Phổ cập GDMN cho trẻ 3-4 tuổi giúp giảm gánh nặng kinh tế với phụ huynh vùng khó

25/11/2022 06:40
Trà My
GDVN- Nhiều ý kiến mong đề án phổ cập GDMN cho trẻ 3-4 tuổi sớm được triển khai để các em được hưởng những quyền lợi giáo dục tốt nhất.

Với mục tiêu chung là nâng cao tỷ lệ, bảo đảm hầu hết trẻ từ 3-5 tuổi ở mọi vùng, miền đều được đến lớp để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu với Thủ tướng Chính phủ để ban hành Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030”.

Mặc dù vẫn tồn tại một số khó khăn, nhưng nhiều chuyên gia, lãnh đạo các phòng giáo dục, phụ huynh đều bày tỏ mong muốn đề án sớm được triển khai bởi nhiều lợi ích mang lại.

Chia sẻ ý kiến về đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Quốc Trọng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết:

“Từ hiệu quả của những năm triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của huyện Tuy Đức, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía người dân trên địa bàn.

Các em học sinh Trường Mầm non Hoa Pơ Lang, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông trong hội thi trang trí lớp học (Nguồn: Trường Mầm non Hoa Pơ Lang).

Các em học sinh Trường Mầm non Hoa Pơ Lang, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông trong hội thi trang trí lớp học (Nguồn: Trường Mầm non Hoa Pơ Lang).

Hầu hết người dân trên địa bàn huyện Tuy Đức đều làm nông nghiệp, do đó, khi việc phổ cập giáo dục cho trẻ 3 - 4 tuổi diễn ra, nhà trường sẽ thực hiện công tác bán trú, nhờ đó mà phụ huynh có thêm thời gian để làm công việc của mình nhiều hơn, giúp cải thiện kinh tế gia đình cũng như thuận tiện đưa đón con".

Hơn nữa, theo ông Trọng, khi thực hiện công tác bán trú theo chương trình phổ cập giáo dục này thì phụ huynh cũng chỉ cần đóng tiền ăn trưa khoảng hơn 20.000 đồng/ngày tùy theo số lượng học sinh mỗi trường, chứ không phải đóng chi phí học tập nên cũng giảm bớt được phần nào gánh nặng, nỗi lo về kinh tế.

Mặt khác, gần như số trẻ mẫu giáo trên địa bàn đều là đồng bào dân tộc thiểu số nên các em thường e ngại, rụt rè, vậy nên, việc phổ cập giáo dục sẽ giúp các em được tăng thêm sự mạnh dạn từ các hoạt động vui chơi, tổ chức tập thể,... của nhà trường

Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy Đức, vấn đề khó khăn nhất trong công tác phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi là toàn huyện đang thiếu 28 giáo viên cấp mầm non theo quy định tại Điều 3, Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Nội vụ về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Do đó, ông Trọng cũng mong ngành giáo dục quan tâm, bổ sung nguồn nhân lực để đảm bảo công tác phổ cập này khi diễn ra sẽ hạn chế được tối đa khó khăn, mang lại chất lượng giáo dục tốt nhất cho các em học sinh.

Đồng tình với quan điểm trên khi phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi, ông Đoàn Văn Kham, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nêu quan điểm:

"Theo tôi, nếu triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi thì trong thời điểm và điều kiện hiện tại, chúng ta có thể thực hiện khá tốt. So với trước kia, khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, lúc đó điều kiện còn khó khăn hơn nhiều nhưng chúng ta vẫn hoàn thành được.

Mặc dù Sốp Cộp là một huyện biên giới nghèo của tỉnh Sơn La, có 8/8 xã thuộc vùng khó khăn, miền núi, nhưng những năm qua, huyện luôn chú trọng triển khai các chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn.

Hiện các trường mầm non trên địa bàn huyện Sốp Cộp cơ bản đã đáp ứng được những điều kiện để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi cùng tỉ lệ huy động trẻ đến lớp gần như tuyệt đối, đạt 99,5%.

Ngoài ngân sách hàng năm, phía Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp đã và đang liên hệ với các đơn vị từ thiện để từng bước cải thiện cơ sở vật vật chất, dự định đến năm 2023 sẽ xóa được hết các phòng học tạm, phòng học mượn tại các điểm trường".

Bên cạnh đó, ông Kham cho rằng, cần đảm bảo được các tiêu chí để triển khai phổ cập. Nhà nước sẽ quan tâm hơn trong việc bố trí ngân sách xây dựng, phát triển những trường đang còn thiếu thốn về đồ dùng học tập, cơ sở vật chất, các công trình phụ như bếp ăn, nhà vệ sinh, sân chơi,... cho trẻ.

Do đó, các em học sinh sẽ không còn phải chịu cảnh mưa, gió rét trong các phòng học tạm như trước kia. Trong quá trình học tập sẽ được mở rộng tầm hiểu biết, tăng cường học tiếng Việt để phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục, phụ huynh cũng yên tâm nhiều hơn khi gửi các con đến trường.

Để đề án này được diễn ra thuận lợi, ông Kham mong muốn, Nhà nước cần quan tâm đến việc đầu tư giao thông đi lại giữa các điểm trường ở vùng cao để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Hiện nhiều trẻ trên địa bàn huyện Sốp Cộp thường tự đi bộ đến trường do bố mẹ đi làm xa, ông bà thì không có sức khỏe, vào những mùa mưa lũ, đường trơn trượt, sạt lở rất nguy hiểm. Một số thầy cô vì lo lắng cho học trò nên chủ động đưa đón học sinh đi học, cả thầy cả trò đều rất vất vả.

Ngoài ra, cần có thêm các chi phí hỗ trợ như: đường kết nối mạng Internet, chi phí mua phần mềm học Toán, học tiếng Anh cho trẻ để các em được hưởng những chương trình giáo dục tốt nhất có thể.

Cũng bàn về vấn đề trên, chuyên gia giáo dục mầm non, Thạc sĩ Lê Bích Hồng bày tỏ sự vui mừng và mong muốn đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi sớm được triển khai.

“Không chỉ riêng những gia đình có kinh tế khó khăn, ngày nay vẫn còn một số phụ huynh dù nhà có điều kiện cũng quan điểm rằng: trường mẫu giáo cho các con nhỏ chỉ đơn giản là để trông trẻ, nên họ có thể nhờ ông bà, họ hàng hoặc thậm chí là hàng xóm để chăm sóc mà không đưa con đến lớp.

Vậy nên, theo tôi, phụ huynh cần phải hiểu: trẻ cần được giáo dục ở môi trường học đường khi đến đúng độ tuổi. Khi đến trường học, trẻ có cơ hội được tương tác xã hội, được tham gia nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm, được định hướng để có những kỹ năng, ứng xử phù hợp”.

Cũng theo Thạc sĩ Lê Bích Hồng, để việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi được diễn ra thuận lợi thì các trường mầm non nên cập nhật mô hình giáo dục STEAM, phương pháp ứng dụng giáo dục tương tác đa chiều.

Điểm nổi bật của phương pháp STEAM là kết nối, liên hệ thông tin giữa các lĩnh vực trên với thực tế, cho trẻ được trải nghiệm, thực hành ngoài đời sống chứ không chỉ học lý thuyết suông. Mang lại sự hứng khởi trong học tập nhưng vẫn đảm bảo trẻ nắm bắt kiến thức, đồng thời kích thích sự tìm tòi khám phá của trẻ.

Trà My