Quy định các loại hồ sơ, sổ sách mà giáo viên phải thực hiện trong năm học mới

29/07/2022 06:40
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cuối mỗi năm học, giáo viên phải thực hiện đánh giá phân loại viên chức theo Nghị định 90 và đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo Thông tư 20.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa sẽ chính thức bước vào năm học mới, năm học 2022-2023.

Trong bài viết dưới đây, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, người viết xin được cung cấp về danh mục hồ sơ sổ sách mà giáo viên các cấp phải thực hiện trong năm học mới.

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Các loại hồ sơ giáo viên mầm non, phổ thông theo Điều lệ trường học

Giáo viên các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông phải thực hiện hồ sơ theo quy định tại Điều lệ trường học.

Cụ thể, đối với giáo viên mầm non thực hiện theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường mầm non.

Tại khoản 3 Điều 21 quy định 3 loại hồ sơ mà giáo viên mầm non phải thực hiện gồm:

“a) Kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo;

b) Sổ theo dõi trẻ em;

c) Sổ theo dõi tài sản, thiết bị, đồ chơi của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.”

Tại khoản 2 Điều 21 quy định hồ sơ đối với Đối với tổ chuyên môn, tổ văn phòng gồm:

“a) Kế hoạch hoạt động

b) Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn của tổ.”

Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Điều lệ Trường tiểu học (kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT) tổ chuyên môn, giáo viên tiểu học phải thực hiện các loại hồ sơ sau đây:

2. Đối với giáo viên

a) Kế hoạch bài dạy.

b) Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh.

c) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm).

d) Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).

3. Đối với tổ chuyên môn, tổ văn phòng: Sổ ghi chép nội dung các hoạt động của tổ.

Khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường phổ thông quy định hồ sơ của giáo viên, tổ chuyên môn trường trung học cơ sở, trung học phổ thông gồm:

“2. Đối với tổ chuyên môn:

a) Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học).

b) Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

3. Đối với giáo viên:

a) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).

b) Kế hoạch bài dạy (giáo án).

c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).”

Quy định về hồ sơ gốc và bổ sung hàng năm của giáo viên

Thông tư 07/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ viên chức.

Giáo viên mới tuyển dụng lần đầu phải thực hiện bộ hồ sơ gốc quy định ở khoản 1 Điều 10 Thông tư 07/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ như sau:

Hồ sơ gốc bao gồm các thành phần sau đây (trích lược):

“a) Quyển “Lý lịch viên chức” theo mẫu HS01-VC/BNV ban hành kèm theo Thông tư này. Quyển “Lý lịch viên chức” do viên chức tự kê khai và được đơn vị sử dụng viên chức kiểm tra, xác minh và xác nhận;

b) "Sơ yếu lý lịch viên chức" theo mẫu HS02-VC/BNV ban hành kèm theo Thông tư này. Sơ yếu lý lịch viên chức được đơn vị sử dụng viên chức kiểm tra, xác minh và xác nhận;

c) Bản sao giấy khai sinh có công chứng của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

d) Phiếu lý lịch tư pháp của cơ quan có thẩm quyền cấp;

đ) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên cấp còn giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật;

e) Bản sao có công chứng các loại giấy tờ có liên quan đến trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức như: bảng điểm, văn bằng, chứng chỉ về trình độ đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng nghiệp vụ do cơ quan có thẩm quyền cấp…;

g) Bản sao các quyết định tuyển dụng hoặc xét tuyển, tiếp nhận viên chức có công chứng của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”

Giáo viên đang công tác hàng năm phải thực hiện cập nhật, bổ sung các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 07/2019/TT-BNV gồm:

“Ngoài hồ sơ gốc quy định tại Khoản 1 Điều này, thành phần hồ sơ khác của viên chức đang công tác, bao gồm:

a) "Phiếu bổ sung lý lịch viên chức" theo mẫu HS03-VC/BNV ban hành kèm theo. "Phiếu bổ sung lý lịch viên chức" phải được đơn vị sử dụng viên chức kiểm tra, xác minh và xác nhận;

b) Bản sao các quyết định về việc xét chuyển, bổ nhiệm, biệt phái, điều động, luân chuyển, thăng hạng, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật của viên chức.

c) Bản tự kiểm điểm, tự nhận xét, đánh giá hàng năm của viên chức có xác nhận của đơn vị sử dụng viên chức; bản nhận xét, đánh giá, phân loại viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý viên chức (hàng năm, khi hết nhiệm kỳ, bầu cử hoặc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, khen thưởng, kỷ luật hoặc sau các đợt công tác, tổng kết học tập);

d) Bản kê khai tài sản, bản kê khai tài sản bổ sung đối với đối tượng viên chức bắt buộc kê khai tài sản theo quy định của pháp luật;

đ) Đơn, thư kèm theo các văn bản thẩm tra, xác minh, biên bản, kết luận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến viên chức và gia đình viên chức được phản ánh trong đơn, thư. Không lưu trong thành phần hồ sơ những đơn, thư nặc danh, hoặc đơn, thư chưa được xem xét, kết luận của cơ quan có thẩm quyền;

e) Văn bản khác có liên quan trực tiếp đến quá trình công tác và các quan hệ xã hội của viên chức;

g) Viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải bổ sung đầy đủ các tài liệu có liên quan đến việc bổ nhiệm vào hồ sơ viên chức.”

Hồ sơ đánh giá phân loại viên chức, đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên

Cuối mỗi năm học, giáo viên phải thực hiện đánh giá phân loại viên chức theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP và đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT.

Việc đánh giá, phân loại giáo viên theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP được thực hiện theo các bước: giáo viên tự đánh giá, xếp loại chất lượng; họp tổ chuyên môn để đánh giá giáo viên; cấp có thẩm quyền nhận xét, đánh giá và quyết định xếp loại giáo viên.

Giáo viên mỗi năm học được đánh giá thành 4 loại: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ.

Hồ sơ đánh giá phân loại giáo viên hàng năm được lưu trữ trong hồ sơ viên chức theo quy định của Bộ Nội vụ.

Đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên được thực hiện theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT theo các bước:

Giáo viên tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên;

Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lấy ý kiến của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên được đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên;

Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá giáo viên trên cơ sở kết quả tự đánh giá của giáo viên, ý kiến của đồng nghiệp và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của giáo viên thông qua minh chứng xác thực, phù hợp.

Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp thành các loại: đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt; khá; đạt và chưa đạt.

Trên đây là các loại hồ sơ, giấy tờ mà giáo viên phải thực hiện hàng năm trong quá trình công tác.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam