Trong những năm qua, chính sách đổi mới giáo dục đại học tại Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, chúng ta đã có những thay đổi tích cực về quản trị đại học theo hướng quản trị hiện đại thông qua việc sửa đổi Luật Giáo dục Đại học năm 2018 và thực hiện thí điểm tự chủ đại học kể từ năm 2014. Dẫu vậy, vẫn còn một số vấn đề bất cập về mô hình tổ chức, quản trị đại học cần sớm được tháo gỡ.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục Nguyễn Thiện Tống nói rằng, một trong những nhược điểm lớn nhất của tổ chức quản lý giáo dục đại học là sự phân tán trách nhiệm quản lý quá nhiều bộ và nhiều tỉnh thành chủ quản.
Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống chia sẻ, chúng ta hầu như không có các viện đại học đa lĩnh vực loại nghiên cứu. (Ảnh: NVCC) |
Các cơ sở giáo dục đại học còn thiếu quyền tự chủ
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, các trường đại học nói chung (bao gồm: đại học , học viện, trường đại học) cần có những sứ mạng rõ ràng và những chương trình đào tạo cần được thiết kế chu đáo. Tuy nhiên quan trọng nhất là cơ sở giáo dục đại học phải có đội ngũ giảng viên chất lượng cao, lực lượng sinh viên được chuẩn bị đầy đủ và tận tụy với việc học, và những nguồn lực đầy đủ.
Nhiều vấn đề nảy sinh của giáo dục đại học có nguồn gốc từ sự thiếu hụt nguồn lực và quyền tự chủ đại học.
Ngân sách cho giáo dục đại học ở Việt Nam chỉ có 0,27% GDP (số liệu năm 2020, Bộ Tài chính). Tỷ lệ ngân sách cho giáo dục đại học rất khó tăng một cách đáng kể vì như thế thì làm giảm ngân sách cho giáo dục tiểu học và trung học mà chúng cũng cần phải tăng.
Học phí là nguồn thu đáng kể cho giáo dục đại học. Phần lớn nguồn lực được chi cho tiền lương, thù lao giảng dạy, học bổng, hành chính quản lý… và còn rất ít để bảo trì cơ sở vật chất thiết bị thí nghiệm, thư viện, máy tính – những thành phần quan trọng cho việc nghiên cứu phát triển của trường đại học.
Ngoài việc thiếu hụt trầm trọng nguồn tài chính, các trường đại học còn thiếu quyền tự chủ để quyết định các vấn đề nhân sự, tài chính và học vụ.
Tổ chức quản lý giáo dục đại học của chúng ta còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Nhược điểm lớn nhất là sự phân tán trách nhiệm quản lý quá nhiều bộ và nhiều tỉnh thành chủ quản. Việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ ngành khác đã làm cho việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất.
Việc tách rời quản lý nhà nước về chuyên môn với quản lý nhân sự, tài chính đã làm giảm tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đối với toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân và làm cho bộ máy quản lý giáo dục trở nên cồng kềnh, nặng nề. Năng lực của các cơ quan quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới.
Nhược điểm lớn thứ 2 là sự tách rời giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu khoa học. Sự tách rời này làm cho các nhà khoa học ít được tham gia giảng dạy và giảng viên đại học bị hạn chế tham gia việc nghiên cứu khoa học, sinh viên cũng ít được tiếp cận những nhà khoa học giỏi. Điều đó làm cho trường đại chưa trở thành trung tâm chất lượng về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nhược điểm lớn thứ 3 là sự phân tán của quá nhiều học viện và trường đại học chuyên ngành riêng rẽ với nhiều chương trình đào tạo theo các tiểu chuyên ngành rất hẹp. Chính việc tổ chức quản lý các trường đại học có mục tiêu đào tạo nặng về kiến thức theo các chuyên ngành hẹp khiến sinh viên không được trang bị nền tảng vững chắc về giáo dục tổng quát cần thiết cho khả năng tự học suốt đời.
