nào tăng thu nhập, cải thiện một phần đời sống cho giáo viên mầm non.
“Giáo viên mầm non luôn phải để mắt, đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ. Đến giờ tan học, nếu phụ huynh chưa kịp đón thì giáo viên vẫn ở lại làm việc, trông và đảm bảo an toàn cho các con. Trong công việc nhiều vất vả ấy, có những giáo viên rất tâm huyết, yêu trẻ và đạt thành tích ấn tượng, có đóng góp cho trường, cho ngành giáo dục địa phương”, cô Huệ chia sẻ.
Qua chia sẻ, lắng nghe tâm tư của giáo viên, thực tế cũng có người hoàn cảnh đời sống còn khó khăn. Đặc thù nghề nghiệp khiến giáo viên ít có thời gian chăm lo cho gia đình, việc nhà cũng bị ảnh hưởng.
Nhưng nhờ sự quan tâm kịp thời, sự động viên của các cấp, các ngành nên các thầy, cô luôn nỗ lực vượt qua khó khăn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Huệ,Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai trao giải cho các giáo viên đạt giải tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Báo Gia Lai). |
Cô Huệ cũng thông tin thêm: Hiện tại, thiếu giáo viên là vấn đề mà ngành giáo dục tỉnh Gia Lai rất quan tâm, nhất là giáo viên mầm non. Nguyên nhân của tình trạng này là do không có nguồn tuyển dụng, nhất là khu vực vùng III có nhiều điểm trường lẻ, định mức vẫn là 1 giáo viên/lớp.
Liên quan đến kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%, Cô Huệ nêu ra một số ý kiến:
Thứ nhất, tất cả giáo viên mầm non ở tỉnh Gia Lai nói riêng và giáo viên mầm non cả nước nói chung đều mong muốn được tăng phụ cấp.
Giáo viên mầm non ở vùng nào thì cũng đều phải thực hiện mục tiêu chương trình giáo dục mầm non, cũng như các văn bản hướng dẫn, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như đã phân tích, điều kiện sống ở mỗi vùng miền không giống nhau, mỗi nơi sẽ có những thuận lợi và khó khăn riêng. Do vậy, khi tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non thì phải tăng đều, không phân biệt khu vực, vùng miền.
Thứ hai, xem xét có chế độ chính sách cho giáo viên mầm non dạy thêm giờ.
Hiện nay, thời gian làm việc của giáo viên mầm non thường xuyên vượt quá số giờ quy định. Tuy nhiên, cách tính tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên mầm non chưa thực sự tương xứng với tính chất, đặc thù, khối lượng công việc.
Thứ ba, có thêm tiêu chí tăng lương cho giáo viên thay vì chỉ dựa vào thâm niên.
Thực tế, mức lương khởi điểm của giáo viên mầm non thấp. Lộ trình tăng lương cũng dựa vào thâm niên. Vì vậy, rất khó để những giáo viên trẻ, mới ra trường sẵn sàng lựa chọn nghề. Hoặc rất khó để họ gắn bó lâu dài với công việc bởi đời sống vật chất chưa được đảm bảo.
Có thêm các tiêu chí khác nữa trong lộ trình tăng lương là để tạo động lực phấn đấu cho giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70% của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được nhiều ý kiến đồng tình và kỳ vọng sớm ban hành. Chính sách này nếu được thực hiện không chỉ cải thiện đời sống giáo viên, giữ giáo viên ở lại với nghề mà còn góp phần giải quyết bài toán thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển ở nhiều địa phương hiện nay.