Áp lực hồ sơ sổ sách vẫn bủa vây giáo viên, ám ảnh giáo án theo CV 5512

27/11/2022 06:41
NGUYỄN NGUYÊN
GDVN- Hàng chục năm qua, giáo viên dưới cơ sở đã lên tiếng, phản ánh nhưng càng đổi mới giáo dục thì càng nhiều hồ sơ sổ sách hơn- đó là một thực tế đang hiện hữu.

Mặc dù những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần ra văn bản chấn tỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ sổ sách ở các nhà trường, mới đây nhất là ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT- điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đã hướng dẫn các loại hồ sơ đối với giáo viên nhưng thực tế còn nhiều vấn đề khiến giáo viên vất vả.

Các cấp quản lý giáo dục vẫn quy định rất nặng về các loại hồ sơ sổ sách nên các trường học luôn yêu cầu giáo viên trong trường, đặc biệt là những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn làm không biết bao nhiêu các loại kế hoạch khác nhau theo quy định.

Khi đổi mới giáo dục, điều mà giáo viên luôn mong muốn những áp lực hồ sơ sổ sách không cần thiết sẽ được các cấp quản lý, nhà trường giảm tải để họ không phải đau đầu, lo nghĩ khi phải thực hiện quá nhiều các loại kế hoạch giáo dục.

Nhiều loại kế hoạch, Ban giám hiệu nhà trường duyệt xong rồi lưu nhằm một mục đích duy nhất là khi thanh tra của phòng, của sở về thì các tổ chuyên môn, giáo viên không bị động, không bị quở trách. Nhưng, gánh nặng hồ sơ sổ sách đang khiến cho giáo viên dưới cơ sở mất rất nhiều thời gian, công sức và nhiều loại kế hoạch chẳng có tác dụng gì.

Gánh nặng hồ sơ số sách vẫn luôn ám ảnh giáo viên dưới cơ sở (Ảnh minh họa)

Gánh nặng hồ sơ số sách vẫn luôn ám ảnh giáo viên dưới cơ sở

(Ảnh minh họa)

Hồ sơ sổ sách của giáo viên mỗi trường mỗi kiểu

Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/6/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chuyên môn có 2 loại hồ sơ như sau: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học); Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

Đối với giáo viên có 4 loại hồ sơ, đó là: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Nhìn qua hướng dẫn này, chúng ta thấy hồ sơ của giáo viên hiện nay khá đơn giản, giáo viên có 4 loại, giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn có thêm 2 loại nữa là 6 loại thì đâu có gì là nhiều.

Tuy nhiên, để thực hiện được các loại kế hoạch này, giáo viên cũng mướt mồ hôi mới xong, thậm chí có những loại kế hoạch nếu tự làm thì tuần nào cũng phải đầu tư nhiều ngày mới xong được.

Chẳng hạn như đối với những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn sẽ phải thực hiện Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học) và trong kế hoạch này có rất nhiều kế hoạch nhỏ đi kèm theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2020.

Người xây dựng kế hoạch này phải liệt kê ra các thiết bị dạy học đối với các bài học của cả tổ chuyên môn của mình. Đặc biệt, phải xây dựng phân phối chương trình cho tổ chuyên môn, trong phân phối chương trình phải liệt kê bài học, số tiết, yêu cầu cần đạt của bài học.

Trong khi, các tổ chuyên môn hiện nay đa phần là tổ ghép. Có lẽ, trường học hiện nay ngoài tổ Toán, tổ Ngoại ngữ ra thì tổ nào cũng phải ghép vài ba môn học khác nhau.

Như tổ Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở đang được ghép với môn Công nghệ 6; Nội dung giáo dục địa phương. Tổ Khoa học tự nhiên được ghép giữa 3 môn chính là Lý; Hóa; Sinh; Công nghệ 7 (nông nghiệp); Công nghệ 8, 9 (công nghiệp).

Tổ Sử- Địa- Giáo dục công dân được ghép với các phân môn của Nội dung giáo dục địa phương.

Bên cạnh đó, các tổ trưởng chuyên môn phải liệt kê số bài kiểm tra định kỳ, phải dự kiến các hoạt động của tổ chuyên môn trong năm và cái nào cũng phải đưa ra chỉ tiêu và giải pháp thực hiện rất dài dòng.

Vì thế, nhiều tổ chuyên môn có đến 7-8 trăm tiết học/ năm và tất nhiên là tổ trưởng chuyên môn phải liệt kê bài học, tiết học và tất cả các yêu cầu cần đạt vào Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học).

Cũng từ phân phối chương trình này, nhà trường còn yêu cầu tổ trưởng chuyên môn làm Khung phân phối chương trình (cho nhà trường lưu); kế hoạch giáo dục cho giáo viên thêm, bớt vài cột nên họ lại phải chỉnh sửa, thay đổi.