Công nhận sự phân hóa đa dạng các loại trường đại học
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thiện Tống cho biết, một hệ thống phân hóa đa dạng các loại trường đại học khác nhau theo đuổi những mục đích khác nhau và tiếp nhận những đối tượng sinh viên khác nhau là một hệ thống tốt nhất để phục vụ những mục tiêu quốc gia cũng như quyền lợi các cá nhân trong xã hội.
Hiểu biết và công nhận bản chất cùng tính hợp lý của sự phân hóa phân tầng các loại trường đại học và cao đẳng giúp bảo đảm sự thiết lập một hệ thống liên tục các loại trường đại học, không để những khoảng trống nhu cầu, và cũng không để những trùng lặp vượt quá nhu cầu về các loại kỹ năng của thị trường lao động.
Trên đỉnh kim tự tháp giáo dục là các (viện) đại học nghiên cứu mà khuynh hướng chung là đại học công và phi lợi nhuận. Mục tiêu của các (viện) đại học này là dẫn đầu hoạt động nghiên cứu ở mọi lĩnh vực và đào tạo tài năng chất lượng cao. Khối lượng giảng dạy ở đây tương đối nhẹ hơn khối lượng nghiên cứu. Số lượng người học đào tạo trên đại học thường bằng hay nhiều hơn số sinh viên đại học.
Ở vị trí trung tâm của hệ thống giáo dục đại học là các (viện) đại học giảng dạy có nhiệm vụ tập trung vào việc đào tạo và cung cấp cho xã hội những người có trình độ đại học với số lượng lớn và kỹ năng đáp ứng nhu cầu khu vực và địa phương. Đây là các (viện) đại học đa lĩnh vực và thường được phân bố theo điều kiện địa lý và dân số để phần lớn sinh viên có thể theo học mà không phải đi xa nhà.
Các trường đại học chuyên ngành như sư phạm, kỹ thuật, y dược, quản trị kinh doanh… có mục tiêu đào tạo những nhà chuyên môn theo những chương trình đào tạo tương đối hẹp, nặng về chuyên ngành và nhẹ về giáo dục tổng quát hơn là những chương trình tương tự trong các (viện) đại học đa lĩnh vực.
Ở phần dưới của kim tự tháp giáo dục đại học là các trường cao đẳng cộng đồng, các trường cao đẳng chuyên nghiệp và dạy nghề. Các trường cao đẳng cộng đồng có mục tiêu đào tạo đại chúng tương tự các (viện) đại học vùng hay (viện) đại học địa phương nhưng với trình độ tương đối thấp hơn.
Các trường cao đẳng chuyên nghiệp cũng có mục tiêu đào tạo chuyên sâu như các trường đại học chuyên ngành nhưng với trình độ thấp hơn. Các trường này chú trọng kỹ năng thực hành cần thiết cho những công việc cụ thể trong các lĩnh vực sửa chữa cơ khí, sửa chữa điện và điện tử, tin học, xây dựng, chế tạo cơ khí, kế toán, điều dưỡng…
Các trường cao đẳng cộng đồng và trường cao đẳng chuyên nghiệp thường có thêm những chương trình với thời gian ngắn hơn nhằm mục đích dạy nghề mà có thể xem như một loại chương trình trung học kỹ thuật.
Đại học mở, đại học hàm thụ, đại học ảo… với các loại chương trình đào tạo từ xa càng ngày càng trở nên quan trọng do khả năng cung cấp giáo dục đại học cho sinh viên vùng nông thôn xa xôi và cho người lớn.
Trong thế giới hiện đại, tầm quan trọng của giáo dục chuyên môn khoa học và kỹ thuật được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên giáo dục tổng quát (hay giáo dục khai phóng/giáo dục đại cương) cũng rất quan trọng trong việc giúp thực hiện các mục đích lâu dài về kinh tế xã hội của các nước đang phát triển, kể cả Việt Nam.
Một hệ thống giáo dục đại học cần đạt được những mục tiêu khác nhau, bao gồm: Thỏa mãn nhu cầu giáo dục đại học ngày càng tinh vi và đa dạng của sinh viên; Đào tạo những người điều hành và phát triển xã hội tương lai; Xây dựng một diễn đàn để xã hội có thể xem xét các vấn đề và tìm những lời giải thích hợp; Tạo một môi trường mà văn hóa và giá trị xã hội có thể nghiên cứu và phát triển.
Khi chuyên môn hóa càng ngày càng trở nên quan trọng thì giáo dục đại học cần đào tạo chuyên sâu một cách căn bản, nhưng đồng thời cũng phải cung cấp một nền tảng vững chắc về giáo dục tổng quát cần thiết cho việc học suốt đời và việc chuyên môn hóa về sau.
“Giáo dục đại học các nước đang phát triển cần bảo đảm việc cung cấp một nền tảng giáo dục tổng quát đủ sâu rộng để chuẩn bị cho lực lượng trí thức tiên tiến nhất một khả năng đáp ứng cao với môi trường làm việc thay đổi không ngừng trong tương lai. Với kiến thức gia tăng nhanh chóng chưa từng có, giáo dục đại học phải trang bị cho sinh viên khả năng thu thập, xử lý và sử dụng thông tin.
Mục tiêu giáo dục đại học như thế chuyển từ chủ yếu là đào tạo về kiến thức và kỹ năng sang chủ yếu là đào tạo về năng lực tự phát triển kiến thức. Sinh viên phải học không chỉ những kiến thức đã biết được hôm nay mà còn cách để cập nhật kiến thức tương lai. Người ta không chỉ học khi còn đi học mà học khi đi làm và học suốt đời trong xã hội học tập. Chương trình đào tạo phải được thiết kế theo mục tiêu giáo dục đại học là đào tạo năng lực tự học”, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống chia sẻ.
Cần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục đại học
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thiện Tống nhận định, hiện nay chúng ta hầu như không có các (viện) đại học đa lĩnh vực loại nghiên cứu, trong đó gồm cả các viện nghiên cứu và phần lớn sinh viên là trên đại học, để việc đào tạo bậc tiến sĩ phải ở trong các viện đại học loại nghiên cứu này. Mặt khác, Việt Nam thiếu các trường cao đẳng cộng đồng và cao đẳng chuyên nghiệp ở các tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu gia tăng sinh viên đại chúng mà không làm giảm chất lượng của các (viện) đại học tinh hoa.
Chúng ta thiếu các (viện) đại học đa lĩnh vực loại giảng dạy đại chúng mà chỉ có phần lớn là các trường đại học chuyên ngành riêng lẻ như sư phạm, y dược, khoa học, nông lâm, kỹ thuật, kinh tế, kiến trúc… Đây là các trường đại học mà giảng dạy là chủ yếu nhưng có mục tiêu đào tạo những nhà chuyên môn theo những chương trình đào tạo tương đối hẹp và có ít phần giáo dục tổng quát hơn khi so với các viện đại học đa lĩnh vực.
Thời gian tới, cần phải giao quyền chủ động hơn nữa cho các (viện) đại học đa lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phải thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục đại học và xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học. Khi đó các loại trường đại học chuyên ngành trực thuộc nhiều bộ chủ quản khác nhau như y dược, luật, ngân hàng, bưu chính viễn thông… sẽ trở thành các trường thành viên hay các khoa (college/faculty) của các (viện) đại học đa lĩnh vực (university) và chịu trách nhiệm trước công chúng, trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước nên không trực thuộc bộ chủ quản nào nữa.
Đồng thời, cần phân cấp quản lý nhà nước cho các tỉnh, thành địa phương đối với các trường cao đẳng cộng đồng, các trường cao đẳng chuyên nghiệp và các trường dạy nghề hậu trung học để các tỉnh thành có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục này phục vụ nhu cầu đào tạo đại chúng đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương.
Biện pháp cải tổ tổ chức quản lý như thế sẽ là giải pháp chiến lược cho giáo dục đại học, vừa giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học loại nghiên cứu và tinh hoa, vừa củng cố chất lượng giáo dục đại học loại đại chúng, vừa phát triển số lượng đào tạo loại cao đẳng cộng đồng, cao đẳng chuyên nghiệp và dạy nghề hậu trung học.