Làm xong, cấp trên lại gửi kế hoạch tích hợp quốc phòng xuống, các tổ trưởng chuyên môn lại phải chèn thêm cột và tích hợp những bài có tích hợp nội dung này vào. Vì thế, chỉ riêng phân phối chương trình đã được các cấp “chế” thành 4-5 loại “kế hoạch nhỏ” khác nhau. Chính vì thế, có những tổ trưởng chuyên môn phải in kế hoạch tổ của mình lên đến 150 trang A4.

Đó chỉ là 1 kế hoạch mà giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn dưới cơ sở phải thực hiện, mà trong một năm học thì có vô vàn các loại kế hoạch khác nhau.

Nào là kế hoạch phụ đạo; kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi; kế hoạch ngoại khóa; kế hoạch chuyên đề; kế hoạch triển khai chuyên đề; kế hoạch giáo dục Nội dung giáo dục địa phương; kế hoạch sử dụng, kiểm tra đồ dùng dạy học; kế hoạch sinh hoạt tổ chuyên môn; kế hoạch tháng; cùng hàng chục loại báo cáo khác nhau…

Rồi kiểm tra chuyên đề; kiểm tra nội bộ; lên lịch, dự giờ giáo viên trong trường; dự thao giảng hội đồng bộ môn và tất nhiên là phải lưu giữ cẩn thận các loại hồ sơ, sổ sách để khi có đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên môn của cấp phòng, cấp sở để trình.

Ám ảnh giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH

Việc soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH có thể nói là câu chuyện truyền kỳ nhiều tập và ám ảnh với nhiều giáo viên bởi nó dài dòng, lê thê như bước vào ma trận chữ vậy.

Mỗi tiết học, giáo viên phải liệt kê mục tiêu; thiết bị dạy học và học liệu; tiến trình dạy học của mỗi hoạt động phải liệt kê ra mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện nên có giáo viên soạn đến hàng chục trang A4 cho mỗi tiết học.

Một tổ trưởng chuyên môn cấp trung học cơ sở chia sẻ với chúng tôi rằng trong tổ của thầy có giáo viên nộp giáo án bài 1- môn Ngữ văn 7 có 12 tiết dạy nhưng số trang giáo án là 189 trang A4. Trong khi, môn Ngữ văn 7 có 140 tiết/ năm và giáo viên này được phân công giảng dạy 2 khối lớp (các khối 6 và 8 cũng 140 tiết/ năm).

Trước áp lực của giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, nhiều giáo viên không thể soạn được, hoặc không có thời gian để soạn, họ mua hoặc lên mạng tải về chỉnh sửa số tiết theo phân phối chương trình của trường mình rồi khi tổ chuyên môn có kế hoạch duyệt thì in, hoặc gửi qua email, zalo cho tổ trưởng chuyên môn.

Vì thế, tổ trưởng này chỉ ngồi lật trang nhìn số tiết và các hoạt động giáo dục cũng đã đuối, chứ làm sao mà ngồi đọc nội dung giáo án. Bởi, tổ chuyên môn có hơn chục giáo viên dạy Ngữ văn, người dạy ít nhất là 2 khối lớp (8-9 tiết) thì làm sao mà đọc hết được.

Những thầy cô giáo chủ nhiệm thì thêm các loại sổ thu tiền (nhiều loại) và tất nhiên là có thêm nhiều kế hoạch, nhiều báo cáo hàng tuần cho Ban giám hiệu, cho Đoàn- Đội, bộ phận ngoài giờ.

2 năm nay, chỉ riêng việc báo cáo danh sách tiêm, chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cũng khiến nhiều thầy cô mệt mỏi vì họ phải báo cáo không biết bao nhiêu lần. Báo cáo tên học sinh, cha mẹ học sinh, nơi ở, tiêm mũi nào, thời gian nào, loại thuốc gì…và mỗi lần báo cáo mỗi mẫu khác nhau.

Giáo viên họ rất mệt mỏi vì những loại hồ sơ sổ sách vô bổ, hết cái này đến cái khác, nhiều loại báo cáo vừa thông báo xong là yêu cầu nộp ngay trong buổi đó khiến cho giáo viên nhiều khi phải tất bật mới hoàn thành.

Bao giờ giảm tải hồ sơ sổ sách cho giáo viên? Bao giờ giáo viên thôi ám ảnh về hồ sơ sổ sách để họ yên tâm đầu tư cho công việc giảng dạy? Hàng chục năm qua, giáo viên dưới cơ sở đã lên tiếng, đã phản ánh nhưng càng đổi mới giáo dục thì càng nhiều hồ sơ sổ sách hơn- đó là một sự thật đang diễn ra ở các nhà trường phổ thông!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN